Tuesday, 14 August 2012

Đại gia và...quan chức

Có hai câu chuyện, ngẫu nhiên không hẹn mà thành "gặp nhau cuối tuần", nhưng không phải để bạn đọc cười, mà đọc xong, hẳn nó thành "ga la"... khóc. 
 
Đó là chuyện về đại gia và quan chức, hai giai tầng muôn thuở hấp dẫn, từ người đẹp chân dài đến thường dân chân đất.

"Liêu trai chí dị" thời nay
Đại gia được nói ở đây, khiến bạn đọc chú ý vì sự khác người và khác đời. Đang sống sờ sờ, khỏe mạnh, đẹp đẽ ở Hà Nội, ông N. C. Đ. bỏ lên Lương Sơn (Hòa Bình) mua 24 héc ta đất rừng, làm trang trại. Chuyện có thế thì chả đáng nói, vì khối đại gia thời buổi này đều có trang trại cuối tuần.

Đáng nói ở chỗ đại gia này, xây mộ chờ... ướp xác mình.

Mới nghe tưởng như của tiểu thuyết Tàu, vì nó nhang nhác cái lo xa của các bậc đế vương xưa, phòng ngừa khi nằm xuống, bị dân "đào mồ, đào mả". Ông Đ. cũng chẳng giấu, khi nói xổ toẹt: "Công trình này tốn rất nhiều tỷ đồng. Tôi chỉ là "phó thường dân" nhưng muốn làm 1 khu mộ ngang với mộ... Tào Tháo".

Nhưng chuyện kể của ông Đ. còn có vẻ hấp dẫn hơn cả tiểu thuyết Tàu, vì nó lại có chút nhang nhác chất "liêu trai chí dị".

Không biết công trình xây mộ của ông Đ. có đạt trình độ "ngang" với mộ Tào Tháo không, nhưng ông Đ. cũng thuê tới 30 người đục đẽo hơn 3 năm mới xong. Ông còn chuẩn bị đầy đủ cả hương liệu ướp xác sau khi đã đi Trung Quốc, Ai Cập tìm hiểu công nghệ này.

Nay, khu mộ của ông Đ. và vợ đã xây hoàn chỉnh với 2 ngôi cạnh nhau, phía trên có 2 tấm bê tông, ước chừng 6 người khiêng không nổi. Phía dưới hầm mộ có hệ thống xe goòng đưa quan tài vào sâu trong núi...Có kém gì vua chúa trong tiểu thuyết Tàu không?

Nghe chuyện ông, người viết chỉ nhớ đến những khu nghĩa trang của các quốc gia văn minh. Họ xây đồng loạt, giản dị mà không kém tôn nghiêm, theo một quy chuẩn chung. Ở đó, vẫn toát lên một không gian văn hóa, cho dù là "cõi âm".

Khu mộ của ông Đ hiện đã xây hoàn chỉnh với 2 ngôi cạnh nhau, phía trên có 2 tấm bê tông lớn. Ảnh: Kienthuc.net

Cũng lại nhớ đến "thành phố Ma" hoành tráng, sơn son thiếp vàng ở Huế mà báo chí tốn bao giấy mực, nhưng dường như vẫn không lay chuyển được nếp nghĩ thủ cựu của những người đang sống ở cố đô.

Thôi thì cũng do ngành văn hóa chưa có những quy chuẩn chung mang tính pháp luật về mồ mả, nên có những đại gia nhiều tiền của muốn "học đòi", "chơi ngông" hay muốn thể hiện mình theo cách riêng của họ, cũng chả có gì lạ...

Lạ nhất là chuyện này. Là chuyện các quan chức tỉnh Hà Giang, một tỉnh miền núi phía bắc nghèo của Tổ quốc "đua nhau chơi nhà sàn gỗ quý" (phapluatvn.vn, ngày 27/6). Cuộc đua ngấm ngầm này của các vị chẳng ai chịu kém ai.

Các ngôi nhà sàn, hoặc biệt thự đều là của các quan chức cấp huyện, hoặc cấp tỉnh nằm ở thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện (huyện Vị Xuyên), ở tổ 8, phường Quang Trung; hoặc tổ 18, phường  Minh Khai (TP Hà Giang), ở xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang)... và đều có đặc điểm chung.


