Monday 22 June 2009

Vải thiều

Đọc tin tức về việc quả vải thiều Việt Nam bị thương lái Trung Quốc ép giá, chạnh nhớ tới chuyện Mai Thúc Loan.

Trải qua hàng ngàn năm đô hộ của giặc Tàu, bao giờ đất nước Việt Nam cũng bị khinh rẻ, bóc lột, hiếp đáp, bòn rút, tàn phá,... Dưới ách thống trị thời nhà Đường, người dân Việt Nam còn bị thêm một cái ách là phải gánh vải (tên hán Việt gọi là lệ-chi, tiếng Anh là Lichi) tiến cống, chỉ vì Dương Quý Phi bên Tàu thích ăn trái vải. Và thế là không biết bao nhiêu người Việt đã bỏ xác trong bụi đường thiên lý chỉ để người đàn bà vô dụng đó được phởn phơ nhấm nháp những trái tươi ngon.

Trong một chuyến gánh vải như vậy, người anh hùng Mai Thúc Loan đã tập hợp được những người đồng chí hướng, đứng lên phản kháng, chiến đấu trước hết chống lại cái ách cống tiến khổ nhục đó, và hơn hết nhằm giành lại độc lập và niềm tự hào cho Tổ quốc. Cái khí phách và tài năng của ông đã ghi lại một dấu ấn quan trọng trong lịch sử và tâm thức người Việt với những câu thơ hào hùng:

"Bốn phương Mai Đế lừng uy đức
Trăm trận Lý Đường phục võ công..."

Năm 2009, hơn 1000 năm sau Mai Thúc Loan, người dân của nước Việt Nam độc lập dù không phải gánh vải sang tận Bắc Kinh nhưng lại bị thương lái Trung Quốc ép giá ngay tại cửa ngõ đất nước mình. Nghĩ tới cái cảnh "Có những lúc, vải sang đến Trung Quốc bị ép giá xuống quá, thấp hơn cả giá ở Hà Khẩu, nhiều chủ hàng không chịu nổi đã phải đẩy ngược cả xe hàng về Lào Cai tiêu thụ” mà thấy nỗi khổ mà người dân Việt Nam ta phải gánh chịu do phía Trung Quốc gây ra thật vô cùng và chưa biết khi nào mới chấm dứt.

Nói đi cũng phải nói lại, ngày xưa nếu người Việt không biết đoàn kết xung quanh Mai Thúc Loan thì đã chẳng bao giờ ta có Vua Đen. Còn ngày nay, chính thói quen làm ăn nhỏ lẻ, thiếu đoàn kết của người dân cộng một số thứ khác từ chính Việt Nam ta là nhân tố quan trọng giúp giới doanh thương Trung Quốc chèn ép chúng ta.

Đoàn kết! Có lẽ vẫn là một điểm yếu chí tử của người Việt...

Sunday 21 June 2009

21/6/2009 - Mừng ngày nhà báo Việt Nam

VỀ TỰ DO BÁO CHÍ

PHAN ĐĂNG LƯU

Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền, vì nhiều lẽ:

1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.

2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện, không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.

3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.

4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chính sách cai trị đi để chuộc lòng dân.

Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi.

Báo DÂN TIẾN (số ra ngày 10-11-1938)




Về tác giả:

PHAN ĐĂNG LƯU (1902 - 1941): Nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quê: xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Trường Canh nông (Tuyên Quang). Tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng), uỷ viên Tổng bộ. Năm 1928, tham gia xuất bản “Quan hải tùng thư” tại Huế; uỷ viên thường vụ của Tổng bộ Đảng Tân Việt. Đại diện Đảng Tân Việt sang Quảng Châu để bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Bị bắt tại Hải Phòng (9.1929), bị kết án tù khổ sai và đày đi Buôn Ma Thuột. Ra tù năm 1936, tham gia lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở Huế. Tác giả của nhiều bài báo, tác phẩm với bút danh Tân Cương, Phi Bằng. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938); uỷ viên thường vụ (1940), được phân công chỉ đạo phong trào ở Nam Kỳ. Dự Hội nghị VI (11.1939, hội nghị quyết định nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế) và Hội nghị VII (11.1940) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bị bắt 22.11.1940 khi vừa về đến Sài Gòn. Bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị bắn ở Hóc Môn (28.8.1941).

