Wednesday, 30 April 2008

Giấc mơ kỳ cục

Lúc gần sáng tự nhiên mơ thấy mình đứng lên giữa một hội trường chất vấn Chủ tịch nước về vấn đề tham nhũng, lãng phí trong sử dụng nguồn vốn của đất nước và sử dụng tài sản công. Chủ tịch nước đúng là bác Nguyễn Minh Triết nhưng lại trả lời giống none nói hôm trước nhân bàn luậnvề hiệu quả của VINASAT-1, đại ý là bác ấy dẫn ra thêm một số dẫn chứng nữa về vấn đề tham nhũng, lãng phí, sử dụng tiền kém hiệu quả và rồi kết luận "Có sao đâu" (!!!).

Giật mình tỉnh dậy...

Monday, 28 April 2008

Hụt cô dâu rồi :-((

Một nàng Flektogon 2.8/20 (và một vài em khác nữa, dù ko ngon bằng) bị lấp dưới cái title Praktica LTL nên rất ít kẻ biết mà để ý tới. Thêm nữa đó lại là lúc nửa đêm, 23:44, thành ra tràn trề hy vọng. Đã đặt sniper dẫn cưới tới 110 rồi, cảm giác chắc ăn lắm nhưng vẫn chưa thật yên tâm nên phải về sớm, đặt sẵn laptop ở bên để canh chừng. Huhu, vậy mà trong khi mải ăn cơm + đọc truyện lại quên mất, nhớ ra thì muộn mất đúng 20 giây, kiểm tra vội thì đã có 1 kẻ khác nẫng mất tay trên rồi, 112. Huhu, vậy là chẳng bao giờ gặp được cô nào xinh mà thách cưới vừa phải như thế nữa rồi, thế có khổ thân tôi không?

Bao giờ cho đến tháng 6?

Cách đây một vài tháng nói chuyện với mẹ, nghe sếp kể chuyện hay mua rau cho một bà cụ ngoài chợ, có lần phải nói dối cô hàng rau bên cạnh rằng đó là người nhà để mua vì cô hàng bên này mời trước. Bà cụ đó mỗi sáng lại mua buôn một ít rau dưa rồi ngồi bán lẻ kiếm ít tiền chênh lệch để sống. Có lần cụ níu mẹ lại, chỉ về một cô ở phía xa xa và ghé tai thì thầm: "Cô ấy lương tháng hơn 2 triệu đấy, sướng thật, rồi tiêu gì cho hết!!!", mẹ đành (và cũng chỉ có thể) cười . Đó là cụ ấy chưa biết, chứ tại Hà Nội, vô số người có thu nhập tầm trên dưới 2 triệu/tháng - ví dụ như các giảng viên ĐH trẻ tuổi mới ra trường!!!

Nhân cơn bão suy thoái kinh tế Mỹ + lạm phát trong nước + giá cả mọi thứ tăng chóng mặt, ngành xăng dầu đòi tăng giá để khỏi lỗ. Nhưng mà xăng tăng nữa thì kéo theo mọi thứ khác tăng thêm một bậc, thành ra chính phủ quyết định bù lỗ để giữ giá thị trường này. Ngày 22/3, đích thân Thủ tướng chỉ đạo "từ nay đến tháng 6/2008 phải giữ ổn định giá xăng dầu và chọn mức tăng trung bình theo dự báo của giá dầu thế giới để xây dựng lộ trình điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước" (http://www.laodong.com.vn/Home/kinhte/2008/3/81568.laodong). Chả biết trong vòng 4 tháng, ngành xăng dầu xây dựng lộ trình thế nào, nhưng cứ có cái cảm giác tháng 6 như cái lưỡi dao nhăm nhe chờ đến ngày phạt xuống. Gọi là lộ trình chiến lược cho oai chứ ta chưa chủ động được năng lượng cho mình, phải mua của nước ngoài thì có cách nào ngoài việc tuân theo giá của họ, làm gì có ai bán riêng một giá cho ta đâu? Thành ra e rằng ngành xăng dầu đang cố găng ra chịu lỗ chỉ để chờ đến hết tháng 6 cho bung ra "theo cơ chế thị trường". Dường như một cơn bão giá được tháng 6 bật đèn xanh đã chuẩn bị ập về.

