Sunday, 30 March 2008

Về những đứa trẻ bán táo bên lề đường

Đôi khi trong các bài viết, tôi đề cập đến hình ảnh những đứa trẻ bán táo bên lề đường, vì đó là một hình ảnh đã ăn sâu vào trí óc từ hơn 20 năm nay.

Lần đầu tiên nhìn thấy những hình ảnh ấy là những lần ngồi sau chiếc xe đạp cọc cạch để bố mẹ đèo về quê, cách nhà gần 30 cây số. Nhân tiện, nhớ mãi cái xe đạp hồi ấy, ko biết dùng đã bao nhiêu năm, vượt bao nhiêu đồi núi mà bàn đạp rơi mất từ lâu, còn cái khung thép nằm giữa bàn đạp đã mòn vẹt, nhọn hoắt, mỗi lần đâm trúng chân (khi tập xe) là đau lắm. Có những đứa trẻ ăn mặc cũng như mình - nhưng thường ko sạch sẽ bằng, bày bán mấy rổ táo ở cạnh đường, thường ở các đoạn dốc nhà máy chè đen, hạt Bảy, bên ngòai dốc đội Bốn, đọan qua mấy triền đồi, đoạn ngã ba Cổ Tiết, bến phà (giờ đã thành cầu),... Thường có 2 lọai hàng táo: Loại phổ biến nhất chỉ gồm một cái rổ + một hai cái ghế cho người bán, người mua rẽ vào mua rồi cầm theo vừa đi vừa ăn; loại tứ hai sang hơn một chút thì có một chiếc lều con con mái trải ni-lông hoặc lá cọ, có thể có vách hoặc không, có thêm 1, 2 chiếc ghế gỗ con con dài dài để khách có thể ngồi ăn và uống thêm chén chè, ăn thêm khúc mía hay thanh kẹo lạc. Ngày đó, cảm giác là ghen tị với những đứa nhỏ ấy! Ghen tị lắm chứ, vì nhà chúng nó có táo bán như thế, nó ngồi bán thích ăn bao nhiêu thì ăn, thật là sung sướng, vì mình có đâu mà ăn, chỉ khi nào mẹ đi chợ bán được gánh rau, đôi khi mới mua về. Bọn nhỏ ấy sướng thật, 4, 5 đứa (chắc là anh chị em hoặc bạn bè cùng xóm), xúm xít nhau quanh mấy cái rổ màu nhiệm với những trái táo xanh mướt, còn cả cuống và lá do vừa hát xuống trong vườn, đôi khi nhìn thấy cả vườn táo nhà chúng nó. Mà trên con đường có gần 30km về quê đó, giờ đi xe máy hoặc xe khách thì ko đến nỗi, chứ cái ngày ngồi sau xe đạp đó mới thấy nó nhiều dốc núi lắm, cứ chốc chốc lại phải xuống đi bộ để bố dắt xe lên dốc - đôi khi bố thương, bảo cứ ngồi trên xe bố dắt cũng được nữa, đôi khi lại phải dừng lại nghỉ một lát. Những chỗ nghỉ chân đó thường hay gần lũ trẻ bán táo - vì rõ ràng bố mẹ chúng nó chọn vị trí như vậy, nhưng nhớ là ngày đó chả khi nào được bố mẹ mua cho ăn cả, lý do thì đơn giản đến mức ko thể đơn giản hơn. Nên ghen tị lắm...

