(Dân Việt) - Hai bị cáo Hằng và Thúy được giao cho UBND thị trấn Vị Xuyên và UBND thị trấn Việt Lâm, Hà Giang nơi các bị cáo cư trú giám sát, quản lý và giáo dục để trở thành công dân có ích.
Các ngả đường dẫn vào tòa án đều bị chặn bằng barie. Lực lượng an ninh được bố trí dày đặc, có cả chó nghiệp vụ hỗ trợ. Sự nghiêm ngặt này thường chỉ được áp dụng cho những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia nhưng hôm qua (10.3) đã được dành cho vụ án mua dâm học trò.
Cấm đường, ngăn cản báo chí
Đúng 8 giờ sáng 10.3, phiên tòa sơ thẩm vụ án "mua dâm người chưa thành niên" và "môi giới mại dâm" đối với ông Sầm Đức Xương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Lâm - và 2 bị cáo Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy được đưa ra xét xử.
Niềm vui được đoàn tụ của 2 bị cáo nữ (giữa). |
Từ 6 giờ, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã đặt barie chặn tất cả các ngả đường dẫn vào khu vực tòa án tỉnh, không cho người dân qua lại.
Khi phóng viên (PV) NTNN xuất trình giấy giới thiệu với các đồng chí công an đề nghị được vào làm việc với tòa án tỉnh thì bị một số người mặc thường phục, không đeo phù hiệu, cũng không xuất trình được thẻ công vụ, ngang nhiên ngăn cản tác nghiệp.
Khi PV viện dẫn Luật Báo chí thì một người đàn ông lớn tiếng thách thức: "Tôi chẳng hiểu luật gì cả. Thách các anh chị vào đấy!".
Ngoài lực lượng bảo vệ dày đặc, chó nghiệp vụ cũng được tăng cường ở cổng tòa. 7 giờ 45, 3 nữ sinh là nhân chứng và có liên quan đến vụ án được đưa đến trên chiếc xe cứu thương màu trắng rồi nhanh chóng được đưa thẳng vào phòng xử.
Các PV báo, đài cố gắng đưa giấy giới thiệu để được làm việc với TAND tỉnh nhưng chỉ nhận được sự im lặng và những cái lắc đầu của lực lượng bảo vệ. Một người mặc áo đen tự xưng là cán bộ tòa án tỉnh cho biết hôm nay tất cả cán bộ tòa án đều không tiếp khách.
Có mặt tại cổng tòa án, mẹ của 2 bị cáo nữ rất bức xúc vì bị tước quyền giám hộ cho con gái. Họ thậm chí còn không được thông báo về thời điểm diễn ra phiên tòa xét xử con gái họ.
Chị Nguyễn Thị Huệ, mẹ bị cáo Hằng nói trong nước mắt: "Lần trước xử cháu, chúng tôi còn được thông báo, lần này một câu thông báo cũng không. Dù biết là không được vào nhưng tôi vẫn đến cổng tòa từ rất sớm để mong được nhìn thấy bóng dáng con mình.
7 giờ 30 thấy xe thùng chở các cháu đến, tôi đã cố sức gào gọi tên con nhưng cháu không nghe thấy. Lần cuối 2 mẹ con được gặp nhau là từ tháng 11 năm ngoái. Trong ít phút ngắn ngủi, tôi và cháu chỉ biết khóc, chẳng kịp nói chuyện gì. Con tôi bị bắt từ lúc chưa đến 18 tuổi vậy mà bây giờ lại nói con tôi đủ tuổi để từ chối luật sư và người giám hộ".
Cổng tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang dày đặc lực lượng công an bảo vệ và chó nghiệp vụ. |
Luật sư Trần Đình Triển dù đã nhận được thông báo của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Giang về việc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy từ chối luật sư nên không được tham dự phiên tòa nhưng ông vẫn có mặt ở Hà Giang để theo dõi phiên xét xử.
Niềm vui và nước mắt
15 giờ 30 cùng ngày, TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên bị cáo Sầm Đức Xương 9 năm tù giam về tội "mua dâm người vị thành niên" và phải nộp phạt 5 triệu đồng. Hai bị cáo Hằng và Thúy lần lượt nhận mức án 36 và 30 tháng tù giam về tội "môi giới mại dâm" và được trả tự do ngay tại tòa.
Hai bị cáo Hằng và Thúy được giao cho UBND thị trấn Vị Xuyên và UBND thị trấn Việt Lâm nơi các bị cáo cư trú giám sát, quản lý và giáo dục để trở thành công dân có ích.
Kết luận của tòa án vẫn chưa công bằng vì ông Xương bị kết án căn cứ vào lời khai của hai bị cáo Hằng và Thúy, trong khi một loạt những cán bộ khác cũng bị các cháu khai tên tại tòa thì bình an vô sự.
Luật sư Trần Đình Triển
Có mặt tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Thơm mẹ bị cáo Thúy và bà Nguyễn Thị Huệ mẹ bị cáo Hằng không giấu nổi niềm vui và những giọt nước mắt khi nghe chủ tọa phiên tòa tuyên án.
Trao đổi với PV NTNN, bà Huệ chia sẻ: "Tôi chưa thực sự bằng lòng với bản án hôm nay vì tôi cho rằng, con tôi chỉ là nạn nhân, con tôi không có tội. Tuy nhiên niềm mong muốn lớn nhất của gia đình tôi là cháu được trở về nhà. Con đường phía trước còn dài, tôi sẽ phải cho cháu đi học tiếp cấp 3 và lo cho cháu một nghề nghiệp ổn định".
Nhìn lại vụ án này, luật sư Trần Đình Triển nhận định: "Cách bố trí lực lượng an ninh dày đặc tại phiên tòa cùng với việc xử kín vụ án này theo tôi là để cố bưng bít thông tin về nhiều người liên quan đến vụ án.
Việc bố trí bảo vệ nghiêm ngặt tại tòa như hôm nay thường chỉ được áp dụng cho những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến an ninh quốc gia. Vụ án này không thuộc diện đó và cũng không ai làm mất trật tự, mất an ninh cả.
Bản thân tôi khi đến đây đề nghị làm việc với chánh án cũng bị một số người mặc thường phục hỏi giấy tờ trong khi họ chẳng có quần áo công vụ, phù hiệu hay giấy tờ gì. Tòa xử kín chỉ kín trong phòng xử nhưng đây là đường giao thông, không được cấm. Phóng viên, luật sư có giấy tờ thì bị cấm đi lại gần tòa án nhưng nhiều người mặc thường phục lại ung dung đi lại".
Nguyễn Thắng
===
Bình luận: Tin rằng toàn bộ sự kiện nêu trên chỉ là bước cuối cùng trong một chuỗi kế hoạch nhằm bao che, bảo vệ cho những kẻ thực sự làm hại cuộc đời của 2 bị cáo và những nữ sinh khác nữa. Nhân tiện từ ngày có tin 1 nữ sinh liên quan đến vụ này bị mất tích chưa hề có thêm thông tin gì, giờ cô gái còn sống hay đã chết cũng không biết nữa. Mạng một số người thật là rẻ!