Với tầm 2 triệu thu nhập một tháng các giảng viên ĐH trẻ sẽ chi tiêu như thế nào nhỉ?

Là một người ngưỡng mộ mức thu 2 triệu/tháng, cụ ấy sẽ vượt qua cơn bão thế nào nhỉ?

Nhưng tất cả đều sẽ sống, cho đến khi...

Tháng 6 ơi, đừng đến...

Saturday, 26 April 2008

Làm trẻ con

Làm trẻ con mãi, hoặc trở thành trẻ con - có lẽ ít ai trải qua thời gian "làm người lớn" mà không một lần có mong muốn đó. Làm trẻ con tức là được nói, được cười, được khóc, được ăn vạ bất cứ khi nào muốn - theo đúng tinh thần "tự nhiên nhi nhiên" của Lão Tử (chả hiểu sao nghĩ đến Lão Tử lại hình dung ra một chú bé đang nằm nghiêng trong một cái basket và khóc trên đám chăn đệm ). Làm trẻ con tức là chả phải lo lắng tính tính toán toán, phân phối các khoản chi tiêu để sống trong các giai đoạn kinh tế khó khoăn, làm trẻ con - đối với phần lớn người muốn được làm trẻ con - là không phải nhớ, phải thương, phải yêu người mà dù ngoài miệng cố bảo thế nào, trong lòng vẫn yêu, vẫn thương, vẫn nhớ.

Chép lại 2 câu của bác Tú Sót Chu Thành Thi:

"Mong cho thiên hạ gần xa
Được cười được khóc như là trẻ con"

Nhưng mà, mình ko muốn trở lại làm trẻ con nữa (heheh, sẽ có một số kẻ xấu bụng đọc câu này xong lại cười thầm: Thì cậu đã ra khỏi lứa tuổi đó đâu mà nói chuyện trở lại )

Friday, 25 April 2008

What does your birth date mean?

Binh T. Nguyen's birth date says this about him:

"
Things don't come easy to you, even though you have the potential and the caliber. Spiritually inclined, you tend to take a step back from the world in introspection. You're very sensitive to what's going on around you, yet you remain composed. Although you are brilliant, it may take you a while to find your niche. Your creativity is supreme, but it sometimes makes it hard for you to get things done."

Thursday, 24 April 2008

Lạm bàn về một nguyên nhân khiến TTCK suy sụp

Suy nghĩ này có từ lâu lâu rồi và được củng cố thêm thông qua vài lần thảo luận với một người bạn có làm kinh doanh và có hiểu biết về kinh tế ở bên này.

Inspired by a friend's argument - none wrote: "Nhưng có lẽ mày không làm về chứng khoán nên mày không hiểu lắm về bản chất, những người giàu lên nhờ chứng khoán không hề có lỗi một chút nào, vì họ không lấy của ai - của những người làm ra của cải vật chất, mà chính bản thân họ gián tiếp tạo ra của cải vật chất".

Bỏ qua ý nói về lỗi với ko lỗi, vì chẳng ai cho rằng những người giàu lên từ chứng khoán có lỗi cả, hãy tập trung vào ý thứ hai xem có thực "chính bản thân họ gián tiếp tạo ra của cải vật chất" hay không?

Theo hiểu biết cá nhân, TTCK ở VN là một hình thức đa dạng hóa sở hữu, thông qua đó tăng lượng vốn đầu tư, và qua đó nữa tăng giá trị cạnh tranh, năng lực hoạt động của công ty: Một cty muốn gia nhập TTCK phải tự định giá bản thân hoặc nhờ các cty kiểm toán độc lập định giá rồi xác định số lượng cổ phiếu, từ đó chia trung bình ra giá trị (khởi điểm) của một cổ phiếu; hoặc định giá trị khởi điểm trước rồi chia trung bình ra số lượng cổ phiếu. Sau đó, một số lượng nhất định cổ phiếu sẽ được chia/bán cho một bộ phận chủ chốt nhằm đảm bảo quyền sở hữu và vận hành công ty, lượng cổ phiếu còn lại sẽ bán ra bên ngoài và tạo nên cái gọi là TTCK.

