Thursday 31 July 2008

Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ?

Cũng suy nghĩ vấn đề này từ lâu lâu, giờ được kick off bởi trao đổi bên blog của Flight, tóm tắt lại ở đây cho đúng trọng tâm kẻo em Flight đã có dấu hiệu "tiễn khách" .

Woww (hỏi Flight): Chị nghĩ thế nào với quan niệm sống vì mọi người ?

Flight: Còn em? Em nghĩ sao? (Bà chị này trả lời khôn quá )

Woww: Em nghĩ đấy là quan niệm tốt .Vui sau niềm vui của thiên hạ . Lo trước nỗi lo của thiên hạ . Nhưng song song bên cạnh đó là phải hoàn thiện mình.

thienhadebetanhhung (xen vào ): "Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ" là phẩm chất của một nhà lãnh đạo cổ điển lý tưởng nhưng khó có thể tồn tại trong một XH hiện đại do các xung đột quyền lợi vô cùng phức tạp. Cho nên khi ai đó còn trong mình tư tưởng này mà ở vị trí làm được thì có lẽ việc quan trọng nhất nên làm là xây dựng một hệ thống thiết chế xã hội pháp trị minh bạch, công bằng, có khả năng tự điều chỉnh, thích ứng cao, để sau này sự phát triển của cả một dân tộc sẽ ko bị phụ thuộc vào việc có một bộ máy lãnh đạo tốt hay không . Rất vui khi nghe một người trẻ nói như em.

Flight: Em nghĩ em ý cần 1 sự giải thích nào đó đơn giản hơn. (Có vẻ không cần rồi)

Woww: Hi, rất vui và cảm ơn anh vì comment của anh. Em xin trả lời comment của anh. Theo em, ko nên mong chờ một xã hội pháp trị như thế. Thứ nhất là vì con người ngày càng thông minh. Con người lập ra một xã hội pháp trị như thế khắc sẽ tìm cách lách luật được pháp trị bằng hình thức phức tạp hơn để rồi lại có 1 chế độ pháp trị phức tạp hơn và lại tiếp tục lách luật rồi ... như thế . Thứ 2 là nếu có 1 xã hội pháp trị như thế thì con người sẽ vì e sợ luật pháp mà ko làm điều phạm pháp chứ chưa đã thúc đẩy mọi người giúp đỡ lẫn nhau theo như quan niệm "sống vì mọi người". Nếu mà em ở vị trí làm được thì việc em làm sẽ là đầu tư vào giáo dục. Nhân tri sơ tính bản thiện mà lại được trong môi trường giáo dục tốt nữa thì một con người chắc chắn sẽ tốt . (Giáo dục ở đây em sẽ đầu tư vào dạy kiến thức và yêu thương con người). Anh góp ý thêm cho em nhé.

thienhadebetanhhung: Thứ nhất, một XH pháp trị là một XH với một hệ thống pháp luật có tính chặt chẽ, nghiêm minh, công bằng, do đó giảm thiểu được khả năng lách luật, khả năng dung dưỡng các nhóm lợi ích bất bình đẳng. Anh nghĩ trong một XH pháp trị tốt, sẽ ít người tìm cách để lách luật do chi phí bỏ ra để "lách" cao, nguy cơ bị phát hiện lớn, mức độ hình phạt cao hơn rất nhiều so với lợi ích mà việc lách luật thành công mang lại.

Ví dụ thế này: Một cty chứng khoán nào đó chơi xấu để kiếm 100 triệu lợi nhuận, theo luật cty đó bị phạt 20 triệu, hoặc một cơ quan nào đó do điều hành kém nên để một cá nhân lừa đảo làm thiệt hại nhiều trăm triệu của Nhà nước nhưng người đứng đầu cơ quan chỉ xin "tự kiểm điểm nghiêm túc". Ở gần thành phố anh ở tại UK, có 1 bar do người bán hàng ko để ý để cho khách hút thuốc trong quán mà luật ko cho phép nên bị phạt £6,000 - để dễ hình dung thì học bổng 322 của Bộ giáo dục cho SV sang UK là £5,000-5,500/năm, lương của 1 Tiến sỹ làm công tác nghiên cứu vào khoảng £28,000/năm chưa trừ thuế. Như vậy tính pháp trị trong ví dụ 2 cao hơn ví dụ 1 rất nhiều, nó khiến người ta không tìm cách lách luật.

Anh vẫn đồng ý là luôn có người tìm cách lách luật, ở đâu cũng thế, nhưng một xã hội pháp trị tốt sẽ có *số đông* tuân thủ luật pháp. Và quan trọng là trong XH đó, khi tuân thủ luật pháp thì người ta sống được và sống thoải mái, được pháp luật bảo vệ.

Điểm hai của em liên quan đến một vấn đề lớn khác, đó là *chức năng của pháp luật*. Anh nghĩ rằng pháp luật có mấy chức năng chính: Trừng phạt, ngăn chặn và giáo dục, trong đó chức năng "trừng phạt" để "ngăn chặn" là chức năng khởi thủy và theo anh, *vẫn* là chức năng quan trọng nhất. Anh ko thấy có điều gì bất tiện khi "con người sẽ vì e sợ luật pháp mà ko làm điều phạm pháp" như em nói bởi vì điều đó ko hề ngăn cản việc "thúc đẩy mọi người giúp đỡ lẫn nhau" cả. Quan niệm "sống vì mọi người" đẹp - bản thân anh hết sức trân trọng những con người như thế và trong chừng mực nào đó cũng cố gắng giúp đỡ người khác khi có thể, nhưng đó sẽ không và không bao giờ là một phẩm chất của *số đông* trong XH được do bản chất của con người (human being) là ích kỷ, ngoài ra trong nhiều trường hợp, việc vì một nhóm người này sẽ mâu thuẫn với quyền lợi của nhóm người khác nên với tư cách là người ở vị trí quyết định, em sẽ rất khó quyết định. Chính do các xung đột quyền lợi phức tạp trong XH nên một hệ thống pháp luật tốt sẽ đạt được sự cân bằng chấp nhận được để dung hòa các mâu thuẫn và là cơ sở để ổn định XH ở tầm vĩ mô.

Một điểm khác, giả sử em là LĐ, em có quyền "sống vì mọi người" nhưng ko thể bắt những người khác cũng "sống vì mọi người" được. Có câu "nhân chi sơ tính bản thiện" nhưng cũng có câu "nhân chi sơ tính bản ác" nữa - do các ông Tuân Tử Mặc Tử gì đó cãi nhau, ông nào cũng có lý. Cho nên ko có gì đảm bảo các thế hệ kế tiếp em làm theo điều em đã làm suốt cuộc đời cả, vì các lý do anh phân tích ở trên kia.

Cuối cùng, một XH văn minh phải được đảm bảo bởi một cái gì đó có tính bền vững cao hơn phẩm chất của một cá nhân và lâu dài hơn cuộc sống của một con người. Anh nghĩ cái gì đó nhất định phải là pháp luật.

===

Mời mọi người thảo luận .

30-07-08, giả vờ thôi.

Ừa, thế thôi.

