Thông tin Việt Nam phóng thành công VINASAT-1 được báo chí giành vị trí nổi bật nhất trong nhiều ngày qua, các tầng lớp nhân dân có vẻ vui mừng phấn khởi, Thủ tướng, bộ trưởng phát biểu bày tỏ cảm xúc và phần lớn đều khẳng định sự "tự tin", "tự hào" vào "ngày lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới cho viễn thông Việt Nam đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên quỹ đạo" của nước ta. Thôi thì âu rằng ta học tập cố nhân, "lo trước trăm họ, vui sau trăm họ", tạm thời nêu lên vào mối nghi ngờ, và hy vọng mình sai để sau này mừng trọn vẹn.
Thứ nhất, trong việc triển khai VINASAT-1, Việt Nam ta chỉ làm duy nhất 1 việc là bỏ tiền ra, còn lại là đối tác nước ngòai thực hiện từ A đến Z (tức là từ thiết kế, chế tạo đến khi phóng xong) và cả sau Z nữa - vì họ sẽ tiếp tục vận hành cho ta. Tóm lại, ta bỏ tiền ra mua tất tần tật. Như thế thì liệu có thực sự rất đáng tự hào hay không? Tất nhiên ta có vệ tinh lần đầu tiên, vui, nhưng với bản chất vấn đề như trên, có lẽ ta đã đi hơi quá trong sự tự hào chăng? Chắc sẽ có nhiều người đọc cho rằng mình khắt khe quá, rằng cứ vui đi, tự hào đi, nào có chết ai? Nhưng mà này, có biết chăng lòng tự hào mấy nghìn năm lịch sử hào hùng, lòng tự hào về một nền văn hóa đa dạng và lâu đời, lòng tự hào về những chiến công giữ nước vĩ đại - và tất cả những điều đó là có thật, của mình thật, đáng tự hào thật - có vẻ không giúp ích thật nhiều cho cuộc sống, cho miếng cơm manh áo hàng ngày. Vậy thì, vui thật, tự hào thật, nhưng có nên tạm bình tĩnh lại và tự nhủ: "Khoan, để xem nó có ích gì?".
Vậy, có ích gì? Rõ ràng và đơn giản nhất là chúng ta không phải thuê vệ tinh của nước ngoài nữa, qua đó tiết kiệm ngọai tệ. Ta có thể phát triển các dịch vụ thông tin và viễn thông tới những vùng sâu, vùng xa. Sau đó tiến tới ta có thể cho nước ngoài thuê kênh, thu về ngoại tệ. Nhưng nhìn gần hơn, trung bình hiện nay mỗi năm các đơn vị trong nước phải trả 10-15 triệu USD tiền thuê vệ tinh nước ngoài; còn VINASAT-1 được đánh giá là có tuổi thọ trung bình từ 10-15 năm với chi phí tổng thể là 300 triệu USD => mỗi năm phải giành ra ít nhất 20 triệu USD để vận hành VINASAT-1. Như vậy so với thuê kênh, mỗi năm VINASAT-1 tiêu tốn thêm khoảng 5 triệu USD! Tất nhiên có thể lập luận rằng vì theo thời gian sẽ có nhiều đơn vị cần thuê vệ tinh nên số tiền thuê hàng năm không là 10-15 triệu USD nữa, nhưng lập luận tương tự sẽ thấy con số 300 triệu hoàn toàn có thể bị đẩy lên rất nhiều theo thời gian – dự án bị đội kinh phí là điều quá thường rồi, phải không ngốc yêu?
