Vậy mà không; lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đạp vào thử mà xem: tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo..."
(Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai)
Hôm qua đi ngủ sớm quá, gần sáng tỉnh dậy và không ngủ lại được, nằm tự nhiên miên man nhớ đến đoạn tự ngôn trong "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng. Đã 5 năm xa Tổ quốc, chưa phải quá dài nhưng cũng không còn là ngắn. Dù chưa tới mức mất mát như mô tả trong đoạn tự ngôn trên nhưng đã hiểu hơn nỗi lòng tác giả. Thèm về Việt Nam, thèm gặp gia đình, họ hàng, thèm đi trên đê nghe gió lồng lộng, nhìn những trâu bò thảnh thơi gặm cỏ, thèm phóng tầm mắt trên những cánh đồng lúa xanh mướt trải xa như vô tận, thèm nhìn con sông Hồng mùa lũ nước cuồn cuộn đỏ đặc phù sa, thèm nhìn những xóm như ốc đảo bao bọc bởi rặng tre, chơi vơi giữa biển lúa,.. Thèm ngồi nghe mọi người ở quê kể chuyện cày bừa, cấy hái, thèm ngửi mùi rơm rạ thơm thơm mà hăng hăng vị bùn, thèm ôn lại những ngày vất vả đã qua - dù hiện tại còn chẳng ít khó khăn...
Ngày học lớp 9, lớp 10 gì đó có bài "Cuối xuân tức sự" của Nguyễn Trãi mà cô giáo phân tích ra là 2 câu đầu tả người, 2 câu sau tả cảnh, cũng hứng lên làm thơ, 2 câu đầu tả cảnh, 2 câu sau tả người, chả kém gì Nguyễn Trãi :-))
Quê hương
Cánh đồng lúa chín trải xa xa
Dòng sông uốn khúc chảy hiền hòa
Trẻ em vui vẻ nô ngoài bãi
Nhìn cảnh quê hương ấm lòng ta
Ấy là thơ thế, chứ quê hương còn nghèo, người quê hương còn vất vả lắm...