Người chơi chứng khoán - tạm dùng từ như thế - mua cổ phiếu của một cty tức là đầu tư vào công ty dưới hình thức góp vốn và được đảm bảo bởi giá trị phần trăm cỏ phiếu nắm giữ với KỲ VỌNG là cty sẽ phát triển, sẽ ăn nên làm ra và tự gia tăng giá trị bản thân, qua đó gia tăng giá trị cổ phiếu. Lãi nhờ chứng khoán về mặt lý thuyết và lý tưởng chính là độ chênh lệch về giá trị cổ phiếu tại thời điểm hiện tại và thời điểm mua.

Như vậy, người chơi CK CÓ gián tiếp góp phần tạo ra của cải vật chất nhưng điều này CHỈ ĐÚNG khi về mặ lâu dài, số vốn họ đóng góp được sử dụng hiệu quả và sinh lãi. Ở đây, sẽ thấy ngay rằng không có cty nào, hoặc rất rất ít công ty - ít nhất là mình chưa từng thấy công ty nào - công bố hiệu quả kinh doanh với đánh giá về hiệu quả từ nguồn vốn huy động qua chứng khoán!! Đã có nhiều phân tích chỉ ra giá trị chứng khoán là chính giá trị lòng tin của cổ đông. Điều này đúng, nhưng tôi nghĩ chỉ đúng theo giai đoạn còn về mặt lâu dài, gía trị chứng khoán phải được đảm bảo bởi chính sức mạnh của cty chủ thể.

Tôi cho rằng đây là một điểm yếu chí tử của TTCK VN khi ta đầu tư tiền bạc chỉ đơn thuần theo lòng tin và kỳ vọng mà không hề biết số tiền đó được sử dụng ra sao, có sinh lời hay bị thua lỗ hay không. Điều này càng đúng cho phần lớn số người chơi - đơn giản chỉ mua vào vì nghĩ rằng sẽ bán ra được với giá cao hơn tại thời điểm nào đó, cho dùn chả có tí chứng cứ thực tế nào từ ngay cty mẹ để tin rằng giá trị cổ phiếu sẽ tăng.

Người bạn ở UK nói giá trị CK KHÔNG phụ thuộc gì lắm vào sức mạnh cty mà đơn thuần là giá trị lòng tin - mình không đồng ý luận điểm này lắm mà đồng ý với none hơn. Tuy nhiên theo hướng này thì có thể thấy nguyên nhân TTCK yếu - do KHÔNG AI BIẾT đầu tư của mình hiệu quả đến đâu và do đâu mà sinh lãi. Cho nên chưa đồng ý với none về ý "gián tiếp tạo ra của cải" được. Hiện tại nó vấn chỉ là lấy tiền từ túi người này chuyển qua túi người khác mà thôi.

Tuesday, 22 April 2008

Vài suy nghĩ xung quanh việc ta phóng vệ tinh VINASAT-1

Thông tin Việt Nam phóng thành công VINASAT-1 được báo chí giành vị trí nổi bật nhất trong nhiều ngày qua, các tầng lớp nhân dân có vẻ vui mừng phấn khởi, Thủ tướng, bộ trưởng phát biểu bày tỏ cảm xúc và phần lớn đều khẳng định sự "tự tin", "tự hào" vào "ngày lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới cho viễn thông Việt Nam đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên quỹ đạo" của nước ta. Thôi thì âu rằng ta học tập cố nhân, "lo trước trăm họ, vui sau trăm họ", tạm thời nêu lên vào mối nghi ngờ, và hy vọng mình sai để sau này mừng trọn vẹn.

