Tuesday, 1 June 2010

Quan trọng hay cấp thiết?

Các tranh luận trong kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT) vẫn đang nóng bỏng. Nhận thấy nhiều trong số những người lên tiếng ủng hộ dự án bị nhầm lẫn giữa tính ưu việt của ĐSCT với tính cấp thiết & hợp lý của việc khởi động ngay và luôn.

Một điển hình là nhà báo Trương Duy Nhất nhân có bạn đọc đưa ra lý luận "Không làm bây giờ thì bao giờ làm?" đã coi luôn câu này là câu trả lời vạn năng có thể áp dụng cho hầu hết các ý kiến phản đối (xem comment 173 trang 1 và 24 trang 2).

Hiển nhiên đó là một ngụy biện (xem comment 110 trang 2) nhưng nhân nói đến tính ưu việt/quan trọng và cấp thiết, thử liệt kê một vài dự án khác mà ta có thể thực hiện:
  1. Giải quyết vấn đề giao thông đô thị, điển hình là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề ảnh hưởng tới hàng chục triệu lượt người mỗi ngày chứ ko phải như đường sắt thường chỉ bị thiếu hụt vào các dịp lễ tết. Theo tôi nghĩ thì nạn ách tắc, ngập lụt, bụi bặm,... ở các thành phố lớn hàng ngày gây lãng phí rất lớn về thời gian, sức lực và tiền bạc của người dân, đồng thời là địa bàn xảy ra phần lớn các vụ tai nạn giao thông.
  2. Giải quyết vấn đề năng lượng quốc gia, cụ thể là điện năng. Bao nhiêu năm nay cứ đến mùa hè nóng khi nhân dân cần nhiều điện nhất là lúc điện bị cắt nhiều nhất, vô tội vạ nhất. Điều này ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân cả nước và nhất thiết cần giải quyết triệt để, càng sớm càng tốt.
  3. Giải quyết vấn đề đói nghèo, nhất là đối với đồng bào sống hoặc công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng kém phát triển, những người tàn tật, lang thang không nơi nương tựa. Cần tạo điều kiện về giao thông, giáo dục, chăm sóc sức khỏe để những người thuộc diện này không bị bỏ rơi lại phía sau trong sự phát triển chung. 
Ba vấn đề trên có quan trọng không? Chắc chắn có!

Ba vấn đề đó có cấp thiết không? Vấn đề 3 còn có thể bàn thêm chứ vấn đề 1 và 2 thì quá cấp thiết bởi nó đang hàng ngày ảnh hưởng tới hàng chục triệu người, tới sự vận hành trơn tru và hiệu quả của toàn xã hội, tới hoạt động của các doanh nghiệp, gây lãng phí lớn trên nhiều phương diện.

Vậy có cần làm ngay không? Người ta sẽ bảo "thì lâu nay vẫn làm đấy thôi". Không sai! Nhưng vẫn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa bởi các vấn đề ấy đã tồn tại quá lâu, đã tốn quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc mà vẫn chưa đâu vào đâu.

Giải quyết những vấn đề trên có lợi không? Quá đi chứ! Và đó là những cái lợi nhìn thấy được ngay, đồng thời lại là những cái lợi mang tính lâu dài cho sự phát triển quốc gia. Thêm nữa, giải quyết các vấn đề đó dễ hơn nhiều so với xây dựng ĐSCT bởi công việc ít hơn, tiền tốn ít hơn, không có yêu cầu gì lớn về công nghệ như ĐSCT,... Vậy tại sao không tập trung nguồn lực cho nhữung việc đó, cứ phải khăng khăng ĐSCT?

Một số người ủng hộ ĐSCT lập luận rằng ta cần làm để vươn lên tầm nọ tầm kia, rằng bao lâu nay ta tụt hậu quá, bức xúc quá rồi. Nhưng chắc chắn rằng đưa ra toàn dân thì số người bức xúc do quốc gia chưa có ĐSCT sẽ nhỏ hơn rất rất rất nhiều số người bức xúc vì hàng ngày bị kẹt xe, phải bịt kín mặt mũi vì ngoài đường quá bụi bặm, ồn ào, phải dắt xe máy bì bõm giữa thành phố hiện đại,... Hãy nghĩ xem, có những ai bức xúc vì nước ta chưa có ĐSCT?

Còn rất nhiều vấn đề khác nữa cần ưu tiên giải quyết sớm như chuyện đời sống giáo viên và mảng giáo dục quốc gia, chuyện khám chữa bệnh với các buồng khám chật như lèn cá trích, chuyện ô nhiễm mỗi trường nghiêm trọng xung quanh biết bao cơ sở công nghiệp, làm hại tới việc làm và cả tính mạng của biết bao người dân... Xin hỏi, có những ai bức xúc vì nước ta chưa có ĐSCT?

Người đi du học, ở môi trường xanh sạch đẹp, được đi máy bay và ĐSCT mỗi khi cần di chuyển xa, vậy mà nghĩ đến chuyện về nước còn chẳng màng tới ĐSCT làm gì, chỉ thấy nản chuyện ách tắc giao thông nội đô, tai nạn, nóng bức, giá cả tăng vù vù,... vậy trong những người đang hàng ngày chịu đựng những vấn đề kia, ai bức xúc vì nước ta chưa có ĐSCT?

ĐSCT thì hay lắm, chạy rất nhanh, và êm, có thể có cả điều hòa. Nhưng lực của ta đang ở đâu, ĐSCT có quan trọng và cấp thiết như những vấn đề nêu trên hay không, sao ta không chịu liệu cơm mà gắp mắn?

Tiếc rằng những lời phân tích, phản biện đầy trách nhiệm của biết bao nhiêu người có lẽ cũng chỉ để đó thôi bởi Thủ tướng đã quyết định khi gặp người đồng cấp Nhật Bản tại chuyến viếng thăm hồi tháng 12/2009. Vụ này cũng giống dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên khi mà Tổng bí thư đã ký thỏa thuận với Trung Quốc từ năm 2001 mà mãi tới 2008 người dân mới "phản biện".

Ôi cái sự phản biện ./.