Monday 28 July 2008

Tôi yêu Việt Nam

Đó là một mùa hè nóng nực của năm 1996, tại KTX trường Chuyên Hùng Vương, điện nước rất phập phù.

Nửa chiều, lớp nhận được nhiệm vụ đi cọ bể nước sinh hoạt KTX để đến chập tối còn có nước bơm về. Cái bể to, là nơi mấy trăm SV nam tắm giặt hàng ngày. Khi bể gần cạn, mình xoay trần ra, vác theo một bàn chải và một ca nhựa to nhảy vào trong để cọ kỹ thành và đáy bể. Bên trong bẩn và hôi rình tưởng phát nôn, cuối cùng hì hụi cũng làm xong nhưng tự thấy kinh cho cái bản thân. Bên ngoài còn mỗi An trố.

Chưa kịp tắm (và cũng chẳng còn nước để tắm), lớp lại được nịêm vụ đi xới cỏ ở sân vận động, hai thằng lúc cúc đi, bảo nhau làm xong quay về họ bơm nước là vừa. Tin thế nên làm rất hăng, bụi đất bám đầy, dấp dính với lớp mồ hôi kiêm nước đọng ở đáy bể, chỉ mong mau mau về được tắm.

Chập tối, lao động xong về vác xô ra bể thì ôi thôi, hôm nay nhà máy bơm ít nước nên bọn các lớp ko phải lao động và những đứa nhanh chân tắm hết mất rồi, chỉ còn đủ cho An trố và mình rửa qua chân tay rồi về đi ăn cơm kẻo hết giờ mở cửa nhà bếp.

Xong về, An trố bảo sẽ qua nhà bác tắm nhờ - ko thì ko sao chịu nổi. Hai thằng lóc cóc đèo nhau xe đạp, xách theo xô đựng quần áo bẩn, mà mấy cái dốc chỗ bệnh viện mới sao mà lúc đó cao thế, mệt phờ cả người. Bác An trố ko có nhà! Ko biết bác đi đâu nhưng tóm lại là ko có chỗ tắm, bẩn thỉu và mệt mỏi, lại cũng bắt đầu hơi muộn rồi.

Hai thằng thất vọng lắm nhưng đành đi về. Trên đường đi An trố bảo lên chỗ bể nước khi giáo viên tắm nhờ vì chỗ đó lúc nào cũng có nước. Lên đó, mừng đến nỗi hai mắt sáng như hai đèn pha: Cái bể rộng, có mái che tử tế nên nước nhìn trong veo, mát cả lòng, lại đang có 2, 3 đứa khác đang tắm gội ồn ào nữa. Mừng quýnh, hớn hở nhảy vào, dội được xô nước đầu tiên lên người mà sướng thấu cả ruột gan, còn hơn nước cam lộ của Quan thế âm Bồ Tát. Nhưng chưa kịp dội đến xô thứ hai đã nghe thấy tiếng quát tháo ầm ĩ. Hóa ra là thầy hiệu phó nhà trường. Thầy từ nhà ra quát mắng mấy thằng ranh té tát và đuổi cổ cả bọn vì đó là khu bể nước cho giáo viên. Có đứa lên tiếng thanh minh nhưng bị thầy mắng át đi, tống cổ một loạt.

Vừa ức, vừa buồn, mình và An trố đành về phòng. Mấy thằng trong phòng đều trang thủ tắm hết rồi, khi An trố và mình còn cố nốt chỗ cỏ dưới sân. Hai thằng bảo nhau đã thế thì ko thèm tắm nữa, chỉ cần thay quần áo rồi đợi sáng sớm hôm sau dậy sớm tắm bù (trường bơm nước cho bể học sinh buổi sáng và chiều tối). Nhưng khổ nỗi trên người dính bùn bẩn đáy bể, hôi ko chịu nổi, lại dính mồ hôi và bụi đất khi làm cỏ, lại lỡ dội lên người một xô nước rồi nên nó cứ nhớp nhúa, dinh dính, ko sao chịu nổi.

Hai thằng cầm cự được một lát thì đầu hàng, liền bảo nhau xách xô đi lên khu nhà dân tắm nhờ. Khổ nỗi lúc đó đã gần 10h đêm mà dân thì hay đóng cửa ngủ sớm. Hai thằng lếch thếch hai cái xô chứa quần áo bẩn đi lên đi xuống, hỏi xin một hai nhà còn mở cửa nhưng đều ko được vì nước đang hiếm lắm nên lại lủi thủi quay về. Lúc đó nghĩ lại càng cú thầy hiệu phó, ko hiểu sao thầy lại ko có chút lương tâm nào với học sinh như vậy.

An trố chấp nhận thương đau rồi nên lôi sách ra đọc, còn mình ngứa ngáy ko thể ngồi yên - cái nước đáy bể đen nhờ nhờ ấy kinh khủng lắm. Gần 11h, rủ An trố đi chuyến cầu may nữa lên khu nhà dân nhưng An trố ko đi vì ko có hy vọng gì. Đành đi một mình. Vòng xuống sân vận động rồi len qua lối đi ở góc tường ngăn giữa trường và khu dân ở. Lên ngang dốc thấy một mãi nhà thấp và tối om vì chỉ có ngọn đèn công suất thấp ở trong nhà, có một cụ già ngồi ngoài hè làm gì đó, tiến lên xin tắm nhờ, cũng cầu may thôi. Bà cụ gật đầu đồng ý, đơn giản và nhẹ nhàng!!! Mừng như phát điên và hơi sửng sốt vì dễ dàng như thế. Bà cụ chỉ cái giếng bảo qua mà tắm, lại chỉ bánh xà phòng ở trên vỉa hè bảo dùng làm mình vừa cảm động vừa ngạc nhiên. Sở dĩ ko mang theo xà phòng vì ko hy vọng tắm được mà chỉ mong xin được 1 xô nước về lau người thôi. Bà cụ quay vào nhà rồi lọc cọc đi ra, gọi và đưa cho lọ dầu gội đầu bảo dùng thoải mái, đừng ngại. Ngạc nhiên và xúc động ko nói nên lời, tự hỏi tại sao người có hành động đáng quý đó lại ko phải thầy hiệu phó của mình.

Tắm xong rồi, ngọng nghịu lời cám ơn bà cụ vì ko làm sao diễn đạt hết sự biết ơn đó, tự nhủ nhất định phải tìm dịp nào đó làm gì đó cám ơn bà cụ ấy. Hớn hở đi về, ko quên xách về một xô nước đầy tràn cho An trố. Lúc An trố sung sướng xách xô nước ra đầu hồi để tự xử, đã hơn 12h đêm.

Những bà cụ như vậy khiến cho đất nước Việt Nam đáng yêu hơn rất nhiều. Tôi yêu Việt Nam vì có những con người như thế.

