====
Thứ Năm, 22/07/2010-8:33 AM
Chinh phục "thần" biển
Câu
tôi nói vui với anh, ngay khi biết về những việc anh đã làm, là cái tên
anh nó vận vào đời anh nhiều quá. Anh tên là Đoàn Văn Vươn, sinh ra
trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên
Lãng, T.P Hải Phòng. Dường như, khi cha mẹ sinh ra anh đã có dự cảm về
cuộc đời đứa con mình nên đã đặt cho anh cái tên lạ lạ: Vươn. Cái tên
như gửi gắm một hi vọng: anh sẽ vươn ra biển khơi, chinh phục cuộc đời,
chinh phục biển cả để thoả lòng mong mỏi của người cha già với nguyện
ước "con hơn cha, nhà có phúc".
Đối
với người dân vùng biển, biển luôn là người mẹ nuôi dưỡng những khát
khao. Biển cũng là nguồn tài nguyên thuỷ hải sản vô giá và cũng là nỗi
lo sợ, ám ảnh trước những cơn bão tố. Một trận cuồng phong có thể san
bằng tất cả! Hơn ai hết, Đoàn Văn Vươn, người con của một vùng biển
nghèo hiểu rõ điều đó. ở tuổi hừng hực chí trai, sức trẻ, anh đã đầu
quân đi bộ đội. Môi trường quân đội đã thêm một lần nữa rèn giũa ý chí,
nghị lực cho anh. Rời quân ngũ năm 1986, trở về địa phương, anh chỉ có
một khát khao duy nhất, chinh phục chính miền đất quê mình để làm kinh
tế. Để có cái ăn, để có cái mặc. Mặc dù đã nhanh chóng trang bị kiến
thức bằng một tấm bằng đại học Nông lâm, nhưng anh lại từ chối làm cán
bộ Nhà nước. Từ bỏ mộng quan trường ở thời điểm đó là một quyết định “lạ
đời”, nhất là khi có bằng cấp trong tay. Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một
người nông dân thực thụ. Quyết làm một điều mà trước anh không ai dám
nghĩ đến, chứ đừng nói là bắt tay làm.
Bỏ bằng đại học đi làm nông dân
Tiên
Lãng có một địa danh gắn với sự dữ dội của biển và nghèo khó của con
người: cống Rộc. Mỗi mùa mưa bão đến, sóng biển, gió biển ào ạt ngập
lụt, đói kém thì sự cùng cực mà người dân nơi đây phải gánh chịu, phải
chống đỡ trong kiệt quệ tinh thần, vật chất không gì diễn tả nổi. Trên
một con đê trải dài ngút ngát, cống Rộc như một hiệp sỹ dũng cảm đối đầu
với biển cả để bao bọc, chở che cho những người dân trót gắn đời mình
vào phận biển. Nhưng sức mạnh khủng khiếp của thiên tai đã không biết
bao lần bắt cống Rộc phải đầu hàng và cũng vì thế nó thành nỗi khiếp sợ
mỗi khi bão biển, nước biển vượt qua phòng tuyến này. Lúc đó chỉ là mênh
mông trời nước. Lòng người cũng dậy sóng theo từng con nước lớn.
Hiểu
rõ điều đó, Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một điều gần như không tưởng:
chinh phục "thần" biển. Chinh phục cả nỗi khát khao không chịu đầu hàng
số phận. Thế là từ cuối những năm 80, những viên đá đầu tiên được chàng
trai Đoàn Văn Vươn mang đến trong cuộc trường chinh lấn biển, tạo hành
lang bảo vệ để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thuỷ sản. Chuyện đời,
đâu dễ như nói.
Bằng
cách nào để khuất phục biển? Đó là câu hỏi ngày đêm Đoàn Văn Vươn trăn
trở. Anh đã bỏ hàng tháng trời để ăn biển, nằm biển, lắng nghe từng cơn
sóng thuỷ triều lên, xuống, mải miết tìm đáp án. Không có sách vở nào
dạy, không có kinh nghiệm tiền lệ nào để học theo. Chỉ có một điều đang
dần lớn lên - Đó là ý chí. Bão lòng người đang dần lớn hơn bão biển. Nó
dường như muốn phá tung khao khát đang bùng cháy trong anh. Đoàn Văn
Vươn đối diện với hàng ngàn thách thức, suy tư. Khi đã hiểu rõ quy luật
con nước, hiểu rõ thời điểm nào cần "ra tay" để bắt đầu, thì anh vấp
phải không ít sự dèm pha.