Thứ nhất, trong việc triển khai VINASAT-1, Việt Nam ta chỉ làm duy nhất 1 việc là bỏ tiền ra, còn lại là đối tác nước ngòai thực hiện từ A đến Z (tức là từ thiết kế, chế tạo đến khi phóng xong) và cả sau Z nữa - vì họ sẽ tiếp tục vận hành cho ta. Tóm lại, ta bỏ tiền ra mua tất tần tật. Như thế thì liệu có thực sự rất đáng tự hào hay không? Tất nhiên ta có vệ tinh lần đầu tiên, vui, nhưng với bản chất vấn đề như trên, có lẽ ta đã đi hơi quá trong sự tự hào chăng? Chắc sẽ có nhiều người đọc cho rằng mình khắt khe quá, rằng cứ vui đi, tự hào đi, nào có chết ai? Nhưng mà này, có biết chăng lòng tự hào mấy nghìn năm lịch sử hào hùng, lòng tự hào về một nền văn hóa đa dạng và lâu đời, lòng tự hào về những chiến công giữ nước vĩ đại - và tất cả những điều đó là có thật, của mình thật, đáng tự hào thật - có vẻ không giúp ích thật nhiều cho cuộc sống, cho miếng cơm manh áo hàng ngày. Vậy thì, vui thật, tự hào thật, nhưng có nên tạm bình tĩnh lại và tự nhủ: "Khoan, để xem nó có ích gì?".

Vậy, có ích gì? Rõ ràng và đơn giản nhất là chúng ta không phải thuê vệ tinh của nước ngoài nữa, qua đó tiết kiệm ngọai tệ. Ta có thể phát triển các dịch vụ thông tin và viễn thông tới những vùng sâu, vùng xa. Sau đó tiến tới ta có thể cho nước ngoài thuê kênh, thu về ngoại tệ. Nhưng nhìn gần hơn, trung bình hiện nay mỗi năm các đơn vị trong nước phải trả 10-15 triệu USD tiền thuê vệ tinh nước ngoài; còn VINASAT-1 được đánh giá là có tuổi thọ trung bình từ 10-15 năm với chi phí tổng thể là 300 triệu USD => mỗi năm phải giành ra ít nhất 20 triệu USD để vận hành VINASAT-1. Như vậy so với thuê kênh, mỗi năm VINASAT-1 tiêu tốn thêm khoảng 5 triệu USD! Tất nhiên có thể lập luận rằng vì theo thời gian sẽ có nhiều đơn vị cần thuê vệ tinh nên số tiền thuê hàng năm không là 10-15 triệu USD nữa, nhưng lập luận tương tự sẽ thấy con số 300 triệu hoàn toàn có thể bị đẩy lên rất nhiều theo thời gian – dự án bị đội kinh phí là điều quá thường rồi, phải không ngốc yêu?

Vậy ta làm gì để bù lại số 5 triệu USD hàng năm trong vòng 15 năm trời kia – lưu ý rằng tiền thuê kênh mới là số tiền chính mà nước ta bỏ ra từ trước đến nay? Vậy thì ta bán kênh. VINASAT-1 có tầm phủ sóng qua khu vực ĐNA, Tây trải đến Ấn Độ, Đông cũng xa xa đâu đó trên một vùng thuộc về nước Mỹ, nhưng ta sẽ cho ai thuê kênh? Trong khu vực phủ sóng hiện nay chỉ còn Lào, Campuchia và Myanmar là chưa có vệ tinh – các nước Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia chắc chả cần gì lắm phải thuê kênh của Việt Nam khi bản thân họ có tới 4-5 vệ tinh từ hàng bao năm nay – thế thì khách hàng có lẽ không nhiều. Mà dịch vụ thuê kênh viễn thông giờ bị cạnh tranh dữ lắm, ta muốn giành được khách hàng thì phải đảm bảo cung cấp dịch vụ bằng hoặc tốt hơn đối thủ cạnh tranh, với giá cả bằng hoặc rẻ hơn đối thủ cạnh tranh, mà cả 2 yếu tố cốt tử này thì tôi còn nghi ngờ lắm. Viễn thông ko phải là nông nghiệp, nó là công nghệ cao, và là công nghệ mà chính bản thân ta chưa làm chủ mà còn đi sau toàn bộ các nước cũng có vệ tinh khác. Cho nên mặc cho hứa hẹn của VNPT, ta hãy thử hỏi căn cứ vào đâu để ta cung cấp dịch vụ tốt hơn với giá cạnh tranh hơn mà giành khách nước ngòai? Chưa kể đến việc cũng cùng nguyên nhân đó, liệu ta có thể giữ nổi khác hàng trong nước không khi các đối thủ cạnh tranh chào giá và dịch vụ (hoàn toàn có thể) hấp dẫn hơn.

