Thursday, 20 May 2010

Ngụy biện 5 - Luận điệu cá trích

Ngụy biện kiểu "luận điệu cá trích" thường hay được ứng dụng khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề. Người tranh luận tỉnh táo sẽ nhận ra sự sai lạc chỉ với một chút chú ý.

Bên lề hội trường họp Quối hội chiều 20/5, Bộ trưởng (BT) Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng, BT Tài chính (TC) Vũ Văn Ninh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (CN UB TC-NS) Phùng Quốc Hiển đã trả lời báo chí về dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) và chuyện vay nợ cho các "siêu dự án".

Phóng viên hỏi:
Việt Nam đã hội đủ điều kiện để xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam thời điểm này chưa, thưa ông?
 BT Dũng trả lời:
Hệ thống đường sắt hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu, làm mất cân đối nghiêm trọng, tăng áp lực lên hệ thống đường bộ, tạo điều kiện phát triển giao thông cá nhân, gây tác hại nghiêm trọng, ùn tắc và tai nạn giao thông. 
Nhiệm vụ đặt ra là đầu tư hệ thống đường sắt để vận chuyển được khối lượng lớn, vận tải đường dài, đảm bảo chia bớt áp lực lên các phương thức khác. 
Chính phủ đề xuất phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đảm bảo tốc độ chạy tàu là 80km/h vận tải hàng hóa và 120km/h vận tải hành khách, đồng thời xây mới tuyến đường sắt cao tốc với tốc độ 350km/h. 
Ta sẽ dùng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất thế giới hiện nay, áp dụng thành công ở nhiều nước. 
Đây là dịp phân bố lại cơ cấu vận tải trên cả nước, đồng thời kết nối nhanh nhất hai trung tâm kinh tế lớn, qua đó sẽ góp phần hình thành trục đô thị dọc tuyến Bắc - Nam.
Với công nghệ hiện đại này, dân tiết kiệm được thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, giảm áp lực vận tải cá nhân trên đường bộ, giải quyết ùn tắc giao thông, kết nối với giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy.
Chắc chắn sẽ giảm được tỷ  lệ tai nạn chết người, góp phần phát triển giao lưu kinh tế các vùng miền cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng.
Có cảm giác BT trả lời rất trách nhiệm, câu trả lời dài hơn nhiều so với câu hỏi, có vẻ bao quát rất nhiều mảng nhưng quan sát kỹ thì thấy câu hỏi chia 2 ý rất rõ ràng: Một là Việt Nam đã hội đủ các điều kiện (ví dụ: nhu cầu, vốn, trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý,...) để làm ĐSCT chưa, và hai là tại thời điểm này. Tuy nhiên câu trả lời của BT ngoài việc chỉ ra hệ thống đường sắt hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu (đây chỉ là 1 yếu tố cấu thành nên sự hội tụ điều kiện) lại xoay ra nêu lên các lợi ích của ĐCST mà không hề chứng minh được rằng nước ta đã có đủ điều kiện để thực thi dự án này. BT đã "cá trích", phát biểu những điều chẳng dính dáng gì tới điều phóng viên muốn biết để đánh lạc hướng.

