Monday 31 August 2009

Did you make a difference?

“…
- Okay, then answer this, Ellimist: Did I… did I make a difference? My life, and my… my death… was I worth it? Did my life really matter?

- Yes. You were brave. You were strong. You were good. You mattered.

- Yeah. Okay, then. Okay, then.

A small strand of space-time went dark and coiled into nothingness.”

(Ellimist, K.A. Applegate)

Friday 28 August 2009

So sánh...

"...Nhân nói chuyện so sánh, phải thừa nhận một đặc điểm của khá đông quan chức nước ta là khi cần so sánh với thế giới, thì tránh, còn khi không cần so sánh với thế giới, thì lại đem nước khác ra đối chiếu với Việt Nam ngay.

Tỉ dụ như khi nói về chất lượng cuộc sống của người dân, có một thời kỳ phép so sánh thường ít đặt Việt Nam trong quan hệ với khu vực hay quốc tế, để nói rằng so với Nhật Bản, Đức, v.v... thì mức sống dân ta sau chiến tranh bao nhiêu năm vẫn còn thấp quá. Mà lại là so với quá khứ, ngày trước còn nghèo đói, nay thì nhà nhà ở nông thôn đều đã có phích nước chăn bông, mái bằng, cuộc sống đổi khác rồi.

Còn trong trường hợp “kích cầu” này thì phép so sánh của chúng ta lại không phải là giữa các đối tượng được hưởng gói kích cầu với nhau (để xem có thật sự cào bằng không), mà lại là so giữa Việt Nam với các nước khác: So với nước khác thì Việt Nam kích cầu còn ít cào bằng hơn..."

Nguồn: TuanVietnam

Wednesday 26 August 2009

Cưỡng hả...?

8/2009, Thủ đô Hà Nội....

Một cơ quan chức năng ra lệnh cưỡng chế đất bị cho là lấn chiếm của một công dân để giao cho một công ty thương mại.

Để phản đối quyết định, nữ công dân chủ nhà dùng liềm tự cắt ngang cổ mình (!!!) trong một cuộc họp tại ngay UBND địa phương.

Kệ, cơ quan chức năng vẫn quyết định tiến hành cưỡng chế.

Buổi sáng khi lực lượng cưỡng chế đến tiến hành công việc, nữ công dân quấn bông vào người, tẩm xăng tự thiêu và biến thành ngọn đuốc sống, căn nhà bùng cháy dữ dội theo. Trong nhà còn có chồng của nữ công dân và anh này đã bất tỉnh (why?) khi cơ quan chức năng đưa được ra ngoài. Bên ngoài, con trai cặp vợ chồng, mới 19 tuổi, lao đầu vào đống gạch đổ nát để tự tử. Chồng và con trai nữ công dân nọ được cấp cứu và đã ổn định sức khỏe ra viện, còn nữ công dân hiện bị bỏng 85%, vẫn nằm viện, trong tình trạng nguy kịch và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khi báo chí tiếp cận thì bị ngăn cản với lý do nạn nhân chỉ "giả vờ" (!) chứ không có gì nghiêm trọng (!?).

Buổi chiều cùng ngày, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục thực hiện việc cưỡng chế!!!

Nguồn: Docbao

=========

Nhận xét: Đúng là pháp luật như sơn! Phải nói là cơ quan chức năng xử sự hết sức kiên quyết, có lẽ còn kiên quyết hơn cả đối với kẻ thù, cóc cần đếm xỉa gì đến tình nghĩa cả: Cậu thích tự thiêu hả, cứ tự thiêu đi, càng nhàn cho tớ làm việc buổi chiều không còn ai cản trở, hà hà!!!

Gia đình công dân kia không khéo ra viện sẽ bị tống vào tù vì tội chống người thi hành công vụ!

Tuesday 18 August 2009

Trời hỡi làm sao cho khỏi… Lọa ???

Nguồn: Blog Nguyễn Ngọc Tư

Lúc rày nghe nói ngư dân nước mình bị tàu Lọa ăn hiếp, bắt bớ, đánh đuổi dữ quá, sông quê mình bị Lọa bóp họng từ xa, đất quê mình bị Lọa che lấn từng tấc một… tinh thần dân tộc của chú Tư bừng bừng trỗi dậy, chú liền họp mặt gia đình thông báo từ nay cấm không xài đồ của nước Lọa nữa, không lý gì nó bức hiếp chà đạp mình vậy mà mình cứ nhơn nhơn xài đồ Lọa, làm giàu cho nó.

