Cũng suy nghĩ vấn đề này từ lâu lâu, giờ được kick off bởi trao đổi bên blog của Flight, tóm tắt lại ở đây cho đúng trọng tâm kẻo em Flight đã có dấu hiệu "tiễn khách" .
Woww (hỏi Flight): Chị nghĩ thế nào với quan niệm sống vì mọi người ?
Flight: Còn em? Em nghĩ sao? (Bà chị này trả lời khôn quá )
Woww: Em nghĩ đấy là quan niệm tốt .Vui sau niềm vui của thiên hạ . Lo trước nỗi lo của thiên hạ . Nhưng song song bên cạnh đó là phải hoàn thiện mình.
thienhadebetanhhung (xen vào ): "Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ" là phẩm chất của một nhà lãnh đạo cổ điển lý tưởng nhưng khó có thể tồn tại trong một XH hiện đại do các xung đột quyền lợi vô cùng phức tạp. Cho nên khi ai đó còn trong mình tư tưởng này mà ở vị trí làm được thì có lẽ việc quan trọng nhất nên làm là xây dựng một hệ thống thiết chế xã hội pháp trị minh bạch, công bằng, có khả năng tự điều chỉnh, thích ứng cao, để sau này sự phát triển của cả một dân tộc sẽ ko bị phụ thuộc vào việc có một bộ máy lãnh đạo tốt hay không . Rất vui khi nghe một người trẻ nói như em.
Flight: Em nghĩ em ý cần 1 sự giải thích nào đó đơn giản hơn. (Có vẻ không cần rồi)
Woww: Hi, rất vui và cảm ơn anh vì comment của anh. Em xin trả lời comment của anh. Theo em, ko nên mong chờ một xã hội pháp trị như thế. Thứ nhất là vì con người ngày càng thông minh. Con người lập ra một xã hội pháp trị như thế khắc sẽ tìm cách lách luật được pháp trị bằng hình thức phức tạp hơn để rồi lại có 1 chế độ pháp trị phức tạp hơn và lại tiếp tục lách luật rồi ... như thế . Thứ 2 là nếu có 1 xã hội pháp trị như thế thì con người sẽ vì e sợ luật pháp mà ko làm điều phạm pháp chứ chưa đã thúc đẩy mọi người giúp đỡ lẫn nhau theo như quan niệm "sống vì mọi người". Nếu mà em ở vị trí làm được thì việc em làm sẽ là đầu tư vào giáo dục. Nhân tri sơ tính bản thiện mà lại được trong môi trường giáo dục tốt nữa thì một con người chắc chắn sẽ tốt . (Giáo dục ở đây em sẽ đầu tư vào dạy kiến thức và yêu thương con người). Anh góp ý thêm cho em nhé.
thienhadebetanhhung: Thứ nhất, một XH pháp trị là một XH với một hệ thống pháp luật có tính chặt chẽ, nghiêm minh, công bằng, do đó giảm thiểu được khả năng lách luật, khả năng dung dưỡng các nhóm lợi ích bất bình đẳng. Anh nghĩ trong một XH pháp trị tốt, sẽ ít người tìm cách để lách luật do chi phí bỏ ra để "lách" cao, nguy cơ bị phát hiện lớn, mức độ hình phạt cao hơn rất nhiều so với lợi ích mà việc lách luật thành công mang lại.
Ví dụ thế này: Một cty chứng khoán nào đó chơi xấu để kiếm 100 triệu lợi nhuận, theo luật cty đó bị phạt 20 triệu, hoặc một cơ quan nào đó do điều hành kém nên để một cá nhân lừa đảo làm thiệt hại nhiều trăm triệu của Nhà nước nhưng người đứng đầu cơ quan chỉ xin "tự kiểm điểm nghiêm túc". Ở gần thành phố anh ở tại UK, có 1 bar do người bán hàng ko để ý để cho khách hút thuốc trong quán mà luật ko cho phép nên bị phạt £6,000 - để dễ hình dung thì học bổng 322 của Bộ giáo dục cho SV sang UK là £5,000-5,500/năm, lương của 1 Tiến sỹ làm công tác nghiên cứu vào khoảng £28,000/năm chưa trừ thuế. Như vậy tính pháp trị trong ví dụ 2 cao hơn ví dụ 1 rất nhiều, nó khiến người ta không tìm cách lách luật.
Anh vẫn đồng ý là luôn có người tìm cách lách luật, ở đâu cũng thế, nhưng một xã hội pháp trị tốt sẽ có *số đông* tuân thủ luật pháp. Và quan trọng là trong XH đó, khi tuân thủ luật pháp thì người ta sống được và sống thoải mái, được pháp luật bảo vệ.
Điểm hai của em liên quan đến một vấn đề lớn khác, đó là *chức năng của pháp luật*. Anh nghĩ rằng pháp luật có mấy chức năng chính: Trừng phạt, ngăn chặn và giáo dục, trong đó chức năng "trừng phạt" để "ngăn chặn" là chức năng khởi thủy và theo anh, *vẫn* là chức năng quan trọng nhất. Anh ko thấy có điều gì bất tiện khi "con người sẽ vì e sợ luật pháp mà ko làm điều phạm pháp" như em nói bởi vì điều đó ko hề ngăn cản việc "thúc đẩy mọi người giúp đỡ lẫn nhau" cả. Quan niệm "sống vì mọi người" đẹp - bản thân anh hết sức trân trọng những con người như thế và trong chừng mực nào đó cũng cố gắng giúp đỡ người khác khi có thể, nhưng đó sẽ không và không bao giờ là một phẩm chất của *số đông* trong XH được do bản chất của con người (human being) là ích kỷ, ngoài ra trong nhiều trường hợp, việc vì một nhóm người này sẽ mâu thuẫn với quyền lợi của nhóm người khác nên với tư cách là người ở vị trí quyết định, em sẽ rất khó quyết định. Chính do các xung đột quyền lợi phức tạp trong XH nên một hệ thống pháp luật tốt sẽ đạt được sự cân bằng chấp nhận được để dung hòa các mâu thuẫn và là cơ sở để ổn định XH ở tầm vĩ mô.
Một điểm khác, giả sử em là LĐ, em có quyền "sống vì mọi người" nhưng ko thể bắt những người khác cũng "sống vì mọi người" được. Có câu "nhân chi sơ tính bản thiện" nhưng cũng có câu "nhân chi sơ tính bản ác" nữa - do các ông Tuân Tử Mặc Tử gì đó cãi nhau, ông nào cũng có lý. Cho nên ko có gì đảm bảo các thế hệ kế tiếp em làm theo điều em đã làm suốt cuộc đời cả, vì các lý do anh phân tích ở trên kia.
Cuối cùng, một XH văn minh phải được đảm bảo bởi một cái gì đó có tính bền vững cao hơn phẩm chất của một cá nhân và lâu dài hơn cuộc sống của một con người. Anh nghĩ cái gì đó nhất định phải là pháp luật.
===
Mời mọi người thảo luận .