Sunday, 4 July 2010

Tiến sĩ là gì?

Vụ việc ông GĐ Sở Văn hóa- Thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ có học vị tiến sĩ do một trường ở Mỹ cấp mà không biết tiếng Anh, những tưởng khá rõ ràng: Ông ta cần cái danh hiệu Tiến sỹ cho bước đường hoạn lộ của mình, thông qua "tư vấn" của ai đó, ông ta "mua" cái bằng về để dùng và bị phát hiện. Những người muốn tỏ ra công tâm ắt sẽ đòi hỏi "chứng cứ đâu, sao dám khẳng định ông ấy cần bằng cho bước đường công danh, sao dám nói do ai đó tư vấn, sao dám nói ông ta mua bằng trong khi ông ấy có luận văn, có học (qua mạng), có bảo vệ (có người dịch khi bảo vệ) hẳn hoi?". Người viết bài này không có ý định trả lời câu hỏi đó. Lý do là một chứng cứ dù rõ ràng vẫn có thể bị những người tỏ ra công tâm đòi hỏi chứng cứ để chứng tỏ nó là rõ ràng,... Chứng cứ đi đến cùng vẫn là lòng tin - đó là nơi làm cơ sở cho mọi tranh luận. Và riêng với vụ việc ông Ân thì niềm tin của người viết bài này đã đủ rõ: Ông Ân ngậm ngùi "tôi bị (cơ sở đào tạo đó) lừa" nhưng đúng ra phải là "tôi định lừa (thiên hạ) nhưng lỡ bị phát hiện".

Tuy nhiên vụ việc này lại gợi nên tranh luận "vậy Tiến sỹ là gì"? Tôi lưu ý ý kiến của một NCS ở Bỉ, anh phát biểu:
Sau khi làm nghiên cứu sinh 5 năm, tôi tự cười mình 5 năm về trước, khi đó tôi đã rất tự hào khi nhận được "học bổng" du học tiến sĩ do trường ĐH trực tiếp cấp.
Anh giải thích thêm:
"Nhưng giờ thì tôi đã rõ, làm tiến sĩ không có gì quá khó khăn và to tát như người ta tưởng. Làm tiến sĩ là học cách làm nghiên cứu, là chập chững bước vào nghiên cứu khoa học. Trở thành nhà khoa học mới là cái đích cuối cùng. Nhưng con đường từ tiến sĩ tới danh hiệu nhà khoa học còn xa lắm, bởi vì làm tiến sĩ xong mà không nghiên cứu được cái gì, tấm bằng đó cũng coi như vứt sọt rác."
Rất đồng ý với anh về các đoạn in đậm nhưng không thể đồng ý ở những đoạn khác. Việc anh "tự cười mình" e rằng có gì đó hơi quá chăng? Tất nhiên bằng Tiến sỹ không phải một thứ giấy thông hành vạn năng cho phép người giữ nó làm được mọi việc. Nó cũng không phải một thứ gì quá to tát để đem ra "lấy le" với thiên hạ hay làm cho ý kiến của một TS tự dưng trở nên có giá trị hơn ý kiến của những người khác. Tuy nhiên việc nhận được HB làm TS như anh chắc chắn chứng tỏ một điều rằng với những gì anh đã làm được trước đó, anh được đánh giá cao hơn nhiều ứng cử viên khác để chuẩn bị làm một công việc giàu tính trí tuệ. Thiết tưởng điều đó hoàn toàn xứng đáng để tự hào và chẳng việc gì phải "tự (chê) cười" vì đã từng tự hào cả, trừ phi người ta nhận được HB đó qua con đường không chính đáng.

Anh nói rằng "làm tiến sĩ không có gì quá khó khăn" thì e chừng hơi chủ quan quá. Một luận văn PhD chắc chắn yêu cầu lao động khoa học nghiêm túc trong vòng ít nhất 3 năm - với điều kiện thuận lợi mọi mặt về đề tài, giáo viên hướng dẫn, nguồn số liệu, và không phải lo lắng chuyện cuộc sống! Tất cả những điều trên thường không phải thế mạnh trên đối với phần lớn SV VN do sau chương trình ĐH và cả master trong nước, đa số SV còn rất kém về phương pháp làm việc khoa học, về critical thinking, về quản lý thời gian, thu thập và sử dụng references,... vốn là những điều vô cùng thiết yếu để làm TS. Đó là còn chưa kể SV từ trong nước ra lần đầu thường còn yếu về ngoại ngữ và có hạn chế nhất định về tài chính và cả khó khăn về đời sống tinh thần nữa. Với tất cả những điều trên thì chắc chắn nói "làm TS không có gì quá khó khăn" là không đúng. Làm TS, dù có đến đích được hay không, là một quá trình lao động thực sự khó khăn và vất vả! Có thể khi qua rồi nhìn lại thì thấy mình đã vượt qua, thấy lẽ ra mình có thể làm điều này, điều nọ thì mọi thứ sẽ thuận lợi hơn,... nhưng những cái đó chính là một phần của quá trình nghiên cứu: Học từ cái sai. Cái vất vả của làm nghiên cứu nó khác với người cày ruộng, khác với công nhân trên các công trường xây dựng, nhưng chắc chắn không mấy ai từng trải qua mà lại nói "làm TS ko có gì quá khó khăn" cả - nhất là với một người phải mất tới 5 năm để hoàn thành như tác giả bài viết!

