Ngày bé tí, biết tới Xuân Sách qua "Đội du kích thiếu niên Đình Bảng" nổi tiếng một thời. Ông cũng là tác giả bài thơ được phổ nhạc thành bài hát "Đường chúng ta đi" tuyệt diệu qua sự thể hiện của ca sĩ quân đội Doãn Tần (nhóm Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàng trình bày cũng ổn). Nhưng ấn tượng về ông hơn cả là hồi năm thứ nhất ĐH, trên con tàu vào Vinh, mấy thằng SV nghe thầy Cương đọc một số bài trong "Chân dung nhà văn" của ông. Tập chân dung này ấn tượng hơn nhiều so với "Chân dung các nhà thơ" của Trần Đăng Khoa hay Trần Mạnh Hảo gì đó mấy năm sau này - nó họa nên hình ảnh 99 nhà thơ, nhà văn + 1 bài tự họa, mỗi người bằng một bài thơ ngắn xây dựng bởi tên các tác phẩm nổi tiếng nhất của họ, và qua đó lột tả hoặc tính cách, hoặc cuộc đời, hoặc số phận của họ - ít nhất là qua đôi mắt của Xuân Sách. Tưởng niệm Xuân Sách - người vừa mất hôm 2/6, xin chép lại đây một vài chân dung tâm đắc nhất.
15.
Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên
Thi nhân còn một chút duyên
Lại vò cho nát lại lèn cho đau
Bình thơ tới thuở bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình
Giật mình mình lại thương mình
Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan
68.
Hồn đã vượt Côn đảo
Thân xác ở trong lao
Bởi nghe lời mẹ dặn
Nên suốt đời lao đao.
69.
Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây.
89.
Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi
Cái nợ lên xanh rũ sạch rồi
Cửa Việt tung hoành con sóng vỗ
Sông Hương lặng lẽ chiếc thuyền trôi
Sử thi thành cổ buồn nao dạ
Chuyện mới Đông hà tái nhợt môi
Từ biệt chốn xưa nhiều ánh lửa
Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi!
100. Xuân Sách (Tự hoạ)
Cô giáo làng tôi đã chết rồi
Một đêm ra trận đất bom vùi
Xót xa Đình Bảng người du kích
Đau đớn Bạch Đằng lũ trẻ côi
Đường tới chiến công gân cốt mỏi
Lối vào lửa sởn tóc da mồi
Mặt trời ảm đạm quê hương cũ
Ở một cụm đường rách tả tơi.