Một căn nhà sàn trị giá nhiều tỷ đồng của một quan chức cấp tỉnh của Hà Giang. Ảnh: phapluatvn.vn

Đóvừa to vừa rộng, có ao, hồ, non bộ, trị giá nhiều tỷ đồng, được dựng công phu toàn bằng các loại gỗ quý hiếm, trong đó có gỗ nghiến và gỗ trai (loại gỗ quý toát ra mùi thơm lạ, khiến thạch sùng, các loại dán và côn trùng chẳng dám bò vào nhà).
 
Và đặc điểm chung nữa: Các loại gỗ này có xuất xứ tại các cánh rừng của cao nguyên Hà Giang thuộc nhóm 2A không được phép khai thác.

Các ngôi nhà đều nằm theo thế phong thủy cực kỳ đắc địa. Có ngôi còn theo kiểu "tả thanh long, hữu bạch hổ; tiền chu tước, hậu huyền vũ", theo triết lý của chủ nhân, "lấy cái cũ để soi vào cái mới" mà ngẫm sự tình.

Hay là để "ngầm" so sánh cái giàu của mình với cái giàu của đồng sự, của hậu sinh mà ...nuối tiếc, mà ấm ức? Đương nhiên, đó cũng chỉ là những ngôi nhà nghỉ cuối tuần. Thi thoảng các chủ nhân mới bầu đàn thê tử từ trung tâm TP Hà Giang về nghỉ ngơi, thư giãn.

Có điều rất lạ, gỗ nghiến, gỗ trai là những loại gỗ quý pháp luật Nhà nước nghiêm cấm khai thác. Mà nay, nhà nghỉ, biệt thự của các quan chức cấp huyện, cấp tỉnh ở miền núi Hà Giang cứ thay nhau mọc lên trước mắt người dân Hà Giang còn nghèo khổ. Vậy thì...

Người viết bài chỉ nhớ nhất câu ông Trưởng thôn họ Đàm (thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện, huyện Vị Xuyên) than thở: "Cả thôn Lâm Đồng có 196 nóc nhà sàn của dân cũ kỹ, trong đó có 30% số nhà khi mưa về đã bị dột từ nóc". Nhà dột từ nóc, thì dân khổ là phải!

Những con đường... "liêu trai"
Xã hội còn chưa hết xôn xao về những nhà sàn, biệt thự toàn bằng gỗ quý của các chức sắc cấp huyện, cấp tỉnh Hà Giang, mới đây, báo chí lại lên tiếng khẩn cấp về hiện tượng Vườn Quốc gia Ba Bể bị phá đến cạn kiệt. Đặc biệt, hàng trăm m3 gỗ nghiến đã bị đốn trộm.

Thì tỉnh miền núi Bắc Kạn mới vội vàng họp khẩn cấp, đề xuất giải pháp ...khẩn cấp, ngăn chặn thực trạng này.

Chẳng biết Bắc Kạn sẽ có những giải pháp thần diệu nào. Hay lại...kiểm điểm nghiêm túc, xin lỗi trước dân - cái cách nhận lỗi nhẹ hều- thường nghe thấy trước mỗi vụ việc sai phạm nghiêm trọng lâu nay ở các cơ quan, các ngành của Nhà nước. Chứ sự tổn thương và đau đớn của rừng kéo dài lâu nay rồi, và... ai oán lắm.
Chỉ tính riêng từ cuối năm 2011 đến nay, toàn tỉnh BK có 134 cây gỗ nghiến với khối lượng 536m3 bị chặt hạ. Trong đó, 2 khu vực có diện tích rừng nghiến bị tàn phá nhiều nhất là Vườn QG Ba Bể (48 cây, 160m3 gỗ) và khu rừng xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông (52 cây, 226m3 gỗ) (VietNamNet, ngày 22/6).

Xin lưu ý, đây cũng mới là số  liệu mà lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản. Còn số lượng gỗ nghiến bị lâm tặc đốn hạ và vận chuyển về xuôi trót lọt thì... chưa thể biết được.

Thế nhưng nói thực, liệu tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt các ngành chức năng có biết được những con đường ngoắt ngoéo khai thác, vận chuyển trái phép hàng trăm m3 gỗ nghiến không?