Về con đường từ TS thành nhà khoa học, mặc dù đồng ý đó là một con đường rất dài và bằng TS chỉ là việc mở cánh cửa bước vào con đường đó, nhưng người viết bài này lại không đồng ý với luận điểm cho rằng "Trở thành nhà khoa học mới là cái đích cuối cùng". Có thể đi vào khoa học là con đường tự nhiên nhất đối với người làm TS mà mục đích cuối cùng là khám phá cái mới. Tuy nhiên có thể thấy (ngay cả ở nước ngoài) có rất nhiều TS tham gia các công việc thực tế, từ đơn giản như lập trình viên tới cao cấp như thành viên Chính phủ mà một ví dụ có thể gần với hiểu biết của người Việt Nam là các cựu Ngoại trưởng H. Kissinger hay C. Rice của Mỹ. Sở dĩ có thực tế này là vì việc làm TS một mặt giúp người làm có chuyên môn sâu về ngành hẹp của mình - là yếu tố dẫn tới con đường làm nghiên cứu, một mặt trang bị tư duy khoa học sắc bén và cách làm việc logic, hợp lý, hiệu quả - vốn có thể ứng dụng ở nhiều vị trí. Yếu tố thứ 2 chính là ngôn ngữ chung của khoa học và nó giúp 2 người làm KH ở 2 mảng không thật giống nhau có thể nói chuyện hăng say và hoàn toàn logic về đề tài của người kia hoặc thậm chí về một đề tài thứ 3.

VietnamNet trích riêng một luận điểm của tác giả bài viết, coi nó như điểm nhấn quan trọng:
Bằng tiến sĩ chỉ là cái giấy chứng nhận biết cách nghiên cứu khoa học. Tiến sĩ không phải là một tước vị mà là một nghề như bao nghề bình thường khác.
Một lần nữa tôi đồng ý với một nửa (nửa đầu) và bắt buộc không đồng ý với nửa còn lại của tác giả. Tiến sỹ không phải một tước vị, đúng! Nhưng bảo rằng nó là một nghề thì sai hoàn toàn! Để hiểu hơn nó là gì, tôi xin đưa vào đây bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn mà tôi đồng hơn rất nhiều so với bài viết trên VietnamNet.




Tiến sĩ là gì ? In Email
Thứ năm, 01 Tháng 7 2010 22:48 
http://michaelzimmer.org/images/PHD.jpgCó lẽ nhiều bạn đọc sẽ thấy ngạc nhiên khi tựa đề của entry này, vì nó hơi … ngô nghê.  Nhưng tôi phải mượn tựa đề câu hỏi đó để giải tỏa một số ngộ nhận về văn bằng tiến sĩ đang được một tờ báo mạng vô tình tiếp tay phổ biến

Nhưng trước khi giải thích tiến sĩ là gì, có lẽ cần phải minh định những gì không nằm trong phạm vi về ý nghĩa của văn bằng tiến sĩ. 

Thứ nhất, tiến sĩ không phải là một nghề.  Trước hết nghề là một việc làm qua sự phân công của xã hội.  Trong xã hội có người làm nghề thợ mộc, nghề nấu ăn, nghề thầy thuốc, v.v… Tùy theo bối cảnh và cấp bậc, tiếng Anh gọi nghề là occupation, là vocation, hay có khi là profession.  Do đó, khi người ta hỏi “nghề của chị là gì”, thì câu trả lời có thể là “tôi làm nghề dạy học”, hay “tôi làm nghề buôn bán lẻ”.  Tiến sĩ là một degree, tức là một bằng cấp hay học vị.  Thật là ngô nghê nếu có người nói “tôi hành nghề tiến sĩ”! 