- Phải chống lại sự xâm lăng của Lọa ngay từ trong nhà mình – Chú nói với sự quyết tâm ngút ngất.

Ở nhà chú Tư, lệnh chú là lệnh trời. Thím Tư là ngừơi đầu tiên cảm nhận trời sập cái rầm xuống đầu mình, tối tăm mày mặt, cái phim Lọa “yên yên mông mông” mà thím đang coi đang tới khúc chia ly mùi mẩn gay cấn. Nhưng giờ trong nhà đang có chiến dịch tẩy chay hàng Lọa, nên ti vi hầu như không hoạt động. Chú để cái búa cạnh nó, chú nói, hễ phát hiện ra ai coi phim Lọa, nghe nhạc Lọa là chú bửa… ti vi cho tan nát đời con… chip luôn.

Tánh chú nói là làm, ai cũng ớn. Bàn thờ nhà chú giờ chưng toàn trái cây héo, bởi trái cây mà tươi rói căng mọng chắc chắn là từ bên Lọa chở qua. Đồ chơi của thằng Tu Ti cháu nội chú bị đem bán ve chai hơn một nữa do “made in Lọa”. Thằng Sáu buộc phải cho không cái điện thoại Lọa mua có hơn một triệu mà coi được ti vi, nghe nhạc lồng lộng, nó mua lại cái di động hiệu Nó Kìa. Đem về chú Tư săm soi rồi hét lên, cha chả cái thằng Sáu, điện thoại này cũng sản xuất ở Lọa nghen mậy. Thằng Sáu mặt xanh như tàu lá, chạy đi đổi lại cái điện thoại Việt cho chắc ăn. Mấy bữa sau đọc báo thấy điện thoại nhãn Việt toàn đặt hàng gia công bên Lọa, thằng Sáu kêu chú Tư cho năm triệu, cỡ tiền đó mới mong hàng không liên quan tới đất nước ất ơ kia. Chú Tư đổ mồ hôi hột, nhưng cố bấm bụng vì những đồng bào đau khổ của mình, vì yêu nước mình nên mua điện thoại… Nhật Bản cho con nó xài.

Rắc rối đâu chỉ có vậy, cái phim Việt “Thái Sư Trần” nhưng quay cảnh bên Lọa, cả son phấn trên mặt diễn viên cũng do người Lọa phết lên. Chú Tư tức mình nói với thằng Hai, tao chống mắt coi làm phim Lý Thường Kiệt thì đi quay ở đâu, tại vì ông Kiệt này chống nước Tống, tức là tiền thân của nước Lọa, họ đâu có ngu mà cho mình qua đất họ quay phim chửi họ. Thằng Hai cười, cũng chưa biết sao à tía, tại vì phim lịch sử nước mình hay mặc nhầm quần áo của Lọa lắm, nói chuyện giống y phim Lọa nói, sao tía cự được, tía có sống ở một ngàn năm trước đâu.

Chú Tư cảm thấy ngán ngẩm lắm rồi, tối qua thím Tư mặc cái áo ngủ mỏng tang mới mua, liếc qua mà chú nóng bừng ngây ngất, ai dè áo mang mác Lọa, làm chú mất hứng quá chừng. Ngó qua ngó lại trong nhà thấy cái gì cũng của Lọa, chén ăn cơm, ly uống nước, hột gà, hột quẹt, đèn pin, tới cây đập ruồi của made in Lọa nữa là sao là sao là sao ? Chú vừa tống chúng ra ngoài đống rác vừa kêu trời.

