Sunday, 21 December 2008
Friday, 19 December 2008
Triệu bông hồng
Friday, 12 December 2008
Wednesday, 26 November 2008
Đã giải quyết xong nghi vấn thi Đường lên đỉnh Ôlympia (?)
Chào em, thấy em viết tới 2 entry về vụ việc này, chắc do phần nào là người trong cuộc (Olympian) nên bức xúc. Anh có đọc blog, báo chí và theo anh nhận thấy thì nó ko thạt "hài" như em nói.
Thứ nhất, CÓ việc thầy Tuấn bị bắt buộc gỡ bỏ entry gốc. Xem ở đây: http://sanvuon.wordpress.com/2008/11/21/nghi-v%E1%BA%A5n-%E2%80%9Cgian-l%E1%B... Nguyên văn lời ông ở ĐTH: *Chúng tôi đã gọi điện cho hiệu trưởng trường Chuyên Bắc Giang và hiệu trưởng yêu cầu anh Tuấn gỡ xuống*. Việc thầy Tuấn NÓI là ko có bị ép buộc gì trong buổi phỏng vấn theo anh thấy nhiều khả năng hơn là thầy buộc phải nói vậy, đó là khả năng lớn hơn cả trong XH mình - người ta ko luôn luôn được nói ra điều mình nghĩ. Trường hợp này VTV đã tận dụng ưu thế truyền thông để hoạch thầy Tuấn, cho dù LỖI của VTV nhiều hơn, như anh sẽ bàn tiếp. Nhưng ở đây, việc lãnh đạo VTV (một vị trí quan chức to) gọi điện cho hiệu trưởng trường kia và (khiến) hiệu trưởng yêu cầu giáo viên gỡ xuống *trước khi* sự việc được giải quyết là sự lạm dụng quyền lực. Thậm chí giải quyết rồi vẫn để đó được cơ mà, chỉ cần viết thêm để làm rõ thôi, tai sao lại phải ép bỏ xuống?
Về trục trặc 1 - *thí sinh Hà Nội ko trả lời được và MC nói vì câu đó đã từng dùng nên cho chọn câu khác*. Trong link về buổi trả lời trực tuyến trên VTV, http://www.vtv.vn/VN/TrangChu/TinTuc/GiaoLuuTrucTuyen/2008/11/24/196994/, BTV Tùng Chi tự nói KHÔNG CÓ quy định cho trả lời lại nếu câu hỏi đã được dùng. Như vậy MC đã cố tình làm sai luật gây bất bình cho người trong cuộc!! Ngoài ra, dù ko có quy định ấy nhưng nếu VTV định ko để nó xảy ra thì chính họ phải chịu trách nhiệm vì họ được trả lương để nó ko xảy ra cơ mà. Họ làm sai khiến người khác ức chế đấy chứ.
Việc MC giải thích *máy treo* để hủy bỏ 3-4 lượt bấm chuông cho tới khi bạn gì ở HN được xác định là đã bấm trước là việc hoàn toàn đáng nghi ngờ. Rõ ràng ko có cái gì là *máy treo* cả mà theo họ giải thích trong buổi trả lời trực tuyến thì họ ghi lại việc bấm chuông của cả 4 thí sinh nhưng ko xác định nổi ai bấm trước nên bắt bấm lại. MC Việt Khuê gì đó là người ĐÃ có kinh nghiệm làm ở VTV nên việc anh ta phán *máy treo* là ko đáng tin, vô trách nhiệm và khinh thị người xem!! Thêm nữa, việc nói 4 người cùng bấm nên ko xác định nổi ai bấm trước cũng đáng nghi ngờ, kể cả sau khi sự việc đã khép lại: Đây là năm thứ 2 áp dụng cách quản lý bấm chuông kiểu mới, ko thể nói suốt 2 năm qua người ta ko phải ứng phó với các trường hợp tương tự để rút kinh nghiệm và giải quyết được. Cũng tương tự vậy với việc màn hình hiện tên người bấm cuối. Trong 8, 9 năm qua đã bao giờ có hiện tượng người hiện tên bị kết luận là người bấm cuối chưa, trong khi việc thí sinh bấm chuông gần như đồng loạt là hiện tượng rất phổ biến?
