Chưa rõ bao lâu nhưng chắc cũng chẳng mấy chốc nữa là sẽ lên đường trở về. Ở nhà có nhiều người, nhiều điều ngọt ngào đang mong đợi. Nhưng cũng có không ít trái đắng rình rập. Nghĩ về chuia sẻ của một số người đi trước.
Bài trên báo Phụ nữ Online:PN - Nhiều người cho rằng, du học sinh (DHS) về nước sẽ có nhiều lợi thế, dễ kiếm việc làm và có mức lương cao hơn sinh viên tốt nghiệp trong nước. Nhưng thực tế, nhiều lý thuyết, cách làm việc mà họ được đào tạo rất kỹ ở nước ngoài đã không dễ dàng áp dụng tại VN. Vì thế, DHS trở về đã gặp không ít khó khăn, thách thức.Phạm Quốc Lộc, hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ tại ĐH Massachusetts Amherst (Mỹ), chia sẻ: "Khổ tâm lớn nhất của DHS ngày trở về là sự dò xét, thách thức của đồng nghiệp: Để xem tụi này làm được gì". Chưa hết, hễ đóng góp ý kiến thì bị coi là chảnh, làm như đi học nước ngoài thì ngon lắm!.
Bình luận: Không sợ cái này lắm.
Huỳnh Thị Thái Phương - trợ lý giám đốc, Công ty Le Media TP.HCM, kể lại cú sốc: "Tôi lên kế hoạch cụ thể, thảo luận trực tiếp với từng bộ phận để nghe ý kiến và triển khai dự án. Mọi người đều đồng ý với kế hoạch, tiến độ bàn giao công việc... Nhưng đến ngày hẹn, có những người không làm phần việc của mình khiến tôi thực sự choáng. Tuy nhiên, không thể thay đổi được gì vào lúc đó, vì mọi việc đã rồi. Tôi chỉ còn biết nhận lỗi với sếp và xem đó là bài học cần "học lại", để hiểu cách làm việc, suy nghĩ... của đồng nghiệp".
Bình luận: Cũng không sợ mấy vì biết nó từ xưa rồi. Bệnh kinh niên của người Việt, chính bản thân mình hện nay đôi khi còn di chứng. Nhưng sẽ phải nghĩ ra cách nào đó để khắc phục nó, cho cả bản thân và nhóm làm việc.
Rõ ràng, không phải tất cả những gì được học ở nước ngoài đều là ưu việt, có thể áp dụng ở VN. Do những khác biệt về văn hóa, đặc điểm kinh tế, có nhiều kiến thức, quy tắc đang được áp dụng ở các nước tiên tiến nhưng lại rất xa lạ với cách nghĩ, cách làm của người VN. Nhiều DHS bày tỏ sự thất vọng khi trình bày những ý tưởng mà họ đã ấp ủ, đầu tư khá nhiều chất xám, nhưng lại bị tập thể nhìn như... người ngoài hành tinh.
Bình luận: Đoạn này PV đánh lận con đen khi nói "rõ ràng". Đúng là không phải mọi thứ học được ở nước ngoài là ưu việt, nhưng cả hai ví dụ dẫn trước đều không support ý này. Ngoài ra, việc không thể áp dụng ở VN thông thường không có nghĩa là nó không ưu việt mà thường là vì môi trường VN còn chưa phái triển đủ để áp dụng.
Việc làm, vị trí công việc, mức lương... cũng là những thách thức đối với không ít DHS khi về nước. "Sau sáu, bảy năm học đại học và lấy bằng thạc sĩ ở nước ngoài, không ít DHS kỳ vọng quá nhiều về khả năng tìm việc của mình, trong khi họ chưa hề có kinh nghiệm làm việc" - Minh Hòa, cựu DHS của ĐH Melbourne (Úc), nói.
Hồ Nguyên Vũ, cựu sinh viên ĐH Ilinoii (Mỹ) tâm sự, trở về VN sau 10 năm du học, bạn ước mơ sẽ đóng góp được nhiều cho đất nước, nhưng lại bị hụt hẫng vì không thể bắt nhịp với cuộc sống. Nhiều điều học được ở trường, Vũ không biết áp dụng vào đâu, áp dụng như thế nào. Ba mẹ anh ra tối hậu thư: mức lương khởi điểm không được dưới 300 USD/tháng. Tốn tiền cho con đi du học không phải để về nước làm một nhân viên quèn. Điều này khiến Vũ chịu nhiều áp lực.
Bình luận: Cái hụt hẫng này là điều đáng lo này, nhất là với những ai có nhiều ước mơ đóng góp, hix. Nguyên nhân chắc phần lớn giống như người bạn nêu trên.
