Tuesday 14 August 2012

Các dự án lớn Trung Quốc thắng thầu giai đoạn 2007 - 2010

Các dự án lớn Trung Quốc thắng thầu giai đoạn 2007 - 2010

Dự án Chủ thầu Giá trị thầu (triệu USD
Nhiệt điện Hải Phòng
Nhiệt điện Quảng Ninh
Nhiệt điện Cẩm Phả
Nhiệt điện Sơn Động
Nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Tập đoàn Điện khí Thượng Hải
Tập đoàn Đông Phương
2.800
Nhiệt điện Kiến Lương Tập đoàn Tân Tạo 2.000
Bauxit nhôm Lâm Đồng Tập đoàn Chalieco 466
Alumin Nhân Cơ - Đak Nông Tập đoàn Chalieco 499,2
Nhà máy phân đạm Cà Mau Công ty Thiết kế Vũ Hán
Tổng công ty Xuất nhập khẩu máy Trung Quốc
900
 Nguồn: VEPR

 Lưu ý hai dự án tô màu xanh bị nhiều người cho là 1 và việc tách ra thành 2 chỉ là thủ thuật của Chính phủđể tránh phải trình Quốc hội phê duyệt. Về vấnđề này có 2 bài viết trên Dân trí.


Không thể xé lẻ dự án bô xít để “né” Quốc hội!

(Dân trí) - Bô xít và giá điện được các đại biểu “xoáy” nhiều nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chiều 11/6. Tuy nhiên, phần trả lời của người đứng đầu Bộ Công thương không làm dịu được “sức nóng” trong những truy hỏi liên tiếp của các đại biểu.

“Các dự án bô xít không... liên quan đến nhau!” 
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Bộ Công thương xé lẻ các dự án bô xít nhằm “né” thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Trong khi đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lí luận, các dự án bô xít độc lập, không liên quan đến nhau.
 
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) đã khơi mào vấn đề khai thác bô xít ngay từ đầu phiên chất vấn. Theo ông Trừng, Nghị quyết 66 của Quốc hội ghi rõ, dự án có tổng mức đầu tư hơn 20 ngàn tỉ đồng sẽ phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, vậy dự án khai thác, phát triển bô xít ở Tây Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 20 ngàn tỉ đồng, tại sao Bộ Công thương không đề nghị Chính phủ  trình dự án ra Quốc hội?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp lại, trong qui hoạch phát triển bô xít Chính phủ đã phê duyệt có nhiều dự án, từ khai thác chế biến bô xít thành alumin, từ alumin thành nhôm nguyên liệu, dự án đường sắt nối liền Tây Nguyên với biển… Các dự án có tính độc lập và dự án này không liên quan, không phụ thuộc vào dự án kia. Ngay cả dự án đường sắt không phải chỉ vận chuyển alumin mà còn vận chuyển các hàng hoá khác…
 
Bình luận: Nếu không có dự án khai thác bô xít chế biến thành alumin thì có dự án chế biến alumin thành nhôm không, sau đó có dự án đường sắt nối Tây Nguyên xuống biển đểvận chuyển nhôm không? Đúng là miệng quan trôn trẻ!
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Các dự án độc lập, không liên quan đến nhau" (Ảnh: Việt Hưng)
 
Theo ông Hoàng, các dự án bô xít ở Tân Rai, Nhân Cơ có tổng mức đầu tư 12 ngàn tỉ đồng, không phải trình ra Quốc hội. Sau này, các dự án Đăk Nông 2, 3, 4 có công suất 1,5-2 triệu tấn alumin vốn đầu tư có khả năng vượt quá 20 ngàn tỉ đồng, sẽ phải trình ra Quốc hội. Dự án đường sắt cũng tương tự như vậy.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng chưa “thông” với trả lời của Bộ trưởng Hoàng, tiếp tục đứng dậy: “Tôi không đồng ý giải thích của Bộ trưởng. Khai thác bô xít gồm cả 3 giai đoạn, 12 dự án, về bản chất gắn bó chặt chẽ và hệ thống với nhau, chỉ khi Bộ Công thương tách ra, nó mới độc lập và nhỏ hơn 20 ngàn tỉ đồng”.