Nhà trống trơ, vợ con chú ủ rủ, đồ Lọa bị đẩy ra khỏi nhà mang theo bao nhiêu vui thú trên đời, không phim Lọa ti vi chẳng có gì để thím coi, con Út Chín phải lén đọc mấy tờ “Nhí Nhảnh”, “Nhí Nhố” ở ngoài đường, đem về nhà chú Tư thấy trong đó toàn là hình diễn viên Lọa là chết chắc, Út Mười không có con sâu nhồi bông gòn để ôm ngủ, nó trằn trọc đêm đêm. Một bữa thằng Hai đòi đổi tên, chớ tên nó lai Lọa quá, gì mà Hà ĐạiCương, phải đổi lại là Sông LớnCứng, thằng Ba Hà Đức Minh thì đổi là Sông Nết Sáng, thí dụ vậy… Mà tía cũng phải đổi thành Sông gì đó nghen. Con đi hỏi thủ tục đổi tên rồi, đóng chín dấu, qua bốn cửa là xong, nhà mình thuần Việt. Nhưng con lo mấy cái đơn xin không biết viết sao cho nó Việt hết cỡ, thí dụ "Độc lập - tự do - hạnh phúc" thì mình viết là "một mình sung sướng thoải mái" được không ?

Chú Tư ngã vật ra chết giấc. Cũng may nhà còn sót lại chai dầu cù là nhập bên.. Lọa mới đánh gió lay tỉnh chú được. Thiệt tình !

Thursday 13 August 2009

Phân biệt đối xử

Nguồn (M.A ^^): http://www.facebook.com/home.php?ref=logo&__a=1#/note.php?note_id=123417941361

Bị phân biệt đối xử ngay trên đất nước mình. Chỉ vì mình là người Việt Nam. Tóc mình đen và da không trắng. Chỉ vì mình là "local staff". Hoặc chỉ vì mình là phụ nữ trẻ, muốn lập gia đình và có con.

Rất nhiều công ty ở Việt Nam, cả local lẫn foreign, có một quy tắc bất thành văn là, phụ nữ không được lấy chồng/có con trong vòng 1 - 2 năm làm việc đầu tiên. Nếu không có thể bị sa thải. Nhiều nơi thậm chí còn bắt nhân viên viết cam kết bên cạnh việc ký hợp đồng lao động. Nếu kiếp sau tiếp tục được đầu thai làm người, và là công dân Việt Nam, em mong mình sẽ là đàn ông! Thật dễ dàng biết bao nhiêu. Chỉ vì mình là phụ nữ, sự nghiệp của mình có thể sẽ bị đe dọa/gián đoạn nếu mình kết hôn hoặc có con. Là một người vợ Việt, một người con dâu Việt, một người mẹ Việt đã khó hơn nhiều so với phụ nữ ở nhiều dân tộc khác, giờ đến sự nghiệp cũng khó khăn trăm bề. Một bên là các ông chủ muốn nhân viên nữ tập trung hết lòng cho công việc, không bị phân tán bởi trách nhiệm với gia đình và chồng con. Một bên là bố mẹ và nói chung là cả xã hội với những định kiến dành cho con gái đến tuổi phải lập gia đình. Trước đây khi chuẩn bị tốt nghiệp, câu hỏi em nhận được nhiều thứ hai, sau câu hỏi "làm việc ở đâu" là "Bao giờ cưới". Khi cưới rồi, câu hỏi em được nghe nhiều nhất là "Chừng nào có con?". Em đoán sau khi có đứa đầu, mọi người sẽ tiếp tục hỏi "Khi nào có đứa thứ hai?". Em nghĩ kết hôn hay có con là QUYỀN CON NGƯỜI. Và không thể vì thực hiện quyền con người mà bị sa thải. Em nhớ trong cái Employment Law mà em học năm thứ 3, có đoạn, đại loại nói về phụ nữ, rằng họ có thể đến gặp ông chủ ngay sau ngày làm việc đầu tiên để thông báo rằng, này, tao đang có bầu đấy, nên tao yêu cầu một số ngày phép để đi khám thai định kỳ etc. Và chủ, dù thế nào đi chăng nữa, cũng phải vui vẻ mà chấp nhận. Nếu vì lý do này mà sa thải em nhân viên mới, có thể ổng sẽ bị kiện đến nơi đến chốn. Tương tự, phụ nữ quay trở lại làm việc sau khi nghỉ sinh, mà bị trả lương thấp hơn hoặc bị đối xử tệ bạc, hoặc bị cho làm công việc khác vớ vẩn hơn, cũng có thể sẽ bị kiện và tiền bồi thương thì ôi thôi thật đau thương.