Theo anh Nguyên Tuấn, cựu DHS tại Mỹ, việc tái hòa nhập của những DHS du học từ khi còn là học sinh cấp III hoặc vừa tốt nghiệp phổ thông sẽ khó hơn những người đi học sau đại học. Đi du học khi còn quá trẻ, các bạn chưa có được những kiến thức sâu rộng về xã hội, kinh tế VN. Tuổi trẻ vốn dễ thích nghi, dễ hòa nhập. Ở nước ngoài, các bạn được học những điều hoàn toàn mới, thích nghi với một cuộc sống mới có nhiều khác biệt so với quê nhà. Bận học hành, không còn thời gian để cập nhật những thông tin mới về đất nước, trở về sau bốn, năm năm ở nước ngoài, một số bạn dễ trở nên lạc lõng, khó thích nghi, và vì thế khó phát huy hết khả năng của mình.
Bình luận: Trở nên lạc lõng, khó thích nghi thì có thể, nhưng chưa chắc đã phải vì không cập nhật thông tin về đất nước mà có lẽ phần nhiều hơn là vì cách vận hành xã hội ở mình nó khác nhiều quá so với các nước mà SV đến du học.
Lê Thanh Tân - cựu DHS Úc, hiện là giám đốc công ty Vitamin4B từng chấp nhận vị trí quản lý một shop nhỏ ở trung tâm thương mại của công ty điện tử Sony, chia sẻ: "Có thể có ưu thế hơn về ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ở các nước hay trong nước đều ngang nhau ở chỗ... chưa có kinh nghiệm. Điều nhà tuyển dụng trông chờ là các bạn sẽ chứng minh khả năng của mình như thế nào trong thực tế". Anh Tú - cựu DHS ở Canada cũng hài lòng với mức lương khởi điểm 150 USD/tháng sau khi về nước. Nhưng khi chứng minh được khả năng của mình, thu nhập và vị trí của anh tăng nhanh ngoài mong đợi. "Điều quan trọng nhất là phải biết biến "vốn liếng" mà nhà trường cung cấp trở nên phù hợp với nhu cầu thực tế. Đây là thách thức mà DHS phải vượt qua để có thể thành công và phát huy tốt nhất khả năng của mình" - Anh Tú nói.
Vừa về nước vào cuối tháng 5/2009, Huỳnh Ngọc Hạnh - cựu DHS ĐH Auckland (New Zealand) hào hứng cho biết, cô hoàn toàn không chịu chút áp lực nào sau gần năm năm sống ở nước ngoài. Mỗi mùa hè, thay vì ở lại làm thêm để tích lũy kinh nghiệm như bạn bè, Hạnh chọn con đường về nước. "Tôi học được nhiều về phong cách làm việc, tổ chức, quản lý nhân viên, cách suy nghĩ của những nhân viên và cả những thay đổi trong nền kinh tế VN. Rất nhiều điểm khác biệt so với môi trường làm việc và những gì được học ở nước ngoài. Nhờ những kinh nghiệm đó, tôi biết mình cần phải đầu tư thêm những gì khi còn học ở New Zealand, để chuẩn bị hành trang cho ngày về".
Bình luận: Bạn này mới về được hơn 2 tháng 1 chút, trừ đi thời gian nghỉ ngơi, thăm thú nọ kia, nếu có đi làm chắc cũng chỉ độ 1 tháng trở lại nên ý kiến sợ chưa đủ chín chắn. Nhưng có thể sẽ thành công vì có vẻ quen với phong cách blah blah blah trong nước.
Tuổi trẻ luôn có nhiều khát vọng, lý tưởng, nhưng hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt nhất để thuyết phục mọi người hơn là mơ tưởng đến những thay đổi lớn lao, và áp đặt người khác phải tin vào tri thức được đào tạo ở nước ngoài của mình. Có những điều rất nhỏ nhặt, nhưng DHS trở về vẫn phải học: đó là học về giao tiếp, truyền thông. Không thể máy móc như làm việc với người phương Tây, làm việc với đồng nghiệp VN đòi hỏi phải tinh tế hơn. Đây là một trong những chìa khóa quan trọng để thành công của cựu DHS.
Bình luận: Vụ này toi rồi. Tinh tế không phải là điểm mạnh của mình, do đó mình thích lối làm việc rõ ràng, trách nhiệm kiểu phương Tây - có thể đôi khi nó hơi máy móc một chút nhưng dễ chịu hơn nhiều so với cái gọi là tinh tế, ví dụ như tìm hiểu xem tại sao mọi người nhận việc, hứa thực hiện rồi mà lại lỡ hẹn không báo sớm, hoặc tại sao công ty bạn thắng thầu công khai trong khi mình bỏ giá cao hơn nhiều, etc.
Cái câu hô khẩu hiệu ở đầu đoạn này chắc khiến nhiều người hài lòng và đồng ý lắm nhưng sao mình cứ thấy nó rác rưởi. Người ta bỏ những năm tháng tuổi trẻ ra học hỏi tri thức ở những nơi phát triển gấp hàng trăm lần trong nước, tiêu tốn tiền bạc gấp hàng trăm lần học hành trong nước, tại sao lại hạn chế người ta mơ tưởng đến những điều lớn lao? Mơ ước ngàn điều có khi chỉ thực hiện được một vài, nhưng cứ quay lại lui cui với những điều tinh tế đến nhỏ nhặt thì "giấc mơ con đè nát cuộc đời con" thôi, du học làm quái gì nữa.
Phương Minh
Cũng thấy hơi lo lo...