Mình (và chắc hẳn nhiều người nữa) nhiều khi rất cay cú vì thấy báo chí đưa tin ko như mong muốn - Cái mình muốn họ ko đăng, cái muốn tìm hiểu sâu họ dừng lại, vv và vv. Đôi khi cũng bực mình chửi bới cánh báo chí nọ kia nhưng nghĩ lại thì cũng láng máng hiểu có những điều họ muốn mà ko (hoặc chưa) làm được - cũng giống như mình vậy. Đọc blog của Huy Bom thấy có bài này thú vị nên copy về đây, đọc để hiểu và thông cảm với dân làm báo. Mới biết cái khổ "Bốn mươi năm nói láo" của Vũ Bằng ngày xưa, giờ các thế hệ đi sau vẫn chưa thoát.
Đi giữa hai làn đạn
Các nhà báo thế hệ 7X chúng tôi được đào tạo ngay từ trong trường về khái niệm “đi giữa hai làn đạn”. Một làn đạn của các nhà quản lý báo chí, một làn đạn của độc giả. Đi làm sao thì đi, đừng để mình bị tử thương. Bị thu thẻ, treo bút, bị chuyển sang bộ phận phát hành – đọc dò lỗi chính tả, bị bắt, bị đình bản, bị đóng cửa, bị ra tòa hoặc đơn giản là báo bày đầy trên sạp mà chẳng ai mua, bài viết ra không còn ai buồn đọc... đều là các dẫn dụ cụ thể của sự tử thương. Các tờ báo chết, những ngòi bút chết. Những vết thương sâu.
Các nhà quản lý báo chí muốn gì? Họ muốn báo chí đăng tải những điều có lợi cho “mẫu số lớn” ích nước, lợi dân, đúng định hướng, không râu ria vặt vãnh, không vẽ nhọ bôi hề, không buôn thần bán thánh, không bốc thơm lăng – xê, không khơi gợi dục vọng, thú tính, hoặc vô tình vẽ đường cho các trò ma bùn, vô tình làm phương hại tới các hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ chẳng hạn, vốn là xương sống của nền kinh tế. Trên phương diện quản lý truyền thông vĩ mô, các nhà quản lý hoàn toàn đúng. Không có tự do truyền thông tuyệt đối – Nếu ai mơ hồ về điều này xin chỉ dùm hộ tôi một nền báo chí tự do “vô tư lự”? Thái Lan với chiến lược truyền thông cho gạo Xiêm, hay Italia đồng loạt vật nài kèm khích tướng Marco Van Basten chơi đẹp? Tất cả mọi thứ, bao gồm cả truyền thông, đều phải châu tuần xung quanh các “mẫu số lớn” (tôi không muốn dùng từ chính trị) - thầy tôi Nguyễn Tri Niên đã nói. Nói sau hơn 70 năm được làm người.
Các độc giả muốn gì? Họ muốn báo chí nhúng ngòi bút vào nỗi đau nhân loại, và nhúng ngòi bút vào nỗi đau từng số phận, mỗi đời người. Họ muốn cầm trên tay tờ báo có thông tin công bằng, đa chiều, nóng hổi, mà phía sau mỗi dòng chữ có thể “đọc” thấy những đêm trắng, những khát vọng, những giọt mồ hôi. Họ muốn báo chí thay cả quyền hành pháp và tư pháp, muốn phanh thây lột da bọn tham nhũng, cường quyền, xảo trá, trác táng, nhân cách ba xu, muốn tung hô lên mây những người họ thương họ mến, muốn biết thần tượng của họ hôm nay bước chân trái hay chân phải ra ngoài cánh cửa, đi dép mầu gì. Họ muốn báo chí là kênh thông tin tin cẩn đầy ăm ắp và là chỗ dựa tinh thần của họ. Họ muốn khóc khi đọc báo, họ muốn cười khi đọc báo. Họ muốn nhiều thứ lắm. Trên phương diện từng con người cụ thể, họ đúng. Báo chí không phục vụ con người thì phục vụ cái gì đây?
Có vẻ như về mặt lý thuyết, quản lý truyền thông và nhu cầu đọc của độc giả dường như không có sự xung đột là bao. Nhưng trên thực tế, điều đó luôn luôn tồn tại, đã và đang tồn tại. Và sẽ còn tồn tại. Người đọc dường như không biết tỏ tường sự xung đột đó, và họ, hàng triệu người, cũng không cần biết. Họ dựng lên những áp lực khủng khiếp cho từng ngòi bút, cho từng tờ báo. Họ điện thoại, họ email, họ đến tận tòa soạn cằn nhằn, mắng mỏ. Họ nã đạn không biết mệt. Họ quên béng mất các phóng viên hay các tổng biên tập đi chăng nữa, trước hết cũng là các con người. Các câu hỏi của họ thật khó trả lời: Tại sao không có một dòng tin nào ngay khi bác Võ Văn Kiệt vừa mới mất, để họ phải lên BBC tìm đọc? Tại sao vụ Năm Cam báo chí thành công thế mà vụ PMU18 báo chí bê bết thế? Làm đẹp da mặt bằng đu đủ, xin hỏi thêm rằng đu đủ xanh hay đu đủ chín? Tại sao mưa to ghê mà hôm qua báo đăng nắng chang chang, làm họ ướt hết cả người? Giá giấy tăng hay sao mà dạo này báo in xấu thế? Họ hỏi thì các nhà báo biết hỏi ai đây?
Các nhà quản lý cũng nã đạn không ngừng. Những bản fax, những cú điện thoại, những tin nhắn SMS lúc nửa đêm mà không cần hồi đáp. Sao dạo này quảng cáo nhiều thế, đã đúng tỉ lệ đăng tải chưa? Phát nhuận bút cho anh em có đúng Nghị định 10 không? Định “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ” hay sao? Chẳng mấy khi thấy hỏi han: tình hình phát hành thế nào; cậu XYZ khá đấy, bảo nó gửi loạt bài vừa rồi dự thi giải báo chí quốc gia đi; sao báo cậu có cả trăm phóng viên mà chỉ có hơn chục cái thẻ nhà báo – bọn còn lại nó biết làm nghề kiểu gì đây? Tôi không làm sao quên được hình ảnh một chị quản lý báo chí (giờ đã về hưu) qua tòa soạn uống bia, khi ra về chị còn tự tay chắt thêm 2 lít bia hơi vào chai nhựa để mang về nhà cho chồng chị. Khoảng không gian giữa các nhà quản lý báo chí và các tòa soạn, sao mà xa xôi thế.
Giữa hai làn đạn đó, ngày càng nhiều các tờ báo bị sụt giảm tia – ra, bị kiện ra tòa, bị này bị nọ. Có những ngòi bút sắc, đã tự im lặng, để tự mình lãng quên đi, những vết thương sâu.
Không biết tôi viết bài này liệu đã đi chính xác hay chưa, giữa hai làn đạn.
Chia xẻ!!!