Phan Đăng Lưu là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam.

Nguồn: Bách khoa Toàn thư Việt Nam

Xem thêm trên Wikipedia: http://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_%C4%90%C4%83ng_L%C6%B0u

Tuesday 9 June 2009

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn

Khi ở Nhật, các nhân vật chóp bu của công ty PCI đã thú nhận việc đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ để được nhận thầu đại lộ Đông - Tây thì Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn vẫn cho rằng "báo chí Nhật Bản có một số bài viết không thật khách quan, thậm chí cá biệt có thông tin không đúng sự thật" (thực ra ở Nhật họ làm rõ rồi), gián tiếp yêu cầu họ không đưa tin về vụ việc vì "cách viết như vậy không có lợi cho hai nước Việt Nam - Nhật Bản" (!!?).

Đợt này, khi Trung Quốc tiến hành cấm biển trên vùng lãnh hải Việt Nam, tàu vũ trang Trung Quốc liên tục tấn công, bắn giết ngư dân Việt Nam thì cả tuần sau, Thứ trưởng Sơn mới "giao thiệp" (?) với đại sứ Trung Quốc để "đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam".

Có lẽ lịch sử ngoại giao thế giới chưa từng có tiền lệ sử dụng từ "giao thiệp" như thế này, và cũng không hiểu nó có nghĩa là gì? Hy vọng phía Trung Quốc sẽ xem xét và rộng lòng chấp thuận đề nghị của Thứ trưởng Sơn để ngư dân Việt Nam được đánh cá trên vùng biển của Việt Nam. Mong lắm thay!!!

Link liên quan:

Friday 5 June 2009

Thiên An Môn trên màn ảnh Trung Quốc!

Tiêu đề này có vẻ hơi phi lý vì ở Trung Quốc, Thiên An Môn là chủ đề tuyệt đối cấm kỵ - không ai được nhắc tới, bất kể trong phạm vi nào, bất kể bằng phương tiện nào, bất kể với mục đích gì. Tôi từng nói chuyện với một vài người Trung Quốc và họ đều không biết, hoặc biết rất ít, hoặc biết nhưng không muốn nói về chủ đề này. Trong bối cảnh đó, cách đây 3 năm, ừ năm 2006, có một bộ phim của một đạo diễn Trung Quốc, làm tại Trung Quốc đã đưa vào một số hình ảnh mà cá nhân tôi nhận thấy là một cách tái hiện rất rõ ràng một phần sự kiện Thiên An Môn. Hơi lạ lùng là trong 3 năm qua chưa từng thấy ai đặt vấn đề về sự liên hệ này.

Bộ phim đặt trong bối cảnh một cuộc xung đột cung đình và kết thúc với một cuộc chiến vợ-chồng, cha-con, huynh-đệ tương tàn. Theo phim, ông vua ghét vợ nên cho thuốc độc tác động chậm cho vợ chết dần, hoàng hâu tranh thủ lúc vua ko ở nhà để dan díu với thái tử (con vợ trước của vua), thái tử về sau muốn chấm dứt quan hệ để yêu một cung nữ con một viên quan (chính con cùng mẹ khác cha với thái tử), hoàng hậu cùng với hoàng tử thứ hai (con mình, một người có binh linh trong tay) để lật đổ nhà vua vào đúng lễ hội hoa cúc (chrysanthemum).