Hiển nhiên rằng ĐSCT sẽ sử dụng công nghệ hiện đại hơn, sẽ lịch sự hơn, sẽ chạy nhanh hơn đường sắt truyền thống - điều đó không cần BT nói thì phần lớn người dân đều biết. Nhưng cũng vì các lý do đó mà dự án này mới dự kiến sẽ phải tiêu tốn con số khổng lồ là 56 tỷ USD, mỗi km tốn trên 34 triệu USD, gấp 10 đường sắt thường khổ 1.435 điện khí hóa (là loại đường sắt hiện đại và rộng gấp rưỡi đường sắt ta đang dùng), "chiếm tới 50% GDP của đất nước, trải dài cho đến năm 2025, mỗi năm huy động hơn 4 tỷ USD, 10 năm đầu khoảng hơn 2 tỷ USD/năm". "Đất nước ta còn nghèo" - cụm từ này nghe liên tục mỗi khi thấy ở đâu đó người dân cần hỗ trợ sát thực cho cuộc sống, ví dụ khi học bổng ko đủ cho du học sinh sống bình thường mà học tập, khi sự hỗ trợ cho bà con bị bão lũ, ngập lụt thường phải huy động trong dân, khi người giáo viên phải ngậm ngùi tủi thân với số tiền thưởng Tết ít ỏi, khi tiền hỗ trợ cho đồng bào nghèo ăn Tết chỉ vài trăm nghìn đồng hay đôi chục cân gạo mà còn bị bớt xén,... ko hiểu sao trong vụ ĐSCT này ko thấy BT nào sử dụng. Hiện tại ta ko có vốn, nếu làm sẽ phải đi vay, cho nên người dân, Quốc hội cần phải biết ta đã thực sự đủ điều kiện chưa, liệu đồng tiền bỏ ra đã cần thiết chưa, có xứng đáng không? Tiếc là BT ko tranh thủ cuộc phỏng vấn mà nói cho dân rõ để dân tin, dân ủng hộ.

Lưu ý rằng trong trả lời của BT, việc hệ thống đường sắt hiện tại ko đáp ứng được nhu cầu không hề hiển nhiên dẫn tới việc cần xây ĐSCT. Số tiền khổng lồ 56 tỷ USD có thể dùng nâng cấp hệ thống đường hiện tại, hoặc mua thêm nhiều trăm máy bay chở khách, nâng cấp hệ thống sân bay, phát triển hàng không giả rẻ. Dân Việt Nam mình vẫn có tâm lý cho rằng đi máy bay là xa xỉ nhất nhưng kỳ thực ngay ở thời điểm hiện tại, chỗ tốt trên tàu khách Bắc - Nam đã đắt ngang ngửa hoặc đắt hơn máy bay giá rẻ rồi. Với chi phí hơn nửa trăm tỷ USD như trên, giá vé ĐSCT hiển nhiên còn đắt nữa! Ở UK, bay từ Norwich lên Scotland mà mua được vé rẻ thì cũng chỉ 15-20 bảng, trong khi vé tàu loại rẻ nhất đã phải tầm 50-70 bảng trở lên, đó là đã có discount cho SV rồi, và vẫn chưa phải ĐSCT.

Các yếu tố "dân tiết kiệm được thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, giảm áp lực vận tải cá nhân trên đường bộ, giải quyết ùn tắc giao thông, kết nối với giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy", "chắc chắn sẽ giảm được tỷ  lệ tai nạn chết người" mà BT vạch ra chưa lấy gì đảm bảo là sẽ đúng cả. Đường sắt dù cao tốc đến mấy khó lòng cạnh tranh về thời gian với máy bay, nhất là khi hệ thống check-in, check-out hàng không được cải tiến, mà việc này đỡ tốn kém hơn nhiều. Về tỷ lệ tai nạn giao thông thì càng mơ hồ. Địa hình nước ta nhiều chỗ gập ghềnh theo chiều dài đất nước, mấy năm nay cả 3 miền Bắc - Trung - Nam liên tục bị bão lụt, lũ quét, lốc xoáy, lở đất, hiện nay các cánh rừng phía Tây đang bị tàn phá ghê gớm nên nguy cơ xói lở, bão lốc là rất cao. Một con tàu đi trên địa hình và không gian như vậy với tốc độ 350km/h như BT dự kiến (gấp 6 lần tốc độ chạy tàu hiện tại) thì nguy cơ tai nạn còn cao hơn tàu khách thông thường. Ngoài ra, cứ tạm cho rằng các lợi ích ấy là sẽ thành sự thật thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc hệ thống ĐSCT là cần thiết, là có thể làm trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.

