Monday, 15 September 2008

Nước Việt Nam ta nghèo hay không nghèo - Cần Thơ

Tôi có ý tưởng viết một bài tham luận về chủ đề "Việt Nam ta nghèo hay không nghèo", đã có ý tưởng khá rõ ràng nhưng chưa có đủ tư liệu, con số phục vụ việc phân tích, đánh giá. Nhiều khi đọc báo thấy có bài viết có thể phục vụ đề tài nhưng cứ lười biếng trong việc sao chép và lưu trữ, chắc sẽ phải lục lọi lại nhiều. Vì thế lập keyword vietnamngheohaykhongngheo cho các bài tương tự từ nay trở đi, hy vọng lúc nào đó đủ khả năng tổng hợp. Hnay ghi lại bài đầu tiên.


http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/09/803760/

"Vung tay" tiền tỷ trước ngưỡng cửa vào đô thị loại 1
14:18' 15/09/2008 (GMT+7)

- Cần Thơ đang phấn đấu trở thành đô thị loại 1 trực thuộc trung ương trước 2009. Trung ương, địa phương đã đổ rất nhiều tiền của để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, càng thực hiện nhiều công trình thì sự phung phí, trì trệ càng lộ rõ.

Điểm qua một số công trình trọng điểm tại đây mới thấy hết sự yếu kém trong chỉ đạo và thực hiện, khiến đội vốn hàng trăm tỉ đồng, hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng…

Xây 9 tỉ, khắc phục... 20 tỉ!

Bờ kè Xóm Chài theo thiết kế có tổng chiều dài hơn 2.300 mét nhưng 7 năm qua chỉ thi công được 600 mét.

Bờ kè rạch Khai Luông thuộc dự án nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) trị giá lúc trúng thầu hơn 9,4 tỉ đồng.

Việc xây dựng bờ kè tả rạch Khai Luông do Công ty Nông súc sản xuất khẩu Cần Thơ (CATACO) trúng thầu xây dựng với giá 9,41 tỉ đồng và được khởi công ngày 28/7/2004. Chỉ hơn 3 tháng thi công bờ kè, các đơn vị có liên quan đã phát hiện những sự cố của công trình nhưng vẫn để cho đơn vị thi công công trình. Và hệ lụy là nhà thầu đã xây dựng hoàn thành toàn bộ tường kè nhưng khối lượng còn lại như: mái kè, cống thoát nước, hệ thống đèn trang trí… không thể tiếp tục thi công.

Theo Ban QLDA quận Ninh Kiều, nguyên nhân do cao trình mái cao hơn mặt đất tự nhiên, có nghĩa là với bờ tường kè đã xây xong dài 432m nhưng bình quân hổng chân (từ mặt đất đến tường bêtông kè) hơn 3,6m. Nhưng cũng chính đơn vị này đã sớm phát hiện sự việc nhưng lại không báo cáo cho chủ đầu tư để xin ý kiến mà tiếp tục cho nhà thầu thi công đóng cọc và đúc thân tường kè, đến khi công trình gần hoàn thiện thì mới… la làng.

Một thực tế là bờ kè rạch Khai Luông sau khi xây bê tông kè xong đã hổng chân rất lớn nhưng từ Ban QLDA đến các đơn vị có liên quan trực tiếp đều cho rằng, công trình làm đúng bản vẽ thiết kế?! Đến nay công trình vẫn nằm đó, nhiều hạng mục nhỏ đã hư hỏng.

Ngày 12/5/2008, tại buổi làm việc giữa UBND TP Cần Thơ và quận Ninh Kiều, ông Bùi Hữu Nhơn Chủ tịch quận thừa nhận vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân sự cố hỏng chân bờ kè Khai Luông và cũng thật khó để tìm ra nguyên nhân. Muốn khắc phục công trình này, theo tính toán của các nhà chuyên môn phải tốn hơn 20 tỉ đồng!

Suốt 7 năm thi công... 600 mét bờ kè!