Nhân tiện, một hai hôm sau đi lên khu dân cư để "định vị" ngôi nhà bà cụ ấy bởi đêm hôm trước tối quá, lại muộn quá, và mệt mỏi nữa nên ko nhớ nổi đó là ngôi nhà nào, chỉ biết nó nằm bên tay phải đường. Thật lạ là ko sao tìm ra ngôi nhà và bà cụ ấy. Vẫn nhớ rằng đó là một ngôi nhà cấp 4, thấp, cái giếng nằm ở trước sân nhà, nền trát xi măng, phía ngoài có một giàn đỗ hay hoa thiên lý gì đó, vậy mà ko sao tìm được mới lạ. Trong suốt thời gian còn lại của tuổi học trò và cả những lần về Việt Trì sau này nữa, vẫn luôn luôn để ý tìm xem ngôi nhà đó là nhà nào, bà cụ đó là bà cụ nào mà vẫn ko ra một chút dấu vết.

Ko hiểu tại sao lại như vậy. Đôi khi tự hỏi, hay bà cụ đó là tiên?

Tuesday 22 July 2008

Tăng giá xăng chỉ là tin đồn mà thôi!!!

Hôm qua nghe phong phanh có tin giá xăng tăng vèo một phát 31%, từ 14,5K lên 19K, giá các mặt hàng xăng dầu khác tăng tương tự, hoảng vía!!! Chat với tiểu ni cô thấy nói chuyện có khi phải mua xe đạp để đi hoặc chuyển sang đi xe bus! Một số blogger treo blast về việc xăng tăng giá. Nhận được một số hò vè hiện đại qua YM nói về vệc tăng giá xăng. Hôm nay mất 2h đồng hồ ngồi nói chuyện với 1 người bạn khác về vấn đề tăng giá xăng nữa.

Nhưng thực ra thì tất cả đã sai rồi, giá xăng chưa tăng và nhất định không tăng trong năm nay. Mọi lo lắng chỉ là hão huyền, mọi bàn tán chỉ là tin đồn thổi. Bởi vì cách đây 2 tuần, trong buổi giao ban trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2008 ngành công thương do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu đã tuyên bố chắc nịch là không tăng giá xăng dầu, điện, than, sắt thép và phân bón trong năm nay!!!

Không tin ư, hãy bấm vào link này để search treen Google, bạn sẽ thấy tin đầu tiên là "VnExpress - Không tăng giá xăng, điện, than, sắt thép". Bấm vào Đã lưu trong bộ nhớ cache để xem tin đăng đúng ngày hôm đó, bạn sẽ thấy tin gốc, không bị xuyên tạc, bạn sẽ chứng thực điều tớ nói ở trên, và biết rằng xăng dầu chưa hề tăng giá.

Rồi, bạn hãy in bài viết đó, mang ra ngoài cây xăng, chỉ tận tay, day tận mắt cho mấy tay bán xăng để họ thấy rằng xăng chưa và không thể tăng giá, cho họ sáng mắt ra!!! Hãy vui lên, xăng chưa tăng giá đâu bạn ơi, đừng lo hão như thế.

Tớ chụp ảnh màn hình bài viết gốc ở đây để làm tin :-) (Tớ dùng FireShot để chụp toàn bộ trang web chứ ko chỉ phần nhìn thấy trong khung màn hình nhá, chỉ edit chút bằng cách đóng khung phần tin quan trọng thôi).


Xang dau chua tang gia

Monday 14 July 2008

Nước Việt Nam ta nghèo hay không nghèo - Tức cảnh cơm bụi

333 magnify

Hàng cơm bụi cuối tuần, giờ ấy cũng vãn khách, 2 đứa chắc là khách cuối. Đối diện có gốc cây dâu da xoan, một bà già ôm cái bọc vải, tựa lưng ngủ gật. Nói chuyện lăng nhăng, ăn lưng bát cơm chan canh chua, thì mình dừng đũa. Vừa lúc ấy thì có một chị gánh dưa hấu đến ngồi cạnh. Chị hàng cơm vừa nhìn thấy đã bảo: “Hôm nay hết nước sấu rồi nhá, còn ít canh cải thôi”. Chị hàng dưa hấu: “Từ sáng đến giờ em chỉ dám loanh quanh mấy cái ngõ, chưa bán được quả nào. Hôm trước thì bị bắt cả mẹt dưa lẫn cái xe đạp, chạy được mỗi cái cân. Cả ngày hôm qua chỉ có 2 người khách. Thôi, chị cho em ít nước trà vậy”. Chị hàng cơm: “trà đá không cho không được đâu. Nghìn rưởi”. Chị hàng dưa hấu ngần ngừ: “Vâng”. Lưng bát ôtô cơm được dọn ra với một cốc trà đá.


Mình và bạn nhìn nhau, muốn mời chị hàng dưa hấu mà ngại chị tự ái, nên chọn mua 2 quả dưa, bảo, chị cứ ăn cơm xong rồi cân cũng được. Rồi mình lân la gạ gẫm: “Bọn em gọi nhiều thức ăn quá, chị ăn cùng bọn em cho vui”. Nói thế thôi, chứ lúc đó mình ăn xong rồi. Chị hàng dưa hấu chả khách khí gì: “Không ăn nữa còn cái gì cứ cho tôi, tôi ăn tất”. Mình chuyển mấy đĩa thức ăn gần như còn nguyên cho chị bán dưa hấu, tán phét với bạn một lúc rồi trả tiền cơm, tiền dưa. Vừa dợm chân đứng dậy thì bà cụ ngồi gà gật dưới gốc cây xoan chạy ra, trút ngay bát cơm còn thừa ở trên mặt bàn mình vào cái bát nhựa cầm tay, đổ nốt bát nước mắm vào, rồi hớt hải chạy lại gốc cây, ngồi bốc ăn. Mắt mình cay xè. Mình ra, bảo: “Bà ơi, bà ăn gì vào hàng cơm, con gọi biếu bà”. Bà cụ giương đôi mắt kèm nhèm lên nhìn mình: “Cảm ơn cô, con không dám đâu”. Mình ra bảo chị hàng cơm: “Chị mang cho cụ ít thức ăn, em trả tiền”. Chị hàng cơm: “Kệ bà ấy đi, tôi không tiếc của đâu nhưng cứ quen thói chầu chực ở đây khách ăn mất cả ngon, rồi tôi mất khách”.


Mình đứng đần một lúc, ra giúi vào bà cụ tờ tiền, rồi cúi mặt chuồn mất.

Những chuyện này không hiếm đâu. Cảnh đời buồn nhiều quá, mình thì không đủ giàu và cũng không đủ sức cưu mang giúp đỡ tất cả. Một bữa cơm trưa, một tờ tiền nhỏ, chẳng giúp đời một ai sáng lên, chứ đừng nói làm ít đi cảnh khổ.


Điều đáng sợ là chẳng cần đi đâu xa, chả cần đọc báo giật gân mới thấy gân giật. Cuộc sống bình thường đã đầy rẫy những cảnh sống khổ quá mức bình thường. Và ngày càng nhiều hơn.


Đã lâu mình chẳng làm gì về mảng văn hoá nghệ thuật nữa. Trong một hoàn cảnh như thế này, mình đâm nghi ngờ về sự hưũ ích của văn hoá nghệ thuật, nhất là cái kiểu đàn ca hát xướng mũ ni che tai chớp mắt giả nai của đời sống văn hoá nghệ thuật bây giờ.