Tiến sĩ không phải là một tước vị.  Tước vị là những danh vị do Nhà nước hay một tổ chức phong tặng, và cá nhân được phong tặng không phải trải qua một quá trình học hành.  Chẳng hạn như “Sir” là một tước hiệu do Nữ hoàng Anh tặng cho những người có công trong hoạt động xã hội và cộng đồng, hoặc như “Nhà giáo nhân dân” là tước hiệu do Nhà nước theo khối xã hội chủ nghĩa (như Việt Nam) phong tặng cho những nhà giáo có công lớn với sự nghiệp giáo dục (trên lí thuyết).  Còn văn bằng tiến sĩ chỉ được cấp cho những người nào đã qua một quá trình học hành và nghiên cứu khoa học, và đã đáp ứng các tiêu chuẩn do trường đại học đề ra.  Do đó, tiến sĩ không phải là một tước vị hay phẩm hàm. 


Tiến sĩ không phải là “đỉnh cao trí tuệ”.  Người theo học tiến sĩ thường nghiên cứu về một đề tài hẹp, có khi rất hẹp, chứ không theo đuổi một đề tài bao quát như ở bậc cử nhân hay thạc sĩ.  Có khi người ta bỏ ra cả 4-5 năm chỉ để nghiên cứu một phân tử!  Mà, ngay cả sau khi xong luận án tiến sĩ, ứng viên cũng chưa thể hiểu hết về đề tài hẹp đó.  Trong khoa học không có cái gì là chắc chắn và xác định; tất cả những gì chúng ta hiểu biết đều mang tính bất định và có điều kiện.  Do đó, không có ai -- kể cả người có văn bằng tiến sĩ -- ngớ ngẩn tuyên bố rằng mình là đỉnh cao trí tuệ, nếu không muốn tự biến mình thành đề tài chuyện tiếu lâm! 

http://www.csd.cs.cmu.edu/image/programsmall.gif

Học tiến sĩ không dễ và thoải mái.  Học tiến sĩ nghiêm chỉnh không bao giờ dễ và dứt khoát càng không thoải mái.  Học tiến sĩ không phải như bậc cử nhân hay thạc sĩ (tức hoàn tất các môn học qua thi cử), mà là làm nghiên cứu khoa học.  Nghiên cứu khoa học là cả một qui trình có hệ thống, mà chỉ cần sai một khâu trong qui trình đó thì xem như là thất bại.  Do đó, nghiên cứu khoa học không chỉ đòi hỏi ứng viên phải “cái đầu” tốt (tức ý tưởng tốt), mà còn đòi hỏi ứng viên phải nắm vững phương pháp, và nhất là đòi hỏi thời gian để hoàn tất.  Nghiên cứu sinh phải dậy sớm thức khuya, hay phải làm luôn ngày cuối tuần là chuyện bình thường.  Mỗi tuần thì phải dự bao nhiêu seminar, họp lab, cứ mỗi 6 tháng thì có kiểm tra, báo cáo tiền độ học vấn, và thêm vào đó là áp lực bài báo khoa học lúc nào cũng đè nặng lên người.  Nếu gặp giáo sư hướng dẫn khó tính, lúc nào cũng đòi hỏi phải có “outcome” (thành quả) thì càng mệt hơn.  Nói chung tôi nhớ thời mình theo học, lúc nào cũng nơm nớp trông chờ kết quả nghiên cứu, chứ không thoải mái chút nào cả.  Nhất là đến lúc viết luận án thì áp lực càng kinh khủng hơn nữa.  Tôi chưa nghe ai nói học tiến sĩ thoải mái cả. 


Cố nhiên, ở đây tôi chỉ bàn đến những chương trình đào tạo tiến sĩ nghiêm túc và có chất lượng.  Cần nói thêm rằng cũng có những trung tâm và trường đại học nhận nghiên cứu sinh khá tùy tiện, chẳng cần qua phỏng vấn, chẳng cần tiêu chuẩn nghiên cứu, vì các giáo sư ở đó có nhu cầu một vài người giúp việc … rẻ tiền.  Đối với những trung tâm này, họ xem nghiên cứu sinh tiến sĩ chỉ là một công nhân trí thức trong dây chuyền sản xuất để họ đạt được mục tiêu của họ (họ chẳng cần quan tâm đến tương lai của nghiên cứu sinh, và nghiên cứu sinh cứ tưởng rằng làm tiến sĩ dễ quá!) Tôi không bàn đến những chương trình học tiến sĩ từ các trường “làng nhàng” như thế, mà nghiên cứu sinh không cần công bố bài báo khoa học vẫn có thể tốt nghiệp.  Không phải chương trình đào tạo tiến sĩ nào cũng có chất lượng như nhau.  Những chương trình đào tạo từ các lab có uy tín phải có đẳng cấp khác với những chương trình xoàng xỉnh.  Thử tưởng tượng, một nghiên cứu sinh sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ mà không có đến một bài báo trong lí lịch thì làm sao có thể cạnh tranh với các nghiên cứu sinh khác. 