Trong buổi lễ, do vướng vào các âm mưu của hoàng tộc, cô cung nữ cùng hoàng hậu cũ bị giết, thái tử bị hoàng tử thứ ba đâm chết với tham vọng tranh ngôi cộng với hận thù do biết mối quan hệ đen tối giữa thái tử với mẹ mình. Hoàng tử thứ ba bố trí một nhóm quân nhằm giết vua cha để cướp ngôi nhưng bị nhóm cận vệ bí mật của vua tiêu diệt gọn, hoàng tử thứ ba bị chính tay vua hạ sát. Lúc này, hoàng hậu đứng lên và buộc chiến khăn thêu hình hoa cúc lên cổ để làm dấu hiệu cho hoàng tử thứ hai hành động. Hoàng tử thứ hai cùng đội quân cực mạnh của mình rầm rập tiến vào hoàng cung, tất cả đều mặc áo giáp màu vàng, đeo khăn vàng thêu hình hoa cúc trên cổ. Hoàng tử thứ hai vung đao chém đổ ngọn cờ lớn biểu trưng cho vương quyền hiện tại rồi cùng binh lính áp đảo và tận diệt nhóm cận vệ của nhà vua - nhóm sát thủ vừa mới tiêu diệt những người nằm trong âm mưu của hoàng tử thứ ba. Được cổ vũ bởi điều này, hoàng tử thứ hai mang quân vượt qua những cổng gác cuối cùng, chiếm khoảng quảng trường nằm sát nội điện, giày xéo lên những chậu nhỏ hoa cúc vàng đặt khắp quảng trường, và đây là nơi sự kiện Thiên An Môn được tái hiện.

Tưởng như nhà vua bó tay và chiến thắng đã gần kề cho nhóm hoàng tử hai thì nhà vua hành động. Từ phía cung điện, quân đội của vua được bố trí tự bao giờ dần dần tiến ra với hàng khiên thép rất cao làm rào chắn phía trước. Trên các hàng khiên là đội cung thủ. Phía sau là tầng tầng lớp lớp binh sĩ khác. Các cổng thành bị khép lại chặn đường lui của đội quân tấn công. Đội quân tấn công bị gói gọn trong khoảng không gian sân điện, chỉ có tiến (và chết) hoặc chết! Hàng khiên thép cứ thế tiến lên, ép đội quân của hoàng tử thứ hai như ép chả. Đội quân này tấn công trong sự cùng đường, cố gắng vượt lên những hàng khiên thép cao để tấn công nhưng vô hiệu. Từ phía sau lớp khiên, giáo mác xỉa ra qua các lỗ châu mai thiết kế sẵn, đâm gục những người đang liều lĩnh trèo lên. Một số rất nhỏ trèo lên bức tường thành làm bằng khiên được thì nhanh chóng bị số đông quân của vua thảm sát. Hàng khiên vẫn rùng rùng tiến tới, bức tường thép giờ chĩa ra tua tủa giáo gươm như lông nhím, ép những người lính hàng trước của đội tấn công như máy nghiền thịt. Khi đội khiên đã ép chặt tới mức quân đội của hoàng tử thứ hai không còn chút khoảng trống nào để di chuyển thì đội cung thủ từ trên tường thành chĩa cung nỏ xuống và bắn tên như châu chấu trong sự bất lực hoàn toàn của đội quân tấn công. Đội quân tấn công giờ chỉ là một đàn cừu, không có đường chạy, không có khả năng phản công, không có chỗ ẩn nấp nên đành đứng phơi mình chờ bị bắn chết. Kế bắt ba ba trong rọ của nhà vua tién hành hoàn hảo. Tên tua tủa bay xuống, lính giáp vàng gục xuống hàng loạt, trăm người, ngàn người, vạn người, không một ai sống sót trừ hoàng tử thứ hai, máu tràn khoảng sân, thấm đỏ những cành hoa cúc vàng, loang lổ những tấm khăn thêu hoa cúc vàng quấn trên cổ kẻ thiệt mạng. Một vụ đại thảm sát!!!