Khi mà phóng viên VietNamNet ở tận Hà Nội, qua vệt bài điều tra còn chỉ đích danh, thông qua thông tin của người dân tỉnh này, ông trùm đứng sau các vụ phá rừng, thâu tóm toàn bộ đường dây khai thác, đấu thầu, tiêu thụ gỗ nghiến (đã được đấu giá sau tịch thu) là ai.


La liệt những khúc gỗ nghiến nằm ngay giữa vùng lõi vườn quốc gia Ba Bể. Ảnh: Hoàng Sang/VietNamNet

Còn chỉ ra con đường ngoắt ngéo biến gỗ nghiến khai thác trộm, phi pháp thành gỗ nghiến "có hóa đơn mua bán, có dấu búa kiểm lâm" hợp pháp như thế nào.
Vậy mà tài nhất, trong báo cáo của lực lượng kiểm lâm Bắc Kạn, chưa bao giờ có một biên bản vi phạm nào có tên ông trùm này.

Rõ ràng, con đường ngoằn ngoèo, lắt léo và phi pháp từ khai thác trộm, đến vận chuyển hàng trăm m3 gỗ nghiến quý hiếm ấy không thể trót lọt, nếu không có những con đường tăm tối, tham lam, ma mãnh và ngoắt ngoéo của... lòng người- những con đường "liêu trai" không kém. Ở đây là của các lực lượng, các ngành chức năng.

Chính ông Nông Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng nhận định, để việc gỗ nghiến ở Vườn QG Ba Bể bị đốn hạ và vận chuyển về xuôi, không thể loại trừ trường hợp một vài lực lượng kiểm lâm, tiếp tay cho lâm tặc.

Kinh ngạc nhất, ngay cả khi sự việc đã rõ mười mươi, nhưng cấp quản lý chính quyền tỉnh này cũng vẫn chưa có số liệu cụ thể về diện tích, trữ lượng gỗ nghiến của toàn tỉnh nói chung, Vườn QG Ba Bể nói riêng. Số lượng cây gỗ bị chặt phá có thể nắm được chỉ là dựa vào gốc cây còn... trơ lại. Khối lượng của cây chỉ xác định sơ bộ do sau khi đốn hạ, lâm tặc đã cưa thành các cục thớt để vận chuyển.
Ở góc độ nào đó, có lẽ chính quyền, các ngành chức năng Bắc Kạn phải "cảm ơn" lâm tặc. Nhờ có lâm tặc, mà họ nắm được rõ hơn tài sản của mình đang quản lý.
Đặt hình ảnh các nhà sàn, biệt thự bằng gỗ quý của các quan chức cấp huyện, cấp tỉnh Hà Giang bên cạnh hình ảnh Vườn QG Ba Bể bị phá cạn kiệt, người dân sẽ nghĩ gì nhỉ?

Ai có thể viết tác phẩm "Liêu trai chí dị"- những câu chuyện về ...ma quỷ, thời nay không?

Dân ức vì... "khủng"
Mới đây, đọc bài viết trên báo NNVN (ngày 26/6), ai cũng phải sốc nặng: "Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa".

Chuyện rất lạ: Xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có 15 thôn, 2.000 hộ, 9.500 dân. Ngân sách xã mỗi năm chỉ thu được có 400 triệu, nhưng có tới 500 vị cán bộ xã, thôn. Đến mức phóng viên báo này, ngồi với ông Phó Chủ tịch UBND xã gần một tiếng sau mà ông vẫn chưa thống kê hết số lượng cán bộ, đành "áng chừng".

Quả là một con số ấn tượng về bộ máy hành chính cấp xã!

Đương nhiên, do quan chức xã, thôn đông quá, ngân sách tỉnh lấy đâu để trả lương, nên chính quyền xã bắt dân phải gánh. Người viết tính "bổ đầu" ra theo số lượng, thì cứ 19 người dân nuôi 1 quan chức.

Đúng là thời chiến, dân nuôi quân- "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", thời bình dân nuôi...quan!

Khổ nỗi, dân Quảng Vinh đâu có dư dả gì. Số hộ nghèo trong xã còn tới 30,6%. Bình thường, họ đã phải chịu tới 19 khoản phí chính, chưa kể những khoản phí phụ. Con số 19 như con số định mệnh của dân Quảng Vinh!