Nói về khách hàng trong nước, lại nhớ đến vụ ngừng đơn phương bán xăng cho PA độ chục ngày trước đây của Công ty dịch vụ xăng dầu gì đó, trong khi họ vẫn bán cho VNA với lý do “VNA là công ty của nhà nước, dù không thu được tiền thì tiền đó vẫn là tiền dùng cho cơ quan nhà nước, còn PA là công ty ngoài nên chúng tôi không dám bán”. Vụ này đang được Thủ tướng chỉ đạo “xử lý nghiêm” nhưng ta hãy chờ xem kết quả thế nào? Lại còn cách đaya vài năm vụ VNPT bị Nguyễn Lâm Thái lừa mất nhiều chục tỉ - kết quả là Lãnh đạo tập đoàn phải xin “tự kiểm điểm nghiêm khắc trước thủ tướng” – vụ này nổi tiếng đến mức được đưa lên sân khấu “gặp nhau cuối năm” với những quả “phạt này, phạt này” của mấy diễn viên hài! Và gần hơn nữa là tranh chấp giữa VNPT với các hãng mobile khác – tiêu biểu là Vietel – về việc chia xẻ đường truyền. Tất cả những cái đó có chung một nguyên nhân – hay chí ít là một nguyên nhân quan trọng, đó là “độc quyền”. Điều gì sẽ đảm bảo cho VINASAT-1 được khai thác, sử dụng hợp lý và thực sự đem lại hiệu quả cho các đơn vị trong nước như mong muốn.

Thêm tí nữa, có bác nói VINASAT-1 sẽ góp phần đem thông tin, internet tới các vùng sâu vùng xa, núi cao, rừng thẳm, cải thiện đời sống bà con. Hỡi ơi, hàng trăm tỉ của 112 còn không khiến cán bộ thành thị sử dụng thành thạo email + mạng máy tính vào công tác hàng ngày, cái internet ấy bà con dân bản sẽ dùng làm gì, có thật sự quan trọng vào lúc này – và trong vòng cả 10 năm nữa hay không?

Tạm thời nêu lên vài vấn đề như thế, kẻo trở thành đa nghi và bi quan quá. Nhưng thật sự mong muốn được nhìn thấy một bản kế hoạch (tương đối) chi tiết về việc vận hành và khai thác VINISAT-1, trong đó có phân tích chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng, phân đọan thị trường, khách hàng và khách hàng tiềm năng, kế họach kinh doanh, kế hoạch xử lý rủi ro, dự đoán lỗ - lãi tử tế,… Để tin và vui vì rằng vệ tinh đầu tiên sẽ thực sự đem lại lợi ích cho đất nước. Một lãnh đạo nào đó đã nói mục đích chính của VINASAT-1 vẫn là kinh doanh. Mà kinh doanh thì phải trên con số, trên kế hoạch đàng hoàng chứ không thể chỉ vì “niềm tự hào dân tộc” được.

Mong thay….

Friday, 18 April 2008

Việt Nam - Thấy gì qua bình chọn 7 kỳ quan mới của thế giới?