Đại biểu Vũ Văn Ba (Khánh Hoà) cũng không đồng ý với trả lời của Bộ trưởng Hoàng vì theo ông, nếu không khai thác bô xít chắc chắn sẽ không nghĩ đến việc làm đường tàu. Ông Ba cho rằng, không thể tách thành các nhóm để kinh phí thấp hơn hạn mức thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Bộ trưởng Hoàng lí giải, chia ra các dự án không phải ý kiến của Bộ Công thương và Bộ không có thẩm quyền làm việc này. 
 
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng: "Các dự án bô xít gắn bó chặt chẽ và thống nhất với nhau" (Ảnh: Việt Hưng)
 
Theo ông Hoàng, ngay dự án alumin không cần phải có dự án đường sắt mới hoạt động được vì theo qui hoạch ở qui mô ban đầu có thể vận chuyển bằng ô tô. Chỉ sau này mới tính đến đường sắt, nhưng cũng không phải là đường sắt chuyên dụng mà là đường sắt cho vận tải đa dụng!

Đến lượt nữ đại biểu Phạm Thị Loan bày tỏ sự lo ngại thông qua việc đặt vấn đề, alumin vẫn là thô, hiệu quả chưa thấy bao nhiêu, trong khi lại gây ra nhiều lo ngại. Từ đó, bà Loan nêu câu hỏi, khai thác bô xít như vậy có phải là đi ngược chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô?

“Với hàm lượng ô xít nhôm 98,2% alumin không thể gọi là quặng thô”, ông Hoàng đáp lại. Theo vị Bộ trưởng Công thương, không có tài liệu nào trên thế giới nói alumin là thô.

Trả lời của Bộ trưởng Hoàng vẫn không thuyết phục được đại biểu Loan. Nữ đại biểu Hà Nội này cho rằng, alumin vẫn là bán thành phẩm và từ alumin đến nhôm còn cần đến một quá trình dài, với nhiều chế phẩm nữa và như thế là thiệt hại cho đất nước.

Tăng giá điện để dân... tiết kiệm (!?)
Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) “bắn” cho Bộ trưởng Công thương một tràng vấn đề liên quan đến việc điểu chỉnh tăng giá điện. Bà Hương tỏ ý nghi ngờ “quảng cáo” của Bộ Công thương điều chỉnh giá bậc thang theo hướng trợ giá cho người nghèo.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp lời, việc hạ bậc thang đầu tiên từ 100kwh xuống 50kwh là dựa trên tính toán, tỷ lệ hộ nghèo cả nước hiện chiếm 12,1%. Trong khi đó, theo thống kê của ngành điện, hiện vẫn có 23% số hộ dùng dưới 50kwh/tháng, ở những nơi hợp tác xã bán điện thì thậm chí tới 50% gia đình dùng dưới chỉ số này. 

“Như vậy thì ngành điện đã bù lỗ cho cả những đối tượng không phải là nghèo”, ông Hoàng cho rằng với mức giá mới, hộ dùng trong khoảng 50kwh chi phí chỉ tăng 2.000đ/tháng, hộ dùng 100kwh cũng chỉ tốn thêm 18.000đ/tháng. 

Trần tình về việc này, Bộ trưởng Công thương cũng khẳng định đã rất thận trọng khi xây dựng biểu giá điện. Duy trì giá điện cũ, theo ông Hoàng, sẽ không thu hút được người tham gia vào quá trình cổ phần hóa, không ngân hàng nào muốn cho vay để phát triển điện và cũng không khuyến khích việc tiết kiệm điện. 

Ông Hoàng nêu công thức, thông thường 1 đơn vị tăng trưởng GDP thì sử dụng 1 đơn vị điện nhưng ở Việt Nam phải dùng tới 2. Như vậy ta tiêu thụ điện gấp đôi thế giới. Việc điều chỉnh giá điện là không tránh khỏi.
 
