Họ đi dọc các tuyến phố như Ba Đình, Điện Biên Phủ, Hàng Bông, Tràng Tiền, Nhà Hát Lớn. Công an Hà Nội không có chủ trương "trấn áp", "đàn áp thô bạo" hay "bắt giữ" người trong các cuộc biểu tình này.
Khi đám đông được đề nghị giải tán tránh gây ảnh thưởng giao thông, người đàn ông mặc áo sơ mi trắng ngồi bệt xuống đất buộc lực lượng công an phải khiêng lên xe buýt. Sau sự việc, một cảnh sát cùng tham gia bị tạm đình chỉ công tác.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (giữa) tại cuộc họp báo. Ảnh: T.Trinh |
Người đứng đầu công an thành phố cung cấp, trong cuộc biểu tình ngày 17/7, tránh gây ảnh hưởng giao thông, công an Hà Nội đã đề nghị đám đông giải tán. Tuy nhiên, trong số này có một người đàn ông không chấp hành. Anh ta đã chống đối bằng cách ngồi bệt xuống đất khiến 4 cán bộ mặc sắc phục của công an quận Hoàn Kiếm phải khiêng lên xe buýt. Đúng lúc này, một người đàn ông mặc thường phục trên xe buýt lao xuống và có hành động như đạp chân vào mặt người tham gia cuộc biểu tình, rồi đưa về đồn công an số 1 Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) để tuyên truyền, giải thích.
Một ngày sau khi xảy ra sự việc, clip trên được phát tán lên mạng thu hút được khá nhiều lời bình luận, trong đó tập trung vào hình ảnh người mặc áo phông vàng, quần kaki sáng màu đã có những hành vi được xem là bạo lực. Danh tính người này được xác định là Đại úy Phạm Hải Minh (công an quận Hoàn Kiếm). Còn người khiêng lên xe buýt là Nguyễn Chí Đức (35 tuổi, nhân viên một trung tâm dịch vụ viễn thông Hà Nội).
Giám đốc công an Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc ông đã giao cho cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội phối hợp với Viện KSND cùng cấp điều tra xác minh. Trưởng công an quận Hoàn Kiếm đã ký quyết định tạm đình chỉ với đại úy Minh để phục vụ việc điều tra.
Nói về những hình ảnh được tung lên mạng, đại diện công an Hà Nội cho biết, nguồn phát tán từ nước ngoài đến nay vẫn chưa xác định được ai là người phát tán. "Chúng tôi điều tra phải có nguồn rõ ràng và căn cứ từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau như nhân chứng, bị hại, đôi dép... chứ không thể dựa vào riêng một hình ảnh đó", thượng tá Đào Thanh Hải, trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội nói.
Tuy nhiên, theo tướng Nhanh, dù thế nào, hình ảnh trên cho thấy tổ công tác làm nhiệm vụ hôm đó cũng là sai. "Người ta đã bỏ đi hoặc ngồi ra đường có nhất thiết phải khiêng người ta lên xe hay không khi họ không phải là tội phạm hay người đang bị truy nã. Hình ảnh trên đúng là phản cảm...".
Người đứng đầu ngành công an thành phố cho rằng sau sự việc trên tổ công tác làm nhiệm vụ cần nghiêm khắc phê bình. Riêng công an Hà Nội có được những bài học riêng cho mình.
Nguồn: http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Tam-dinh-chi-dai-uy-cong-an-trong-clip-gay-xon-xao/20118/159122.datviet