Saturday, 14 June 2008

Nhớ cỏ non thành cổ

Đọc được tin nhạc sĩ Tân Huyền mất (http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2008/6/93210.cand), thấy buồn buồn và nhớ về "Cỏ non thành cổ" của ông. Thành cổ giờ đây lúc nào nhìn cũng yên tĩnh và lặng lẽ, vẫn ôm vào lòng bí mật của biết bao số phận máu xương.

Nhớ cả về những bức ảnh gửi về từ Quảng Trị với thành cổ sau lưng, chiếc mũ tai bèo trên tóc và nụ cười còn đọng mồ hôi nhưng rạng rỡ, như đang hớn hở "Đông Hà xin kính chào". Ngày ấy buộc phải nói dối, vừa áy náy, vừa thương...

Copy bài viết về "Cỏ non thành cổ" từ website Thanh Hải về đây để tưởng nhớ nhạc sỹ Tân Huyền.

" Có lẽ ít có sự so sánh đối lập nào ý nghĩa hơn thế. Thành cổ to lớn, trầm mặc. Cỏ non bé nhỏ, xanh tươi. Thành cổ rêu phong, cũ kỹ. Cỏ non đang vươn lên với sức sống dâng tràn. Nhưng giữa hai hình tượng ấy có một sợi dây nối kết - đó là lịch sử gian khổ, nhưng hào hùng của dân tộc. Nhạc sỹ Tân Huyền đã khéo chọn địa điểm ấy, cặp hình ảnh ấy để nhắc nhớ về một bài học làm người:

Cỏ non thành cổ
một màu xanh non tơ
Bình minh thành cổ
cỏ mềm theo gió đong đưa



Trên đất nước ta nhiều nơi có thành cổ (Cổ Loa, Hoa Lư, Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn Tây, Diên Khánh, ...), nhưng thành cổ ở đây nói với chúng ta về Quảng Trị, nơi cách đây 33 năm (Thanh Hai post bài này năm 2005 - thienha...) đã diễn ra những trận đánh khốc liệt với sự hy sinh của hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ. Nơi ấy mỗi mét vuông đất đã hứng chịu hàng tấn bom đạn và cũng hòa trộn biết bao xương máu của những người ngã xuống:

Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ

Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ
khi chồng con không trở về ...



Bài hát ngắn gọn, chậm rãi như những bước đi trầm tư, có phút giây chợt ngẫm nghĩ về quá khứ. Lời nhắc nhở nhẹ nhàng, tha thiết như vang lên đâu đó sau mỗi bước đi:

Cho tôi hôm nay vào Thành cổ
thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ

Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình
với người hy sinh trên mảnh đất quê mình ...

Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình
với người hy sinh cho hạnh phúc quê mình ...



Để thế hệ hôm nay và mai sau sẽ không quên những người như Nguyễn Văn Thạc, Lê Văn Huỳnh, Lê Binh Chủng (*) và biết bao các anh, các chị khác đã trọn đời yên nghỉ nơi đây. Không quên!

(*) Ðọc "Mãi mãi tuổi hai mươi", "Những lá thư thời chiến Việt Nam"



Vẫn ước một ngày được vào viếng thăm thành cổ và thắp hương ở nghĩa trang Trường Sơn.