Mà đội ngũ 500 quan chức xã, thôn nảy nở từ đâu? Từ bộ máy Nhà nước, theo ngành dọc, bổ xuống từ trên xuống dưới. Trên có gì, dưới có nấy. Trên bảo, đố dưới... không nghe đấy?

Đông quan chức quá, thành ra...ít việc. Vì có việc đâu để làm. Ví như 7 đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ, phụ lão, cựu chiến binh..., đã có tới 14 cán bộ, nhưng có phải lúc nào cũng có "phong trào" hay "cuộc vận động"? Mà mỗi thôn, 2 người phụ trách bất kỳ đoàn thể nào cũng được hưởng phụ cấp 200 cân thóc/ năm.

Thành thử, so với hiệu quả công việc- ngồi "đuổi ruồi", thì thật ra thu nhập của các quan chức xã này vẫn rất...cao. Dân thì lúc nào cũng chổng mông ngoài đồng, bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Thế nên, càng dễ ấm ức. Nhất là khi ngày ngày vác cuốc ra đồng, nhìn thấy nhà bác Chủ tịch xã to vật vã.


Dân nghèo, xã nghèo, nhưng nhà Chủ tịch xã to như biệt phủ. Ảnh: Nongnghiep.vn

Lâu nay, chẳng ai còn lạ về cái sự "vì người, đặt việc" ở nhiều cơ quan, công sở. Người viết bài đã từng được làm việc ở một vụ, mỗi quan chức phụ trách... hơn 1 nhân viên cơ mà (!) Nhưng cái sự "khủng" của bộ máy quan chức ở Quảng Vinh, quả thật quá sức chịu đựng của dân.

Công cuộc cải cách hành chính và tinh giản biên chế triển khai đến nay, có lẽ đã được gần 1 giáp- 12 năm. Vậy nhưng, cứ nhìn vào xã Quảng Vinh, nhìn vào bộ máy "khủng" của xã này, người ta sẽ thấy ngay hiệu quả của cải cách hành chính ra sao?

Đâu phải cứ đến cơ quan công quyền Nhà nước, công sở hoành tráng, sáng choang, người dân mới bị "hành là...chính". Ngay nông dân Quảng Vinh, chỉ cắm cúi một nắng hai sương trên cánh đồng, chẳng mấy khi đi ra khỏi lũy tre làng, cũng còn bị... hành khốn khổ. Mới hay, cái "chân rết" của bộ máy hành chính (đang phải cải cách) vẫn chả tha ai.

Thanh Hóa vốn là tỉnh mấy năm nay cứ đến kỳ giáp hạt, lại phải kêu cứu TƯ hỗ trợ gạo để nuôi dân.

Nhưng giờ, chắc chắn đến lượt người dân, như xã Quảng Vinh, phải vác rá vay gạo để nuôi cán bộ.

Họ ức là phải.

Còn nhiều người dân trong xã hội, nhìn vào hoàn cảnh "quan giầu, quan nghèo" nói trên, hẳn đều... khóc (theo cách của mình), vì hổ thẹn và ngượng thay!

Kỳ Duyên

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/78511/dai-gia-va---quan-chuc.html

Các dự án lớn Trung Quốc thắng thầu giai đoạn 2007 - 2010

Các dự án lớn Trung Quốc thắng thầu giai đoạn 2007 - 2010

Dự án Chủ thầu Giá trị thầu (triệu USD
Nhiệt điện Hải Phòng
Nhiệt điện Quảng Ninh
Nhiệt điện Cẩm Phả
Nhiệt điện Sơn Động
Nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Tập đoàn Điện khí Thượng Hải
Tập đoàn Đông Phương
2.800
Nhiệt điện Kiến Lương Tập đoàn Tân Tạo 2.000
Bauxit nhôm Lâm Đồng Tập đoàn Chalieco 466
Alumin Nhân Cơ - Đak Nông Tập đoàn Chalieco 499,2
Nhà máy phân đạm Cà Mau Công ty Thiết kế Vũ Hán
Tổng công ty Xuất nhập khẩu máy Trung Quốc
900
 Nguồn: VEPR

 Lưu ý hai dự án tô màu xanh bị nhiều người cho là 1 và việc tách ra thành 2 chỉ là thủ thuật của Chính phủđể tránh phải trình Quốc hội phê duyệt. Về vấnđề này có 2 bài viết trên Dân trí.

