Friday 28 May 2010

Chia sẻ với thầy Đỗ Việt Khoa

Muốn chia sẻ với thầy Khoa của 4 năm vừa qua bằng 2 câu thơ viết từ một ngày nào đó:

Bước về đâu lầm lũi kẻ chiến binh
Không đồng đội, chẳng chỉ huy, chỉ kẻ thù đắc thắng...


Ngày 19/5 đọc bài “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa giã từ nghề giáo", thấy buồn.

Đã dự đoán một kết cục kiểu này từ ngày tân BT BGD Nguyễn Thiện Nhân cất công về tận nhà thăm, biểu dương và động viên thầy Khoa. Thiết nghĩ người đứng ra tố cáo tiêu cực không ai nhằm mục đích để được tung hô cả mà mong muốn lớn nhất là sự việc tiêu cực được xử lý triệt để. Đằng này sau khi được đón BT, được tuyên dương ồn ào, thầy Khoa như bị bỏ mặc giữa sự thù hằn của những kẻ đầy thủ đoạn và sự nghi ngại của những người bình thường & sợ sệt. Thầy thất bại là đương nhiên, không phải vì quá tự tin vào bản thân như người ta phê phán mà vì thầy quá tin vào người khác!

Hôm nay đọc bài trả lời phỏng vấn của Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, nghe ông phát biểu:
thầy Khoa có thể thấy khó và xin chuyển ngành để đỡ phải dấn thân, để đỡ phải đương đầu. Đây cũng là một cách xử sự.

tôi cũng khuyên mọi người nói chung và thầy Khoa nói riêng, nên bình tĩnh, kiên trì.
mà rất khó chịu. Thầy Khoa phải bỏ nghề và trước mắt "sẽ giúp đỡ vợ chăm sóc, dạy 2 đứa con cho tốt. Phụ vợ  đi chụp ảnh, cài đặt máy tính, internet. Sau đó, sẽ đi tìm việc làm", nói trắng ra là thất nghiệp! Vậy ông Truyền nói thầy Khoa xin chuyển ngành - thất nghiệp là ngành gì vậy thưa ông? Chấp nhận chia tay cái nghề đã gắn bó 20 năm, trở thành kẻ thất nghiệp là một nỗi đau. Nói "xin chuyển ngành" là sai và hạ thấp những gian khó mà thầy Khoa phải trăn trở vượt qua để đi tới quyết định trên. Ấy là chưa nhắc tới chuyện GS Văn Như Cương - người từng khẳng định "sẽ nhận thầy Đỗ Việt Khoa về làm việc nếu thầy gặp khó khăn" - đã vội vàng lên tiếng sẽ không nhận nữa cho dù thầy chưa bày tỏ ý định nhờ vả.

Thêm nữa, ông Truyền nói như thể thầy Khoa xin "chuyển ngành" là một cách xử sự để trốn tránh khó khăn, trốn tránh đấu tranh, từ đó ông khuyên thầy bình tĩnh và kiên trì. Ông nên biết, mà là ngời đứng đầu ngành Thanh tra, có lẽ ông phải biết, rằng đường con dẫn tới việc "chuyển ngành" của thầy Khoa đâu có trơn tru.

Bốn năm trời ròng rã đấu tranh nhưng các vụ việc luôn bị giải quyết nửa vời hoặc ỉm đi; bản thân bị bỏ rơi, bị trù úm, bị hành hung; tự bảo vệ mình bằng máy ảnh và máy ghi âm thì bị chỉ trích, máy ảnh bị người ta cướp, quẳng xuống ao; có lúc con không dám nhắc đến bố, có lúc vợ như phát điên, định bế con đi khỏi nhà… ông Truyền muốn thầy Khoa phải kiên trì tới mức nào nữa? Tới khi nhà tan cửa nát chăng?

Muốn chia sẻ với thầy-Khoa-của-bốn-năm-vừa-qua bằng 2 câu thơ viết từ một ngày nào đó:

Bước về đâu lầm lũi kẻ chiến binh
Không đồng đội, chẳng chỉ huy, chỉ kẻ thù đắc thắng...

Nhưng hãy quên nó đi thầy Khoa ạ. Trong cuốn “Bác Hồ với Giáo dục” mà BT Nhân tặng thầy ngày đó, BT viết “Thân tặng thầy Đỗ Việt Khoa. Cám ơn thầy, và chúc thầy luôn giữ vững cái nhân của người Việt Nam, cái nghĩa của phận làm cha, cái đức của nghiệp làm thầy”. BT giờ đã là Phó Thủ tướng, còn thầy, tôi nghĩ thầy cũng không còn gì phải băn khoăn về vai trò người thầy nữa nhưng giờ là lúc thầy phải bù đắp lại cái trách nhiệm với gia đình của một người chồng, một người cha.

Con người ta ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Mong rằng thầy may mắn trong quãng đời phía trước. Thầy hãy tin rằng những người trân trọng thầy và những gì thầy đã làm sẽ góp sức vào con đường đó bằng cách này hay cách khác, cho dù người ta có gặp thầy hay không.