Sếp giao làm 2 trang chuyên đề, mình toàn làm về kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông, môi trường… là những thứ mình thấy ít nhiều thiết thực hơn cho số đông bạn đọc. Phóng viên càng có kinh nghiệm càng ngại mất thời gian, ngại khó, ngại va chạm. Muốn khó tính hơn, nhưng có nhiều cái kẹt lắm, ví dụ bài bỏ nhiều công sức nhuận bút không bằng bài lười, mình thì không phải người gỡ được, nên thôi, cứ cố gắng làm tốt nhất ở mức hoàn cảnh cho phép.


Mình cùng nhiều người xung quanh mình vẫn cố gắng làm một số thứ để cuộc sống từng chút từng chút bớt tệ đi, nhưng đôi khi cảm thấy thật mỏi mệt và tuyệt vọng, công việc của chúng ta có gì giống như dùng giẻ bịt từng lỗ rò rỉ trên con tàu đang chìm, vừa bịt chỗ này chỗ khác lại bật ra, nước tràn vào nhiều và mạnh hơn.


Thật tình, mình là đứa may mắn, là đứa đang mang nợ xã hội. Mình không xuất sắc hơn nhiều người phải sống thiếu thốn hơn mình, cũng không làm việc vất vả nguy hiểm như nhiều người vẫn đang sống khổ hơn mình. Mình đang thuộc số người may mắn bay là là bên trên những nghèo khổ, cùng cực (trong khi rất đông bạn hơn cũng đang bay là là trên mình và nhiều bạn khác lại bay là là phía trên các bạn ý).


Nhưng còn những người nông dân mất đất, công nhân lương chỉ đủ ăn rau, người bán hàng rong nuôi mấy miệng ăn giờ đã bị đuổi ra khỏi thành phố, những nhà báo sạch ngồi bóc lịch trong tù, và…, và…, và…? Chẳng lẽ sức chịu khổ, chịu nhục, chịu bất công của con người ta là vô biên?


Hôm nay, trên đường đạp xe về nhà, qua những con phố lớn rợp cửa hàng cửa hiệu, những con phố nhỏ nằm bình yên dưới bóng cây một chiều hè không nắng không mưa, mình có cảm giác mình và những người may mắn như hoặc hơn mình đang đi trên băng mỏng.


Bức ảnh trên là của anh Na Sơn, chụp ông Hai, 83 tuổi, ở chân cầu Bình Thủy (Cần Thơ). Ông vừa bị kẻ gian lấy cắp mất chiếc ghe là phương tiện kiếm sống và chỗ ở.

Friday 11 July 2008

Ký ức tuổi thơ - Đóng gạch

Hồi ấy hình như còn đang áp dụng chính sách lao động tập thể gì đó thì phải, mỗi năm lại có 1, 2 đợt học sinh ở trường mẹ lại tổ chức đóng và nung gạch. Nhìn các anh chị dùng cuốc, xẻng nhào đất, rồi dùng khuôn đóng gạch, khoái lắm. Có nhiều tốp làm việc: Tốp đào đất, tốp chở đất bằng xe cải tiến (bọn nhóc chúng tôi thi thoảng lại gạ gẫm nhảy lên xe cho các anh chị kéo), tốp nhào đất và xắt thành những khối to cỡ cái cối đá nhỏ, tốp đóng gạch. Dụng cụ đóng gạch khá đơn giản, chỉ gồm 1 chiếc khuôn gỗ hình chữ nhật và một thiết bị cắt đơn giản gồm một đoạn cây được uốn cong căng 1 sợi dây thép con con như cánh cung. Thích thú nhất là hình ảnh một anh nào đó đặt một chiếc khuôn trước mặt, nâng một khối đất lên rồi ném nhẹ xuống chiếc khuôn, sau đó dùng thiết bị cắt đưa gọn một đường để loại bỏ số đất nằm phía trên khuôn ném sang bên cạnh, và rũ rũ chiếc khuôn cho viên gạch vuông vắn lọt ra.

Gạch đóng xong được phơi khô rồi mang vào lò nung. Ngày đó mọi người cũng tự sản xuất than để nung nữa. Làm than đơn giản hơn một chút, chỉ cần nhào than với nước rồi ném lên tường theo những phiến to cỡ cái đĩa, than ướt sẽ dính ở đó để phơi, khi nào khô đủ sẽ dễ dàng tách ra đem dùng. Cũng có người đóng than theo hình chữ nhật to cỡ viên gạch song mỏng hơn, tuy nhiên có vẻ mất công mà ko phổ biến bằng. Hồi ấy, xung quanh hội trường của xóm và cả một số phòng học nữa, nhưng phiến "bánh than" bám chi chít. Thậm chí gỡ đi rồi, vết đen của than vẫn nằm đó trong một thời gian dài.

Mỗi đợt lao động như thế, trường thờng đốt 2-3 lò gạch một lúc. Lò gạch được chất lên, gạch bên than và than bên gạch, thành một kim tự tháp chóp tù trên diện tích tầm 2,5 x 1.8m. Ở mỗi phía chiều dài tháp có 3, 4 lỗ thông vào trong để chúc củi đun trong giai đọan đầu. Toàn bộ tháp gạch (trừ lỗ nhen lửa) sao đó được trát xung quanh bằng đất nhão, chắc để định hình hay bảo vệ lò. Củi được chất vào nóng rừng rực, khói len qua các lớp than, lớp gạch để tỏa dần lên chóp tháp, nơi một nhóm khác đang tranh thủ dựng mái cho tháp gạch từ những tấm phên nứa để phòng trời mưa. Dưới, những thanh củi gộc cháy rất khỏe, tự tiếp sức lẫn nhau nên ko ai phải chúi đầu vào để thổi như nấu cơm ở nhà cả. Rồi lớp than bên dưới dần bắt lửa, cháy lên, nóng bỏng, rồi tiếp tục đốt cháy lớp than phía trên, cứ thế mãi. Thường lò gạch bắt đầu nung lúc chiều muộn hay chập tối thì khoảng gần nửa đêm là than đã bén toàn bộ. Từ lúc than bén được một phần nào đó (ko nhớ nữa), các bếp nhen lửa ko còn cần thiết và được lấp lại. Mọi người có thể xoa tay chờ một mẻ gạch đỏ tươi.

Một trong các cảm giác ấn tượng nhất bấy giờ là đứng nhìn than cháy đỏ: Khi toàn bộ than đã bắt cháy, lò nóng hừng hực, lớp đất bao quanh lò bị nung khô kiệt, một vài chỗ nứt nẻ ra để thấy bên trong là những mảnh than rừng rực lửa. Rất ấn tượng cái màu đỏ rực rỡ của phiến than đang cháy đó, chỉ muốn được thò tay vào xem nó đẹp như thế nào.