Viết đến đây thì mỏi tay rồi nên muốn dừng, nhưng ko thể bỏ qua câu trả lời của CT UB TC-NS Phùng Quốc Hiển. Trước cùng câu hỏi trên, bác Hiển nói:
Đây là dự án đón đầu, có tầm nhìn xa. Năm 2030, khi dự án đi vào hoạt động, thu nhập người dân sẽ khác, có thể là 3.000 USD/người chứ không phải 1.000 USD như bây giờ. Vì thế, nếu tính giá vé đường sắt cao tốc, phải tính bằng thu nhập lúc đó. Tính thế nào cũng vẫn rẻ hơn vé máy bay.
Cái "tầm nhìn xa" như thế này thì lạc quan hơi lỏng lẻo. Chẳng có luận điểm nào thật mạnh mà bác Hiển lại đưa ra con số 3.000 USD với cụm từ "có thể" - nghĩa là rất mơ hồ, vô thưởng vô phạt, không có gì đảm bảo - rồi lại dùng cái có thể đó để hỗ trợ cho ý vé sẽ bán được giá cao - có vẻ để gián tiếp trả lời cho lo lắng về hiệu quả kinh tế của dự án chăng? Dùng một điều mơ hồ để ủng hộ một điều hết sức rõ rệt - tra mãi "cẩm nang" mà ko thấy nó match chính xác với loại ngụy biện gì ^^ - thif nhất định là không đúng. Thiết nghĩ tầm nhìn xa đúng đắn ở quy mô quốc gia thế này ít nhất phải bắt nguồn từ sự am hiểu rộng rãi và sâu sắc, sự nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, thảo luận sâu sắc và kỹ lưỡng chứ không thể dựa trên một hình dung màu hồng!

Trong bài trả lời phỏng vấn còn nhiều điểm không ổn nữa nhưng bài dài rồi. Tuy nhiên lại ko muốn BT TC Vũ Văn Ninh bị thiệt thòi vì bác ấy đã được nêu tên trên đầu, he he. Trả lời câu hỏi về dư nợ Chính phủ do phải vay quá nhiều tiền cho các dự án lớn (chưa tính cái ĐSCT này), BT phát biểu:
Việt Nam không có khoản nợ nào quá hạn cả, đây là sự lành mạnh của nền tài chính. Cũng như một gia đình xây nhà, nếu không đủ thì phải đi vay, sau đó làm ăn, tiết kiệm trả nợ thì cũng rất bình thường.
Nghe qua rất bùi tai và có vẻ hợp lý nhưng kỳ thực lại ko đúng. Một gia đình làm nhà thường phải vay mượn, sau trả dần là đúng rồi, nhưng chắc chắn rằng trước đó họ đã phải tính toán kỹ lưỡng về tài chính, xem mình có bao nhiêu tiền, cần vay thêm bao nhiêu, thu nhập của mình thế nào, với thu nhập đó sau khi làm nhà xong mình sẽ sống ra sao, và trong bao lâu sẽ trả được nợ. Chẳng đời nào người ta đi làm nhà khi đang ko có tiền, hoàn toàn phải đi vay, mà cũng không cần biết làm xong có làm ăn đủ tốt để trả nợ không cả. Đối chiếu với dự án ĐSCT, những điểm trên chính là điều mà nhân dân và Quốc hội đang cần biết, và các vị BT, CN cứ không chịu trả lời cho rõ :-((

Dường như các cấp trong Chính phủ đều muốn xúc tiến siêu dự án này, ai lên tiếng cũng bênh vực, buồn là chưa thấy sếp nào đưa ra được những luận điểm rõ ràng, xác đáng, đủ tin cậy cả, sao vậy nhỉ :-?

PS: Cách đây hơn 2 tháng, trên Telegraph có bài này: http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/7397846/Kings-Cross-to-Beijing-in-two-days-on-new-high-speed-rail-network.html. Theo đó TQ đang thương thuyết với 17 nước để xây mạng ĐSCT với Bắc Kinh là một tâm điểm. Việt Nam có nằm trong số 17 nước đó. Ko biết chuyện này có lquan gì tới việc Chính phủ có vẻ rất muốn dự án được thông qua ngay và luôn hay không :-"