Bất cứ bạn nào đã từng sống, học tập và làm việc ở bển, em nghĩ đều phải cố gắng nhiều hơn dân bản xứ. Bản thân tiếng Anh đã không phải là tiếng mẹ đẻ, cách suy nghĩ và làm việc cũng thụ động hơn nhiều do ảnh hưởng của nền giáo dục Việt Nam từ khi lọt lòng. Như em, vừa kém thông minh vừa không nhanh nhẹn, đã phải cố gắng hơn nhiều nhiều đứa bản xứ khác để kiếm được mảnh bằng. Nó cố gắng một thì mình phải cố gắng mười. Sống ở nơi đất khách quê người cũng vất vả đủ đường. Em không nghĩ em đã từng bị phân biệt đối xử chỉ vì em là người Việt Nam. Trái lại nhiều bạn tây còn thấy khâm phục sinh viên Việt Nam vì những gì các bạn làm được trên một đất nước hoàn toàn xa lạ. Thế mà khi trở về Việt Nam làm việc, em lại bị phân biệt đối xử. Sống ở ngay trên đất nước mình, kinh nghiệm không kém expat, bằng cấp có phần hơn, thậm chí làm được nhiều việc hơn nhưng lại được trả lương thấp hơn. Chỉ vì là người Việt Nam. Expat sang đây làm việc như em mà được trả tiền nhà, được xe đưa đón, lương cao ngất ngưởng. Em ở SG, tự phải trả tiền nhà, tự phải đi xe máy đi làm và tự trả tiền xăng, lương còn không bằng tiền nhà của expat. Đương nhiên expat chẳng có lỗi gì trong chuyện này cả. Đó chỉ là vì cái stupid policy của công ty. Mọi thứ đã và đang thay đổi dần dần. Nhiều công ty đã đối xử công bằng hơn với local staff và tìm mọi cách để giữ người giỏi, vì họ hiểu rằng với một chế độ đãi ngộ tốt, local staff sẽ trung thành với họ. 1 good local staff còn làm được nhiều việc hơn so với expat, vì họ hiểu văn hóa Việt Nam, hiểu người Việt Nam. Nhiều local staff bây giờ có trình độ, kinh nghiệm và bằng cấp hơn cả expat.

Ở nước ngoài nếu bị phân biệt đối xử có thể mang nhau ra kiện. Còn ở Việt Nam, có mà kiện củ khoai :D Đọc trên tạp chí The Word thấy các bạn bảo là, trong vòng 10 năm tới mọi việc sẽ thay đổi. Hihi 10 năm, một cái chớp mắt, nhở =)) Trong lúc chờ được đối xử một cách công bằng, có lẽ local staff chỉ nên làm đúng đủ phần việc được giao, no more creation, no more contribution. Và có lẽ luật lao động cũng nên thêm phần phân biệt đối xử này vào. Hay là có rồi mà bị ignored nhỉ :-?

Thursday 6 August 2009

Bao giờ?

Ngày 1/8, một tàu cá Việt Nam với 13 ngư dân trong khi đang tránh bão tại quàn đảo Hoàng Sa thì bị trung quốc bắt giữ.

Ngày 3-8 Bộ Ngoại giao VN đã có công hàm gửi đsq tq tại VN yêu cầu phía tq thả ngay 13 ngư dân và tàu cá, đồng thời nhanh chóng thông báo cho phía VN về tình hình của các ngư dân.

Ngày 5-8, trả lời Tuổi Trẻ, ông la chí dân - bí thư thứ hai đsq tq - cho biết đã nhận được công hàm Bộ Ngoại giao VN gửi ngày 3-8 chuyển về cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, ông ta từ chối cung cấp thông tin liên quan đến việc tq sẽ xử lý công hàm như thế nào và trong thời hạn bao lâu.

Báo Đại đoàn kết ngày 6/8/09 có bài Hãy “mở lòng” vì vận nước, trong đó cho biết:

Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP. Hồ Chí Minh hai lần gửi công văn lên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đề nghị được phản biện dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam (2009 – 2020) với cam kết: “Nếu được giao nhiệm vụ tư vấn phản biện, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia hàng đầu vào ban chủ nhiệm phản biện. Tiến hành các thảo luận nội bộ, tổ chức hội thảo chuyên đề, thống nhất ý kiến quan điểm để cuối cùng có một công trình phản biện mang tính khoa học cao”.

Nhưng đã 5 tháng trôi qua, Bộ GD – ĐT không có bất cứ một phản hồi nào.