Tiến sĩ không phải là những vị “nghè”.  Ở nước ta, những người có bằng tiến sĩ thường được xem như là những ông nghè hiện đại.  Do đó, có người còn đề nghị nên có văn miếu cho các ông bà nghè hiện đại!  Nhưng theo tôi, văn bằng tiến sĩ thời nay rất khác với tiến sĩ thời xưa, bởi vì khác từ cách học và qui trình học.  Ngày xưa, tiến sĩ (hay thái học sinh) là những người đã qua 3 kì thi hương, thi hội, và thi đình, tức là những kì thi mang tính giai tầng địa phương.  Còn chương trình tiến sĩ ngày nay là một qui trình đào tạo liên tục và khá lâu năm, chứ không phải thi theo cấp địa phương.  Tiến sĩ ngày xưa chỉ làm một bài thơ hay bài phú, và được vua quan chấm “ok”; còn ngày nay, để có bằng tiến sĩ ứng viên phải hoàn tất nhiều nghiên cứu và tổng kết trong một luận án khá dài.  Nói tóm lại, tiến sĩ không phải và không nên hiểu như là những vị nghè ngày xưa. 


Danh xưng Tiến sĩ có lẽ được xuất phát từ chữ Hán mà tiếng Anh phiên âm là “Chin-shih” (và tiếng Anh dịch là “Doctor”).  Hình như văn bằng này được cấp lần đầu tiên vào năm 1313 (dưới triều đại nhà Tống); vào năm này, một cuộc thi tuyển đặt dưới sự chủ tọa của vua được tổ chức, và qua kết quả của kì thi này, có 300 thí sinh được cấp danh hiệu Chin-shih; trong số này, có 75 người gốc Mông Cổ, 75 người quê quán ở miền Nam Trung Quốc, 75 người quê quán ở miền Bắc Trung Quốc, và 75 người có quốc tịch ngoại quốc. 


Danh xưng tiến sĩ không có nghĩa là sẽ tự động đem lại thanh thế hay uy danh cho cá nhân.  Hầu hết các thí sinh đã đạt được văn bằng tiến sĩ đều cảm thấy tự hào về nỗ lực và kết quả của việc phấn đấu trong học hành nghiên cứu.  Tuy nhiên, thí sinh phải hiểu rằng một khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có thể làm việc với nhiều nhà khoa học khác cũng có bằng tiến sĩ.  Học vị tiến sĩ mới chỉ là bước đầu vào nghiên cứu khoa học, nó chẳng đem lại uy danh cho người có học vị nếu người đó không có công trình nghiên cứu nào có giá trị. 


Học vị tiến sĩ không tự động nâng giá trị ý kiến của thí sinh.  Nhiều người tin rằng một khi họ có văn bằng tiến sĩ trong tay, công chúng sẽ tự nhiên kính trọng ý kiến của họ.  Niềm tin này hoàn toàn sai.  Nhiều người có học vị tiến sĩ có thể am hiểu và uyên bác về một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó, nhưng không phải là chuyên gia của mọi vấn đề khác.  Sự kính trọng phải được chứng minh qua hành động và bản lĩnh của người phát biểu, chứ không tự động mà có được qua danh xưng “tiến sĩ”. 


Học vị tiến sĩ không bảo đảm thí sinh sẽ có công ăn việc làm ngay.  Có khi ngược lại: sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ có thể khó tìm việc làm hơn là sinh viên tốt nghiệp cửa nhân hay thạc sĩ, bởi vì như nói trên tiến sĩ là những nhà nghiên cứu.  Một số công ti không muốn và không thích mướn những người với văn bằng tiến sĩ cho những việc không dính dáng vào nghiên cứu.  Thêm vào đó là một khi nền kinh tế bị suy yếu, tất cả thành viên trong xã hội đều chịu chung số phận.  Thật vậy, một số công ti giảm thiểu nghiên cứu trước khi giảm thiểu sản xuất, và tình trạng này có thể là một mối nguy cơ cho những người có văn bằng tiến sĩ. 


Học vị tiến sĩ không phải để gây ấn tượng trong gia đình hay bạn bè.  Người thân trong gia đình và bạn bè thí sinh có lẽ rất hồ hởi và tự hào khi thí sinh vào học chương trình tiến sĩ, bởi vì họ nghĩ thí sinh sẽ trở thành một ông nghè, một “doctor” trong tương lai.  Nhưng văn bằng tiến sĩ chỉ là giấy thông hành cho nghiên cứu, chứ không phải để lấy le với người thân, bạn bè hay với xã hội.  Không phải lúc nào cũng đòi người khác phải gọi mình là ông / bà “tiến sĩ”. 