Một website cá nhân kêu gọi bình chọn 7 kỳ quan mới của thế giới. Do tính chất nhạy cảm của vấn đề, UNESCO đã phải lên tiếng phủ định mọi sự liên qua với website này, khẳng định danh hiệu bình chọn qua đây không được UNESCO công nhận, ko được sử dụng làm căn cứ cho các dự án bảo tồn, bảo tàng, tóm lại là ko có giá trị gì cả.

Vậy mà ở Việt Nam, người ta bình chọn, tổ chức thành các chiến dịch tuyên truyền, vận động chính thức và rầm rộ đến nhà trường và các điểm bình chọn trên đường phố, rồi kêu gọi qua cộng đồng sử dụng Internet - tất cả nhân danh lòng yêu nước và tự hào dân tộc - một cách mù quáng và ngu ngốc! Cách đây một thời gian thấy ảnh tổ chức bình chọn, băng rôn khẩu hiệu, màu áo xanh tình nguyện trên khá nhiều trang web.

Và kết quả là gì: Việt Nam đứng đầu danh sách người truy cập website bình chọn (24.2%, so với 16.6% của quốc gia thứ 2 - Venezuela, 9.7% so với quốc gia thứ tư - Phillipines); thứ hạng của website bình chọn trên thế giới (theo Alexa) là 5.585, tại Việt Nam là 564!!!

Nước Mỹ - siêu cường số 1 thế giới chỉ chiếm 2.6% số lượt truy cập. Nước Anh - trung tâm tài chính lớn nhất thế giới chiếm 0.6%. Nước Pháp - kinh đô ánh sáng chiếm 0.5%. Singapores - con sư tử châu Á chiếm 0.5%. Và ngoài 25 nước đứng đầu, số hơn 200 quốc gia còn lại, trong đó có cả Đức, Nhật, Trung Quốc, Thụy Sỹ,... chỉ chiếm tổng cộng 7.4% nhỏ nhoi.

Thế mới biết ở những nước phát triển, người ta ko sử dụng thời gian cho những việc vô bổ. Thế mới biết công tác tuyên truyền của Việt Nam ta tốt đến mức nào.

Nhưng thế mới biết tại sao Viêt Nam ta lại nghèo - khi giành thời gian và tiền bạc cho những công việc như thế. Và thế mới biết tại sao qua giấy tờ, Việt Nam là đất nước mà dân số có chỉ số hài lòng thuộc hàng cao nhất trên thế giới!!!

Nguồn số liệu: http://dantri.com.vn/Sukien/hung-ai-da-binh-chon-cho-ew7wonders/2008/4/228076.vip

Wednesday, 16 April 2008

Thêm một

Thấy blast ai đó có tiêu đề "Thêm một", ta post bài này chơi.

Thêm một
Trần Hòa Bình

Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết

Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một lắm điều hay
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một phiền toái thay

Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi
Nhưng thêm chút lầm lì
Thế nào em cũng khóc

Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Cứ thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi

Nhận thêm một thiệp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn ()
Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết

Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một lắm điều hay...

Note: Post lúc 4:16 ngày 16/4

Saturday, 12 April 2008

Thi trung hữu nhạc...

Khi nào người ta dễ nhớ nhiều đến thơ thẩn nhỉ? Thường vẫn bị chê là kém lãng mạn, chả biết tạo nên và tận dụng những khung cảnh kiểu phim Hàn Quốc. Cũng đúng, ghét phong cách HQ mà - Và càng ghét hơn vì các vụ người phụ nữ Việt Nam phải bán thân qua đó thông qua các cuộc hôn nhân "xem mặt - chấm điểm". Nhưng có thật đúng? Khác biệt thế hệ: Văn hóa đọc vs Văn hóa nghe nhìn - khái niệm mày lần đầu tiên nghe một anh ở London đề cập đến hồi cách đây hơn 2 năm đi mua đồ Tết cho AnglianVC.

Bài này có lẽ đọc ở HHT, tên là "Như khúc tình ca", tác giả tên Nguyễn Hồng Phúc thì phải.

