Wednesday, 14 July 2010

Vinashin: Những con tàu nát (Bài 1 và 2)

Những con số chục tỷ, trăm tỷ, thậm chí cả nghìn tỷ được các vị phung phí cứ như giấy vụn. Số tiền đó mà dùng để sản xuất/mua điện cho dân, giúp giảm giá xăng dầu, xây dựng trường học, cải tạo bệnh viện, nâng cấp giao thông/hệ thống cấp thoát nước đô thị, xây cầu cho đồng bào vùng sâu vùng xa,... thì có phải có ích biết bao nhiêu không? Trời nắng nóng là cắt điện và bảo là thiếu nước do không có mưa, trời mưa là ngập lụt và bảo những gỉ gì gi ấy nữa... Đọc bài này nhớ tới vụ lụt lội sáng hôm qua và bài viết Hà Nội lụt vì "nhân tai" cộng với thiên tai trên TuanVietnam sau đợt mưa lũ kinh hoàng cách đây 2 năm. Không lẽ ở những nước có IQ cao, thủ đô đều lụt như thế thật?

Cần phải nhìn ra, yếu tố thiên nhiên chỉ là một phần, và là phần nhỏ, nguyên nhân chính của mọi việc chính là con người!


Vì sao một núi tiền ngân sách khổng lồ liên tục được ném ra cho Vinashin mua về những con tàu cũ nát?

Tàu Hoa Sen:
Đây là con tàu tai tiếng nhất và được báo chí nói nhiều nhất trong thời gian qua. Nó được Công ty vận tải viễn dương Vinashin mua vào tháng 11-2007 với giá khoảng 1.390 tỷ đồng. Khi mua, thực chất chỉ là một chiếc phà chạy biển (Ferry Boat) chứ không phải là tàu khách. Người trực tiếp sang Italya mua chiếc phà khoác mác con tàu này chính là Tổng giám đốc Vinashin Trần Văn Liêm và một nhân viên tên Đạt. Ngày khởi hành chuyến đầu tiên là 13-12-2007, nhưng chạy chưa được một năm, đến tháng 11-2008 thì ngưng hoạt động vì nứt đáy. Sau khi lên dock (bến, ụ tàu) tại Huyndai Vinashin Nha Trang thì phát hiện đã bị nứt đáy 2 lần từ trước khi về Việt Nam. Nguyên nhân của sự cố nứt đáy tàu được biết là do lỗi thiết kế sai.

Tàu Hoa Sen mỗi ngày sử dụng hết 70 tấn dầu FO và 7 tấn dầu DO cộng với dầu LO, tổng giá trị không dưới 1 tỷ đồng/mỗi ngày. Nếu chạy tuyến từ Quảng Ninh đến TP. Hồ Chí Minh thì sẽ “uống” hết 2 tỷ đồng tiền dầu, chưa kể các chi phí khác như bảo đảm hàng hải, hoa tiêu phí, lương thuyền viên (45 người), tiền tàu lai dắt, cảng phí... Tuy nhiên, lượng khách thực tế trung bình chỉ cỡ 50-80 người/chuyến và khoảng 100 ô tô. Như vậy tổng tiền lỗ do khai thác công với tiền chi phí làm cầu dẫn lên tàu (tại các điểm bến Quảng Ninh, Chân Mây, Sài Gòn), cùng với chi phí 2 đầu bến, kể cả lãi suất ngân hàng cho đến nay đã lên tới 150 tỷ đồng. Tính vậy để thấy rằng tổng chi phí cho con tàu Hoa Sen này đến nay ước không dưới 1.540 tỷ đồng, kể cả chi phí sửa chữa tại Huyndai Vinashin.

Hiện tàu Hoa Sen vẫn đang được neo đậu tại vùng biển miền Trung, trong tình trạng không thể tiếp tục khai thác và cũng không biết bán được cho ai. Nếu có, chỉ có thể bán... sắt vụn với giá thị trường thế giới không quá 100 tỷ đồng. Lương thuyền viên và bảo vệ đang bị treo nợ. Thiết bị trên tàu như vòi tắm, lavabo rửa mặt, vòi rửa tay, đèn, khóa cửa... có hiện tượng bị cạy lấy cắp đổi bằng thiết bị rẻ tiền, kém chất lượng.

Tàu Lash Sông Gianh:
Đây là con tàu chở sà lan, dài 183m, rộng 25m, cao 12m, trọng tải 10.900 tấn với sức chở được theo thiết kế là 38 sà lan, được đóng tại Tổng công ty đóng tàu Nam Triệu. Tàu đóng xong và bàn giao cho Công ty viễn dương Vinashin khai thác cuối năm 2007.