Gạch nung 2 hay 3 ngày gì đó thì chín nhưng phải đợi thêm 1-2 ngày nữa cho lò nguội đi rồi mới dỡ ra. Từng đoàn xe bò do người kéo rầm rập chở gạch đi xếp thành từng đống vuông vắn rải rác trong trường - sẽ là chỗ cho bọn trẻ con trèo leo nghịch ngợm, ẩn nấp khi chơi trốn tìm hay trận giải. Giờ chả nhớ số gạch đó về sau chuyển đi đâu.

Hồi ấy, nhìn người lớn đóng gạch, bọn trẻ con cũng lê la nhìn trước nhìn sau rồi bê mấy tảng đất ra tự chế sản phẩm của mình, đó là những viên gạch nhỏ đủ kích cỡ, từ bao diêm cho đến bao thuốc lá, bàn tay, nửa tờ bưu thiếp (mà ngày đó đã làm gì có bưu thiếp nhỉ), nhưng luôn luôn nhỏ hơn các viên gạch bình thường. Rồi người lớn phơi gạch, trẻ con cũng phơi gạch, như thật luôn. Nhớ hồi phơi mấy chục viên gạch ở đầu nhà, đêm trời mưa, thế là cả đống gạch tâm huyết đi tong, đau ko sao nói hết. Rồi người lớn nung gạch, ta cũng nung, nào có kém gì. Cũng đắp lò, nhét than, nhóm lửa và trông, nhưng gạch ra lò cùng lắm chỉ cứng hơn và hơi nâu nâu thôi, vì nung ko đủ lửa. Có vài lần muốn tận dụng lửa của lò gạch to nên tung vài viên gạch của mình vào bếp của lò gạch nhưnh khi dỡ lò chả bao giờ tìm thấy cả, chắc bé quá nên bị nung nát mất rồi.

Mấy cái trò nung gạch ấy còn làm phát sinh ra biết bao trò khác. Nung gạch rồi thì lấy để xây lâu đài. Ông nào cũng hình dung ra các tòa lâu đài tráng lệ nhưng lúc xây lên cùng lắm chỉ là nhưng hình khối con con để chứa được những con giống nặn bằng đất khác. Thật thế, cái đất dùng đóng gạch đó là một thứ nguyên liệu đa mục đích cho sự sáng tạo trẻ thơ. Thôi thì xe tăng, mũ sắt, súng dài súng ngắn, ô-tô, máy bay thi nhau được sản xuất, phơi khô và đem ra đấu đá. Mà quái lại, sao ngày đó hay nặn xe tăng, máy bay, và khi vẽ vời cũng hay vẽ cảnh chiến trận, bắn nhau thế nhỉ? Có lẽ do nghe nhiều về những thứ đó quá chăng, giờ ko sao nhớ nổi. Đất đóng gạch còn dùng để nặn nồi, nặn pháo nữa.

Pháo đất có dạng một chiếc nồi, được miết sao cho đáy mỏng, thành mỏng sao cho khi ném ngược xuống tạo nên tiếng nổ to nhất, bắn ra lỗ rộng nhất. Pháo đất cũng nhiều kích cỡ, từ nhỏ xíu bằng ngón chân cái đến to cỡ cái đĩa ăn cơm. Những cái to này khi nâng lên phải rất thận trọng kẻo nó bị bửa viền, thủng đáy. Còn làm đáy với viền dày quá thì nổ lại ko to. hình nhưu ở một lãng quê nào đó phía Nam Định hãy còn trò chơi pháo đất này với những quả pháo to như cái nồi nấu ăn cho bộ độ và các cụ già khăn đóng áo dài làm chủ lễ nữa thì phải. Ko biết làng đó có học nghề pháo đất từ lũ trẻ thò lò mũi xanh ở cái xóm nằm giữa những ruộng lúa đó hay không.

Ghê thật, vậy mà đã hơn 2 chục năm trời.

Monday 7 July 2008

Thơ - Mà là thơ sáng tác hẳn hoi!!!

"Lời ru buồn, nghe mênh mang mênh mang, sau lũy tre làng, khiến lòng tôi xôn xang..."

Có một thời ca khúc "Lá diêu bông" rất thịnh hành, ít nhất là ở cái khu thị trấn con con với những xóm nhỏ chừng vài chục nóc nhà ấy. Ngày đó ko chỉ các anh chị thanh niên, những bậc cha mẹ, mà cả lũ nhóc đeo cái cặp còn xệ lưng đi học cũng ông ổng suốt ngày.... "Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi, lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn...". Lớn hơn tí nữa, tập tành chơi ghi-ta, khi mà cánh tay vẫn chưa chưa ôm trọn nổi cái đàn, cũng lôi "Lá diêu bông" ra mổ cò, chúi mặt xuống dây đàn mà lẩm nhẩm... "Tôi thương em tìm được là diêu bông, sao em nỡ vội lấy chồng..."

Thế rồi cũng lớn hơn tí nữa. Đó là năm thứ 2 Đại học thì phải, buổi tối, trời nóng, điện yếu, đang ngồi ôn xác xuất thống kê ở cái tầng dưới của cái giường tầng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại thì trong đầu, tứ "Xin anh đừng, đừng trách là diêu bông" chợi bật ra và vang qua vang lại, nghe cũng thành âm, thành nhịp. Rồi chợt lan man nghĩ, rằng trên đời này có hàng tỉ lý do khiến 2 người yêu nhau không thể đi đến tận cùng với nhau... Trong số những lý do đó ko thiếu những cái cực kỳ ngớ ngẩn, từ bất cứ phía nào... Vậy cớ gì cô gái kia cứ bị người ta chất vất, vặn vẹo hàng bao nhiêu năm như vậy...? Mà tuổi xuân ko bao giờ quay trở lại, một người con gái bình thường cần phải có một gia đình, một người bên cạnh để xẻ chia cuộc sống chứ, trách cứ gì... Mà biết đâu cũng vì vậy nên trong lòng cô gái, hình ảnh xưa cũ vẫn chẳng khi nào phai nhòa... Cứ lan man như vậy rồi viết viết, chỉnh chỉnh, xóa xóa, bài thơ cũng ra đời. Ngày đó còn có 1 bài khác họa lại bài này nhưng giờ quên mất rồi, còn nhớ mỗi hình ảnh "bàn tay nắm chặt lấy bàn tay".

Nào, lôi lại mớ giấy bút 10 năm tuổi.

Đừng trách lá diêu bông

Tặng nhà thơ Hoàng Cầm

thienha...


Chỉ hai đứa mình trên ngọn đồi lộng gió
Hoa sim bát ngát soi tím cả dòng sông
Ngắt lá theo dòng em mơ màng ao ước
Giá một ngày lá sim trở thành lá diêu bông

Lời nói bâng quơ ai bảo anh để vào tai
Lang thang tìm lá khắp nơi, em ở nhà ngẩn ngơ ngóng đợi
Xuân đi qua, đi qua, rồi xuân đi qua mãi
Dòng nước trôi lạnh lùng tàn héo cánh hoa xưa

Đồi sim tím đã lụi tàn với nắng mưa
Anh vẫn đi, vẫn lang thang, vẫn chưa quay trở lại
Em tiếc nuối, băn khoăn: Ôi, một lời vụng dại
Sao anh khờ khạo để tim em ngả xế chìêu...