Việc MC nói theo kiểu dọa dẫm với thí sinh là một lỗi lớn, anh ta ko có quyền làm như vậy, và việc anh ta làm gây ảnh hưởng tâm lý lớn cho người chơi, qua đó ảnh hưởng kết quả cuộc chơi. BTV Tùng Chi khi thì nói anh này đã làm ở VTV mấy năm, khi lại nói thiếu kinh nghiệm, đó là kiểu lấp liếm cả vú lấp miệng em! Có thể ở VTV mấy năm anh ta ko làm CT ĐLĐOL nhưng mấy năm đó anh ta phải học được cách giao tiếp tối thiểu, thậm chí phải học trước khi vào đài, thậm chí phải học ngay cả khi anh ta ko vào đài!!!
Tiếp theo, việc quay lại hoạch họe thầy Tuấn là thí sinh gì đó ko phải *người Hà Nội* là một việc bẩn! Khi thầy Tuấn nêu nghi vấn thiên vị cho *người Hà Nội*, một người đọc bình thường sẽ hiểu là thiên vị cho *học sinh của một trường thuộc Hà Nội* chứ chả ai đi moi gốc rễ nơi sinh thí sinh ra để phản bác như thế cả. Việc vin vào quê gốc Hải Phòng của bạn kia để bác lại mấy chữ *người Hà Nội* là một sự nhỏ nhen bẩn thỉu và cố tình đánh tráo khái niệm.
Nhìn tổng thể, VTV có lỗi về kỹ thuật, lỗi đạo diễn, lỗi giao tiếp, tự vi phạm luật do mình đề ra - tức là lỗi ở hầu hết mọi khâu trong chương trình, dù chương trình đã sang năm thứ 8, 9 gì đó!!! Tất cả các lỗi ấy tạo nên một sự bức xúc dễ hiểu cho người khác và khó có thể nói ko ảnh hưởng đến kết quả thi đấu - Em đi thi chắc hiểu hơn sự căng thẳng lúc đó. Việc thầy Tuấn ko khiếu nại trực tiếp tại chỗ không phải một lỗi lớn nếu em có kinh nghiệm khiếu nại hay bất cứ gì đó với cơ quan công quyền, đặc biệt là với VTV - một nơi mà qua vụ này lại thấy thêm sự cửa quyền và hách dịch của họ. Em tưởng rằng họ sẽ giải thích cởi mở và mềm mỏng, và thuyết phục nếu em gửi thư đến thắc mắc ư? Ngay cả lúc đối thoại trực tuyến họ còn giải thích chưa đủ thuyết phục như anh phân tích ở trên cơ mà.
Lỗi của thầy Tuấn thực ra chả có gì lớn, chỉ là nói lên sự bức xúc và nghi ngờ (có lý) của mình lên blog. Nó chẳng khác nhiều so với việc ví dụ em bị cảnh sát giao thông phạt tiền có lý (theo họ) nhưng vô lý (theo em) mà tức quá chửi vung lên cả. Người nào nghe em chửi mà đồng cảm với em (chắc có khá nhiều) thì cũng chửi theo và cùng nghĩ rằng CSGT là bọn ăn tiền xấu xa - như nhiều người đang nghĩ thế. Nhưng đố ai dám chứng minh được trước công luận NGÀNH CSGT chuyên ăn tiền xấu xa đấy? Như vậy việc VTV nói blog của thầy làm ảnh hưởng uy tín nọ kia để bắt này bắt khác là ko hợp lý, cũng như ngành CSGT ko thể kết tội em là làm ảnh hưởng đến danh dự ngành cũng như làm giảm niềm tin của hàng chục triệu người dân vào ngành được. Nếu VTV ko sai (dù thực sự họ ĐÃ sai, và sai nhiều, trong vụ này) thì cứ giải quyết riêng với thầy Tuấn rồi đăng báo, phát TV, viết blog, đó mới là cách xử lý văn minh và hợp lý.
Còn như vụ này hội đồng đánh 1 người khiến người đọc như em gần như quên đi lỗi của VTV - mà họ chỉ buông ra nhân khi trả lời câu hỏi - thì rõ ràng là vó vẩn. Ngay cái biên bản họp cũng thế, nhìn như thể thầy Tuấn kia viết biên bản xin lỗi, còn VTV nhân tiện cũng nhận lỗi, cho dù lỗi của họ nhiều hơn nhiều.
Cuối cùng, lỗi kỹ thuật, lỗi đạo diễn, lỗi giao tiếp, vv, để rồi em xem VTV xử lý thế nào nhé? Nhắc lại vụ Vàng Anh năm ngoái (hay năm nay nhỉ), VTV phát cái chương trình xin lỗi lố bịch khiến hàng triệu người dân phẫn nộ, cũng chửi đầy blog, chả thấy bắt ai xin lỗi, còn ông gì chịu trách nhiệm vụ đó rồi xử lý ra sao em có biết ko, hay vẫn chỉ *rút kinh nghiệm nghiêm túc?*.