Cuối cùng chỉ có hoàng tử thứ hai bất lực chui ra từ dưới thi thể những người lính của mình để chiến đấu tuyệt vọng trước khi bị bắt. Cuộc chiến kết thúc, cung điện hoang tàn, thi thể giáp vàng ngổn ngang khắp nơi, cờ đổ, máu loang, hoa tan nát, khăn nhàu nát... Một lệnh vua ban ra, hàng loạt binh lính, thái giám, thị nữ ra tay, kẻ kéo các thi thể người chết mang đi chôn, người đổ nước lau dọn, chùi rửa bề mặt quảng trường, người dọn dẹp các chậu hoa đổ vỡ, người mang tới các chậu hoa mới để thay thế, người trải lại thảm, kéo lại cờ,.... Và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục, quảng trường được dọp dẹp sạch tinh tươm, người tươi hoa nở, thảm đỏ cờ bay, không có bất cứ chút nào dấu vế của một cuộc thảm sát đẫm máu vừa mới xảy ra. Lễ hội hoa cúc diễn ra bình thường, đúng giờ, như thể hoàn toàn không có gì xảy ra!!!

Hoàng tử thứ hai được tha chết. Nhà vua có nói một câu đại ý ngậm ngùi cho người con thứ hai do ông thực tâm muốn truyền ngôi cho hoang tử này vì thấy thái tử không có nhiều khả năng như thế. Nhà vua tỏ ra rất tiếc vì hoàng tử thứ hai đã chọn con đường mà theo ông là hoàn toàn không cần thiết, con đường khiến ông buộc phải xuống tay.

Tôi không nhớ kỹ nội dung kết thúc phim nhưng những ai biết về sự kiện Thiên An Môn đọc đến đây hẳn nhận ra mối liên hệ - ít nhất là trên mặt hình thức thể hiện - giữa bộ phim này và sự kiện. Tôi cho rằng đạo diễn phim chủ tâm dựng nội dung phim này như một cách ghi lại và phổ biến công khai nhất có thể về sự kiện này trong bối cảnh cấm đoán của Trung Quốc. Đây là một điều không mới vì việc mượn phim ảnh để truyền tải một thông điệp nào đó là một điều khá phổ biến trong điện ảnh Trung Quốc cũng như các nước khác. Chỉ ngạc nhiên là cả nhà cầm quyền Trung Quốc lẫn người xem và các nhà phê bình dường như không ai đặt ra sự liên hệ này.

Một chi tiết khác có lẽ cũng có thể lưu tâm: Đội quân âm mưu lật đổ nhà vua mặc trang phục vàng, vốn là màu của hoàng gia, biểu hiện cả mặt trời, của ánh sáng, sự minh bạch. Trong khi đó quân đội của nhà vua, từ đội sát thủ lẫn đội chiến đấu đều mặc trang phuc đen, hoặc bịt khăn đen, hoặc mặc áo giáp đen, đều mang khiên đen,... tạo nên hình ảnh một sự đen tối, bất chính.

Cuối cùng, tên phim, đạo diễn, diễn viên chính và links: "Curse of the Golden Flower" hoặc "Autumn Remembrance" hoặc "The City of Golden Armor" hoặc "Man cheng jin dai huang jin jia" hoặc "Hoàng Kim Giáp", Trương Nghệ Mưu, Châu Nhuận Phát - Củng Lợi.


Tấn công và thảm sát


Dọn dẹp


Kết thúc

Thursday 4 June 2009

Khát vọng - 渴望 - Desire

Bâng khuâng năm tháng rộng dài
Thực hư lẫn lộn biết ai tỏ lòng
Thoắt vui buồn thoắt chia phôi
Miệt mài theo đuổi dòng đời quẩn quanh.