Học vị tiến sĩ không phải là cái cớ để thí sinh thử xem mình thông minh cỡ nào.  Có một vài thí sinh nghĩ rằng học tiến sĩ là một thách thức và họ muốn chơi trò thách thức xem xem tri thức của mình cỡ nào.  Rất tiếc, quan điểm này sai, bởi vì chương trình huấn luyện tiến sĩ không phải để thí sinh cân não hay để thử khả năng tri thức.  Ngoại trừ thí sinh dành trọn thì giờ và dấn thân vào học hành để đỗ đạt, thí sinh sẽ không thể nào có được văn bằng tiến sĩ chỉ vì mình “thông minh”.  Như nói trên, thí sinh phải làm việc nhiều giờ trong ngày, phải có khi thức đêm trong phòng thí nghiệm hay thư viện, phải chuẩn bị đương đầu với những thất bại, phải chuẩn bị động não để học cái mới và suy nghĩ cái mới. 


Học vị tiến sĩ không phải để kiếm nhiều tiền.  Thí sinh tốt nghiệp tiến sĩ thực ra không có lương bổng cao hơn các thí sinh với bằng cử nhân hay người công nhân bình thường trong hãng xưởng.  Xin nhắc lại: học tiến sĩ là để trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và cái quan tâm đầu tiên của nhà khoa học là sự thật, chứ không phải sự giàu có về tiền bạc.  Tất nhiên, có nhiều khi sự thật và khám phá cũng đem lại một nguồn tài chính lớn cho nhà nghiên cứu.  Nhưng nói chung, đó không phải là mục tiêu để theo học tiến sĩ.


Học vị tiến sĩ không có nghĩa là một lựa chọn tốt nhất trong đời.  Cống hiến cho xã hội có nhiều cách và cuộc đời có nhiều lựa chọn, và học vị tiến sĩ chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn.  Có lẽ thí sinh sẽ ngạc nhiên khi đọc câu phát biểu này, nhưng đó là một thực tế.  Thật vậy, đối với nhiều thí sinh, học vị tiến sĩ có thể là một sự nguyền rủa!  Thí sinh phải tự hỏi mình muốn làm người lãnh đạo trong những người có văn bằng thạc sĩ, hay là làm một nhà nghiên cứu tầm thường.  Thí sinh phải biết và quyết định mình muốn gì, và nghề nghiệp nào sẽ kích khích mình nhiều nhất hay đem lại hạnh phúc cho mình nhất. 


Tại sao “tiến sĩ” (PhD)?
Tuy có danh chính thức là triết học (“Doctor of Philosophy” hay PhD) nhưng tiến sĩ không hẳn là người học về triết.  PhD là một học vị cho tất cả các ngành khoa học, kể cả khoa học cơ bản và nhân văn.   Điều “trớ trêu” này có một lịch sử của nó. Hệ thống bằng cấp đại học ngày nay được bắt nguồn và mô phỏng từ hệ thống văn bằng của hai trường đại học cổ kính ở Âu châu vào thế kỷ 13: Trường Đại học Paris ở Pháp (thành lập vào năm 1170) và Trường Đại học Bologna ở Ý (thành lập vào khoảng 1158).  Theo bộ luật La Mã, vào thời Trung cổ, mỗi ngành nghề có quyền thành lập một hiệp hội gọi là Collegium, và hiệp hội này bầu ra những người có danh hiệu là Magistrates (mà tôi tạm dịch là "Thầy").  Vào thời này, người được nhận vào phụ giảng được gọi là Bachalari.  Vào cuối thế kỉ 13, Đại học Paris thay đổi học vị này thành Baccalaureaet.  Lúc bấy giờ, văn bằng Baccalauréate hay Bachelor là học vị duy nhất được cấp cho những thí sinh đã (i) thi đỗ khóa thi do các các "Thầy" đặt ra; và (ii) đã học xong một chương trình giáo khoa 4 năm về ngữ pháp, tu từ học và logic.  Sau khi xong văn bằng Bachelor, thí sinh có thể theo học tiếp chương trình MasterDoctor.  Và sau khi đã xong chương trình học Master hay Doctor (khoảng 8 năm học), một hội đồng giám khảo sẽ duyệt xét thí sinh để kết nạp vào tổ chức được gọi là Universitas of Doctors.  Sự kếp nạp này cũng là một "chứng chỉ" được hành nghề dạy đại học.  Lúc bấy giờ, những danh xưng như Master, DoctorProfessor có cùng nghĩa và tương đương về giai cấp: họ hành nghề dạy học.  Vào thế kỉ 13, những người dạy học tại Đại học Bologna, lúc đó là trung tâm huấn luyện về luật pháp bên Âu châu, được gọi là Doctor.  Trong khi đó ở Đại học Paris, là trung tâm về văn học nghệ thuật, những người dạy học được gọi là Master