PS: Anh ko ủng hộ những lời trong lúc nóng giận của thầy Tuấn nhưng có thể hiểu vì sao như vậy. Việc thầy ấy viết lại entry khác và nói ngược lại 100% là một việc cũng có thể hiểu được trong nước mình (dù anh cũng ko thích). Mong em có một cái nhìn công bằng hơn.
Thân.
Friday, 14 November 2008
Thằng lịch sử, mày chết!!!
Wednesday, 12 November 2008
Hóng hớt họp Quốc hội
Bộ Công thương: Khi được hỏi, đúng hơn là bị dồn rất nhiều, về trách nhiệm cá nhân đối với việc dự báo sai diễn bến giá lúa gạo gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân, Bộ trưởng Hoàng "kiên quyết đáp lại": "Tôi hiểu người nông dân hai sương một nắng, nên khi đưa ra cơ chế điều hành luôn nghĩ làm sao hạn chế ảnh hưởng tới bà con. Tôi đã nhận trách nhiệm khi tham mưu chưa kịp thời, chứ không phải là tham mưu chưa chính xác".
Bàn: Khi giá là $1.200/tấn bà con muốn bán ra thì bảo đừng bán, ko được bán vì blah blah blah, và bà con nghe nhời. Rồi sau đó giá cứ giảm dần và đến khi nó xuống $300/tấn thì lúc này mà bán thì lỗ chổng vó, lời tư vấn của Bộ trưởng chỉ sai tí ti về thời điểm còn hoàn toàn đúng nội dung!!! Ngoài ra Bộ trưởng đã "nhận một phần trách nhiệm" rồi, được chưa? Cũng với vấn đề lúa gạo Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã xin "nhận mọi hình thức kỷ luật" rồi mà, còn kêu ca gì!!!
Bộ Tài chính: Liên quan tới việc quản lý giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh bảo vệ các chính sách đưa ra và có thêm nhận xét: "Thực tế việc giá bán lẻ xăng dầu ở mức cao và diễn biến gần với thị trường cũng giúp người sử dụng nhiên liệu tiết kiệm hơn. Tính trung bình trong những tháng qua, khi giá xăng dầu ở mức cao, lượng tiêu thụ đã giảm khoảng 20-30%".
Bàn: Quả là một nhận xét tinh tế. Vì mấy hôm tăng giá xăng, thấy dân tình bàn nhau, kéo nhau đi mua xe đạp, xe đạp điện, rồi một số bàn tính chuyện đi... bộ, thế thì lượng tiêu thụ xăng giảm là cái chắc. Cứ đà này Bộ trưởng tăng giá nữa lên, hoặc cấm nhập xăng dầu luôn, hay nập nhưng chỉ dùng cho sản xuất, ko cho tiêu dùng nữa thì lượng tiêu thụ phải giảm tới 100%, lại ko chỉ phương tiện đi lại mà còn TV, tủ lạnh, bóng đèn, máy tính, vv và vv, tha hồ cho dân tiết kiệm, chả mấy chốc mà cả nước cùng giàu như nhau!!!
Liên bộ Y tế, Nông nghiệp và Công thương về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm: Ba Bộ trưởng thay nhau lên tiếng và rốt cục câu hỏi về việc kiểm tra chất lượng hoa quả nhập và Việt Nam vẫn... ko được trả lời do về trách nhiệm thì "đòi hỏi riêng ngành nào rất khó, mong đại biểu thông cảm".
Bàn: Giờ ăn xong mà bị đau bụng nôn mửa thì phải đi khám y tế xem có thật là do thức ăn kém vệ sinh ko, nếu ko thì stop, nếu có thì mới về hỏi vợ xem mua hoa quả ở đâu, có thấy dấu chất lượng của Bộ Công thương ko, nếu ko thì lỗi đúng do đồng chí vợ ham rẻ, còn nếu có thì phải theo con dấu đó lần ra xem nơi nào trồng nên hay nhập về thứ hoa quả đó, dùng thuốc gì để tưới bón, bảo quả, etc, rồi sao nữa nhỉ? Thôi thông cảm, cậu về làm cái lông gà quét vào họng cho nó nôn ra là hết!
