Sunday, 6 July 2008

Nước Việt Nam ta nghèo hay không nghèo - Chuyên cơ

Bài viết này copy từ blog Osin, bài cũng khá cũ rồi, nhưng vẫn nên đọc để biết hơn nước ta nghèo đến đâu. Đọc xong rùng mình, lại mệt đầu tính là nếu... thì số tiền tiết kiệm được chia cho 85 triệu dân, mỗi người được bao nhiêu? Chưa tính ra.


Chuyên Cơ
Osin

Vào lúc 9 giờ 45 sáng 24-3, trên đường lăn vào nhà ga Nội Bài, chiếc máy bay Airbus của hãng hàng không Thái dừng lại trước cửa nhà khách A cho một đoàn khách VIP bước xuống. Lúc này, nhiều hành khách Việt Nam ngồi ở khoang business class trên chuyến bay mang số hiệu TG 682, mới biết, vị khách ngồi ở ghế 1A chính là Tân Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được ông Samak tới thăm kể từ khi ông trở thành Thủ tướng.


Ông Samak không phải là vị nguyên thủ đầu tiên đến Việt Nam bằng máy bay khách. Năm ngoái Thủ tướng Singapore đã tới Việt Nam trên một chuyến bay thường của hãng Singapore Airlines và trở về trên một chuyến bay khác của hãng hàng không giá rẻ, Tiger Airways. Thủ tướng Hàn Quốc và phần lớn các vị nguyên thủ khác cũng đã công du Việt Nam bằng các phương tiện phổ thông. Hiện nay, trên Thế giới, chỉ còn một số rất ít các quốc gia áp dụng chế độ chuyên cơ cho các nguyên thủ như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… Chính phủ Anh, tuy vẫn chưa “thanh lý” chiếc Boeing 747 “sắm” từ 40 năm trước, nhưng, từ thời ông Tony Blair, các nguyên thủ của quốc gia giàu có vào hàng nhất Thế giới này đã không còn mấy khi đi lại bằng chuyên cơ nữa. Ở Pháp, chế độ chuyên cơ được chính thức bãi bỏ kể từ khi Tổng thống Jacques Chirac lên nắm quyền.


Đương thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng mua vé như những hành hành khách bình thường, cho mình và đoàn tùy tùng, thay vì dùng chuyên cơ như thông lệ. Ông nói: “Nước nghèo, dân nghèo, lãnh đạo phải tiết kiệm”. Tuy nhiên, ngay chính Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và những người kế nhiệm, đã không đủ can đảm để từ chối những chuyến chuyên cơ oai vệ. Không chỉ nằm trong nhóm rất ít quốc gia còn áp dụng chế độ chuyên cơ cho nguyên thủ, Việt Nam còn là nước áp dụng chế độ xa xỉ này cho những 4 chức danh: Tổng Bí thư chuyên cơ; Chủ Tịch Nước chuyên cơ; Thủ tướng chuyên cơ và Chủ tịch Quốc hội cũng chuyên cơ luôn!


Hầu hết đội tàu bay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam hiện nay là máy bay thuê hoặc mua bằng nguồn vốn vay ngân hàng nước ngoài, do Chính phủ bảo lãnh. Giá thuê một chiếc Boeing 777, loại vẫn thường sử dụng bay chuyên cơ, không dưới 1 triệu USD/tháng. Không chỉ tốn kém khi bay, cứ mỗi ngày nằm “đợi xếp” ở các sân bay, những chiếc chuyên cơ này vẫn phải trả phí “giờ chết” khoảng 30 nghìn USD/ngày, chưa kể các chi phí sân đậu, cất, hạ cánh…, chi phí cho tiếp viên, tổ lái. Cứ mỗi chuyến bay phục vụ “công du” như thế ngốn của ngân sách không dưới 400 nghìn, có chuyến tốn hơn cả triệu đô la Mỹ. Năm 2000, khi mà khoảng hơn 40% dân số Việt Nam vẫn sống dưới mức 1 USD/ngày, các nguyên thủ của nhiều quốc gia giàu có, đến New York dự họp Đại Hội Đồng Liên hợp Quốc, đã phải “kính nể” chứng kiến chiếc chuyên cơ chở Chủ tịch Trần Đức Lương đậu nhiều ngày trên sân bay JFK. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, người kế nhiệm ông Lương, có những chuyến công du, đã định trưng dụng tới 2 máy bay loại mới.