Sự bình đẳng giữa Master và Doctor bị chấm dứt ở Anh và Mĩ, nơi mà văn bằng Doctor sau này được đánh giá cao hơn văn bằng Master.  Ở Anh, hai trường Đại học Oxford (thành lập vào khoảng 1249) và Cambridge (thành lập vào khoảng 1209) được mô phỏng theo hệ thống tổ chức của Đại học Paris; do đó, các nhà khoa bảng các môn văn hóa nghệ thuật thường được gọi là "Master", trong khi các đồng nghiệp của họ trong các môn học như triết, thần học, y học, và luật được gọi là "Doctor".  Ngày nay, các tên bằng cấp như "Master of Arts" và "Doctor of Philosophy" có nguồn gốc từ sự phân chia này. 


Tiến sĩ là gì?
Tiến sĩ là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học phương Tây.  Theo mô hình của hệ thống đại học theo phương Tây, có 3 cấp học chính: cử nhân, thạc sĩ (masters), và tiến sĩ.  Vế mặc con số, sự phân bố ba loại bằng cấp đó giống như hình tháp, với tiến sĩ ở vị trí chót vót, cử nhân ở vị trí thấp nhất, và thạc sĩ ở chính giữa.  Trong dân số, ở các nước tiên tiến như Mĩ chẳng hạn, chỉ có khoảng 0.8% người có bằng tiến sĩ.  Chẳng hạn như ở Thái Lan, trong niên học 2007, có 1.77 triệu sinh viên bậc cử nhân, 182 ngàn sinh viên thạc sĩ, và chỉ có 16246 nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ.  Nói cách khác, chỉ 0.8% sinh viên đại học theo học tiến sĩ.

Có nhiều lí do tại sao số người theo học tiến sĩ quá ít.  Lí do đơn giản nhất là người ta không có nhu cầu học tiến sĩ.  Cũng có người sau 4 năm theo học cử nhân đã cảm thấy mệt mỏi, và chỉ mong tốt nghiệp để kiếm thu nhập bù lại những năm tháng theo học.  Có người không đủ trình độ hoặc không đáp ứng điều kiện theo học.  Ở những đại học và trung tâm đào tạo nghiêm chỉnh, chỉ có khoảng 1-2% ứng viên xin học tiến sĩ được nhận học (sau khi qua một đợt phỏng vấn).  Điều này cũng không khó hiểu, bởi vì chương trình tiến sĩ là nhằm đào tạo một “lực lượng” khoa học elite cho các trường đại học, một lực lượng khoa học then chốt cho các trung tâm nghiên cứu khoa học và kĩ nghệ.  Có thể nói không ngoa rằng những người tham gia vào chương trình đào tạo tiến sĩ trong ý tưởng là đào tạo một đội ngũ tinh hoa của xã hội.  Đó cũng chính là lí do tại sao người ta đánh giá nền khoa học và trình độ tiên tiến của một quốc gia bằng cách dựa vào số người có học vị tiến sĩ trong dân số.  Ở những nước có nền kinh tế phát triển cao như Mĩ, số người có bằng tiến sĩ khoảng 0.7% dân số.

Tiêu chuẩn cho tiến sĩ
Để có được văn bằng tiến sĩ, ứng viên phải đạt hai điều kiện.  Thứ nhất, ứng viên phải có kiến thức uyên bác và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học.  Thứ hai, ứng viên phải mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó. Để làm chủ đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh phải tìm đọc và cố gắng hiểu tất cả những gì đã viết hay công bố về đề tài đó.  Không phải như bậc cử nhân, kiến thức thường có thể tìm thấy trong sách giáo khoa , đối với bậc tiến sĩ kiến thức thường được tìm trong các tập san khoa học.  Để mở rộng kiến thức về một đề tài, nghiên cứu sinh phải làm nghiên cứu khoa học theo sự hướng dẫn của thầy cô.  Chính phần nghiên cứu khoa học này phân biệt giữa tiến sĩ và các chương trình cử nhân hay thạc sĩ.  Học tiến sĩ thực chất là làm nghiên cứu khoa học.  Không có nghiên cứu khoa học thì không thể là tiến sĩ được. 


Cũng cần phải nhấn mạnh rằng đề án nghiên cứu cấp tiến sĩ không nhất thiết phải mang tính ứng dụng thực tiễn (như nhiều người ngộ nhận), mà phải thể hiện một đóng góp mới vào tri thức cho chuyên ngành. “Tri thức mới” ở đây bao gồm việc phát hiện mới, khám phá mới, hay cách diễn giải mới cho một vấn đề cũ, hay ứng dụng một phương pháp mới để giải quyết một vấn đề cũ, v.v… Những tri thức như thế có thể không có khả năng ứng dụng trong tương lai gần, nhưng có thể góp phần thúc đẩy chuyên ngành phát triển một mức cao hơn. Xin nhớ rằng khám phá insulin phải đợi đến gần 50 năm sau mới ứng dụng trong lâm sàng. 