Lớn lên dần, được đi học xa nhà, đi lại các nhiều hơn, ngồi ô-tô khách, rồi xe máy, nhìn thấy nhiều hơn những rổ táo ven đường, và không chỉ là những đứa trẻ lấm lem nữa, mà có nhiều cô, nhiều bác đứng tuổi, khuôn mặt hiền lành ngơ ngác, chắc tranh thủ sau những giờ cày ruộng, thấy những người mẹ trẻ ôm đứa con đang ngủ say sưa trong lòng và còn phải trông thêm một hai đứa chạy nhảy xung quanh, thấy những cụ già mặc những chiếc áo bông màu nâu bùn, chùm hùm hụp khăn đen kiểu mỏ quạ, miệng bỏm bẻm nhai trầu... Những hình đó trải khắp các nẻo đường, gần thì đọan Trung Hà - Cổ Tiết, Giáp Lai - Thạch Khóan, xa hơn chút thì đến mấy huyện phía Tây của Hà Tây trên quốc lộ 32 và sau này là đường về phía Láng - Hòa Lạc, rồi vẫn con đường đó lên Hòa Bình, xa nữa thì tại các nhà ga lên Bắc Hà, vào Vinh, Huế, Nha Trang,... Nhưng mà lớn lên rồi, cảm giác thèm thuồng và ghen tị bớt dần rồi mất hẳn, thay vào đó, tình thương nhen dần và lớn lên từng ngày. Thì đấy, những chiếc xe khách có bao giờ dừng lại cho khách mua mấy trái táo lề đường, có chăng chỉ ào qua quấn theo bụi đỏ phủ thêm trên mái lều và mái đầu người bán hàng một lớp. Hay ngay chính bản thân mình, khi ngồi xe máy về nhà, có bao giờ dừng lại ven đường chỉ để ăn vài trái táo - họa hoằn chăng chỉ có khi ngồi chờ ở bến phà Trung Hà, nhưng mà rồi phà được thay thế bởi một cây cầu... Mà thế đấy, kinh tế đất nước phát triển lên, hàng hóa trong xã hội tăng, nhu cầu ăn uống, thưởng thức cũng dần được nâng cao, cái rổ táo thiên thần xưa tụt giá thê thảm - không biết cả ngày hít bụi đường như thế, những người đó có bán được mấy chục ngàn? Tất nhiên họ vẫn bán, vẫn kiên nhẫn, cái kiên nhẫn bình thản và thờ ơ vừa đáng nể, vừa đáng thương - mà thực ra những người ấy đâu có thể làm gì khác ở tuổi ấy, ở giờ ấy, để phụ kiếm thêm đồng tiền trong cái xã hội đang sầm sập xung quanh? Nhiều khi muốn giúp những người ấy bằng cách mua cả rổ táo của họ để họ được về nhà chứ ko phải ngồi hít bụi nữa, nhưng rồi lại nghĩ, thứ nhất mình bây giờ chẳng muốn ăn, ở nhà cũng chỉ có cô út thích nhưng mua nhiều thế thì chả ăn hết rồi lại vứt lăn lóc, tội người bán; hoặc mua rồi đem cho người lạ thì kỳ cục quá; mà quan trọng hơn là cho dù mua cả rổ, họ sẽ ko đựoc về nghỉ, mà sẽ vui mừng quay về hái xuống một rổ khác, khấp khởi ra đường ngồi đợi một người như mình; và quan trọng nhất là làm như thế, liệu có thực sự giúp họ thóat ra khỏi cái rổ táo lề đường?

Hơn 20 năm đã qua rồi kể từ những rổ táo đầu tiên ấy, đất nước đang phát triển và hội nhập hàng giờ, hàng loạt từ mới được đưa vào từ vựng hàng ngày - nào máy vi tính, mạng toàn cầu, i-meo, nào cổ phiếu, thị trường chứng khóan, cổ tức cổ đông, tập đoàn, tổng công ty, nào đại gia, ma túy, người nổi tiếng, sao,...; giờ mình cũng được ngồi máy bay, được dùng lò sưởi, được ra vào những cánh cửa biết tự động mở ra đóng lại; mà về nước vẫn thấy nhưng rổ táo ấy kiên trì bám trụ lề đường, dù có ít hơn xưa.

Ơi những em bé, hãy kiên nhẫn thêm chút nữa để giúp cha mẹ đóng thuế góp phần cứu thị trường chứng khoán và các đại gia tiền tỉ. Rồi khi em lớn lên, hãy cố gắng để góp phần trả các món nợ nước ngoài rót vào bây giờ. Cho dù thế nào đi nữa, anh cũng đứng về phía các em!