Dự án xây dựng bờ kè Xóm Chài được UBND tỉnh Cần Thơ cũ phê duyệt tại Quyết định số 2107 (31/7/2001) với tổng mức đầu tư 171,5 tỉ đồng. Dự án được triển khai thi công từ tháng 9/2001. Bờ kè, theo thiết kế có tổng chiều dài hơn 2.300 mét nhưng 7 năm qua chỉ thi công được 600 mét.

Theo thiết kế được phê duyệt, dự án này có các hạng mục gồm công viên rộng 10.400m2, đường giao thông tổng chiều dài 2.682m2 cùng hệ thống vỉa hè, điện nước, thời gian hoàn thành là cuối năm 2003. Nhưng trong những khoản chi đã được phê duyệt lại không có dự trù khoản kinh phí đền bù. Mãi đến ngày 16/8/2005, UBND thành phố mới ra Quyết định số 2839, phê duyệt kinh phí đền bù (trên diện tích 1,6ha) với tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng (giai đoạn I).

Thế nhưng cho đến nay, rất nhiều hộ thuộc diện giải tỏa giai đoạn I vẫn chưa nhận được tiền, chưa được bố trí nền tái định cư. Do thực hiện quá chậm nên giá trị xây lấp, chi phí đền bù, hỗ trợ tái định cư tăng cao nên mức đầu tư lại phải điều chỉnh, nâng lên trên 351 tỉ đồng vào thời điểm đến cuối 2006. Đến nay, số vốn có thể đội lên gấp đôi nữa so với con số được công bố vào năm 2006. Thật phiền hà cho người dân và lãng phí tài sản nhà nước.

Kè chưa nghiệm thu đã… trôi sông

Công trình cầu qua Cồn Khương xây dựng dở dang cách đây nhiều năm với số vốn hàng chục tỉ đồng.
Đó là công trình bờ kè Phong Điền có chiều dài gần 800m, được đầu tư xây dựng gần 13 tỉ đồng vừa hoàn thành xong, chưa nghiệm thu đã bị sụt lún.

Ngày 14/2/2007, tại khu vực chợ Phong Điền, huyện Phong Điền đã xảy ra một vụ sạt lở bờ kè nghiêm trọng, làm toàn bộ 16 ki-ốt bán dưa Tết nằm cạnh bờ kè sụp nứt, lọt thỏm dưới lòng đất, cách mặt đường sâu gần 3 mét. Riêng phần bờ kè lún và dạt ra phía bờ sông với một đoạn dài hơn 100 mét.

Tiếp đó, khoảng 9 giờ 20 phút ngày 26/2/2007, hàng trăm người dân tại khu vực sạt lở chợ Phong Điền lại càng hỗn loạn khi chứng kiến 10 ngôi nhà kiên cố bị sụt lún nằm hoàn toàn dưới lòng đất sâu gần 1m, gây thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng.

Xây cảng nửa vời: Hết chậm thi công đến thiếu thiết bị

Ngày 14/2/2007, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 430 về việc xây dựng cảng Cái Cui giai đoạn II (tọa lạc tại phường Tân Phú, quận Cái Răng), thời hạn khởi công và hoàn thành từ năm 2007-2013 với tổng vốn đầu tư 543 tỉ đồng.

Theo thiết kế, cảng có cầu chính dài 500 mét, rộng 30 mét và 3 cầu dẫn, mỗi cầu dài 60 mét, rộng 15 mét, được xây dựng theo dạng cọc cao, hệ thống dầm, bản bê tông cốt thép trên nền cọc ống bê tông cốt thép. Hệ thống kho bãi gồm có bãi chứa container rộng 25.600m2, bãi rút container rộng 11.000m2, bãi tổng hợp rộng 29.056m2 cùng 2 kho rút, kho tổng hợp rộng 6.084m2. Cảng sẽ được trang bị các thiết bị hiện đại...

Mục tiêu của dự án này là kịp thời đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa phục vụ xây dựng, khai thác Khu công nghiệp Hưng Phú; xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến đến năm 2010 đạt 2,5 triệu tấn/năm.

Cần Thơ chưa kịp khởi công xây dựng cảng giai đoạn II thì 5 tháng sau, ngày 16/8/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1050, chuyển giao cảng Cái Cui cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam quản lý. Đến nay, đã hơn một năm trôi qua, việc xây dựng cảng giai đoạn II vẫn giậm chân tại chỗ.