Em có thấy Hà Nội đêm trở gió
Lác đác lá khô trên lối cũ ta về
Ai lặng thầm một mình qua ngõ vắng
Đã vơi buồn trong nỗi nhớ mùa đông?

Ký ức hiện về thuở tìm là diêu bông
Anh mơ ước một mùa xuân nho nhỏ
Đi bên em giữa chiều Hà Nội phố
Trong thoang thoảng hương hoa tím ngoài sân.

Mây trắng buồn giăng trên đỉnh phù vân
Phải chăng dỗi hờn với những lời của gió
Anh và em ở hai đầu nỗi nhớ
Mây gió vô tình gửi sợi nhớ sợi thương

Nắng phương Nam sao giống nắng quê hương
Để anh mãi thương về miền đất lạnh
Anh đi xa bên em là biển rộng
Nhưng hãy đừng buồn hỡi chim sáo ngày xưa./.

Đừng buồn nhé em, đừng buồn nhé anh...

Wednesday, 9 April 2008

Xẻn xo nào có chỗ...

Bài thơ này đọc trên Thế Giới Mới hoặc Tài Hoa Trẻ gì đó vào khoảng năm 1997-1998, giờ chi nhớ đại ý và mấy câu trong khổ cuối, ai có thể bổ sung thì hay lắm.

"... Xin làm người lì lợm
Chờ ngày em thôi mình
Xẻn xo nào có chỗ
Trắng tay còn đinh ninh..."


Hai câu cuối hay thế - plainly innocently sad...

Có lẽ cho bài này vào cũng hợp cảnh.

Đừng trách lá diêu bông

(Tặng tác giả "Lá diêu bông")

Chỉ hai đứa mình trên ngọn đồi lộng gió
Hoa sim bát ngát soi tím cả dòng sông
Ngắt lá theo dòng em mơ màng ao ước
Giá một ngày lá sim trở thành lá diêu bông

Lời nói bâng quơ ai bảo anh để vào tai
Lang thang tìm lá khắp nơi em ở nhà ngẩn ngơ ngóng đợi
Xuân đi qua, đi qua, rồi xuân đi qua mãi
Dòng nước trôi lạnh lùng tàn héo cánh hoa xưa

Đồi sim tím đã lụi tàn với nắng mưa
Anh vẫn đi, vẫn lang thang, vẫn chưa quay trở lại
Em tiếc nuối băn khoăn: Ôi một lời vụng dại
Sao anh khờ khạo để tim em ngả xế chiều...

Hôm nay chú rể đi bên cạnh người yêu
Hôm nay pháo nổ, xác tung trên đường quê đầy sỏi đá
Hôm nay
một lần cuối ngước về đồi sim chiều lạnh giá
Tim em chết thật rồi, xin anh đừng,
đừng trách lá diêu bông....
(AN, khoảng 98-99)

Tuesday, 1 April 2008

Cần trợ giúp, trợ giúp...

Hôm nay đến lab làm việc sau gần 2 tuần, thấy mọi thứ trở nên là lạ, mà sao đi lại cứ cảm thấy chông chênh như đi trên mây.

Hôm qua đứng ở cái bục câu cá ven hồ, nhìn xuống mặt nước bị gió lùa một lúc tự nhiên có cảm giác đang ở trên một con tàu đang lướt sóng, thậm chí cũng lâng lâng, nôn nao cả người.

Ai bảo rằng khi vui người ta mới cảm thấy lâng lâng nhỉ?

Tự nhiên nghĩ về một bài thơ cũ, mà tự nhiên ko thể nhớ nổi tên cũng như toàn bài, lên Google cũng ko tìm thấy, chỉ còn mỗi hai câu, chép lên đây để ai biết sẽ trợ giúp gõ vào nốt. Bài này hình như ngày xưa đọc trong một cuốn kiểu "Thế giới mới", "Tri thức trẻ" hay "Tài hoa trẻ" gì đó.

"... Bất chợt nhìn lên trong tưởng tượng
Lại thấy em cười giữa dòng sông"

Beautifully sad!!!