Thursday, 9 July 2009

Bộ TT&TT Việt Nam sắp có thêm những kinh nghiệm quý báu trong quản lý báo chí

Đọc bài viết dưới đây từ mấy hôm trước rồi nhưng vì nguồn chưa đủ tin cậy nên không tin, nghĩ rằng đó chỉ là một trò đùa mà những người quan tâm tới mối đe dọa từ Trung Quốc đặt ra. Bài viết nói về phản ứng chính thức của ĐSQ TQ tới các bài viết của một số trí thức Việt Nam, trong đó có bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - phê phán hàng TQ chất lượng thấp. Hôm nay đọc được phản ứng của chính bà Phạm Chi Lan mới tin rằng sự kiện đó là có thực. Sự kiện đó là thế này:


Một số báo chí VN có ngôn luận không hữu nghị với TQ- Đc Hồ Tỏa Cẩm

[Ngày 3/7/09] Tham Tán Kinh Tế - Thương Mại Hồ Tỏa Cẩm được sự ủy quyền của đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã lên tiếng nhắc nhở về những bài gần đây trên một số báo Việt Nam có đề cập đến hàng hóa Trung Quốc.

Ông Hồ Tỏa Cẩm nói rằng hàng hóa TQ có nhiều loại. Hàng TQ kém chất lượng vào Việt Nam là do bên phía Việt Nam có nhu cầu vậy. Bên này có người mua thì bên kia có người "giúp''.

Bình luận: Chắc người Việt Nam ta phải nhớ ơn họ "giúp" bán cho hàng chất lượng thấp quá. Còn nhớ cách đây ít lâu, họ còn quản lý giúp một trang web trực thuộc chính phủ ta nữa chứ. Trong lịch sử họ từng giúp ta quản lý đất nước cả ngàn năm. Không biết hiện tại và tương lai họ đang và sẽ giúp gì nữa.

Hồ Tỏa Cẩm chỉ đích danh tên bà Phạm Chi Lan chuyên viên kinh tế, phó chủ tịch VCCI và học giả Nguyễn Minh Phong của Việt Nam đã có những phát biểu không hữu nghị.

Bình luận: Theo ông này thì sự thật không quan trọng bằng tình hữu nghị. Và với cái tình ấy thì các ông bắn giết, bắt bớ ngư dân Việt Nam.

Hồ Tỏa Cẩm nói rằng ông ta từng là phóng viên của Tân Hoa Xã trú tại Việt Nam mấy năm. Giờ đây ông rất ngạc nhiên khi thấy chính phủ Việt Nam lại để cho một số bài báo như vậy xuất hiện. Ông mong cơ quan quản lý là bộ TT&TT của Việt Nam chú ý nhắc nhở, khuyến cáo...các tờ báo này. Ông Hồ nhấn mạnh báo chí phải làm theo thỏa thuận của 2 chính phủ, 2 nhà nước.

Bình luận: Thỏa thuận thế nào không biết: Hay là hàng chất lượng thấp thì cứ phải nói là cao, hoặc lờ đi không nói công khai, để rút kinh nghiệm nội bộ?.

Trả lời ông Hồ Tỏa Cẩm, đại diện phía Việt Nam là bà Quản Duy Ngân Hà - vụ trưởng Vụ hợp tác QT - nói rằng.

- Những bài báo đó là quan điểm của các học giả, không phải là quan điểm của cơ quan, tổ chức chính phủ của Việt Nam.

- Những bài báo này trách nhiệm do phía tòa báo, nếu sai họ sẽ bị kỷ luật thích đáng. Nói chính phủ Việt Nam cho phép đăng những bài này là không chính xác.

Bà Hà khẳng định quan hệ giữa hai nước là tốt đẹp. Việc mà ông Hồ Tỏa Cẩm bận tậm sẽ được bà Hà báo cáo sang bộ TT&TT để các đồng chí bên ấy xem xét.

Ông Hồ Tỏa Cẩm nói thêm rằng. Cần phải rút kinh nghiệm lần sau, xem có cách gì triệt để. Không nên để tình trạng cứ đăng bài như vậy rồi xem xét được. Cần quản lý chặt hơn.

Bình luận: Chắc phải có phần mềm xét duyệt tự động, hễ có cụm từ "hàng Trung Quốc" là phải thay mọi cụm "chất lượng thấp" bằng "chất lượng cao" hoặc ít nhất cũng xóa bỏ mất. Một giải pháp có thể thực hiện song song là đình bản các báo dám đăng bài did ngoài thỏa thuận. Giải pháp nữa là bỏ tù những kẻ dám nói hàng Trung Quốc chất lượng thấp là hàng Trung Quốc chất lượng thấp.

Hai bên có nhắc đến việc đoàn quản lý báo chí Trung Quốc sẽ đến Việt Nam để giúp đỡ bộ TT&TT Việt Nam những kinh nghiệm quý báu trong quản lý báo chí.

Bình luận: Được giúp thế này thì báo chí nước ta sắp có một bước tiến dài.

Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/HoToaCam_BaoChiVN.htm
Phản hồi của bà Phạm Chi Lan: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/China-to-keep-harrasing-Vietnam-media-by-criticize-the-articles-written-about-China-commodities-07082009111748.html