Đường đời thiên lý biếc xanh
Biết ai ai biết năm canh đợi chờ
Khát khao cuộc sống ước mơ
Hỏi người lữ khách có chờ nhau không.

Đèn soi tổ ấm thân thương
Oán ân gác lại dặm đường còn xa
Chuyện đời ngắn tựa bài ca
Quan san dâu bể cho ta hiểu mình


Lần đầu đọc những câu thơ này trên bìa sau một cuốn sách đã quyết định ngay đó là bản dịch của bài hát trong phim "Khát vọng" cho dù hồi đó không theo dõi được bộ phim này mấy, thậm chí đến bây giờ cũng chỉ nhớ mang máng hình ảnh cô gái nhân vật chính của bộ phim, còn nội dung thì... chịu. Có lẽ những câu thơ dịch toát lên rất rõ khát khao về một cuộc sống bình thường của một người đã trải qua đủ gian truân, sóng gió cuộc đời để vượt lên trên những tham vọng vô cùng, những cấu xé, giành giật khắc nghiệt như cái giá phải trả cho những tham vọng ấy để hiểu rõ giá trị của sự bình thường, của tổ ấm tình người.

Người dân bình thường phần lớn cũng chỉ mong muốn một cuộc sống thực sự bình thường, cứ gì Việt Nam, Trung Quốc hay bất cứ nơi đâu...

Mượn bình luận của một blogger để nhớ về bộ phim này:


Phim lấy bối cảnh lúc cuộc cách mạng văn hoá Trung Quốc đang diễn ra. Nhân vật chính là Huệ Phương. Những thăng trầm trong cuộc sống của cô gắn liền với những biến động của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.

Huệ Phương là một cô gái bình thường, giản dị nhưng giàu nghị lực sống. Trải qua bao khó khăn, vất vả, cô vẫn nuôi trong lòng một khát vọng vươn lên.

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc - Vương Sóc. Đây cũng là một trong những bộ phim truyền hình Trung Quốc đầu tiên được chiếu tại Việt Nam và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả Việt. Sau thành công của phim này, hàng loạt các phim truyền hình Trung Quốc khác bắt đầu hành trình chinh phục khán giả Việt.

Phim này chiếu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đó mình vẫn còn rất nhỏ, nhớ lõm bõm được đôi chút nên bây giờ hầu như quên hết nội dung. Nhưng ấn tượng để lại trong mình thì khó phai lắm! Về một cô gái giàu nghị lực và luôn biết khát khao vươn lên, vượt qua mọi nghịch cảnh.

Và ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là bài hát chính của phim. Bài “Khát vọng – Ke wang” mà hầu hết người yêu nhạc Hoa ở Việt Nam đều biết.

Lời bài hát “Khát vọng” tựa như tâm trạng một cô gái hiền lành, hiểu biết, vất vả nhưng luôn có ý chí, có hoài bão, và luôn cố gắng phấn đấu. Cách cô gái nhìn những nhọc nhằn, phiền não trong cuộc sống thật tự nhiên, nhẹ nhàng. Đó cũng là thông điệp chính mà bộ phim muốn gửi đến tất cả chúng ta.




Phiên âm Pinyin của bài hát ("~" để ngân dài, "-" để đi lướt):

You~ you sui yue. Yu-shuo-dang nian hao kun huo.
Yi zhen yi~ huan nan qu~ she, bei huan li he dou ceng jing you~ guo.
Zhe yang zhi~~ zhe, jiu-jing-wei~~ shen me?

Man man ren sheng lu~, shang xie qiu suo.
Xin zhong ke wang zhen cheng de sheng~ huo.
Shui neng gao su wo~. Shi dui hai shi cuo?
Won xuy nan~ lai bei wang~ de ke.

En yuan wang que, liu xia zhen qing cong tou shuo.
Xiang ban ren~ jian wan jia deng~ huo.
Gu shi bu duo. Wan-ru-ping chang yi duan ge.
Guo qu wei~ lai gong~~ zhen zhuo.