Việt Nam ngày một thua thiệt khi buôn bán với Trung Quốc

Chơi với bọn tàu, càng thân với bọn tàu thì Việt Nam càng thua thiệt, thua thiệt trên mọi khía cạnh chứ nào chỉ buôn bán: Về chính trị bị nó chi phối, về biển đảo bị nó đánh cướp, về biên giới bị nó lấn chiếm, về đất đai bị nó mua (?), thuê dài hạn,... Bọn tàu lại có đủ trò bẩn nào rễ hồi, tai mèo, đuôi chuột, đỉa, ốc vàng, khoai, gỗ sưa,.... để hại người dân Việt Nam cho đủ góc cạnh. Bài viết của vnexpress chỉ nói về một khía cạnh của lũ khựa này.


Tuesday, 7 August 2012

Nạn nhân hay thủ phạm?

Vnexpress đăng bài 'Nạn nhân' gian hàng đa cấp kêu cứu, trong đó từ "nạn nhân" được đưa vào dấu ngoặc đơn, thiết nghĩ không phải không có ý. Thử đọc vài ý kiến phản hồi dưới bài viết.

Hiểu sai mục đích, hám lợi, thì trách ai?
Nếu bạn không phải là dân kinh doanh, nếu bạn không có sản phẩm để bán, nếu bạn không phải là một doanh nghiệp cần bán sản phẩm của công ty mình, nếu không vì mục đích kinh doanh thực thụ, thì nếu có người chèo kéo thì bạn tham gia làm gì? Còn bạn tham gia tức là bạn muốn, bạn vì những khoản hoa hồng mà lòa suy nghĩ - vậy bạn oán trách ai.
Nếu một doanh nghiệp, một cửa hàng muốn thúc đẩy kinh doanh, họ bỏ ra một khoảng tiền vài triệu, để bán hàng, bán sản phẩm, có một gian hàng online tồn tại mãi mãi mà không tốn một khoản chi phí nào nữa, không tốn tiền nâng cấp... thì cái giá đó quá rẻ! Người ta đã đặt tên là: gian hàng online bằng cửa hàng online cũng thế. Mà đã bán hàng là phải có sản phẩm để bán. Chẳng qua các bạn hiểu sai vấn đề, hám lợi trên sức lao động của người khác mà không muốn bỏ công sức của mình ra thì oán trách ai?
Tự mình hiểu sai vấn đề, tự mình bước vào bởi lòng tham của mình, làm xấu đi nghành TMĐT vốn đang là một xu thế phát triển của xã hội. Ai đã từng và đang là một nhân viên kinh doanh, có phải các bạn cũng kiếm tiền khách hàng qua hình thức online, gửi email, tiếp thị, đăng quảng cáo.... Bằng mọi cách để người cần mua biết đến sản phẩm của công ty mình. Chúng ta cũng giao dịch chủ yếu qua điện thoại... đó cũng là một hình thức TMĐT.
Mở một gian hàng, đăng sản phẩm mình cần bán, giới thiệu đến cộng đồng mạng... qua một trang TMĐT - hình thức kinh doanh này không sai. Sai là chỉ do những người hám lợi, hiểu sai vấn đề và mục đích và tự mình rước họa vào thân thì ráng mà chịu thôi. Rõ ràng mục đích người ta để trên trang Website là giao dịch - mua bán. Bạn không cần mua bán, bạn không có hàng hóa cần trao đổi, bạn vào đó làm gì, mua gian hàng để làm gì?

Nạn nhân hay đồng lõa
Những bạn mất tiền, bạn nào cũng nói "bị lừa". Nhưng thực chất là các bạn tham lam, khi nghe các công ty này tư vấn, các bạn trở nên tham lam, muốn làm giàu nhàn nhã nên mới đồng ý tham gia. Nhưng kết cục thì bị "đồng bọn lừa lại", bây giờ lại đóng mác nạn nhân kêu cứu. Thử hỏi lúc các bạn quyết định mua gian hàng, các bạn có nghĩ đến chuyện chiêu dụ người đến sau không?