Học tiến sĩ không chỉ là hoàn tất luận án.  Có rất nhiều người tưởng rằng học tiến sĩ chủ yếu là hoàn tất một luận án, nhưng thực tế thì không phải như thế vì luận án chỉ là một phần của chương trình đào tạo.  Luận án là một báo cáo có hệ thống những phương pháp và kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Do đó, luận án chỉ là một tiêu chuẩn (có thể quan trọng) trong các tiêu chuẩn để được cấp bằng tiến sĩ. Ngoài luận án ra, nghiên cứu sinh phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn như sau :

  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình có những kiến thức cơ bản về khoa học, và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh theo đuổi;
  • Nghiên cứu sinh phải am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo đuổi, và phải có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình;
  • Nghiên cứu sinh phải làm chủ được phương pháp nghiên cứu khoa học hay phương pháp thí nghiệm cơ bản;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ đã đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin, kể cả trình bày kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tế, khả năng viết báo cáo khoa học;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình đã nắm vững kĩ năng thiết kế một công trình nghiên cứu và độc lập trong nghiên cứu.

Một luận án khi hoàn tất mà chỉ để trên giá sách của thư viện trường cũng chỉ là một mớ tài liệu ít người biết đến. Vì ít người biết đến và nằm trong thư viện, nên chẳng có bao nhiêu người biết được luận án đó có cái gì mới hay xứng đáng với cấp tiến sĩ hay không. Do đó, nghiên cứu sinh cần phải công bố vài bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án. Công bố quốc tế là một hình thức “thử lửa” tốt nhất cho nghiên cứu sinh, bởi vì qua đó mà đồng nghiệp khắp thế giới có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của nghiên cứu sinh. 


Thật ra, công bố quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học tiến sĩ ở các đại học bên Âu châu, Mĩ châu, và Úc, những nơi mà họ khuyến khích (có nơi gần như bắt buộc) nghiên cứu sinh phải công bố vài bài báo khoa học trước khi viết luận án tiến sĩ. Ở một số nước Bắc Âu, luận án tiến sĩ thực chất là tập hợp một số bài báo khoa học đã công bố trên các tập san quốc tế. Ngày nay, các đại học lớn ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, v.v… cũng có qui định tương tự.

Một trong những câu hỏi mà nghiên cứu sinh khi mới bước vào học tiến sĩ là cần phải có bao nhiêu bài báo khoa học để có thể bảo vệ luận án tiến sĩ? Câu hỏi này khó trả lời, bởi vì nó còn tùy thuộc vào qui định của trường đại học, của phân khoa, và những qui định này rất khác nhau giữa các trường ngay cả trong cùng một nước. Chẳng hạn như trong các khoa xã hội và kinh tế học, yêu cầu bài báo khoa học không được đặt nặng bằng các khoa khoa học tự nhiên và thực nghiệm. Ở Mĩ người ta không có những qui định “cứng” phải có bao nhiêu bài báo khoa học để viết luận án tiến sĩ, vì nghiên cứu sinh phải học “coursework” một thời gian trước khi bắt tay vào nghiên cứu, còn ở Anh và Úc thì tiến sĩ hoàn toàn làm nghiên cứu chứ không có coursework, nhưng cũng không có qui định trên giấy trắng mực đen bao nhiêu bài báo. Tuy nhiên, có qui ước ngầm theo kiểu "unspoken rule" là một luận án tiến sĩ cần phải có ít nhất là 2 bài báo khoa học, tốt hơn là ít nhất 3 bài báo khoa học, cộng với các bài khác chưa công bố.

Trong một phân tích mới công bố trên Scientometrics, tác giả Hagen phân tích cho thấy tính trung bình, một luận án tiến sĩ ở Viện Karolinska có 4 bài báo khoa học, và con số bài báo dao động từ 3 đến trên 6 bài. Theo phân tích (xem biểu đồ dưới đây), gần 80% luận án có 4 bài báo khoa học; 12% có 5 bài; 5% có trên 5 bài; một phần nhỏ (4%) có 3 bài.