Tự nhiên nghĩ nếu "cơ quan có thẩm quyền" của tq cũng ứng xử với công hàm của BNG VN theo cách Bộ GD-ĐT ứng xử với Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP. Hồ Chí Minh thì ngư dân cứ gọi là đi toi.

Giờ chỉ hy vọng các bạn tq sẽ đối xử với VN tốt hơn tự ta đối xử với ta thôi. Liệu có không? Kể ra thì 12 ngư dân bị bắt đợt trước, hiện vẫn bị tq giam giữ để và đòi tiền chuộc (bạn còn giảm giá tiền chuộc rồi nữa) đã được bạn nuôi hơn 2 tháng, nhưng có khi đến hết tháng thứ tư bạn sẽ trả về không chừng.

Viết bài này lại nhớ về một bài của một người bạn cũ. Bạn bộc lộ rõ sự phẫn nộ khi tòa án tối cao Mỹ một lần nữa bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam. Mình cũng chia sẻ thực tế đáng buồn ấy nhưng đồng thời chỉ ra rằng, đợt đó đang nhân vụ chính quyền địa phương khắp nơi xà xẻo tiền trợ cấp ăn Tết cho người nghèo, chừng nào đồng bào với nhau mà còn đối xử với nhau theo kiểu đó thì đừng có mong người nước ngoài đối xử tốt với mình. Kể ra mình cũng hay comment theo kiểu đó. Bạn không thích, và dần dần thậm chí ghét kiểu bình luận đó của mình.

Nhưng liệu có đúng không, khi chính người mình đối với nhau không ra gì mà cứ đòi những người ở một đất nước khác phải thế nọ thế kia với mình?

Vẫn xót ruột khi nhìn các nạn nhân chất độc màu da cam, vẫn cảm thông với các ngư dân bị lũ bạo quyền cướp bóc, giam giữ. Nhưng để giúp họ về mặt lâu dài, để tiếng nói VN có sức nặng lớn hơn trên diễn đàn quốc tế, nước mình phải mạnh lên đã, người mình phải yêu thương, đùm bọc nhau trước đã. Và nhất định cách ứng xử kiểu "xì trum tháng trôi qua, xì trum không có bất cứ một xì trum nào" không có quyền tồn tại!

Ngoài lề nhưng cũng có liên quan: Đang đọc "Tuấn - chàng trai nước Việt", recommend mọi người.

Wednesday 5 August 2009

Du học sinh: Thách thức ngày trở về

Chưa rõ bao lâu nhưng chắc cũng chẳng mấy chốc nữa là sẽ lên đường trở về. Ở nhà có nhiều người, nhiều điều ngọt ngào đang mong đợi. Nhưng cũng có không ít trái đắng rình rập. Nghĩ về chuia sẻ của một số người đi trước.

Bài trên báo Phụ nữ Online:


PN - Nhiều người cho rằng, du học sinh (DHS) về nước sẽ có nhiều lợi thế, dễ kiếm việc làm và có mức lương cao hơn sinh viên tốt nghiệp trong nước. Nhưng thực tế, nhiều lý thuyết, cách làm việc mà họ được đào tạo rất kỹ ở nước ngoài đã không dễ dàng áp dụng tại VN. Vì thế, DHS trở về đã gặp không ít khó khăn, thách thức.

Phạm Quốc Lộc, hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ tại ĐH Massachusetts Amherst (Mỹ), chia sẻ: "Khổ tâm lớn nhất của DHS ngày trở về là sự dò xét, thách thức của đồng nghiệp: Để xem tụi này làm được gì". Chưa hết, hễ đóng góp ý kiến thì bị coi là chảnh, làm như đi học nước ngoài thì ngon lắm!.
Bình luận: Không sợ cái này lắm.

Huỳnh Thị Thái Phương - trợ lý giám đốc, Công ty Le Media TP.HCM, kể lại cú sốc: "Tôi lên kế hoạch cụ thể, thảo luận trực tiếp với từng bộ phận để nghe ý kiến và triển khai dự án. Mọi người đều đồng ý với kế hoạch, tiến độ bàn giao công việc... Nhưng đến ngày hẹn, có những người không làm phần việc của mình khiến tôi thực sự choáng. Tuy nhiên, không thể thay đổi được gì vào lúc đó, vì mọi việc đã rồi. Tôi chỉ còn biết nhận lỗi với sếp và xem đó là bài học cần "học lại", để hiểu cách làm việc, suy nghĩ... của đồng nghiệp".
Bình luận: Cũng không sợ mấy vì biết nó từ xưa rồi. Bệnh kinh niên của người Việt, chính bản thân mình hện nay đôi khi còn di chứng. Nhưng sẽ phải nghĩ ra cách nào đó để khắc phục nó, cho cả bản thân và nhóm làm việc.