Đặc tính của tàu: đóng theo công nghệ quá cũ từ thập niên 50 thế kỷ trước, trên thế giới họ đã bỏ lâu rồi. Trị giá khi xuất xưởng là trên 400 tỷ đồng. 400 tỷ đồng để đóng mới một con tàu xong... để nằm im một chỗ, không chạy được. Khôi hài thay, để chạy từ Quảng Ninh vào tới Sài Gòn, tàu Lash Sông Gianh 400 tỷ này phải mất 20 ngày. Hiện tại tàu không khai thác được. Từ khi hạ thủy đến nay mới chạy thử được duy nhất 1 chuyến và lỗ nặng cho nên bỏ không. Nguyên nhân được cho là do các trang thiết bị trên tàu không đồng bộ, rẻ tiền... Theo đánh giá của một số chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải, con tàu Lash Sông Gianh 400 tỷ này giờ không thể làm gì được ngoài việc đem... bán sắt vụn, theo giá thị trường thế giới được chừng 50 tỷ. Như vậy từ 400 tỷ sẽ chỉ thu được giỏi lắm chừng... 50 tỷ!

Tàu Bạch Đằng Giang:
Ngày 31-3-2006, HĐQT Tập đoàn ban hành Quyết định 473CNT/QĐ-KTĐT về việc bàn giao con tàu Bạch Đằng Giang từ Công ty vận tải viễn dương Vinashin cho công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu. Giá trị bàn giao trên sổ sách là 155 tỷ 089 triệu đồng. Sau đó, Tổng công ty Nam Triệu đã đầu tư thêm 13 tỷ 736 triệu đồng thành tổng giá trị con tàu lên tới 168 tỷ 825 triệu đồng. Nam Triệu dự kiến hoán cải tàu thành một khách sạn nổi mang tên Bạch Đằng Giang.

Việc hoán cải công năng cho con tàu đòi hỏi phải có thời gian thiết kế và tổng chi phí rất lớn. Tuy nhiên, do thời gian tàu ở không, neo đậu quá dài, tàu bị xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế ngày 14-6-2006, Nam Triệu phát văn bản gửi Tập đoàn Vinashin xin bán tàu Bạch Đằng Giang. Được sự đồng ý từ Tập đoàn, Nam Triệu rao bán với giá khởi điểm 149 tỷ 468 triệu đồng. Đó là giá rao, nhưng người trả cao nhất cũng chỉ ở mức 75 tỷ.

Không bán được. Nam Triệu tiến hành tháo gỡ toàn bộ thiết bị trên tàu và bán thanh lý phần thân vỏ tàu để cưa lấy sắt vụn. Kết quả bán thanh lý vỏ tàu sắt vụn này thu được 66 tỷ 190 triệu đồng. Phần thiết bị máy tháo ra, theo biên bản định giá còn khoảng 109 tỷ 660 triệu. Tuy nhiên, toàn bộ việc định giá chỉ trong nội bộ và cũng không có cơ sở, trên thực tế thiết bị máy móc này đã không còn sử dụng được.

Như vậy, nếu không tính giá trị phần thiết bị còn lại, việc đầu tư mua và “nâng cấp” con tàu Bạch Đằng Giang đã làm thất thoát 102 tỷ 635 triệu đồng.
  
Tàu dầu thô Vinashin Alantic:
Công ty vận tải viễn dương Vinashin mua con tàu Vinashin Alantic năm 2007 với giá 910 tỷ đồng. Tuổi tàu là 15 năm, mang cờ Panama. Do nợ không trả lương thuyền viên người Philippines nên họ đã cố tình làm hỏng máy đèn (trục cơ máy đèn) tại cảng Dubai thuộc UAE (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Do đó, tàu Vinashin Alantic đã phải nằm đậu trong thời gian rất lâu tại Dubai để sửa chữa. 

Hiện tại, do là con tàu được thiết kế để chở dầu thô, đã quá cũ, lại không hề được duy tu bảo dưỡng trong suốt một thời gian dài, nên đã xuống cấp trầm trọng, không khai thác được. Hiện tàu nằm bỏ không tại Vũng Tàu hơn 1 năm qua. Giá trị thực của con tàu hiện chỉ còn ước chừng 250 tỷ đồng (nhưng cũng rất khó bán với giá này). 

Vì nợ không trả lương, nên đã xảy ra tình trạng thuyền viên cạy trộm vật tư, trang thiết bị trên tàu đem bán… sắt vụn lấy tiền tiêu xài.

Tàu Vinashin Orient :
Là con tàu do nhà máy đóng tàu Bến Kiền (Hải Phòng) đóng và bàn giao năm 2007 cho công ty biển Hải Dương. Giá trị con tàu khi đó (năm 2007) khoảng 340 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm khai thác không hiệu quả, thua lỗ liên tục, hiện đang nằm « trùm mền » tại Hải Phòng gần 1 năm nay.