Bộ giáo dục và Đào tạo: Trước bức xúc của đại biểu về việc các trường ĐH, CĐ ồ ạt được thành lập trong khi chất lượng đào tạo bị thả nổi, cơ sở vật chất yếu kém... dẫn tới kết cục là cho ra đời hàng loạt cử nhân "rởm", Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết "Sắp tới, các trường sẽ phải công khai cam kết, sau khi đào tạo sinh viên sẽ làm gì, làm ở đâu, những trường không hoàn thành cam kết trong 3 năm lền sẽ bị xử lý".
Bàn: Tuyệt diệu!!! Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân luôn luôn chứng tỏ tầm nhìn outstanding!!! Cả thế giới chuẩn bị trơ mắt ếch lên nhìn Việt Nam ta đi trước thời đại với mỗi người SV đều biết mình sẽ làm gì, ở đâu sau khi ra trường.
Phần của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì mình chả hiểu gì chính sách tiền tệ, chỉ thấy thú vị ở điểm là Thống đốc giành 20' nói về những cái đã làm được, thành ra còn có 40' trả lời câu hỏi và kết quả là có tới 3 đại biểu muốn chất vấn mà ko được nói. Thiết nghĩ kết quả những việc đã làm được nó thể hiện 1 phần (lớn) qua các câu hỏi sẽ đặt ra, cần gì phải giành tới 1/3 tgian đăng đàn để liệt kê nhỉ? Nhưng biết đâu đó lại là giải pháp kinh nghiệm vì như báo nói, Thống đốc "ko hề bối rối" trước những câu truy vấn gai góc của đại biểu có thời gian để hỏi.
Hết!
À quên, nhận xét nổi bật qua các phần trả lời của các Bộ trưởng là phần lớn (hay tất cả) đều KHÔNG TRẢ LỜI VÀO TRỌNG TÂM.
Monday, 10 November 2008
Ngổn ngang
Lần đầu tiên mua cho mình một cái áo gọi là xịn xịn tí, màu đỏ, nhìn cứ gọi là chói lọi. Chẹp, mất mấy hôm ngắm lên ngắm xuống, tìm đi tìm lại mãi mới dám mua. Giá mà... nhỉ... Nhưng thôi, thế này cũng là sướng rồi.
Có hai mảng công việc chính, một mảng tuần vừa rồi hơi trì trệ, một mảng bình thường, kể cũng là tạm ổn.
Thế mà sao cái đầu nó cứ lẩn quẩn, ko thoát nổi mấy ý nghĩ:
Tại sao hệ thống thoát nước sau khi đã chi tiêu hơn 1000 tỷ lại tệ hại đến vậy, để hơn 20 người chết giữa Thủ đô? Chủ tịch thành phố nói "Hệ thống thoát nước làm xong vẫn ngập" - rõ ràng và vô tư như một người từ trên trời nhìn xuống, và nói thêm "chớ hỏi chi tiết" khi được chất vấn về các hạng mục công trình đã tiêu vào hơn 1.000 tỷ đất nước đi vay. Bí thư Thành ủy sau khi phê "dân ỷ lại" đã "xin lỗi" - đó là lời nói, còn về hành động thì có ai có lỗi ko, nếu có thì sẽ chịu lỗi ra sao, hay tất cả đều do trời, và để rút kinh nghiệm - một kinh nghiệm trị giá 22 mạng sống, hơn 3.000 tỷ đồng, gần 1 tuần khốn đốn của hàng trăm nghìn người dân, nhiều ngày khốn đốn sau lũ của nhiều trăm nghìn người, và cả khốn đốn của thế hệ tiếp theo khi phải trả nợ các khoản vay tự bây giờ.
Muốn viết một bức thư ngỏ gửi chị Thu - người phụ nữ 32 tuổi từ Phú Thọ quê mình xuống Hà Nội kiếm sống bằng nghề buôn bán hoa quả, đã thoát nỗi lo bị đuổi khỏi các khu phố cấm bán hàng rong, để về chết trên đồng rau muống ngập nước. Ngày mẹ cỡ tuổi ấy, mình cũng 8 tuổi rồi. Những năm tháng đó bố mẹ phải trèo đèo lội suối đạp xe lên mấy xã vùng cao hơn để buôn bán, khi thì mấy lít dầu, khi ít gạo, lúc mấy cân măng - may ko gặp lũ quét, sụt đất, còn 3 anh em mình ở nhà trông nhau, cắt cơm nắm bố mẹ chuẩn bị sẵn ra mà rán ăn dần lớp cháy. Hơn 20 năm đã trôi qua, lịch sử lặp lại, nhưng đau xót hơn. Ko biết giờ mấy đứa con của chị ra sao. Và trước khi từ giã cuộc đời, chị nghĩ gì trong cô đơn giữa dòng nước lạnh?
