Friday, 11 July 2008

Ký ức tuổi thơ - Đóng gạch

Hồi ấy hình như còn đang áp dụng chính sách lao động tập thể gì đó thì phải, mỗi năm lại có 1, 2 đợt học sinh ở trường mẹ lại tổ chức đóng và nung gạch. Nhìn các anh chị dùng cuốc, xẻng nhào đất, rồi dùng khuôn đóng gạch, khoái lắm. Có nhiều tốp làm việc: Tốp đào đất, tốp chở đất bằng xe cải tiến (bọn nhóc chúng tôi thi thoảng lại gạ gẫm nhảy lên xe cho các anh chị kéo), tốp nhào đất và xắt thành những khối to cỡ cái cối đá nhỏ, tốp đóng gạch. Dụng cụ đóng gạch khá đơn giản, chỉ gồm 1 chiếc khuôn gỗ hình chữ nhật và một thiết bị cắt đơn giản gồm một đoạn cây được uốn cong căng 1 sợi dây thép con con như cánh cung. Thích thú nhất là hình ảnh một anh nào đó đặt một chiếc khuôn trước mặt, nâng một khối đất lên rồi ném nhẹ xuống chiếc khuôn, sau đó dùng thiết bị cắt đưa gọn một đường để loại bỏ số đất nằm phía trên khuôn ném sang bên cạnh, và rũ rũ chiếc khuôn cho viên gạch vuông vắn lọt ra.

Gạch đóng xong được phơi khô rồi mang vào lò nung. Ngày đó mọi người cũng tự sản xuất than để nung nữa. Làm than đơn giản hơn một chút, chỉ cần nhào than với nước rồi ném lên tường theo những phiến to cỡ cái đĩa, than ướt sẽ dính ở đó để phơi, khi nào khô đủ sẽ dễ dàng tách ra đem dùng. Cũng có người đóng than theo hình chữ nhật to cỡ viên gạch song mỏng hơn, tuy nhiên có vẻ mất công mà ko phổ biến bằng. Hồi ấy, xung quanh hội trường của xóm và cả một số phòng học nữa, nhưng phiến "bánh than" bám chi chít. Thậm chí gỡ đi rồi, vết đen của than vẫn nằm đó trong một thời gian dài.

Mỗi đợt lao động như thế, trường thờng đốt 2-3 lò gạch một lúc. Lò gạch được chất lên, gạch bên than và than bên gạch, thành một kim tự tháp chóp tù trên diện tích tầm 2,5 x 1.8m. Ở mỗi phía chiều dài tháp có 3, 4 lỗ thông vào trong để chúc củi đun trong giai đọan đầu. Toàn bộ tháp gạch (trừ lỗ nhen lửa) sao đó được trát xung quanh bằng đất nhão, chắc để định hình hay bảo vệ lò. Củi được chất vào nóng rừng rực, khói len qua các lớp than, lớp gạch để tỏa dần lên chóp tháp, nơi một nhóm khác đang tranh thủ dựng mái cho tháp gạch từ những tấm phên nứa để phòng trời mưa. Dưới, những thanh củi gộc cháy rất khỏe, tự tiếp sức lẫn nhau nên ko ai phải chúi đầu vào để thổi như nấu cơm ở nhà cả. Rồi lớp than bên dưới dần bắt lửa, cháy lên, nóng bỏng, rồi tiếp tục đốt cháy lớp than phía trên, cứ thế mãi. Thường lò gạch bắt đầu nung lúc chiều muộn hay chập tối thì khoảng gần nửa đêm là than đã bén toàn bộ. Từ lúc than bén được một phần nào đó (ko nhớ nữa), các bếp nhen lửa ko còn cần thiết và được lấp lại. Mọi người có thể xoa tay chờ một mẻ gạch đỏ tươi.

Một trong các cảm giác ấn tượng nhất bấy giờ là đứng nhìn than cháy đỏ: Khi toàn bộ than đã bắt cháy, lò nóng hừng hực, lớp đất bao quanh lò bị nung khô kiệt, một vài chỗ nứt nẻ ra để thấy bên trong là những mảnh than rừng rực lửa. Rất ấn tượng cái màu đỏ rực rỡ của phiến than đang cháy đó, chỉ muốn được thò tay vào xem nó đẹp như thế nào.