Đại biểu Phạm Thị Loan: "Đề án cải cách chưa thông qua, EVN thành lập thêm công ty con là trái luật". (Ảnh: Việt Hưng)
 
Đại biểu Hương “châm ngòi” tiếp về việc tính giá bán điện giờ cao điểm và điều chỉnh khung giờ tăng thêm 2 tiếng đồng hồ vào buổi sáng và 3 tiếng đồng hồ vào buổi chiều. “Bộ trưởng nói nguyên tắc tăng không ảnh hướng lớn đến nền kinh tế, nhà sản xuất, doanh nghiệp. Nhưng vừa rồi tôi nghe cử tri kêu quá vì giá điện đẩy giá thành sản phẩm lên rất cao, nhiều doanh nghiệp khó xoay xở?”, bà Hương đặt câu hỏi.

“Giờ cao điểm không do ngành điện nghĩ ra cũng không phải do Bộ Công thương nghĩ mà do diễn biến thực tế của phụ tải. Trước đây, giờ cao điểm rơi vào 4 tiếng buổi tối. Nay sản xuất, dịch vụ phát triển thì biểu đồ tiêu thụ dịch chuyển dần, rơi vào 2 tiếng buổi sáng. Cao điểm tiêu thụ điện lúc này còn hơn buổi tối, có khi cao hơn 900MW” - ông Hoàng đáp lời. 

Vị Bộ trưởng cảnh báo, trong bối cảnh điện chưa đủ cung cấp, tăng phụ tải giờ cao, điện sẽ tiếp tục xảy ra sụt áp, thiếu điện. Quy định chia khung giá giờ cao điểm là để khống chế, khuyến khích doanh nghiệp điều chỉnh giờ sản xuất để tránh căng thẳng giờ phụ tải. 

Đại biểu Phạm Thị Loan (TP Hà Nội) nhắm vào vấn đề cơ cấu ngành điện. Chủ trương cổ phần hóa Tập đoàn điện lực (EVN) nhằm huy động xã hội tham gia, chống độc quyền trong lĩnh vực này. Việc Bộ Công thương vừa cho phép EVN thành lập một số công ty con như Tổng công ty truyền tải, mua bán điện bà Loan cho là cách đi ngược.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải, việc cơ cấu lại EVN trong bối cảnh hiện tại phải thận trọng và việc EVN vừa lập một số công ty con cũng là để tái cơ cấu, hình thành 3 khâu sản xuất - truyền tải - phân phối, là phù hợp lộ trình.

Bà Loan “phản pháo” cho rằng, đề án cải cách tập đoàn chưa được thông qua mà EVN lại thành lập những đơn vị mới là trái luật. Bộ trưởng Công thương giải thích, đề án tái cơ cấu ngành điện Bộ đang trình Chính phủ nhưng việc thành lập Tổng công ty truyền tải thì đã được phê duyệt trước đó.

Dân trí tiếp tục cập nhật diễn biến phiên chất vấn Bộ trường Công thương vào sáng mai, 12/6.
Cấn Cường - Phương Thảo

Vấn đề bô xít: “Chính phủ không tách” mà “làm theo dự án”

(Dân trí) - “Không phải tách ra mà phải làm theo dự án và làm theo dự án như vậy mới làm tốt được”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lập luận trước câu hỏi cho rằng, việc xé lẻ dự án bô xít là nhằm lách luật, lách thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội.
 >>  Không thể xé lẻ dự án bô xít để “né” Quốc hội!

Phải thay đổi những gì không hợp lí

Trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã dành một phần thời gian nói về khai thác bô xít, chủ đề rất được quan tâm trong các phiên chất vấn trước đó.