Hôm nay chú rể đi bên cạnh người yêu
Hôm nay pháo nổ, xác tung trên đường quê đầy sỏi đá
Hôm nay...
một lần cuối ngước về đồi sim chiều lạnh giá

Tim em chết thật rồi...
xin anh đừng,
đừng trách lá diêu bông...


HN, 1998 (rougly)

Sunday 6 July 2008

Nước Việt Nam ta nghèo hay không nghèo - Chuyên cơ

Bài viết này copy từ blog Osin, bài cũng khá cũ rồi, nhưng vẫn nên đọc để biết hơn nước ta nghèo đến đâu. Đọc xong rùng mình, lại mệt đầu tính là nếu... thì số tiền tiết kiệm được chia cho 85 triệu dân, mỗi người được bao nhiêu? Chưa tính ra.


Chuyên Cơ
Osin

Vào lúc 9 giờ 45 sáng 24-3, trên đường lăn vào nhà ga Nội Bài, chiếc máy bay Airbus của hãng hàng không Thái dừng lại trước cửa nhà khách A cho một đoàn khách VIP bước xuống. Lúc này, nhiều hành khách Việt Nam ngồi ở khoang business class trên chuyến bay mang số hiệu TG 682, mới biết, vị khách ngồi ở ghế 1A chính là Tân Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được ông Samak tới thăm kể từ khi ông trở thành Thủ tướng.


Ông Samak không phải là vị nguyên thủ đầu tiên đến Việt Nam bằng máy bay khách. Năm ngoái Thủ tướng Singapore đã tới Việt Nam trên một chuyến bay thường của hãng Singapore Airlines và trở về trên một chuyến bay khác của hãng hàng không giá rẻ, Tiger Airways. Thủ tướng Hàn Quốc và phần lớn các vị nguyên thủ khác cũng đã công du Việt Nam bằng các phương tiện phổ thông. Hiện nay, trên Thế giới, chỉ còn một số rất ít các quốc gia áp dụng chế độ chuyên cơ cho các nguyên thủ như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… Chính phủ Anh, tuy vẫn chưa “thanh lý” chiếc Boeing 747 “sắm” từ 40 năm trước, nhưng, từ thời ông Tony Blair, các nguyên thủ của quốc gia giàu có vào hàng nhất Thế giới này đã không còn mấy khi đi lại bằng chuyên cơ nữa. Ở Pháp, chế độ chuyên cơ được chính thức bãi bỏ kể từ khi Tổng thống Jacques Chirac lên nắm quyền.


Đương thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng mua vé như những hành hành khách bình thường, cho mình và đoàn tùy tùng, thay vì dùng chuyên cơ như thông lệ. Ông nói: “Nước nghèo, dân nghèo, lãnh đạo phải tiết kiệm”. Tuy nhiên, ngay chính Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và những người kế nhiệm, đã không đủ can đảm để từ chối những chuyến chuyên cơ oai vệ. Không chỉ nằm trong nhóm rất ít quốc gia còn áp dụng chế độ chuyên cơ cho nguyên thủ, Việt Nam còn là nước áp dụng chế độ xa xỉ này cho những 4 chức danh: Tổng Bí thư chuyên cơ; Chủ Tịch Nước chuyên cơ; Thủ tướng chuyên cơ và Chủ tịch Quốc hội cũng chuyên cơ luôn!


Hầu hết đội tàu bay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam hiện nay là máy bay thuê hoặc mua bằng nguồn vốn vay ngân hàng nước ngoài, do Chính phủ bảo lãnh. Giá thuê một chiếc Boeing 777, loại vẫn thường sử dụng bay chuyên cơ, không dưới 1 triệu USD/tháng. Không chỉ tốn kém khi bay, cứ mỗi ngày nằm “đợi xếp” ở các sân bay, những chiếc chuyên cơ này vẫn phải trả phí “giờ chết” khoảng 30 nghìn USD/ngày, chưa kể các chi phí sân đậu, cất, hạ cánh…, chi phí cho tiếp viên, tổ lái. Cứ mỗi chuyến bay phục vụ “công du” như thế ngốn của ngân sách không dưới 400 nghìn, có chuyến tốn hơn cả triệu đô la Mỹ. Năm 2000, khi mà khoảng hơn 40% dân số Việt Nam vẫn sống dưới mức 1 USD/ngày, các nguyên thủ của nhiều quốc gia giàu có, đến New York dự họp Đại Hội Đồng Liên hợp Quốc, đã phải “kính nể” chứng kiến chiếc chuyên cơ chở Chủ tịch Trần Đức Lương đậu nhiều ngày trên sân bay JFK. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, người kế nhiệm ông Lương, có những chuyến công du, đã định trưng dụng tới 2 máy bay loại mới.


Trong thời gian điều máy bay theo hầu nguyên thủ, Việtnam Airlines thường phải “thuê nóng” một máy bay khác để thay thế. Giá thuê rất cao, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể “thuê nóng” được máy bay, thế là, Viêtnam Airlines đành phải hủy hay giảm chuyến, dẫn đến tình trạng máy bay bị “đì- lây” liên tục. Hành khách, không biết lỗi này do bởi “chuyên cơ”, mạt sát Hàng không cả trên báo chí.


Các nhà lãnh đạo của ta khi đi công tác trong nước, tiết kiệm hơn, chỉ dùng “chuyên khoang” thay cho chuyên cơ. Tuy nhiên, nhà chức trách hàng không ở các sân bay, để… chủ yếu, làm vừa lòng “các anh”, đã áp dụng “chế độ chuyên cơ” cho những chuyến bay có “khoang chuyên” đó. Theo quy chế, sân bay sẽ bị “đóng cửa” khoảng 30 phút chờ máy bay bay theo “chế độ chuyên cơ” cất hay hạ cánh. Có ít nhất 10 chuyến bay phải nằm đợi dưới sân hoặc lượn trên trời cho một chuyến “chuyên cơ” như thế. Chi phí cho mỗi giờ bay chờ như vậy tốn khoảng 10.000 USD/máy bay. Hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất áp dụng quy định tạm “đóng cửa sân bay cho chuyên cơ”. Thật xấu hổ khi bay vào lãnh thổ một nước nghèo như Việt Nam, mà lại nghe phi hành đoàn xướng lên: “Vì có hoạt động chuyên cơ, máy bay phải lượn chờ trước khi hạ cánh”.


An toàn cho các vị nguyên thủ cũng cần thiết. Tuy nhiên, trong hàng không, an toàn là một tiêu chuẩn phải tuân thủ tuyệt đối, bất kể hành khách là thường dân hay chính trị gia. Không một chuyến bay nào được phép cất cánh nếu có bất cứ một nghi vấn nhỏ nào về vấn đề an toàn. Chính vì thế mà trừ những quốc gia lắm tiền nhiều của hoặc có vấn đề về khủng bố, an ninh, hầu hết các nguyên thủ, đều di chuyển bằng máy bay thương mại. Khi phải mua vé, thay vì trưng dụng hẳn một chiếc Boeing, các vị nguyên thủ, cũng sẽ không kéo theo quá nhiều “bầu đoàn thê tử”.