Gạch nung 2 hay 3 ngày gì đó thì chín nhưng phải đợi thêm 1-2 ngày nữa cho lò nguội đi rồi mới dỡ ra. Từng đoàn xe bò do người kéo rầm rập chở gạch đi xếp thành từng đống vuông vắn rải rác trong trường - sẽ là chỗ cho bọn trẻ con trèo leo nghịch ngợm, ẩn nấp khi chơi trốn tìm hay trận giải. Giờ chả nhớ số gạch đó về sau chuyển đi đâu.

Hồi ấy, nhìn người lớn đóng gạch, bọn trẻ con cũng lê la nhìn trước nhìn sau rồi bê mấy tảng đất ra tự chế sản phẩm của mình, đó là những viên gạch nhỏ đủ kích cỡ, từ bao diêm cho đến bao thuốc lá, bàn tay, nửa tờ bưu thiếp (mà ngày đó đã làm gì có bưu thiếp nhỉ), nhưng luôn luôn nhỏ hơn các viên gạch bình thường. Rồi người lớn phơi gạch, trẻ con cũng phơi gạch, như thật luôn. Nhớ hồi phơi mấy chục viên gạch ở đầu nhà, đêm trời mưa, thế là cả đống gạch tâm huyết đi tong, đau ko sao nói hết. Rồi người lớn nung gạch, ta cũng nung, nào có kém gì. Cũng đắp lò, nhét than, nhóm lửa và trông, nhưng gạch ra lò cùng lắm chỉ cứng hơn và hơi nâu nâu thôi, vì nung ko đủ lửa. Có vài lần muốn tận dụng lửa của lò gạch to nên tung vài viên gạch của mình vào bếp của lò gạch nhưnh khi dỡ lò chả bao giờ tìm thấy cả, chắc bé quá nên bị nung nát mất rồi.

Mấy cái trò nung gạch ấy còn làm phát sinh ra biết bao trò khác. Nung gạch rồi thì lấy để xây lâu đài. Ông nào cũng hình dung ra các tòa lâu đài tráng lệ nhưng lúc xây lên cùng lắm chỉ là nhưng hình khối con con để chứa được những con giống nặn bằng đất khác. Thật thế, cái đất dùng đóng gạch đó là một thứ nguyên liệu đa mục đích cho sự sáng tạo trẻ thơ. Thôi thì xe tăng, mũ sắt, súng dài súng ngắn, ô-tô, máy bay thi nhau được sản xuất, phơi khô và đem ra đấu đá. Mà quái lại, sao ngày đó hay nặn xe tăng, máy bay, và khi vẽ vời cũng hay vẽ cảnh chiến trận, bắn nhau thế nhỉ? Có lẽ do nghe nhiều về những thứ đó quá chăng, giờ ko sao nhớ nổi. Đất đóng gạch còn dùng để nặn nồi, nặn pháo nữa.

Pháo đất có dạng một chiếc nồi, được miết sao cho đáy mỏng, thành mỏng sao cho khi ném ngược xuống tạo nên tiếng nổ to nhất, bắn ra lỗ rộng nhất. Pháo đất cũng nhiều kích cỡ, từ nhỏ xíu bằng ngón chân cái đến to cỡ cái đĩa ăn cơm. Những cái to này khi nâng lên phải rất thận trọng kẻo nó bị bửa viền, thủng đáy. Còn làm đáy với viền dày quá thì nổ lại ko to. hình nhưu ở một lãng quê nào đó phía Nam Định hãy còn trò chơi pháo đất này với những quả pháo to như cái nồi nấu ăn cho bộ độ và các cụ già khăn đóng áo dài làm chủ lễ nữa thì phải. Ko biết làng đó có học nghề pháo đất từ lũ trẻ thò lò mũi xanh ở cái xóm nằm giữa những ruộng lúa đó hay không.

Ghê thật, vậy mà đã hơn 2 chục năm trời.