Học vị tiến sĩ là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học.  Ở các nước phương Tây, xã hội kính trọng những người có học vị tiến sĩ và gọi họ bằng danh xưng “Doctor”.  Để xứng đáng với danh xưng đó, xã hội đòi hỏi người có học vị phải đạt hai điều kiện chung: phải chứng tỏ rằng mình đã quán triệt và làm chủ được lĩnh vực nghiên cứu; và thứ hai là phải phát triển hay cống hiến được một cái gì mới cho kho tàng của tri thức nhân loại.  Cái cốt lõi của học vị tiến sĩ (và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác) có thể tóm lược bằng hai chữ: nghiên cứu.  Để phát triển hay mở rộng tri thức, thí sinh phải khảo sát, điều tra, và suy ngẫm, chứ không đơn thuần là một kĩ thuật viên về một lĩnh vực chuyên môn nào đó.

Học tiến sĩ để làm gì ?

Mặc dù những cảnh báo trên là hoàn toàn sự thật và có thể xảy ra cho thí sinh, nhưng tôi phải công bằng mà nói rằng cũng có một vài “an ủi” cho thí sinh nào cảm thấy mình có đủ khả năng và đức tính để theo học tiến sĩ. 

Thứ nhất, thí sinh có thể tự hào rằng mình đã hoàn tất chương trình học, hoàn tất nghiên cứu, và được trao văn bằng tiến sĩ.  Nếu thí sinh có khả năng và đam mê, sự nghiệp nghiên cứu khoa học có thể đem lại cho thí sinh nhiều phần thưởng vật chất và tinh thần có giá mà các ngành nghề khác không có được. 


Thứ hai, trong khi theo học tiến sĩ hay sau khi tốt nghiệp, thí sinh có thể sẽ gặp gỡ và làm việc với những người thông minh nhất trên hành tinh này.  Thí sinh sẽ tiếp cận và tiến dần đến những lí tưởng và ý tưởng không nằm trong tầm tay của mình, và để làm việc đó, thí sinh sẽ cảm thấy tri thức mình trưởng thành thêm.  Thí sinh sẽ giải quyết nhiều vấn đề mình chưa bao giờ gặp trước đó.  Thí sinh sẽ khám phá các khái niệm chưa bao giờ được nghe đến.  Thí sinh sẽ phát hiện những nguyên lí có thể làm thay đổi xã hội và con người. 


Thứ ba là lí tưởng sống của người làm nghiên cứu khoa học rất có ý nghĩa.  (Tôi có thể nói lại câu này mà không sợ bị chê là “nói ngoa”.)  Nói về niềm hân hoan trong nghiên cứu, có một “chân lí” mà có lẽ bất cứ nhà khoa học nào cũng đồng ý: trong các hoạt động của con người nghiên cứu khoa học là lẽ sống có ý nghĩa nhất.  Tại sao nhà khoa học phải tiêu ra nhiều giờ trong phòng nghiên cứu, mài mò sách vở, bận tâm với từng con số, quan tâm đến từng biểu đồ, trong khi họ có thể tiêu thì giờ với gia đình để làm cỏ trong vườn, hay tiêu ra thì giờ với bè bạn trong quán cà phê, quán nhậu ?!  Đúng là nhà khoa học cũng có thể có một cuộc sống gia đình như hàng triệu triệu người khác, tức là làm những việc trong gia đình như bao nhiêu người khác trên thế giới này, nhưng cái khác nhau là thay vì làm những việc đó, nhà khoa học có thể làm việc trong một phòng thí nghiệm, trong phòng máy tính, trong thư viện, bên giường bệnh với bệnh nhân, hay thậm chí trong chuồng … chuột, v.v… nơi mà họ có thể khám phá những điều thú vị nhất trên đời mà chưa có người nào biết đến.  Có thể nói nghiên cứu khoa học là một niềm vui tuyệt đối.  Còn gì vui hơn khi khám phá của mình đem lại lợi ích cho hàng triệu người trên thế giới, như khám phá vi khuẩn H. pylori của giáo sư Marshall, người vừa được giải Nobel y học vừa qua. 


Mục đích thực và chính của việc học hành là để mở mang trí tuệ, trau dồi kiến thức, rèn luyện nhân cách, và làm người hữu ích cho xã hội.  Bằng cấp không phải dùng để đo những kết quả trên, mà chỉ là những phân chia đẳng cấp khoa bảng rất tương đối.  Bằng cấp, dù là học vị cao nhất như tiến sĩ, chỉ là một bước đầu trong hoạt động khoa học, và tự nó chưa nói đủ về khả năng chuyên môn của nhà khoa học.  Tương tự, một học hàm cao nhất như giáo sư cũng không phản ánh chính xác được mức độ đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại.  Người trí thức chân chính chỉ nghĩ đến những đóng góp có giá trị nhằm đem lại phúc lợi thực sự cho nhân loại, và không bao giờ phụ thuộc vào học vị, học hàm hay các danh xưng phù phiếm để gây ảnh hưởng trong cộng đồng.

NVT