Trong thời gian điều máy bay theo hầu nguyên thủ, Việtnam Airlines thường phải “thuê nóng” một máy bay khác để thay thế. Giá thuê rất cao, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể “thuê nóng” được máy bay, thế là, Viêtnam Airlines đành phải hủy hay giảm chuyến, dẫn đến tình trạng máy bay bị “đì- lây” liên tục. Hành khách, không biết lỗi này do bởi “chuyên cơ”, mạt sát Hàng không cả trên báo chí.


Các nhà lãnh đạo của ta khi đi công tác trong nước, tiết kiệm hơn, chỉ dùng “chuyên khoang” thay cho chuyên cơ. Tuy nhiên, nhà chức trách hàng không ở các sân bay, để… chủ yếu, làm vừa lòng “các anh”, đã áp dụng “chế độ chuyên cơ” cho những chuyến bay có “khoang chuyên” đó. Theo quy chế, sân bay sẽ bị “đóng cửa” khoảng 30 phút chờ máy bay bay theo “chế độ chuyên cơ” cất hay hạ cánh. Có ít nhất 10 chuyến bay phải nằm đợi dưới sân hoặc lượn trên trời cho một chuyến “chuyên cơ” như thế. Chi phí cho mỗi giờ bay chờ như vậy tốn khoảng 10.000 USD/máy bay. Hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất áp dụng quy định tạm “đóng cửa sân bay cho chuyên cơ”. Thật xấu hổ khi bay vào lãnh thổ một nước nghèo như Việt Nam, mà lại nghe phi hành đoàn xướng lên: “Vì có hoạt động chuyên cơ, máy bay phải lượn chờ trước khi hạ cánh”.


An toàn cho các vị nguyên thủ cũng cần thiết. Tuy nhiên, trong hàng không, an toàn là một tiêu chuẩn phải tuân thủ tuyệt đối, bất kể hành khách là thường dân hay chính trị gia. Không một chuyến bay nào được phép cất cánh nếu có bất cứ một nghi vấn nhỏ nào về vấn đề an toàn. Chính vì thế mà trừ những quốc gia lắm tiền nhiều của hoặc có vấn đề về khủng bố, an ninh, hầu hết các nguyên thủ, đều di chuyển bằng máy bay thương mại. Khi phải mua vé, thay vì trưng dụng hẳn một chiếc Boeing, các vị nguyên thủ, cũng sẽ không kéo theo quá nhiều “bầu đoàn thê tử”.


Trên “phương diện quốc gia”, trong những tình huống cần thiết, các vị nguyên thủ hoàn toàn có thể sử dụng một chuyến bay riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển của ngành hàng không như hiện nay, xài “chuyên cơ” chỉ có ý nghĩa lấy le với thiên hạ. Có thể lãnh đạo ở các quốc gia khác không quan trọng như ta. Nhưng, không phải tự nhiên mà ở những nước có GDP/người lên đến 20.000- 30.000 USD, các vị nguyên thủ vẫn không dùng chuyên cơ. Uy tín của các chính trị gia, không hơn thua ở chỗ sử dụng máy bay nhỏ hay to, mà ở chỗ, các vị ấy có biết trân trọng tiền của dân đóng thuế.


….

PS: Một nhà ngoại giao sau khi đọc bản thảo bài này đề nghị bổ sung: Các vị đang đi sứ ở các cường quốc, mỗi khi về nhà là lại được gợi ý, “Cậu làm thế nào cho nó mời mình chuyến nhỉ!”. Ông bảo, có những nước thực sự muốn mời; có những nước muốn có bang giao tốt đẹp nhưng thấy lãnh đạo không cần thiết phải qua lại làm gì; nhiều nước rất khó chịu khi phải tiếp đón. Lãnh đạo người ta công việc nhiều, mình đến lại chẳng làm sang được gì cho họ. Cứ theo dõi báo chí, truyền hình thì thấy, nhiều khi lãnh đạo mình sang, rầm rập chuyên cơ mà báo chí nó không có một dòng cho phải phép. Việc ký kết trong các chuyến công du cũng chỉ chủ yếu là do các công ty PR dàn dựng, sao cho đẹp mặt. Tinh ý, sẽ thấy, các “bản ghi nhớ” được ký vô cùng hoành tráng ấy, rất hiếm khi thành hiện thực.