Người trí thức chân chính phải nghĩ đến những đóng góp có giá trị nhằm đem lại phúc lợi thực sự cho nhân loại, và không bao giờ phụ thuộc vào học vị, học hàm hay các danh xưng phù phiếm để gây ảnh hưởng trong cộng đồng.Copy về đây để bày tỏ sự đồng tình với cách nhìn này, cũng là để răn mình trong cuộc sống phức tạp này.
Tiến sĩ không phải danh xưng phù phiếm
Để có được văn bằng tiến sĩ (TS), ứng viên phải đạt hai điều kiện. Thứ nhất, ứng viên phải có kiến thức uyên bác và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học. Thứ hai, ứng viên phải mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó. Để làm chủ đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh (NCS) phải tìm đọc và cố gắng hiểu tất cả những gì đã viết hay công bố về đề tài đó.
Không phải như bậc cử nhân, kiến thức thường có thể tìm thấy trong sách giáo khoa, đối với bậc TS, kiến thức thường được tìm trong các tập san khoa học. Để mở rộng kiến thức về một đề tài, NCS phải làm nghiên cứu khoa học (NCKH) theo sự hướng dẫn của thầy cô. Chính phần NCKH này phân biệt giữa TS và các chương trình cử nhân hay thạc sĩ. Không có NCKH thì không thể là TS được.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng đề án nghiên cứu cấp TS không nhất thiết phải mang tính ứng dụng thực tiễn (như nhiều người ngộ nhận), mà phải thể hiện một đóng góp mới vào tri thức cho chuyên ngành. "Tri thức mới" ở đây bao gồm việc phát hiện mới, khám phá mới, hay cách diễn giải mới cho một vấn đề cũ, hay ứng dụng một phương pháp mới để giải quyết một vấn đề cũ, v.v...
Không có NCKH thì không thể là tiến sĩ được |
Những tri thức như thế có thể không có khả năng ứng dụng trong tương lai gần, nhưng có thể góp phần thúc đẩy chuyên ngành phát triển một mức cao hơn. Xin nhớ rằng khám phá insulin phải đợi đến gần 50 năm sau mới ứng dụng trong lâm sàng.
Học TS không chỉ là hoàn tất luận án. Có rất nhiều người tưởng rằng học TS chủ yếu là hoàn tất một luận án, nhưng thực tế thì không phải như thế vì luận án chỉ là một phần của chương trình đào tạo.
Luận án là một báo cáo có hệ thống những phương pháp và kết quả nghiên cứu của NCS. Do đó, luận án chỉ là một tiêu chuẩn (có thể quan trọng) trong các tiêu chuẩn để được cấp bằng TS.
Ngoài luận án ra, NCS phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn như sau :
- NCS phải chứng tỏ mình có những kiến thức cơ bản về khoa học, và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh theo đuổi.
- NCS phải am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo đuổi. Có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
- NCS phải chứng tỏ kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình.
- NCS phải làm chủ được phương pháp NCKH hay phương pháp thí nghiệm cơ bản.
- NCS phải chứng tỏ đã đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin, kể cả trình bày kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tế, khả năng viết báo cáo khoa học.
- NCS phải chứng tỏ mình đã nắm vững kĩ năng thiết kế một công trình nghiên cứu và độc lập trong nghiên cứu.
Một luận án khi hoàn tất mà chỉ để trên giá sách của thư viện trường cũng chỉ là một mớ tài liệu ít người biết đến. Vì ít người biết đến và nằm trong thư viện, nên chẳng có bao nhiêu người biết được luận án đó có cái gì mới hay xứng đáng với cấp TS hay không.
Do đó, NCS cần phải công bố vài bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án. Công bố quốc tế là một hình thức "thử lửa" tốt nhất cho NCS, bởi vì qua đó mà đồng nghiệp khắp thế giới có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của NCS.
Thật ra, công bố quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học TS ở các ĐH bên châu Âu, châu Mỹ, và châu Úc, những nơi mà họ khuyến khích (có nơi gần như bắt buộc) NCS phải công bố vài bài báo khoa học trước khi viết luận án TS. Ở một số nước Bắc Âu, luận án TS thực chất là tập hợp một số bài báo khoa học đã công bố trên các tập san quốc tế. Ngày nay, các ĐH lớn ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Philipin v.v... cũng có qui định tương tự.
Một trong những câu hỏi mà NCS khi mới bước vào học TS là cần phải có bao nhiêu bài báo khoa học để có thể bảo vệ luận án TS? Câu hỏi này khó trả lời, bởi vì nó còn tùy thuộc vào qui định của trường ĐH, của phân khoa, và những qui định này rất khác nhau giữa các trường ngay cả trong cùng một nước.
Chẳng hạn như trong các khoa xã hội và kinh tế học, yêu cầu bài báo khoa học không được đặt nặng bằng các khoa khoa học tự nhiên và thực nghiệm. Ở Mỹ người ta không có những qui định "cứng" phải có bao nhiêu bài báo khoa học để viết luận án TS, vì NCS phải học "coursework" một thời gian trước khi bắt tay vào nghiên cứu.
Ở Anh và Úc thì TS hoàn toàn làm nghiên cứu chứ không có coursework, nhưng cũng không có quy định trên giấy trắng mực đen bao nhiêu bài báo. Tuy nhiên, có quy ước ngầm theo kiểu "unspoken rule" là một luận án TS cần phải có ít nhất 2 bài báo khoa học, hoặc 3 bài báo khoa học, cộng với các bài khác chưa công bố.