Có ý kiến từ đâu đó đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng, hối lộ. Trên báo chí đã có ý kiến phản đối rồi, mình cũng phản đối, thậm chí còn muốn xiết chặt hơn nữa đối với loại tội phạm này. Một vài ý kiến ủng hộ nêu lý do là dù để thì cũng có dùng đến đâu - như dẫn chứng các vụ nổi cộm thời gian qua. Nhưng đó ko phải lý do xác đáng, vì chưa dùng ko có nghĩa là chưa đáng dùng, nhất là trong xu thế hiện nay. Nếu sửa bây giờ thì khi chính quyền dám làm án này thì sẽ lại vướng luật - mà sửa luật ko phải việc một sớm một chiều. Để xem quốc hội xem xét việc này như thế nào.
Đợt này các nơi thi nhau phanh phui việc các công ty tàn hại môi trường, từ Nam ra Bắc. Phần lớn các nơi đều diễn ra trong thời gian nhiều năm trời mà đều "không phát hiện được do blah blah blah" - như lời chính quyền địa phương nói. Rồi lại vụ xôn xao vỡ đê ở Hà Đông rồi được nói là do "lỗi đánh máy". Nghĩ tới chuyện Tam Quốc, khi Tào Tháo chém chết kẻ hầu cận tới đắp chăn, rồi tiến hành khóc thương tống táng vì ông ta "có thói quen hay mơ ngủ giết người" - như lời ông ta nói, rồi một người khóc nói với thây ma tên lính, rằng "thừa tướng đâu có mơ, chính mày mơ thì có".
Loáng thoáng thấy chỗ này, chỗ nọ kêu gọi cán bộ phải có Tâm, lãnh đạo phải có Tâm, ngành điện phải có Tâm, ngành xăng dầu phải có Tâm, người bán hàng phải có Tâm, các ông chủ Hàn Quốc phải có tâm, các công ty phá hoại môi trường phải có Tâm... Đ/c Tâm- Tâm - Tâm, cậu đẹp lắm nhưng biết đo thế nào, làm thế nào để tớ được sống mà ko phải phụ thuộc vào một cái ở những người xa lạ mà có trời cũng ko cách gì đo được?
Còn nhiều chuyện linh tinh khác, thôi dừng vậy,...
Monday, 3 November 2008
Một vài bài báo nổi bật trong đợt lũ
Luận: Báo chí cần quyết liệt phát hiện và lên án những kẻ ỷ lại, trời lũ lụt thế mà ko chịu dầm mưa lội nước dắt xe máy chết máy, ko chịu ra đường làm dịch vụ lau bugi; những ông bố bà mẹ ko chịu đội con lên đầu, tay kéo theo cái chậu đồ ăn; những người phụ nữ da xạm đen, ko chịu lội nước đến bẹn mà bán thêm mớ rau con cá cho các nhà bị lụt ko đi mua được thức ăn; những người bì bõm giữa đường phố thủ đô với đủ loại rác rưởi bẩn thỉu để mang về bữa tối cho gia đình, nhưng tên sinh viên trong các xóm trọ tồi tàn ko chịu tiết kiệm nước ngọt, ko chịu cắt cử nhau đi mua đồ về nấu ăn, cũng như ko chịu tự tìm chỗ mà đi đái; những thanh niên, trung niên ko chịu đóng bè, đóng mảng, dắt xe trâu xe ngựa ra chở thuê xa cộ để kiếm thêm chút về nuôi vợ nuôi con; những người từ các chuyến xe liên tỉnh về ko chịu tự tìm lấy vỉa hè khô khô, cao cao mà đắp điếm ngủ qua đêm; nhưng em nhỏ ko chịu ngồi ô-tô mà cứ xe đạp với đi bộ đi học mà chịu chết; những gia đình bị mưa ngập mà ko chịu ăn tạm mì-tôm cho qua bữa, cứ há miệng nuốt thịt nốc bia; những kẻ ko chịu thắp đèn dầu, thắp nến để qua đêm mưa mất điện; những kẻ ko chịu tự biết những điểm ngập lụt sâu để cứ kéo nhau vào làm ùn tắc thêm; những kẻ ko tự đoán trước sẽ nập mà vác ô-tô đi cất để ko bị ngâm xe trong nước; ... Phải lên án, lên án quyết liệt những kẻ khốn nạn đó!!!