====
Rút lại, có người vì nghèo mà ham, có người vì khát vọng làm giàu, kiếm tiền, có người vì quá thiếu hiểu biết nên dễ bị dụ dỗ, lừa gạt, nhưng ai cũng tham, cực tham!!!

Wednesday, 1 August 2012

Làm gì cho thiết thực hơn là sự... "tri ân"!

Mở sẵn bài này trên VietnamNet từ hôm qua để đọc nhưng bận chưa đọc được, hôm nay vào đã thấy trang trống rỗng. Tìm trên Google thấy đường link trên TuanVietNam (cũng của VietnamNet), mở vào đọc cũng trống rỗng.

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/82794/lam-gi-cho-thiet-thuc-hon-la-su-----tri-an--.html


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-07-30-lam-gi-cho-thiet-thuc-hon-la-su-tri-an-

Tìm tiếp thì được 1 bản lưu trên baomoi, hy vọng sẽ tồn tại chứ ko bịâm thầm xóa bỏ một cách đáng ghét như VietnamNet vẫn hay làm.

===

Làm gì cho thiết thực hơn là sự... "tri ân"!

Người viết bài này cũng từng tham gia quân ngũ nhưng may mắn không thành thương binh và nhất là không thành... liệt sĩ để còn ngồi đây viết mấy dòng này.

Nhiều chuyện buồn lắm!
Nhiều bạn của tôi không có được may mắn đó, họ mãi mãi không trở về với người thân. Mặc dù không trực tiếp cầm súng trên chiến trường, nhưng nhiệm vụ chúng tôi thực hiện khi đó không kém phần nguy hiểm và có đồng đội đã chết.

Trong số những người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường có người thân của tôi. Bà cô ruột tôi góp 4 người con trai cho chiến tranh, 2 anh may mắn sống sót trở về và bây giờ thành những... "ông lão dong trâu đi bừa" hàng ngày, tiếp nối truyền thống là "con ông lão năm xưa đi cày" [1] .

Còn 2 người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến địa, đến giờ vẫn không tìm thấy hài cốt. Hai liệt sỹ - 1 trong chiến tranh biên giới tây- nam, 1 trong chiến tranh biên giới phía bắc.

Cứ mỗi năm khi ngày 27/ 7 đến, bà cô tôi lại như người mất hồn, lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng khi đài, TV ồn ào tin trao quà cho gia đình thương binh liệt sĩ. Có lần bà bảo tôi: "Con sống sót trở về là nhờ tổ tiên phù hộ đấy".

Tôi "vâng" và cũng chẳng biết làm cách gì động viên bà, vì bà đã quá mệt mỏi với những câu động viên mà nghe hệt như trên TV mấy ngày trước rồi.

Tội nghiêp cho cụ, những ánh đèn flash quá chói chang với thị lực của người 90 tuổi bị dựng dậy một cách khó nhọc để chụp ảnh với mấy ông cán bộ tặng quà làm bà cụ mất mấy hôm mới nhìn lại được bình thường. Khi chụp ảnh, họ cố ý để cô tôi cầm chiếc phong bì giơ ra trước ông kính, cũng với nét mặt hớn hở của mấy quan chức.

Năm nào cũng thế, cứ thấy họ đến là cô tôi khóc nhiều hơn và cứ như muốn định đi trốn. Chả hiểu vì sao...

Cách đây mấy năm, cô tôi bị đau bụng phải đi viện cấp cứu. Con trai cụ, một "ông lão đi bừa", giơ giấy giới thiệu chứng nhận mẹ liệt sĩ và nói với bệnh viện: "Mẹ tôi đau lắm lịm đi từ mấy tiếng nay." Bệnh viện trả lời ráo hoảnh: "Giở giở đấy thôi, già thế này rồi cấp cứu làm gì."

Sau đó "ông lão đi bừa" khác cũng là con bà cụ nháy ông anh cất giấy chứng nhận đi và thay bằng 1 "phong thư", thế là cô tôi được khám cấp cứu ... Từ ngày đó, cô tôi bảo mấy ông con đừng bao giờ đưa cụ đến bệnh viện nữa, nếu có đau chết thì thôi.


Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ngày 26/7. Ảnh: Nguyễn Phúc/ Thanh Niên

Cũng như bao làng quê khác, quê tôi cũng có nhiều chuyện buồn lắm. Một chuyện buồn nữa là chuyện về "anh hùng xi măng", hàng xóm nhà vợ tôi.
Trước đây, dân quê vợ tôi gọi anh bằng cái tên Anh hùng chống Tàu, nhưng lâu nay không biết do ai bảo lại gọi anh bằng cái tên "uyển ngữ" ấy vì anh được phong Anh hùng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979.

Ngày đó, xóm làng trở nên huyên náo vì những chuyến xe U-oát của cán bộ Huyện đội hay Tỉnh đội về thăm. Họ còn cho địa phương biết sẽ mở một con đường mới chạy thẳng đến tận nhà người anh hùng này...

Tiếp đó, không rõ đó là sáng kiến của ai mà anh còn được dựng tượng bằng xi-măng trong sân ủy ban xã.

Không lâu sau đó anh hy sinh. Tất cả vẫn như xưa, không có đường mới nào được mở. Vợ anh phải đi bước nữa, chỉ còn anh hùng xi-măng thì vẫn thấy đứng đó một mình. Nghe đâu chuyện dựng tượng sau đó bị phê phán là vi phạm quy định gì đó và có nguy cơ bị tháo dỡ.

Nơi nơi mọc lên những căn nhà 4-5 tầng của những người có tiền. Căn nhà bố mẹ anh thì vẫn như xưa khi anh khoác lên mình bộ áo lính.

Mỗi khi nhìn thấy "anh", cha mẹ anh lại khóc. Cha anh khóc đến nỗi bây giờ mắt gần như mù. Mẹ anh thì giờ đây đã gặp lại anh nơi thế giới vĩnh hằng. Thế nào anh cũng hỏi "con đường chạy thẳng đến nhà mình" có đẹp không.

Hãy bớt và...hãy nên...

Đọc bài của ông già ô-zôn Nguyễn Văn Khải, 1 cựu chiến binh, tôi càng thấy chúng ta phải làm điều gì thiết thực hơn thể hiện sự "tri ân". Hãy bớt xây tượng đài mẹ VN anh hùng để tiền biếu các cụ còn sống chữa bệnh, sửa lại mái nhà dột nát. Hãy chăm sóc những thương binh khi họ còn hưởng được, hơn là xây những đài hương nghi ngút, với những câu nói sáo mòn.

Hãy bớt những chuyến "hành hương về Trường Sơn" của khá nhiều cơ quan Nhà nước mà thực chất là chuyến "du hí" bằng tiền của chính cha mẹ, người thân những liệt sĩ nằm tại đây.

Hãy chăm sóc thật sự những thương binh còn đang "ngoi ngóp" như ông già Ô-zôn đã dẫn. Không biết chúng ta nghĩ gì khi đọc thông tin Dũng sĩ diệt Mĩ cấp ưu tú Nguyễn Trọng Thông (26 Hội Vũ, Hà Nội) nằm một mình, liệt đến nỗi chuột gặm thân thể mà không sao đuổi được.

Nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo cho họ, chứ không thể yêu cầu chính bà con, anh em đồng đội họ may mắn còn sống trở về, giờ lại đóng góp mỗi khi ngày 27/7 đến. Những đóng góp của xã hội chỉ là khía cạnh tình cảm giữa người với người trên cơ sở tự nguyện.

Chẳng lẽ phải chờ đến khi những người thương binh này mất đi chúng ta mới... quan tâm đến họ sao? Tôi có cảm giác đây cũng là ảnh hưởng của một thói quen hay "truyền thống" cần phải thay đổi của người Việt.

Mẹ tôi có lần nói đại ý rằng nếu muốn tỏ lòng yêu thương người thân, hãy thể hiện bằng hành động cụ thể hữu ích khi họ còn sống. Một khi họ mất rồi thì có chống gậy vông đi gật lùi khi đưa tang, mâm cao cỗ đầy khi giỗ, chỉ là việc "diễn" cho người sống mà thôi.

Câu dặn ấy có lẽ đúng với cả những trường hợp bài này đang nói tới. Hãy chăm sóc những thương binh khi họ còn hưởng được, hơn là xây những đài hương nghi ngút, với những câu nói sáo mòn.

Những việc làm từ đạo đức thật sẽ làm dịu nỗi đau.

[1] Thơ Trần Ngọc Thụ