Trong một phân tích mới công bố trên Scientometrics, tác giả Hagen phân tích cho thấy tính trung bình, một luận án TS ở Viện Karolinska có 4 bài báo khoa học, và con số bài báo dao động từ 3 đến trên 6 bài. Theo phân tích (xem biểu đồ dưới đây), gần 80% luận án có 4 bài báo khoa học; 12% có 5 bài; 5% có trên 5 bài; một phần nhỏ (4%) có 3 bài.
Trong một phân tích mới công bố trên Scientometrics, tác giả Hagen phân tích cho thấy tính trung bình, một luận án TS ở Viện Karolinska có 4 bài báo khoa học, và con số bài báo dao động từ 3 đến trên 6 bài. Theo phân tích (xem biểu đồ dưới đây), gần 80% luận án có 4 bài báo khoa học; 12% có 5 bài; 5% có trên 5 bài; một phần nhỏ (4%) có 3 bài.
Số lượng bài báo khoa học trong một luận án TS (Viện Karolinska, năm 2008) |
Học vị TS là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục ĐH. Ở các nước phương Tây, xã hội kính trọng những người có học vị TS và gọi họ bằng danh xưng "Doctor".
Để xứng đáng với danh xưng đó, xã hội đòi hỏi người có học vị phải đạt hai điều kiện chung: Phải chứng tỏ rằng mình đã quán triệt và làm chủ được lĩnh vực nghiên cứu; và thứ hai, phải phát triển hay cống hiến được một cái gì mới cho kho tàng của tri thức nhân loại. Cái cốt lõi của học vị TS (và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị TS với các học vị ĐH khác) có thể tóm lược bằng hai chữ: Nghiên cứu. Để phát triển hay mở rộng tri thức, thí sinh phải khảo sát, điều tra, và suy ngẫm, chứ không đơn thuần là một kỹ thuật viên về một lĩnh vực chuyên môn nào đó.
Học tiến sĩ để...thay đổi xã hội và con người
Mặc dù những cảnh báo trên là hoàn toàn sự thật và có thể xảy ra cho thí sinh, nhưng tôi phải công bằng mà nói rằng cũng có một vài "an ủi" cho thí sinh nào cảm thấy mình có đủ khả năng và đức tính để theo học TS.
Thứ nhất, thí sinh có thể tự hào rằng mình đã hoàn tất chương trình học, hoàn tất nghiên cứu, và được trao văn bằng TS. Nếu thí sinh có khả năng và đam mê, sự nghiệp NCKH có thể đem lại cho thí sinh nhiều phần thưởng vật chất và tinh thần có giá mà các ngành nghề khác không có được.
Thứ hai, trong khi theo học TS hay sau khi tốt nghiệp, thí sinh có thể sẽ gặp gỡ và làm việc với những người thông minh nhất trên hành tinh này. Thí sinh sẽ tiếp cận và tiến dần đến những lý tưởng và ý tưởng không nằm trong tầm tay của mình, làm được việc đó, thí sinh sẽ cảm thấy tri thức mình trưởng thành thêm. Thí sinh sẽ giải quyết nhiều vấn đề mình chưa bao giờ gặp trước đó, khám phá các khái niệm chưa bao giờ được nghe đến. Hoặc phát hiện những nguyên lí có thể làm thay đổi xã hội và con người.
Thứ ba, là lý tưởng sống của người làm NCKH rất có ý nghĩa. Tôi có thể nói lại câu này mà không sợ bị chê là "nói ngoa". Nói về niềm hân hoan trong nghiên cứu, có một "chân lí" mà có lẽ bất cứ nhà khoa học nào cũng đồng ý: Trong các hoạt động của con người, NCKH là lẽ sống có ý nghĩa nhất. Tại sao nhà khoa học phải tiêu tốn nhiều thời gian trong phòng nghiên cứu, mày mò sách vở, bận tâm với từng con số, quan tâm đến từng biểu đồ, trong khi họ có thể sống với gia đình, làm cỏ trong vườn, hay tán gẫu với bè bạn tại quán cà phê, quán nhậu?
Bằng cấp, dù là học vị cao nhất như TS, chỉ là một bước đầu trong hoạt động khoa học |
Đúng là nhà khoa học cũng có thể có một cuộc sống gia đình như hàng triệu triệu người khác, làm những việc trong gia đình như bao nhiêu người khác trên thế giới này. Nhưng cái khác nhau là thay vì làm những việc đó, nhà khoa học có thể làm việc trong một phòng thí nghiệm, trong phòng máy tính, trong thư viện, bên giường bệnh với bệnh nhân, hay thậm chí trong chuồng nuôi chuột bạch v.v...nơi mà họ có thể khám phá những điều thú vị nhất trên đời mà chưa có người nào biết đến.
Có thể nói NCKH là một niềm vui tuyệt đối. Còn gì vui hơn khi khám phá của mình đem lại lợi ích cho hàng triệu người trên thế giới, như khám phá vi khuẩn H. pylori của giáo sư Marshall, người vừa được giải Nobel y học vừa qua.
Mục đích thực và chính của việc học hành là để mở mang trí tuệ, trau dồi kiến thức, rèn luyện nhân cách, và làm người hữu ích cho xã hội. Bằng cấp không phải dùng để đo những kết quả trên, mà chỉ là những phân chia đẳng cấp khoa bảng rất tương đối.
Bằng cấp, dù là học vị cao nhất như TS, chỉ là một bước đầu trong hoạt động khoa học, và tự nó chưa nói đủ về khả năng chuyên môn của nhà khoa học. Tương tự, một học hàm cao nhất như giáo sư cũng không phản ánh chính xác được mức độ đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại. Người trí thức chân chính phải nghĩ đến những đóng góp có giá trị nhằm đem lại phúc lợi thực sự cho nhân loại, và không bao giờ phụ thuộc vào học vị, học hàm hay các danh xưng phù phiếm để gây ảnh hưởng trong cộng đồng.
Nguồn: VietnamNet