Rõ ràng, không phải tất cả những gì được học ở nước ngoài đều là ưu việt, có thể áp dụng ở VN. Do những khác biệt về văn hóa, đặc điểm kinh tế, có nhiều kiến thức, quy tắc đang được áp dụng ở các nước tiên tiến nhưng lại rất xa lạ với cách nghĩ, cách làm của người VN. Nhiều DHS bày tỏ sự thất vọng khi trình bày những ý tưởng mà họ đã ấp ủ, đầu tư khá nhiều chất xám, nhưng lại bị tập thể nhìn như... người ngoài hành tinh.
Bình luận: Đoạn này PV đánh lận con đen khi nói "rõ ràng". Đúng là không phải mọi thứ học được ở nước ngoài là ưu việt, nhưng cả hai ví dụ dẫn trước đều không support ý này. Ngoài ra, việc không thể áp dụng ở VN thông thường không có nghĩa là nó không ưu việt mà thường là vì môi trường VN còn chưa phái triển đủ để áp dụng.

Việc làm, vị trí công việc, mức lương... cũng là những thách thức đối với không ít DHS khi về nước. "Sau sáu, bảy năm học đại học và lấy bằng thạc sĩ ở nước ngoài, không ít DHS kỳ vọng quá nhiều về khả năng tìm việc của mình, trong khi họ chưa hề có kinh nghiệm làm việc" - Minh Hòa, cựu DHS của ĐH Melbourne (Úc), nói.

Hồ Nguyên Vũ, cựu sinh viên ĐH Ilinoii (Mỹ) tâm sự, trở về VN sau 10 năm du học, bạn ước mơ sẽ đóng góp được nhiều cho đất nước, nhưng lại bị hụt hẫng vì không thể bắt nhịp với cuộc sống. Nhiều điều học được ở trường, Vũ không biết áp dụng vào đâu, áp dụng như thế nào. Ba mẹ anh ra tối hậu thư: mức lương khởi điểm không được dưới 300 USD/tháng. Tốn tiền cho con đi du học không phải để về nước làm một nhân viên quèn. Điều này khiến Vũ chịu nhiều áp lực.
Bình luận: Cái hụt hẫng này là điều đáng lo này, nhất là với những ai có nhiều ước mơ đóng góp, hix. Nguyên nhân chắc phần lớn giống như người bạn nêu trên.


Theo anh Nguyên Tuấn, cựu DHS tại Mỹ, việc tái hòa nhập của những DHS du học từ khi còn là học sinh cấp III hoặc vừa tốt nghiệp phổ thông sẽ khó hơn những người đi học sau đại học. Đi du học khi còn quá trẻ, các bạn chưa có được những kiến thức sâu rộng về xã hội, kinh tế VN. Tuổi trẻ vốn dễ thích nghi, dễ hòa nhập. Ở nước ngoài, các bạn được học những điều hoàn toàn mới, thích nghi với một cuộc sống mới có nhiều khác biệt so với quê nhà. Bận học hành, không còn thời gian để cập nhật những thông tin mới về đất nước, trở về sau bốn, năm năm ở nước ngoài, một số bạn dễ trở nên lạc lõng, khó thích nghi, và vì thế khó phát huy hết khả năng của mình.
Bình luận: Trở nên lạc lõng, khó thích nghi thì có thể, nhưng chưa chắc đã phải vì không cập nhật thông tin về đất nước mà có lẽ phần nhiều hơn là vì cách vận hành xã hội ở mình nó khác nhiều quá so với các nước mà SV đến du học.

