Wednesday, 15 September 2010

Thêm một chút về phim "Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long"

Nhân đọc bài "Một chút về phim: Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long" của anh Tuấn Ngọc viết một cái comment mà nó lại quá dài, thành ra tạo riêng cho nó một cái note ở đây.

Xin phép ko đồng ý với anh về cái ý chính: Mới chỉ xem trailer đã phán "giống tàu" rồi chửi bới... Tất nhiên tôi không thích văn hóa chửi bới, nhưng...

Thứ nhất, trailer thường được coi là tập hợp những hình ảnh đặc sắc nhất của bộ phim - vì nó đóng vai trò quảng cáo. Và trailer của phim này thì người xem đã kết luận: Giống hệt tàu, chỉ có thoáng qua 1, 2 hình ảnh Việt Nam (áo tứ thân thì phải) trong một vài giây. Cộng thêm thực tế trường quay, đạo diễn, diễn viên (dù là phụ), trang phục, cộng ý kiến của người trong ban cố vấn (ông Phan Cẩm Thượng) thì họ nghĩ rằng CẢ bộ phim giống tàu là hợp lý.

Thứ hai, giống tàu có sao không? Có! Anh đưa Avatar làm minh chứng cho tính sáng tạo của điện ảnh, rất đúng! Vì nó áp dụng những công nghệ chưa xuất hiện trên điện ảnh bao giờ. Nhưng có thể gọi là sáng tạo không khi một bộ phim Việt Nam mà người xem (trailer) cảm thấy y chang phim trung quốc? Những bộ phim tàu kiểu này vẫn chiếu nhan nhản hàng chục năm nay rồi, vậy cái "sáng tạo" trong phim của ta là gì?

Về mặt nghệ thuật, xem phim Việt, về lịch sử Việt thì người ta ko muốn có cảm giác như đang dùng một thứ hàng đại trà của tàu.

Về mặt tình cảm, bộ phim dự kiến được chiếu vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tức là ghi dấu thời gian ta bắt đầu ổn định xây dựng nhà nước độc lập sau hàng ngàn năm tàu đô hộ, nên tâm thức người xem muốn thấy một hình ảnh Việt Nam-không-phải-tàu là có thể hiểu được và đáng trân trọng.

Về mặt chính trị - xã hội, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp một phần thế giới nhìn vào Việt Nam, tôi chắc rằng nếu ta đưa ra được 1 hình ảnh Việt Nam mang tính đặc trưng thì sẽ hay hơn là khiến họ thấy ta chỉ là 1 bản copy của tàu. Tất nhiên ta còn nhiều hoạt dộng khác, những chương trìn điện ảnh khác nhưng một bộ phim đã được tôn làm phim cho dịp đại lễ thì đánh giá nó phải khác.

Về vấn đề anh đặt ra "Nếu các vị đòi hỏi giống như đúc thời nhà Lý thì tôi thử học có ai biết mặt mũi ông vua Lý và các tướng lãnh, cũng như Hoàng hậu, tỳ thiếp... Và tôi đặt tiếp câu hỏi nếu phim thuần Việt, có bờ tre, bụi chuối, cây đa, mái đình, sống quê, rồi một kinh thành nhỏ bé, nghèo túng...thì liệu phim có hay không?", tôi thấy hơi cực đoan. Tôi ko thấy ai đòi giống như đúc thời Lý cả, mà người ta muốn thấy một cái hồn Việt Nam, còn làm sao để có hồn Việt Nam thì đó là nhiệm vụ của đoàn làm phim! Bờ tre, bụi chuối, cây đa, mái đình,.. thì sao mà ko thể thành phim hay? Ai đã xem Apocalypto sẽ chỉ thấy núi rừng cây cối và mấy anh đóng khố, cà răng căng tai chạy như điên, ai bảo phim đó ko hay? Đây mới là chỗ cần sự sáng tạo của điện ảnh chứ ko phải chỗ copy của tàu là sáng tạo điện ảnh.

Một ý quan trọng, luận điểm chính của anh (và của nhiều người phê phán những người phê phán bộ phim - tôi đọc trên diễn đàn lichsuvn.info) là “chưa xem sao biết, sao dám chê, hãy để chiếu đi đã rồi bình luận sau,…” là rất không ổn! Với ý nghĩa là phim mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, phải có sản phẩm tương xứng. Và do đó bộ phim cần được thẩm tra trước, thông qua trailer, thông qua ban gì đó của chính quyền, và thông qua chính sự lên tiếng của đoàn làm phim nữa – tôi chưa thấy phần cuối này. KHÔNG THỂ áp dụng cái kiểu “cứ làm đi, sai thì sửa” ở đây được: Nếu cứ đưa phim vào chiếu rồi hết dịp đại lễ mới đồng loạt kết luận nó là hàng tàu thật thì bây giờ có quay lùi thời gian để ko chiếu nó được ko, có tẩy khỏi đầu óc người xem cảm giác bị lừa được ko, có tẩy khỏi óc bạn bè quốc tế ý nghĩ Việt Nam chỉ là một bản copy của tàu được ko...?

Cuối cùng, ban thẩm định gì đó (tôi ko nhớ tên chính thức) đã chính thức thừa nhận và yêu cầu cắt bỏ, chính sửa bớt các chi tiết, hình ảnh thuần tàu. Tôi chắc rằng phần còn lại sẽ vẫn lai căng chán, nhưng ít ra nó cũng chứng tỏ những bức xúc của cộng đồng mạng là đúng đắn.