8 tháng qua, do nợ lương và tiền ăn của thuyền viên nên rất nhiều trang thiết bị trên tàu đã bị tháo gỡ đem bán đồng nát. Để khắc phục con tàu chưa đầy 4 tuổi trị giá 340 tỷ này cần một thời gian khá dài với mức kinh phí không phải là nhỏ.

Tàu Shippinco:
Năm 2007, công ty đầu tư và xây dựng công nghiệp tàu thủy (đơn vị trực thuộc Tập đoàn Vinashin) do Tổng giám đốc Nguyễn Nhật Cường cùng ông Nguyễn Hải Hà (Phó phòng tàu biển của Tập đoàn Vinashin) sang Brazin mua con tàu này. Nguyễn Nhật Cường là bạn học của Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình khi còn ở Ba Lan. Tàu Shippinco khi đó đã 26 năm tuổi, trị giá 9 triệu USD. Mua về, khai thác chỉ được đúng 1 năm thì thua lỗ triền miên, phải ngừng chạy. Tổng lỗ ước gần 3 triệu USD. Tàu nằm không tại Sài Gòn hơn 1 năm nay.

Bắt đầu từ tháng 4-2010, trước tình hình chuẩn bị cho chủ trương “tái cơ cấu” Tập đoàn Vinashin, công ty cho tàu chạy tiếp. Thế nhưng do con tàu đã xuống cấp nghiêm trọng, cộng thêm việc nợ lương và tiền ăn của thuyền viên nên hiện tại tàu không chạy được, phải nằm tại Indonesia hơn 1 tháng qua.

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng hải, giá trị tàu Shippinco hiện chỉ còn không quá 1,7 triệu USD.

6 con tàu cũ nát trước nguy cơ xẻ bán sắt vụn:
Ngoài ra, còn 6 con tàu khác đã được Tổng giám đốc Trần Văn Liêm mua về nhưng đang báo động bởi xuống cấp trầm trọng:

          - Tàu Vinashin Island: 26 tuổi, mua năm 2006, giá mua 174,7 tỷ đồng, treo cờ Panama.

          - Tàu Vinashin Summer: 23 tuổi, mua năm 2006, giá mua 109 tỷ đồng, treo cờ Tuvalu.

          - Tàu Vinashin Epress 1: 20 tuổi, mua năm 2007, giá mua 234 tỷ đồng.

          - Tàu Vinashin Epress 2: 19 tuổi, mua năm 2007, giá mua 245,9 tỷ đồng, mang cờ Liberia.

          - Tàu Vinashin Glory: 24 tuổi, mua năm 2007, giá mua 505,4 tỷ đồng, mang cờ Tuvalu.

          - Tàu Vinashin Tiger: 26 tuổi, mua năm 2007, giá mua 328,2 tỷ đồng, mang cờ Tuvalu.

Hiện do quản lý yếu kém, tất cả những con tàu trên đều đã cũ nát, xuống cấp đến mức chỉ còn có thể tháo gỡ bán sắt vụn. Giá trị ước đoán chỉ còn cỡ ¼ so với lúc mua. Đặc biệt nợ lương thuyền viên suốt 3 đến 4 tháng qua.

5 tàu đang bị bắt giữ ở nước ngoài:
Hiện công ty viễn dương Vinashin có 5 tàu đang bị bắt giữ ở nước ngoài vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: nợ tiền sửa chữa trên đà, nợ tiền cảng phí, tiền tranh chấp thương mại… Cụ thể:

- Tàu Vinashin Eagle: 24 tuổi, mua năm 2006, giá mua lúc đó là 220,8 tỷ đồng. Mang cờ Tuvalu. Bị bắt tại Thiên Tân, Trung Quốc hơn 1 năm qua và có đến 90% khả năng mất tàu. Hiện giá con tàu này trên thị trường thế giới khoảng 60 tỷ đồng (bán sắt vụn + 7-9%).

- Tàu Vinashin Phonenix: 22 tuổi, mua năm 2007, giá mua 408,6 tỷ đồng. Treo cờ Liberia. Bị bắt tại cảng Thượng Hải, Trung Quốc cách đây 6 tháng. Khả năng mất tàu là 90%. Trị giá hiện tại theo thị trường thế giới khoảng 100 tỷ đồng.

- Tàu Vinashin Sky: do Việt Nam đóng, trị giá khoảng 16 triệu USD. Bị bắt giữ tại cảng Haldia Ấn Độ từ ngày 3-11-2009 đến nay. Thuyền trưởng Trương Minh Hải và thủy thủ đoàn đã phải làm đơn kêu cứu.

Ngoài ra, còn 2 con tàu khác chưa rõ thông tin.

TỔ PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA
Nguồn: Báo Đại đoàn kết, đâyđây