Lê Thanh Tân - cựu DHS Úc, hiện là giám đốc công ty Vitamin4B từng chấp nhận vị trí quản lý một shop nhỏ ở trung tâm thương mại của công ty điện tử Sony, chia sẻ: "Có thể có ưu thế hơn về ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ở các nước hay trong nước đều ngang nhau ở chỗ... chưa có kinh nghiệm. Điều nhà tuyển dụng trông chờ là các bạn sẽ chứng minh khả năng của mình như thế nào trong thực tế". Anh Tú - cựu DHS ở Canada cũng hài lòng với mức lương khởi điểm 150 USD/tháng sau khi về nước. Nhưng khi chứng minh được khả năng của mình, thu nhập và vị trí của anh tăng nhanh ngoài mong đợi. "Điều quan trọng nhất là phải biết biến "vốn liếng" mà nhà trường cung cấp trở nên phù hợp với nhu cầu thực tế. Đây là thách thức mà DHS phải vượt qua để có thể thành công và phát huy tốt nhất khả năng của mình" - Anh Tú nói.

Vừa về nước vào cuối tháng 5/2009, Huỳnh Ngọc Hạnh - cựu DHS ĐH Auckland (New Zealand) hào hứng cho biết, cô hoàn toàn không chịu chút áp lực nào sau gần năm năm sống ở nước ngoài. Mỗi mùa hè, thay vì ở lại làm thêm để tích lũy kinh nghiệm như bạn bè, Hạnh chọn con đường về nước. "Tôi học được nhiều về phong cách làm việc, tổ chức, quản lý nhân viên, cách suy nghĩ của những nhân viên và cả những thay đổi trong nền kinh tế VN. Rất nhiều điểm khác biệt so với môi trường làm việc và những gì được học ở nước ngoài. Nhờ những kinh nghiệm đó, tôi biết mình cần phải đầu tư thêm những gì khi còn học ở New Zealand, để chuẩn bị hành trang cho ngày về".
Bình luận: Bạn này mới về được hơn 2 tháng 1 chút, trừ đi thời gian nghỉ ngơi, thăm thú nọ kia, nếu có đi làm chắc cũng chỉ độ 1 tháng trở lại nên ý kiến sợ chưa đủ chín chắn. Nhưng có thể sẽ thành công vì có vẻ quen với phong cách blah blah blah trong nước.

Tuổi trẻ luôn có nhiều khát vọng, lý tưởng, nhưng hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt nhất để thuyết phục mọi người hơn là mơ tưởng đến những thay đổi lớn lao, và áp đặt người khác phải tin vào tri thức được đào tạo ở nước ngoài của mình. Có những điều rất nhỏ nhặt, nhưng DHS trở về vẫn phải học: đó là học về giao tiếp, truyền thông. Không thể máy móc như làm việc với người phương Tây, làm việc với đồng nghiệp VN đòi hỏi phải tinh tế hơn. Đây là một trong những chìa khóa quan trọng để thành công của cựu DHS.
Bình luận: Vụ này toi rồi. Tinh tế không phải là điểm mạnh của mình, do đó mình thích lối làm việc rõ ràng, trách nhiệm kiểu phương Tây - có thể đôi khi nó hơi máy móc một chút nhưng dễ chịu hơn nhiều so với cái gọi là tinh tế, ví dụ như tìm hiểu xem tại sao mọi người nhận việc, hứa thực hiện rồi mà lại lỡ hẹn không báo sớm, hoặc tại sao công ty bạn thắng thầu công khai trong khi mình bỏ giá cao hơn nhiều, etc.

Cái câu hô khẩu hiệu ở đầu đoạn này chắc khiến nhiều người hài lòng và đồng ý lắm nhưng sao mình cứ thấy nó rác rưởi. Người ta bỏ những năm tháng tuổi trẻ ra học hỏi tri thức ở những nơi phát triển gấp hàng trăm lần trong nước, tiêu tốn tiền bạc gấp hàng trăm lần học hành trong nước, tại sao lại hạn chế người ta mơ tưởng đến những điều lớn lao? Mơ ước ngàn điều có khi chỉ thực hiện được một vài, nhưng cứ quay lại lui cui với những điều tinh tế đến nhỏ nhặt thì "giấc mơ con đè nát cuộc đời con" thôi, du học làm quái gì nữa.

Phương Minh


Cũng thấy hơi lo lo...

Sunday 2 August 2009

Thư ký cho Đại biểu Quốc hội ư, đây!

VietnamNet ngày 30/7/2009 có bài viết Không có thư ký, có khi đại biểu "gật gù cho xong" trong đó nêu lên khó khăn của các ĐBQH khi không có người giúp việc, dẫn đến một thực trạng là có khi đại biểu đành phải "gật gù cho xong"!

