Sunday, 11 October 2009
Xung quanh "Những dự án 'đứt gánh giữa đường' cho Hà Nội 1.000 năm"
Đọc bài “Những dự án 'đứt gánh giữa đường' cho Hà Nội 1.000 năm” cảm nhận được phần nào sự phấn khởi của người viết trước những quyết định khó khăn của Lãnh đạo thành phố khi hủy bỏ một số công trình/dự án trên địa bàn Thủ đô. Tác giả bài báo hẳn rất tự hào khi đặt bút viết những câu: “Địa linh vẹn nguyên. Người dân cảm kích, tự hào”, “Thành phố đã quyết định đúng”, hay “Hà Nội đã thực sự "lớn" - không chỉ về diện tích mà cả tầm nhìn, nhận thức”…, để đi tới kết luận “Hà Nội nghìn năm khác Hà Nội hôm qua. Bởi phát triển bền vững mới là con đường Thành phố đã chọn để bước tới”. Một loạt các mỹ từ mà ai ai cũng mong muốn. Nhưng…
Nhưng…
Có một điều rất quan trọng mà người viết không (vô tình hay cố ý?) nhận ra, vô hình chung khiến người đọc có thể bỏ quên: Ấy là “trách nhiệm”. Là nhà báo, người viết hẳn biết rằng mỗi dự án “đứt gánh giữa đường” ấy là tiền, rất nhiều tiền, với đơn vị tính bằng trăm triệu, thậm chỉ hàng tỷ! Tiền đó không từ trên trời rơi xuống, không từ túi người phê duyệt dự án móc ra, mà quay đi quay lại vẫn đánh vào cái hầu bao vốn không dư dật lắm của đa số người dân. Có những dự án còn mang trong nó không khí trong lành, không gian sinh hoạt bình thường của hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người trong bao nhiêu năm trời nữa. Niềm vui vì công trình/dự án “được” “đứt gánh an toàn” có bù lại được những thiệt hại hữu hình và vô hình kia hay không? Phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ!!! Nhà báo không nên viết theo kiểu khiến người đọc quên đi điều đó.
Hà Nội “dỡ hàng loạt công trình "trấn" mặt tiền Vườn thú” ư? Vậy không phải chính Hà Nội buông lỏng quản lý để hàng loạt công trình đó được xây nên sao? Hà Nội “đồng loạt "chặt ngọn" nhà xây sai phép” ư, vậy do đâu mà các nhà xây sai phép đó mọc lên, và mọc lên vô hình chỉ trong một đêm ư? Hà Nội có “thành tích" giữ vẹn nguyên công viên lịch sử" ư? Nhưng một lãnh đạo cao cấp hàng đầu của chính Hà Nội tuyên bố dự án khách sạn Novotel thực hiện hoàn toàn đúng quy hoạch, và trắng trợn dối trá rằng đó là công trình đó có nhà thầu Thụy Điển, do đó mang mục đích cám ơn đất nước Thụy Điển vì những ủng hộ quý báu trong thời gian chiến tranh, đến nỗi ĐSQ Thụy Điển phải lên tiếng bác bỏ. Mừng “mảnh đất vàng số 2 Hai Bà Trưng giữa năm 2008 chợt "lột xác" thành khu vườn trăm hoa đua nở” nhưng có ai hỏi vì đâu mà mảnh đất đó bị quây kín ngót chục năm cho một dự án cao ốc 9 tầng cực kỳ phi thẩm mỹ? Rồi thì vườn hoa Con Voi, rồi chợ Âm Phủ và đường 19/12, vân vân và vân vân. Người dân cần và nên biết rằng tất cả những việc sai trái mà suýt được thực hiện để mình phải gánh hậu quả đó đều, và chỉ xảy ra, do lỗi trực tiếp, rất lớn của chính quyền Hà Nội. Các lỗi ấy cần phải được xử lý!!!
Tác giả bài viết có gài một câu khá mềm mại “Tiếc là, phần lớn những "kỳ tích" này được phát hiện bởi quần chúng, nhân dân hay chuyên gia tâm huyết với Thủ đô, chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra hay chính quyền” nhưng nói thẳng ra thì phải là “Tất cả các kỳ tích này đều được phát hiện, đấu tranh bởi quần chúng…”. Còn phía chính quyền hầu như luôn ở phía đối lập, tìm cách biện bạch, đối phó, cho tới khi họ không thể bao che nữa! Ngoài việc vị lãnh đạo dối trá về yếu tố Thụy Điển nêu trên, có thể kể ra việc ông Chủ tịch quận Đống Đa dối trá về “nhu cầu bức thiết của nhân dân về chợ Con Voi”. Tất cả những vị này đều an nhiên tại vị, và cho dù “thắng kiện”, người dân Hà Nội đã tổn phí biết bao nhiêu thời gian và tiền của. Dự án khách sạn trong công viên di dời đi, Hà Nội phải “đền” cho nhà đầu tư “không phải Thụy Điển” vị trí đất nào, trị giá ra sao, phải trả lại bao nhiêu tiền cho cái móng khách sạn mà họ đã làm xong? Trung tâm thương mại tại chợ Âm Phủ mà chủ đầu tư từng đòi trừng phạt dư luận và báo chí – hợp đồng ký rồi, giờ Hà Nội hủy, tiền ở đâu để trả lại và trả cho việc phá hợp đồng đây? Do ai mà mãi sau gần mười năm, mảnh đất quý báu số 2 Hai Bà Trưng mới được thoát cảnh quây tù để biến thành vườn hoa, qua đó “giá trị công trình kiến trúc Nhà hát Lớn nhờ thế tăng lên nhiều, không gian cảnh quan quảng trường Cách mạng tháng Tám cũng nhờ thế mà hoàn thiện hơn”?
Tác giả bài báo viết “Hà Nội đã thực sự "lớn" - không chỉ về diện tích mà cả tầm nhìn, nhận thức” – nhưng đó là tầm nhận thức nào? Người lãnh đạo làm đúng thì được ca ngợi, làm sai thì chống chế, cho tới lúc không thể bao biện nổi thì ừ, sửa sai – dùng tiền của dân, và sửa sai rồi để được tiếp tục ca ngợi và an nhiên tại vị. Cách nghĩ và hành xử như vậy sẽ khiến Hà Nội không bao giờ lớn lên được về tầm nhìn, cho dù có lớn đến mấy về diện tích hay dân số đi nữa! Làm lãnh đạo mà dễ như thế thì cái khổ sẽ đẩy sang cho dân nghèo. Sai thì sửa là đúng rồi, nhưng chưa đủ mà còn cần "sai thì xử" nữa. Người làm sai cần phải bị xử lý, và làm sai tới mức độ như các sự kiện nêu ra trong bài viết thì phải xử lý thật nặng – ít nhất là cách chức!
Nhớ lại lời bình của Tào Tháo khi nói về Lưu Biều – một sứ quân lớn thuộc dòng dõi hoàng tộc, đứng đầu Bát tuấn, ngồi trấn chín châu: “Biểu chỉ có hư danh chứ không có thực tài… Biểu yêu người hiền mà không biết dùng, ghét kẻ ác mà không dám bỏ…”. Chừng nào những người đứng sau các công trình/dự án ngang trái kia còn chưa bị vạch ra và xử lý, chừng đó Hà Nội vẫn chỉ là anh chàng Lưu Biểu hư danh.