Cái
sự dám khuất phục "thần" biển của Đoàn Văn Vươn chả hiểu thế nào lại
lan ra khắp vùng, lan ra cả các địa phương khác, trong đó có vùng đất
Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Anh
kể: "Lúc đó có một người chuyên khai thác các vùng đất ven biển của
huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, để làm ăn. Khi biết tôi có ý định chinh
phục vùng biển quê Tiên Lãng này, người ấy đã thông qua nhiều người
thách thức tôi, rằng nếu tôi làm được, sẽ sẵn sàng mất cho tôi một chiếc
xe máy đẹp. Người ấy mỉa mai, diễu cợt việc làm của tôi. Người vùng
biển, nói là làm, người kia thách thức tôi chắc vì nghĩ tôi không làm
nổi. Mặt khác, tôi hiểu đây còn là một sự thách đấu. Lúc đó, một chiếc
xe máy đẹp có thể ví như con xe Camry bây giờ. Người thách đấu tôi không
sợ, chỉ sợ Trời thách đố tôi thôi", anh nói, mắt nhìn xa xăm. "Đã thế
tôi càng quyết tâm làm".
Đã
có người bảo Vươn dại như con vích. Một con vật kỳ lạ của biển, là hay
lôi ngược lại người ta. Nếu muốn bắt nó vào bờ, thì thay vì lôi nó vào
bờ, người ta lôi nó ra... biển để nó đi theo chiều ngược lại. Cũng có
người bạo mồm nói, thằng Vươn dám đi khuất phục "thần" biển là việc làm mạo hiểm.
"Vui sao nước mắt lại trào"
Nhiều
năm trờiN, người dân nơi đây chứng kiến Đoàn Văn Vươn cùng anh em họ
hàng quần quật lao vào cuộc trường chinh lấn biển. Có khi hôm trước làm,
hôm sau sóng biển san thành bình địa. Hôm sau nữa lại
làm, sóng biển lại biến sức người thành bong bóng. Có khi nhìn thấy ít
đất, đá còn bám trụ sau con sóng mà rơi nước mắt, Vươn đã tự đặt câu
hỏi, thế này thì đến bao giờ? Hay là mình thất bại? Cứ thế, cứ thế, từng
hạt đất bám trụ, từng viên đá trơ gan bám trụ là lại thêm một tia hi
vọng. Một ngày trôi qua là khắc khoải chờ đợi một ngày mới, công sức bỏ
ra không biết bao nhiêu mà kể hết.
Nói
với chúng tôi, anh bồi hồi nhớ lại: "Nếu tính sơ sơ, đã có trên 20.000
m3 đất, đá được đưa đến đây, trên vùng đất ven biển Tiên Lãng mà các anh
đang đứng trong cuộc chinh phục biển cả của tôi. Nói ra chính tôi cũng
ngỡ ngàng, tôi làm như mê, như say. Bởi chỉ
còn phía trước để tiến, chỉ còn biển để vươn ra. Tôi không có đường
lùi, bởi thành công chỉ có cách duy nhất với tôi, đó là vươn ra biển".
Ngày nhìn thấy thành công trong mắtN, trong lòng, thoả khát khao của ước mơ ngàn đời "xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều", lại
là ngày nước mắt ầng ậc tuôn trào. Một nỗi đau câm nín, ngày đón nhận
sự thành công mà có người đã nói là không tưởng đó, Đoàn Văn Vươn đã một
mình đi lang thang ven biển. Đi trên chính phần đất bồi ven biển mà
công sức anh đã tạo nên. Một mình vừa đi vừa lẩm nhẩm gọi tên đứa con
gái xinh xắn dễ thương của mình, để tưởng nhớ đến nỗi đau và mất mát của
riêng anh. Con gái anh, đứa con gái 8 tuổi ngây thơ và thân thương, nó
cũng mang trong mình dòng máu chinh phục biển cả của bố đã vĩnh viễn ra
đi. Và lý do cũng chính vì con nước biển trào dâng dẫn đến việc cháu
chết đuối ở cống Rộc, trong chính những ngày bão tố ầm ầm, khi đó cũng
là lúc anh đang chinh phục biển. Nỗi khiếp đảm khi nhắc lại chữ cống Rộc
với người dân xứ này giờ trở nên thanh bình kỳ lạ. Anh đã thành công,
cống Rộc trở nên yên ả trước phong ba, bão tố. Còn anh, một mình hứng
nỗi đau câm lặng.
Anh
không nói, nhưng vị đồng nghiệp đi cùng bảo, sự thành công trong việc
trồng rừng chắn sóng, lấn biển của anh đã khiến người Nhật quan tâm. Một
số chuyên gia nguời Nhật cũng đã tìm đến anh để học hỏi, trao đổi kinh
nghiệm. Ngẫm ra, anh cũng là bậc kỳ tài rồi.
Vậy mà 3 năm gặp lại, kể từ ngày biết anh, anh vẫn thế, mộc mạc và
thuần hậu. Những việc anh làm có trời biết, đất biết. Còn việc đời và
mất mát của anh, tôi cũng chỉ chia sẻ được phần nào. Bởi có những lúc,
lòng người còn dậy sóng hơn biển cả. Đứng với anh trên con đê nơi có
cống Rộc, phóng tầm mắt nhìn ra, ngút ngát một mầu xanh, mầu xanh tươi từng thấm đẫm cả máu, mồ hôi và công sức. Phía xa hình như đang có một cơn giông...
Quang Trung
|