Theo Phó Thủ tướng, nước ta có tiềm năng bô xít lớn, với trữ lượng 5,5 tỉ tấn. Nếu khai thác như đã được qui hoạch có thể kéo dài đến cả trăm năm, còn nếu khai thác phục vụ nhu cầu trong nước có thể đến 200 - 300 năm.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: "Không có chuyện đổ lỗi cho QH" (ảnh: Việt Hưng).

Chủ trương khai thác bô xít để xây dựng ngành công nghiệp alumin, nhôm đã thống nhất từ hơn chục năm nay.

Cũng theo ông Hùng, khi có ý kiến của các nhà cách mạng lão thành cũng như ý kiến của các nhà khoa học, Chính phủ đã tổ chức hội thảo và tập hợp đầy đủ để báo cáo Bộ Chính trị. “Những việc làm đó là minh bạch, cầu thị, trong sáng, đúng với sự lãnh đạo của Đảng”, ông Hùng khẳng định.

Với các dự án Tân Rai, Nhân Cơ, Chính phủ đã tổ chức đấu thầu công khai và đơn vị trúng thầu là một Cty có uy tín của Trung Quốc. Hiện có 4 người Úc, 664 người Trung Quốc đang làm việc tại các dự án và được quản lí theo đúng pháp luật Việt Nam. Số lao động này sau khi hoàn thành công việc và chuyển giao sẽ về nước.

Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn, giải trình của Chính phủ nói không đưa bô xít ra Quốc hội vì “lỗi” của Quốc hội không yêu cầu, nhưng nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, Chính phủ đã lách luật bằng việc chia nhỏ các dự án (khiến các dự án dưới hạn mức quyết định đầu tư của Quốc hội) và đặt câu hỏi về ý kiến của Phó Thủ tướng với vấn đề này.

Đáp lại, ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, qui hoạch nói chung, Quốc hội phân cấp cho Chính phủ và các địa phương, trong đó bô xít là ngành kinh tế hẹp trong công nghiệp. Theo ông Hùng, không có chuyện đổ lỗi cho Quốc hội và trong giải trình không có từ nào là “đổ lỗi”.

Chưa đồng tình, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đó chỉ là ngôn ngữ, là cách nói. Đồng thời vị đại biểu “nhắc” Phó Thủ tướng trong việc chưa trả lời câu hỏi về việc tách các dự án bô xít.
 
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Chính phủ đã lách luật bằng việc chia nhỏ các dự án" (ảnh: Việt Hưng).

Phó Thủ tướng lí giải, việc lập từng dự án là theo qui định của pháp luật. Mỗi dự án xem xét một cách khá toàn diện, từ thăm dò, khảo sát, lập dự án, chế biến, khai thác và những vấn đề sau khai thác như hoàn thổ, trồng cây…  “Không phải tách ra mà phải làm theo dự án và cũng phải làm theo dự án như vậy mới làm tốt được”, ông Hùng lập luận.

Ông Hùng cũng mở rộng, chỉ có lập qui hoạch và trên cơ sở qui hoạch lập dự án mới bảo đảm tính thiết thực của dự án trên nhiều lĩnh vực. “Có thể qui hoạch chưa hoàn chỉnh, sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, có thể dự án chưa chu đáo, sẽ tiếp tục làm cho chu đáo”, Phó Thủ tướng hứa.

Trong phần tổng kết về chủ đề bô xít, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bô xít là vấn đề lớn, nhạy cảm và những ý kiến thảo luận, chất vấn về vấn đề này là những ý kiến chân thành, trách nhiệm, chí ít cũng là những ý kiến phản biện, lưu ý, nhắc nhở, cảnh báo.

Ông Trọng đề nghị cần tiếp tục lắng nghe, thường xuyên cập nhật thông tin, sẵn sàng thay đổi những gì không hợp lí. Quốc hội sẽ thực hiện đúng chức năng giám sát trong vấn đề này.

“Nói cho dân biết về tình hình biển Đông”

Phần bấm nút của mình, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) “bung” ra một loại câu hỏi tự “cảnh báo” trước là… nhạy cảm. Ông Thuyết “truy vấn” việc gần đây có nhiều đề án của Chính phủ không nhận được sự đồng tình cao, thậm chí gây phản ứng gay gắt ở một bộ phận người dân.