...Guo qu wei~ lai gong~~ zhen zhuo.

Tuesday 2 June 2009

Tàu lạ

Trong mấy năm gần đây, theo đà nóng của việc tranh chấp trên Biển Đông mà ngày càng có nhiều tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam bị truy đuổi, bị khám xét, bị bắt giữ, bị tông chìm, bị bắn giết,... Và chưa một lần nào danh tính những kẻ côn đồ hung bạo được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vẫn biết những vấn đề nằm trong quan hệ quốc tế nếu đưa tin thì cần chính xác nhưng đâu có khó gì để tìm ra bọn hung đồ. Vậy mà báo chí cả nước chỉ biết lặp lại điệp khúc "thuyền cá Việt Nam bị tàu lạ/tàu nước ngoài/tàu không rõ nguồn gốc đâm chìm", để rồi không bao giờ có một cuộc điều tra diễn gia, không bao giờ có một lời kết luận. Nhớ khi ông Bush bị ném giày ở Ỉaq thì báo chí rầm rộ đưa tin, đưa ảnh, còn khi chiếc giày ở nước Anh nhằm thẳng vào bộ mặt ông Ôn Gia Bảo thì báo chí tự nhiên mất hết giác quan, chỉ còn xác định nổi đó là "một thủ tướng nước ngoài"!

Quan hệ Việt Trung đang phát triển thật là tốt đẹp nên những chiếc tàu "không rõ nguồn gốc" kia cứ mặc nhiên hoành hành. Chỉ tiếc những ngư dân bị bắt bớ, bị bắn giết, những mẹ già vợ trẻ con thơ của họ ở nhà thì lại rõ nguồn gốc - họ là những công dân Việt Nam.

Trong mấy năm gần đây, theo đà nóng của việc tranh chấp trên Biển Đông mà ngày càng có nhiều tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam bị truy đuổi, bị khám xét, bị bắt giữ, bị tông chìm, bị bắn giết,... Và chưa một lần nào danh tính những kẻ côn đồ hung bạo được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vẫn biết những vấn đề nằm trong quan hệ quốc tế nếu đưa tin thì cần chính xác nhưng đâu có khó gì để tìm ra bọn hung đồ. Vậy mà báo chí cả nước chỉ biết lặp lại điệp khúc "thuyền cá Việt Nam bị tàu lạ/tàu nước ngoài/tàu không rõ nguồn gốc đâm chìm", để rồi không bao giờ có một cuộc điều tra diễn gia, không bao giờ có một lời kết luận. Nhớ khi ông Bush bị ném giày ở Ỉaq thì báo chí rầm rộ đưa tin, đưa ảnh, còn khi chiếc giày ở nước Anh nhằm thẳng vào bộ mặt ông Ôn Gia Bảo thì báo chí tự nhiên mất hết giác quan, chỉ còn xác định nổi đó là "một thủ tướng nước ngoài"!

Quan hệ Việt Trung đang phát triển thật là tốt đẹp nên những chiếc tàu "không rõ nguồn gốc" kia cứ mặc nhiên hoành hành. Chỉ tiếc những ngư dân bị bắt bớ, bị bắn giết, những mẹ già vợ trẻ con thơ của họ ở nhà thì lại rõ nguồn gốc - họ là những công dân Việt Nam.

Những chiếc tàu kia thật lạ, nhưng vẫn chưa lạ bằng chính chúng ta!!!