Vậy ta làm gì để bù lại số 5 triệu USD hàng năm trong vòng 15 năm trời kia – lưu ý rằng tiền thuê kênh mới là số tiền chính mà nước ta bỏ ra từ trước đến nay? Vậy thì ta bán kênh. VINASAT-1 có tầm phủ sóng qua khu vực ĐNA, Tây trải đến Ấn Độ, Đông cũng xa xa đâu đó trên một vùng thuộc về nước Mỹ, nhưng ta sẽ cho ai thuê kênh? Trong khu vực phủ sóng hiện nay chỉ còn Lào, Campuchia và Myanmar là chưa có vệ tinh – các nước Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia chắc chả cần gì lắm phải thuê kênh của Việt Nam khi bản thân họ có tới 4-5 vệ tinh từ hàng bao năm nay – thế thì khách hàng có lẽ không nhiều. Mà dịch vụ thuê kênh viễn thông giờ bị cạnh tranh dữ lắm, ta muốn giành được khách hàng thì phải đảm bảo cung cấp dịch vụ bằng hoặc tốt hơn đối thủ cạnh tranh, với giá cả bằng hoặc rẻ hơn đối thủ cạnh tranh, mà cả 2 yếu tố cốt tử này thì tôi còn nghi ngờ lắm. Viễn thông ko phải là nông nghiệp, nó là công nghệ cao, và là công nghệ mà chính bản thân ta chưa làm chủ mà còn đi sau toàn bộ các nước cũng có vệ tinh khác. Cho nên mặc cho hứa hẹn của VNPT, ta hãy thử hỏi căn cứ vào đâu để ta cung cấp dịch vụ tốt hơn với giá cạnh tranh hơn mà giành khách nước ngòai? Chưa kể đến việc cũng cùng nguyên nhân đó, liệu ta có thể giữ nổi khác hàng trong nước không khi các đối thủ cạnh tranh chào giá và dịch vụ (hoàn toàn có thể) hấp dẫn hơn.
Nói về khách hàng trong nước, lại nhớ đến vụ ngừng đơn phương bán xăng cho PA độ chục ngày trước đây của Công ty dịch vụ xăng dầu gì đó, trong khi họ vẫn bán cho VNA với lý do “VNA là công ty của nhà nước, dù không thu được tiền thì tiền đó vẫn là tiền dùng cho cơ quan nhà nước, còn PA là công ty ngoài nên chúng tôi không dám bán”. Vụ này đang được Thủ tướng chỉ đạo “xử lý nghiêm” nhưng ta hãy chờ xem kết quả thế nào? Lại còn cách đaya vài năm vụ VNPT bị Nguyễn Lâm Thái lừa mất nhiều chục tỉ - kết quả là Lãnh đạo tập đoàn phải xin “tự kiểm điểm nghiêm khắc trước thủ tướng” – vụ này nổi tiếng đến mức được đưa lên sân khấu “gặp nhau cuối năm” với những quả “phạt này, phạt này” của mấy diễn viên hài! Và gần hơn nữa là tranh chấp giữa VNPT với các hãng mobile khác – tiêu biểu là Vietel – về việc chia xẻ đường truyền. Tất cả những cái đó có chung một nguyên nhân – hay chí ít là một nguyên nhân quan trọng, đó là “độc quyền”. Điều gì sẽ đảm bảo cho VINASAT-1 được khai thác, sử dụng hợp lý và thực sự đem lại hiệu quả cho các đơn vị trong nước như mong muốn.
Tạm thời nêu lên vài vấn đề như thế, kẻo trở thành đa nghi và bi quan quá. Nhưng thật sự mong muốn được nhìn thấy một bản kế hoạch (tương đối) chi tiết về việc vận hành và khai thác VINISAT-1, trong đó có phân tích chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng, phân đọan thị trường, khách hàng và khách hàng tiềm năng, kế họach kinh doanh, kế hoạch xử lý rủi ro, dự đoán lỗ - lãi tử tế,… Để tin và vui vì rằng vệ tinh đầu tiên sẽ thực sự đem lại lợi ích cho đất nước. Một lãnh đạo nào đó đã nói mục đích chính của VINASAT-1 vẫn là kinh doanh. Mà kinh doanh thì phải trên con số, trên kế hoạch đàng hoàng chứ không thể chỉ vì “niềm tự hào dân tộc” được.