Bà Trần Thị Quốc Khánh, một ĐBQH chuyên trách, ao ước có 2 người giúp việc, "Một người tập hợp tư liệu, giúp tôi tham gia xây dựng pháp luật, người kia giúp việc trong công tác giám sát, đôn đốc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của dân". Đây là một mong muốn bình thường và hợp lý, và chắc chắn sẽ góp phần tăng hiệu quả làm việc của ĐBQ. Nên nhớ rằng chức năng chính của QH là ban hành Luật và giám sát hoạt động của Chính phủ nên việc QH hoạt động hiệu quả hơn sẽ đóng góp tích cực cho nhân dân, đất nước cả về trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, đáng buồn là yêu cầu này chưa thể được đáp ứng ngay, như nhận định của một ĐBQH khác, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, "ngân sách sẽ không chịu nổi". Cả ĐB Nguyễn Minh Thuyết và Trần Thị Quốc Khánh đều mong rằng với tình hình ngân sách hiện nay, mong được ưu tiên cho ĐBQH chuyên trách.

Nhưng tình hình có thật đến nỗi bi đát như vậy không?

Hiện Quốc hội có 493 ĐB (cứ cho là 500 cho nó tròn), trong đó có 133 ĐB chuyên trách. Cứ theo mong muốn của ĐB Khánh, trang bị cho TẤT CẢ các ĐBQH, mỗi ĐB 2 thư ký với mức lương 20 triệu/tháng thì tổng chi phí mỗi năm sẽ là:

500 x 2 x 20.000.000 x 12 = 240 tỷ VNĐ.

Ngày 31/7/2009, vẫn trên VietnamNet có bài Thu hồi ngay 1.000 tỷ đồng sai phạm của Vinaconex cho biết trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã có sai phạm lên tới gần 1000 tỷ đồng và giờ mới yêu cầu thu hồi.

Giá như việc cổ phần hóa được làm không có sai phạm thì ngân sách nhà nước đã có thêm 1000 tỷ. Con số này đủ cho 500 ĐBQH có mỗi người 2 thư ký trong vòng hơn 4 năm! Một phép màu đơn giản!!!

Ấy là đã tính tương đối trội (theo chủ quan ngườii viết) mức lương trả cho thư ký chứ với vai trò cán bộ thuộc cơ quan nhà nước thì thư ký ĐBQH sẽ vui lòng nhận mức lương 10 triệu/tháng, nghĩa là số sai phạm ở Vanaconex đủ cho hơn 8 năm vận hành hệ thống thư ký của QH. Nếu chỉ cung cấp thư ký cho ĐBQH chuyên trách với mức lương 10 triệu/tháng thì còn lạc quan nữa, số tiền chi ra hàng năm là:

133 x 2 x 10.000.000 x 12 = 32 tỷ.

Nghĩa là sai phạm ở Vanaconex có thể "nuôi" hệ thống ĐBQH-thư ký này trong hơn 31 năm!!!

Quốc hội chỉ có 1. Còn các Tổng công ty kiểu Vinaconex có hàng loạt, và người dân có quyền nghĩ rằng việc cổ phần hóa của các Tông cty kia cũng không khác nhiều so với Vinaconex - nghĩa là có vài trăm tỷ, hay hàng nghìn tỷ lẩn quất đâu đó trong khi lẽ ra nó phải nằm trong ngân sách nhà nước.

Hay thêm tí ti nữa, là đừng để xảy ra các lãng phí "đất vàng" thì mỗi ĐBQH cần tới 10 thư ký cũng là chuyện nhỏ.

"Đất nước ta còn nghèo" - đó là câu cửa miệng của rất nhiều người, đặc biệt là các nhà lãnh đạo khi muốn động viên nhân dân hãy chịu lụt lội thêm chút nữa, hãy mua điện, mua xăng dầu giá cao thêm nữa, hay để từ chối những nhu cầu kiểu thư ký cho ĐBQH này. Nhưng nghèo gì mà các sai phạm cứ trăm tỷ, nghìn tỷ xơi xơi xảy ra thế này mà chả có ai chịu trách nhiệm?

Vâng, hãy uốn lưỡi 3 lần...