Em yêu ạ, hôm qua trong khi chờ em về để chat, anh tranh thủ đọc "Cọng rêu dưới đáy ao", đọc xong buồn và thương cảm quá, thành ra khi chat với em vẫn lan man suy nghĩ mà không sao vui hẳn lên được.
Đất nước mình, trong chiến tranh, ly loạn, đã có biết bao nhiêu con người phải xa rời quê hương, gia đình, chòm xóm, biết bao người không bao giờ quay lại, biết bao người chôn vùi cuộc đời ở những nơi không ai biết tới, không ai nhớ tới. Nhưng trong những người còn may mắn được trở về với gia đình, vợ con, vẫn có biết bao người tiếp tục cuộc sống cực khổ, lầm than. Trình độ quản lý xã hội quá hạn chế, trình độ dân trí tháp kém, sự vô trách nhiệm của một số người có trách nhiệm, và cuộc sống nghèo đói triền miên,... biết bao thành tố kết hợp lại để đè nén, bóp chết cuộc sống của một con người từng nhiệt huyết cống hiện tuổi xuân cho tổ quốc, bóp chết một cách toàn diện - từ vật chất đến tinh thần, và tàn bạo - biết bao lần con người đó ráng sức gồng mình đứng dậy, chỉ mong yên phận thủ thường nuôi vợ chăm con mà lần nào cũng bị đè xuống, dúi xuống tận vũng bùn để không thể ngóc lên nổi! Con người đó khi trẻ tuổi, hoạt động quên mình cho đất nước, giã biệt cha mẹ, vợ con, anh em để ra đi. Nhưng khi anh trở về, dù cố hết sức an phận thủ thường, anh vẫn bị đẩy lùi từng bước, từng bước, cho đến khi thân tàn danh bại, gia đình tan nát mới được hưởng cái ân huệ cuối cùng của cuộc sống - cái ân huệ vốn bình đẳng đối với tất cả mọi người - CÁI CHẾT! Anh vượt qua bom đạn quân thù, khói lửa chiến tranh nhưng có lẽ sẽ tốt hơn cho anh, nếu anh không vượt qua những điều đó, dù vẫn biết SỰ SỐNG là thiêng liêng.
Câu chuyện nào cũng xuất phát từ một thực tế nhất định. Và thực tế như anh có lẽ không hiếm hoi gì, anh Hiền ạ. Trong chiến tranh, trong khó khăn chung của đất nước, biết bao số phận cá nhân đã bị bỏ qua như thế. Giờ đây, đất nước ta đỡ hơn nhiều rồi, có lẽ cách hay nhất để tri ân và tưởng nhớ các anh là phổ biến thông tin về cuộc đời các anh - những số phận đã vì thế cuộc mà phải chịu biết bao khuất tất...