Monday 1 June 2009

Tản mạn chuyến đi Đức

  1. Chuyện xin visa.
    Khởi đầu>:Đến ĐSQ Đức trong tâm trạng lo lắng bởi hai lý do: 1) Kinh nghiệp vô cùng tồi tệ liên quan đến việc xin visa và kiểm tra hộ chiếu trong chuyến đi New Zealand, 2) Việt Nam nằm trong nhóm (không nhiều) những nước mà việc xin visa vào Đức bị kiểm soát kỹ hơn và hồ sơ cần xử lý lâu hơn (có danh sách các nước này tại trang web của ĐSQ Đức, và Việt Nam nằm trong danh sách kiểu đó tại rất nhiều trang web của ĐSQ các nước khác :-")

    Kết quả: Việc phỏng vấn và tiếp nhận hồ sơ hoàn thành trong vòng 5 phút (các cuộc phỏng vấn khác trung bình hết tầm 15-20 phút) và được miễn phí visa!!

    Nguyên nhân: Có thư của giáo sư bên Đức mời sang tham gia nghiên cứu :->

    Ấn tượng: Nước Đức có chính sách trọng nhân tài, đó là một nguyên nhân để họ phát triển mạnh mẽ.

    Suy nghĩ: Hơn £50 tiền phí visa của mình không làm nước Đức giàu thêm bao nhiêu, cũng ko làm mình nghèo đi lắm nhưng nó tạo nên một ấn tượng rất tốt của mình về đất nước đó.

    Ngoại truyện: Vẫn bị giữ lại lâu hơn khi nhập cảnh vì hộ chiếu bị "Problem" gì đó theo lời nhân viên sân bay Tegel. Rút cục ko có problem gì cả, vì thực ra làm gì có prolem gì, nhưng thêm một kinh nghiệm với tấm hộ chiếu yêu quý!


  2. Vài ấn tượng về nước Đức và người Đức.
    Nước Đức không hiện đại bằng nước Anh - khi so sánh hai thủ đô: Từ trên cao nhìn xuống London được quy hoạch tốt và do đó đẹp hơn nhiều so với Berlin, sân bay Tegel (có thể chưa phải sân bay to vì hình như Frankfurt mới có sân bay lớn nhất nước Đức) tại Berlin kém xa so với cả Heathrow lẫn Gatwick của Anh, đường xá, nhà cửa, cây cối, công viên tại Berlin đều kém London, tàu giữa Berlin và Greifswald kém tàu giữa London và Norwich.
    Khá ngạc nhiên vì vẫn luôn nghĩ Đức phát triển hơn Anh.

    Người dân đi xe đạp rất nhiều, có lẽ phần lớn là vì Greifswald rất nhỏ. Người lớn, trẻ con, giáo sư, sinh viên, người già,..., tất cả đều đi xe đạp. Nhìn sơ bộ về tỷ lệ phương tiện giao thông thì xe đạp nhiều nhất, sau đó là đi bộ, car rồi mới tới bus.

    Nhiều cây xanh. Đến nơi đúng mùa xuân nên cây cối đang đợt phát triển tốt nhất, xanh rì khắp nơi, đi tới đâu cũng nghe thấy chim hót.

    Người dân làm việc chăm chỉ và quy củ, tiêu biểu là Andreas: Sáng 8h đến trường, tối 6h về nhà, mấy đồng nghiệp của Andreas cũng vậy. Mặc dù cơ sở hạ tầng còn rất rất hạn chế: Ko có mạng ko dây, nhà làm việc rất cũ, nam nữ ở cả tòa nhà dùng chung một toilet nhỏ,... nhưng không một ai phàn nàn mà đều tập trung vào công việc.

    Người dân có ý thức tiết kiệm: Không thấy giới thanh niên ăn mặc chạy theo mẫu mốt, không thấy mấy những sự ồn ào phô trương, các siêu thị không cung cấp túi ni-lông cho người mua hàng, khi mua nước uống phải trả tiền chai nhựa - tiền này được hoàn lại khi người mua trả lại chai, in nháp trên giấy đen, in 2 trang trên 1 mặt giấy và in 2 mặt giấy,...

    Người Đức không (thích) nói tiếng Anh và không cởi mở bằng người Anh, dù người Anh vốn đã có tiếng là lạnh lùng.