Trên “phương diện quốc gia”, trong những tình huống cần thiết, các vị nguyên thủ hoàn toàn có thể sử dụng một chuyến bay riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển của ngành hàng không như hiện nay, xài “chuyên cơ” chỉ có ý nghĩa lấy le với thiên hạ. Có thể lãnh đạo ở các quốc gia khác không quan trọng như ta. Nhưng, không phải tự nhiên mà ở những nước có GDP/người lên đến 20.000- 30.000 USD, các vị nguyên thủ vẫn không dùng chuyên cơ. Uy tín của các chính trị gia, không hơn thua ở chỗ sử dụng máy bay nhỏ hay to, mà ở chỗ, các vị ấy có biết trân trọng tiền của dân đóng thuế.


….

PS: Một nhà ngoại giao sau khi đọc bản thảo bài này đề nghị bổ sung: Các vị đang đi sứ ở các cường quốc, mỗi khi về nhà là lại được gợi ý, “Cậu làm thế nào cho nó mời mình chuyến nhỉ!”. Ông bảo, có những nước thực sự muốn mời; có những nước muốn có bang giao tốt đẹp nhưng thấy lãnh đạo không cần thiết phải qua lại làm gì; nhiều nước rất khó chịu khi phải tiếp đón. Lãnh đạo người ta công việc nhiều, mình đến lại chẳng làm sang được gì cho họ. Cứ theo dõi báo chí, truyền hình thì thấy, nhiều khi lãnh đạo mình sang, rầm rập chuyên cơ mà báo chí nó không có một dòng cho phải phép. Việc ký kết trong các chuyến công du cũng chỉ chủ yếu là do các công ty PR dàn dựng, sao cho đẹp mặt. Tinh ý, sẽ thấy, các “bản ghi nhớ” được ký vô cùng hoành tráng ấy, rất hiếm khi thành hiện thực.

Friday 4 July 2008

Chặn quảng cáo và tiết kiệm tiền internet của bạn

Motivation.

Cách đây lâu lâu có viết một blog phân tích thực trạng, nguyên nhân, và giải pháp cho vấn đề tin nhắn spam trong cộng đồng sử dụng internet ở Việt Nam (hix, check lại hóa ra bài đó viết cách đây gần 1 năm rồi, 24/7/2008, nhanh thế ko biết), định viết luôn về người anh em của tin nhắn spam là hình ảnh quảng cáo nhưng cứ lần lữa mãi chưa được, vẫn áy náy trong lòng.


Một số người thân, bạn bè thi thoảng phàn nàn về việc load web quá chậm, rất là khó chịu.


Tiểu ni cô cách đây vài tuần có nói về việc tiền bill internet tương đối tốn kém.


Thành ra viết bài này.


Phân tích nguyên nhân.


Bắt đầu với cái hiện thực ko dễ chịu lắm là vào web ở Việt nam rất chậm. Có rất nhiều nguyên nhân để nó chậm như băng thông quốc gia hạn chế, hạ tầng truyền dẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong khi các nhà cung cấp vẫn liên tục tìm cách khuyến mại để kiếm thêm khách hàng,… Đó là những nguyên nhân ta (người viết) chưa thể can thiệp.


On top of các vấn đề trên, việc các trang web sử dụng quá nhiều hình ảnh quảng cáo là một lý do khá quan trọng dẫn tới tình trạng “bò trên internet” ở nước ta hiện nay. Xin phân tích cụ thể như sau.


Vào trang chủ vnexpress.net (trang web tiếng Việt có lượt truy cập nhiều nhất, nằm trong top 100 của Alexa), copy toàn bộ nội dung (Ctrl-A then Ctrl-C) và paste (Ctrl-V) ra 1 trình soạn thảo đơn giản như Notepad (đừng dùng Word vì nó sẽ paste cả hình ảnh các loại, ko đúng mục đích phân tích), giờ copy nội dung từ file Notepad này paste vào Word và đếm số ký tự (dùng Tools => Word Count) trong file, ta sẽ tính được một cách tương đối lượng thông tin trang web truyền đạt. Tại thời điểm này (21:10 GMT), số ký tự tại trang chủ vnexpress (tính cả dấu cách) là 10.489. Các trang web tiếng Việt thường mã hóa ký tự theo Unicode UTF-8, nghĩa là mỗi ký tự sẽ mất 8 bit, hay 1 byte. Trang chủ vnexpress lúc này nếu chỉ chứa text thì sẽ nặng khoảng 10.5KB.


Tuy nhiên tại cùng thời điểm, trên trang chủ vnexpress có 9 ảnh quảng cáo, bấm chuột phải và chọn Save Image… rồi save các ảnh này lại cùng một thư mục. Kiểm tra thì thấy dung lượng của 9 ảnh này là 268KB, gấp 26 lần dung lượng text!!! Lưu ý rằng phần lớn ảnh theo định dạng GIF để có thể tạo ảnh động, thực chất là nhiều-ảnh-trong-1.


Chưa hết, ngoài 9 ảnh quảng cáo còn có 10 flash quảng cáo, tất cả đều chứa các ảnh động và do ko save được chúng nên ko thể tính chính xác dung lượng của chúng được nhưng các file flash thì còn nặng hơn nhiều so với các file ảnh cùng kích cỡ. Do đó, giả định giảm là các file flash này có dung lượng trung bình chỉ bằng các file ảnh kia thì chung cũng chiếm tới khoảng 268 * 10 / 9 = 298KB, gấp gần 30 lần dung lượng text.


Nhưng để cho công bằng, phải tính đến các file ảnh minh họa cho bài viết. Save lại toàn bộ các ảnh minh họa (19 ảnh), kiểm tra thì thấy dung lượng của chúng là 91.8KB.


Như vậy, nếu so với nội dung text thì lượng ảnh quảng cáo chiếm dung lượng gấp tổng cộng khoảng (298 + 268)/10.5 = 54 lần. Còn nếu tính cả ảnh minh họa vào nội dung có ích thì ảnh quảng cáo vẫn lớn gấp (298 + 268)/(10 + 91.8) = 5.6 lần.


Hiện tại phần lớn dịch vụ internet ở Việt Nam là ADSL, người sử dụng trả tiền theo dung lượng dữ liệu tải về. Nghĩa là một cách tương đối, một người dùng đang phải trả tiền gấp khoảng 5.6 lần lượng thông tin người đó muốn đọc. Và với việc trả thêm tiền đó, các trang web load chậm hơn rất nhiều. Bonus double trouble!!!


Thí nghiệm này có thể dễ dàng lặp lại với các trang web khác tại các thời điểm khác, nhưng sẽ đều đi tới kết luận là nếu loại trừ được các ảnh quảng cáo thì người sử dụng vào mạng nhanh hơn và sẽ phải trả ít tiền đi. Hấp dẫn chứ?


Ngoài ra, nhiều hình ảnh cứ nhấp nháy trước mắt khi ta đọc tin, cũng khó chịu lắm chứ.


Giải pháp.