“Phải chăng do việc xây dựng các đề án, dự án ấy có phần chủ quan hay vì không thực hiện kịp thời, không công khai thông tin khiến người dân thiếu niềm tin vào tính khách quan, vô tư của các đề án, dự án”, ông Thuyết đặt câu hỏi.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng “chỉnh” ngay từ “không đồng thuận”. Theo ông, vấn đề chỉ là nhiều dự án còn một số ý kiến, một số dự án có nhiều ý kiến còn việc góp ý rất đáng hoan nghênh, không nên coi là không đồng thuận. Còn dự án sai thì ngành, Chính phủ phải sửa.

Câu hỏi tiếp theo, đại biểu Thuyết nhắm vào việc quá nhiều dự báo sai so với thực tế. Sau ví dụ về dự báo giá xăng dầu để lên khung chỉ tiêu tăng trưởng, ông Thuyết quay qua chứng khoán. “Cách đây 1 năm, trong bối cảnh thị trường chứng khoán sau thời gian trượt dốc dài bắt đầu le lói màu xanhg trở lại, tôi có nghe Phó Thủ tướng nói nếu có tiền sẽ đầu tư vào chứng khoán. Nhưng ngay sau khi Phó Thủ tướng nói, thị trường lao dốc, thủng đến mấy lần đáy trong suốt 1 năm, giờ mới nhúc nhắc trở lại. Việc Phó Thủ tướng nói vậy là để khích lệ nhà đầu tư hay dựa trên một kết quả dự báo?”.

Ông Hùng “thanh minh”, đúng là có bảo mua nhưng là chứng khoán cổ phần, để đầu tư dài hạn. “Nếu năm ngoái tôi mua thì giờ thắng rồi, sẽ khá đấy. Chỉ có điều không đủ có tiền để mua”, Phó Thủ tướng tự tin nhắc lại.
 
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: "Phó Thủ tướng khuyên mua để khích lệ nhà đầu tư hay dựa trên dự báo?" (ảnh: Việt Hưng).

Về tình hình biển Đông, đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề “Chính phủ làm nhiều nhưng không nói cho dân biết”. Ông Quốc kêu khó không biết trả lời cử tri thế nào khi được hỏi về vùng lãnh hải của tổ quốc trong khi Chính phủ chỉ khuyến cáo ngư dân không nên ra đánh bắt ở vùng tranh chấp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lý giải, vấn đề biển Đông đã giải quyết tốt vùng Vịnh Bắc bộ, có phân ranh giới, kiểm định, đánh giá. Ở những vùng biển khác, theo ông Hùng đã bàn đến việc tuần tra chung, hợp tác chung, giải quyết cả vấn đề về dân cư. “Vùng biển còn lại, chúng ta hợp tác, đấu tranh theo nguyên tắc giữ vững chủ quyền về biển đảo của đất nước”.

Ông Hùng cũng thông báo thêm, Chính phủ vừa qua đã gửi tới Liên hợp quốc báo cáo về biển đảo của Việt Nam. Báo cáo này thực hiện theo đúng tinh thần Công ước 82 về luật biển mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn. Theo Phó Thủ tướng, đây cũng là động thái để công khai với thế giới về việc Việt Nam thực hiện luật pháp quốc tế về biển, trong đó có vấn đề chủ quyền.

Không hài lòng với câu trả lời, đại biểu Dương Trung Quốc bật lại: “Việc thông qua công ước luật biển, gửi báo cáo tới quốc tế là đương nhiên nhưng vấn đề phải thông tin với dân”. Ông Quốc yêu cầu công bố vùng tranh chấp hiện nay.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ khẳng định lại lần nữa, vấn đề biển Đông đã công khai với thế giới về lập trường, chủ quyền của Việt Nam.

Cấn Cường - Phương Thảo