  3. Người Việt ở Greifswald.
    Tiếp xúc được hơi nhiều với 2 gia đình làm hàng ăn. Có ấn tượng đó là những người làm ăn lương thiện và tử tế, không chụp giật, không lắt léo, rất có ý thức về việc mình là người Việt: dạy tiếng Việt cho con cái, nhắc nhở về cách ứng xử và quan hệ trên dưới trong gia đình, giữ ghìn niềm tin truyền thống và khước từ sự truyền giáo... Tất nhiên cách thể hiện thông qua lời kể chuyện của những người đã tiếp xúc có những điểm hơi buồn cười nhưng ý thức của họ là đáng ghi nhận.

    ấn tượng cực tốt với một trong hai gia đình làm hàng ăn: Luôn làm đồ ăn nhiều hơn suất thông thường (làm có hôm hơi ngại với Andreas vì đĩa thức ăn của mình to hơn hẳn của nó :-D), luôn chủ động bảo lấy thêm cơm ăn cho no, chủ động mời đồ uống (nước hoa quả đóng hộp của VN, vị dâu, ổ, xoài, etc) và cuối cùng là bao giờ cũng bớt tiền đồ ăn, không lấy tiền nước cho dù mình vật nài để trả... Thấy xúc động vì những hành động này.

    Được cho biết nước Đức an toàn hơn những gì bao chí ở nhà viết, những lo lắng của mình và của tut_iu rất nhiều. Những người Việt này đều đã trải qua giai đoạn chuyển tiếp Đông Đức - Tây Đức nhưng đều nói ngay cả hồi đó, cuộc sống cũng vẫn bình thường.


  4. Andreas
    Một người Đức điển hình xét về phương diện thái độ và phong cách làm việc, một người không-Đức điển hình vì không uống bất cứ đồ uống có chất cồn nào, không xem bóng đá. Sinh năm 77 nhưng đã là junior professor, rất cao, gầy gò, ít cười - trừ hôm mình đến ăn tối lần thứ 2, nói chuyện nhiều cái cười khanh khách, nhìn rất dễ thương.

    Cũng vì quá tập trung công việc nên không để ý đến những điều khác mấy, hôm thử test Skype để dùng trao đổi công việc sau này, hai thằng ngồi trong cùng một phòng thử Skype từ 2 máy, anh chàng khoái chí cười hớn hở, nhất là khi xem được webcam của nhau :-))


  5. Nước Đức hiện đại và nước Đức lạc hậu.
    Hiện đại: Có hơn chục vệ tinh phục vụ truyền hình và chỉ một vệ tinh như tại B&B mình ở đã có hơn 100 kênh TV.
    Lạc hậu: Tìm mãi chỉ thấy 2 hàng Internet cafe ở Greifswald, tốc độ rất chậm dù được quảng cáo là 3000Kb/s, thành ra chat voice + webcam qua YM cũng rất chậm, bị ngắt nhiều, không vào Skype được và đặc biệt là cửa hàng không mở ngày chủ nhật.


  6. Sự kiện đáng nhớ
    Đã crazy hết cỡ để làm lion kute vui mà vẫn chưa đủ, cô nàng dỗi nên ốm, giờ vẫn chưa thèm khỏi, hix.


Tổng kết: Có hai đất nước khiến mình cảm thấy kính trọng, đó là Đức và Nhật nhưng có nhiều ấn tượng về người Đức hơn. Mong rằng có cơ hội để hiểu thêm vê nước Nhật và người Nhật.

Lưu ý: Tất cả các ấn tượng và cảm nhận đều rất mang tính cá nhân, có thể rất phiến diện do thời gian ở lại quá ít và chỉ ở một thành phố rất nhỏ ở rất xa trung tâm nước Đức, và do hạn chế ngoại ngữ nên không có một tiếp xúc thực sự nào với một người dân nói tiếng Đức.