Có rất nhiều giải pháp chặn ảnh quảng cáo nhưng tôi muốn giới thiệu giải pháp tôi đang dùng từ trước đến nay: Dùng AdBlock Plus (ABP).


Đây là một add-in cho Firefox nên người sử dụng phải cài và dùng Firefox làm trình duyệt web. Bản Firefox 3 mới released tuần trước và được đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên ABP còn có thể dùng với các trình duyệt chia xẻ nhân với Firefox như Flock (cũng đang dùng) hay Mozzila.


Ok, download Firefox, cài đặt nó rồi vào địa chỉ https://addons.mozilla.org/en-US/firefox/addon/1865, bấm nút “Add to Firefox” để cài ABP, sau đó restart Firefox. Ngay sau khi restart, ABP sẽ hỏi người dùng subscribe tới một server chứa các từ quảng cáo (vì ABP chặn quảng cáo theo từ khóa trong địa chỉ trang web), chọn một cái bất kỳ (tôi dùng cái EasyList USA).


Giờ vào trang chủ vnexpress, bấm chuột phải lên một ảnh quảng cáo và chọn AdBlock Image (hình 1) để kích hoạt của sổ ABP, ta sẽ thấy 1 hình tương tự như hình 2:




Hình 1: Chọn AdBlock Image… để kích hoạt AdBlock Plus





Hình 2: Điều chỉnh link chứa quảng cáo, bấm Apply rồi OK


Với một chút suy luận sẽ nhận thấy http://va.vnexpress.net/ là một thư mục gốc chứa “hàng” quảng cáo của vnexpress, “VA” là viết tắt của “Vnexpress Advertisement”. Như vậy, ở cửa sổ ABP, xóa phần đuôi cái link ảnh quảng cáo, chỉ giữ lại http://va.vnexpress.net/ rồi bấm Apply, sau đó bấm OK. Từ nay trở đi, tất cả những link bắt đầu với http://va.vnexpress.net/ sẽ KHÔNG được tải về máy nữa.


Với các file flash thì khi bấm chuột phải ko có mục AdBlock Image. Để xử lý bọn này, để ý rằng góc trên bên phải của flash có một chữ “Block” mờ mờ, sẽ rõ lên khi ta đưa con chuột tới. Bấm chuột vào chữ “Block” này để kích hoạt cửa sổ ABP và thao tác như đối với chặn hình ảnh (hơ, viết đến đây mới nhận ra vnexpress lưu cả các flash vào cùng thư mục với hình ảnh quảng cáo nên bộ lọc trên đã lọc béng hết flash rồi).


Làm tương tự với các website khác. Lưu ý rằng thư mục chứa quảng cáo của các website có thể khác nhau nhưng sẽ quanh quẩn với mấy từ: Ad, Advert, Advertisement, quangcao, QC,… Hình dưới đây là kết quả ngăn chặn trên máy của tôi (thienha…) sắp xếp theo thứ tự giảm dần số file được chặn. Dễ dàng nhận thấy vnexpress là quán quân về quảng cáo (nhưng kết quả sẽ khác nếu người sử dụng thường xuyên truy cập trang nhacso.net), tiếp đó là tuoitre, bám sát là vietnamnet. Lưu ý rằng vietnamnet có hơn 1 thư mục chứa quảng cáo (được đánh dấu trên hình).






Hình 3: Kết quả dùng ABP (vietnamnet có hơn 1 thư mục chứa quảng cáo)


Điểm quan trong nhất khi dùng ABP là điều chỉnh cái link chứa quảng cáo cho hiệu quả. Hình trên cũng giúp người dùng nhận thấy một số link chứa thư mục quảng cáo mà một số trang web Việt Nam hay sử dụng. Còn lại, qua kinh nghiệm sử dụng, dần dần ngừoi dùng sẽ tự thiết lập được các quy luật cho mình.


ABP hay ở chỗ nó miễn phí, gọn nhẹ, dễ dùng, được cập nhật thường xuyên và do gắn với trình duyệt, nó có thể được dùng với mọi hệ điều hành (Windows các loại, Mac OS, Linux, etc). Do vậy mặc dù còn có những giải pháp khác để chặn quảng cáo nhưng tôi chỉ tín nhiệm ABP mà thôi, và ABP ko phụ sự tín nhiệm này chút nào.


Kết luận

Hy vọng bài viết này có ích. Please feel free to post lại bài này ở blog của bạn hay bất cứ đâu bạn thích, có thể để credit cho tôi (thienha…) hoặc ko, tùy ý, miễn sao người khác có thể tận dụng nội dung bài viết.

Bản PDF của bài viết có thể download từ http://www.esnips.com/web/thienhadebetanhhungsOtherStuff

thienhadebetanhhung

Thursday 3 July 2008

Minh họa DOF (depth-of-field) - Chiều sâu của bức ảnh

Khi chụp một bức ảnh là ta thu hình của một không gian 3 chiều vào một không gian 2 chiều là bức ảnh. Trong khoảng không gian 3 chiều đó chỉ có một "bề dày" không gian nhất định là rõ (in focus), còn lại sẽ mờ dần khi cách xa dần vùng ảnh rõ. Vùng ảnh rõ sẽ chứa đối tượng chính của bức ảnh, nếu đối tượng chính không nằm trong vùng này nó sẽ bị mờ và gọi là out-of-focus. Chiều dày vùng ảnh rõ được gọi là depth-of-field (DOF) hay chiều sâu của bức ảnh. Điều chỉnh vùng ảnh rõ và DOF có tác dụng tạo các hiệu ứng khác nhau cho bức ảnh. Các ảnh minh họa bên dưới chụp các viên kẹo sô-cô-la từ cùng một vị trí với cùng một setting (cùng DOF), chỉ khác nhau ở điểm focus. Ảnh chụp sáng thứ Bảy vừa rồi (28/6) tại Union House, máy Canon EOS 350D, lens CZ Flektogon 35mm 2.4 ở f2.4.









Nhìn mấy viên kẹo ngon nhỉ? Nếu chưa thấy ngon thì có thể bấm vào ảnh để xem cỡ to, chắc chắn thấy yummy hơn :-)

Tuesday 1 July 2008

Tháng 7 - Chờ đợi gì?

Kết thúc một tháng 6 với rất nhiều sự kiện và suy nghĩ - là tháng viết nhiều blog nhất từ trước đến nay. Vào tháng 7, có lẽ điều đáng lo nhất là đã hết hạn nhà nước cấm tăng giá xăng dầu, có nghĩa là cái "cơ chế thị trường" trên mảng xăng dầu sẽ được phát huy tối đa, nghĩa là nó sẽ tăng, và tăng đáng kể! Mấy ngày nay giá dầu trên thế giới lại đang lên đến kịch điểm từ trước tới giờ, vượt qua mức $140 rồi tiến lên $143/thùng. Kiểu này e rằng khó tránh nổi một cơn bão giá xăng dầu mà kèm theo nó sẽ là hàng loạt cơn bão giá cả khác vì ít ngành sản xuất nào không chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu. Trước mắt ta có giá thuốc đây rồi.

Ta dè dặt bước vào tháng 7...