Trong khi đó, tuy giai đoạn I đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng từ khi được chuyển giao cảng Cái Cui cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam thì nơi đây không được đầu tư tiếp. Ông Bùi Tiến Dũng, quyền Giám đốc cảng Cái Cui đề xuất thuê thiết bị để bốc dỡ hàng hóa vì cảng không có tiền mua thiết bị.

Được biết, tháng 6/2004, tại Quyết định số 1943/QĐ-CT.UB (29/6/2004), phê duyệt dự án mua thiết bị cho cảng Cái Cui, UBND TP Cần Thơ đã duyệt cấp hơn 64 tỉ đồng để mua 12 loại gồm cần trục bờ đa năng, xe nâng bốc hàng tổng hợp, xe nâng container, xe nâng đa năng, xe chở container, xe vận tải, xe ủi gạt hầm tàu... Không hiểu số tiền trên đã được sử dụng vào mục đích gì mà để xảy ra tình trạng “cảng chờ thiết bị” như thế.

Vì lý do này, từ đầu năm đến nay, cảng chỉ bốc dỡ được 500.000 tấn hàng. Những việc vừa nêu và việc “treo” khởi công xây dựng cảng giai đoạn II không cơ quan nào chịu trách nhiệm. Vừa thăm và làm việc tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê bình gay gắt đơn vị chủ quản cảng Cái Cui.

Cổng chào xây tiền tỉ, hư hỏng sau 3 năm

Được biết công trình này do chính UBND quận Ninh Kiều là chủ đầu tư. Từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, công trình này liên tiếp xảy ra những sự cố liên quan đến chất lượng công trình như: trần bằng thạch cao bị rớt, bảng chữ bong tróc và rơi xuống đường...

Trong khi tiền tỉ đã được “ném” vào nhưng công trình chưa hề mang lại hiệu ứng tốt đẹp gì cho thành phố thì mới đây chính quyền Cần Thơ lại tiếp tục bỏ kinh phí thêm gần 1 tỉ đồng để sửa chữa, “chắp vá” những khiếm khuyết, sai phạm của công trình trên trong thời gian qua.

Tháng 5/2008, UBND quận Ninh Kiều đã ra Quyết định số 1725/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật sửa chữa cổng chào với kinh phí thực hiện hơn 961 triệu đồng. Dự kiến, việc sửa chữa sẽ hoàn thành vào tháng 9/2008. Các hạng mục sửa chữa: mái, hệ thống thoát nước, gia cố cột cờ, tấm trần mặt dựng.

Cổng chào TP. Cần Thơ xây 1,5 tỷ, xuống cấp, hư hỏng sau 3 năm.

Chẳng bao lâu cầu Cần Thơ hoàn thành đưa vào sử dụng, cổng chào ở khu vục bến phà coi như bỏ phí. Dư luận bất ngờ trước việc một công trình xây dựng với số tiền trên 1 tỷ, sau 3 năm kinh phí sửa chữa cũng “tròm trèm” kinh phí đầu tư xây dựng.

Tiếp diễn công trình trì trệ, lãng phí...

Ngoài ra, tại Cần Thơ cũng còn nhiều công trình trì trệ gây lãng phí và kéo sự phát triển chung của thành phố. Đó là công trình cầu qua Cồn Khương, được xây dựng cách đây nhiều năm với số vốn hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, cầu chỉ xong phần trên sông, còn hai đầu dốc thì chưa làm được vì chưa thể giải tỏa được nhà dân. Thành ra cầu xây dở dang, vốn xây dựng chắc chắn sẽ bị đội lên rất nhiều so với trước vì giá vật tư tăng rất nhiều so với cách đây vài năm.

Còn tuyến tỉnh lộ 921 từ thị trấn Thốt Nốt đi Cờ Đỏ được đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng nhưng khi đường thông thì còn hàng chục cầu chưa bắc. Chính điều này khiến công trình có trị giá lớn không phát huy được tác dụng trong những năm qua…

  • Hùynh Anh