====
http://beta.baomoi.com/Home/TheGioi/www.tintuconline.com.vn/Trong-con-dai-hong-thuy--cac-ban-nganh-o-dau/2137234.epi
Trong cơn đại hồng thủy - các ban ngành ở đâu? | ||||||
Chủ nhật, 2/11/2008, 12:25 GMT+7 | ||||||
Cho đến hết ngày 01/11/2008, 2 ngày sau trận lụt lịch sử ở Hà Nội, tràn ngập trên mọi trang báo thông tin về người thiệt mạng, cảnh sinh hoạt khốn đốn của mấy triệu người dân, vẫn bặt tin của các ban ngành hỗ trợ dân chống ngập. >> Xe buýt thành nơi ngủ đêm, tàu hỏa "tăng bo" thoát ngập Chỉ còn dân với dân... Cho đến hết ngày 01/11/2008, 2 ngày sau trận lụt lịch sử ở Hà Nội, tràn ngập trên mọi trang báo thông tin về người thiệt mạng, cảnh sinh hoạt khốn đốn của mấy triệu người dân. Duy nhất một thông báo khẩn của ngành giáo dục về việc cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 3/11 - dẫu quá trễ tràng, khi đã có 3 em nhỏ xấu số bị mất tích .
Còn lại, vẫn bặt tăm tin tức của các vị lãnh đạo các bộ ngành. Chỉ thấy dân bì bõm trong nước, chạy ăn, chạy ngủ, chạy chỗ ở.... Và giới báo chí tất tưởi ngược xuôi mang về những tin đau lòng: 2 người chết trong xe hơi ngập nước, 17 sinh mạng bị cướp...
Cơ quan dự báo thời tiết cho người dân một phen "không biết đằng nào mà lần", đến lúc cơ sự đã rồi thì đành mạnh ai nấy chạy Lực lượng của ngành giao thông không thấy cảnh báo các khu vực đang thi công nguy hiểm, các nắp cống chưa được lắp, hay những đoạn đường ngập sâu. Cứu hộ giao thông đã cứu được bao nhiêu xe, bao nhiêu người? Trong khi nhiều tiệm sửa xe gắn máy vắt chân lên cổ mà chạy không hết việc. Người đi đường khóc dở mếu dở, bỏ xe lại thì chẳng đặng, đi cũng chẳng xong. Ngành xăng dầu thì hẳn chưa có "cơ chế" mang xăng dầu đi tới các cụm dân cư bị mất điện?!
Ngành Y tế đang trong giai đoạn rất mực quan tâm đến sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông, mấy ngày nay vẫn chưa có động thái gì. Sự thật là người cao hay thấp, béo hay gầy, già hay trẻ, 2 ngày qua vẫn đang ngụp lặn trong dòng nước. Họ có "đảm bảo sức khỏe an toàn để điều khiển phương tiện giao thông" hay không thì chỉ duy nhất một mình họ tự biết, tự lo. Những hình ảnh về cảnh sống bất thường, trở tay không kịp được người dân gửi về các tòa soạn bằng email, điện thoại... Có câu chuyện kể cho vui. Có câu chuyện kể để thấm hết nỗi niềm của người dân Thủ đô không lường được có ngày ngồi bó gối trong nhà như vậy. Trông cho chân cứng đá̃ mềm Đã từng có sự băn khoăn của dư luận về những "quyết định phòng lạnh", những "kế hoạch salon" của không ít vị quan chức. Nay, trong cơn đại hồng thủy, chỉ có chị trông em, bố mẹ tìm con, bạn bè thân hữu hỏi thăm nhau... - nghĩa là chỉ còn dân với dân giữa mênh mang sông nước. Đêm nay, còn những người dân chưa xoay kịp chỗ ngủ, còn những khu nhà mất điện, mất internet, những khu nhà bị bao vây bốn phía là nước. Còn những người nhịn đói hoặc ăn bữa sơ sài ngồi co ro trên gác xép. Trận lụt này chắc sẽ không quá lâu, người dân chắc chưa đến nỗi khốn cùng. Trông cho chân cứng đá mềm... Lạy trời, đừng có ai đó bị trượt chân đêm qua trong dòng nước, mà đến giờ người thân chưa biết, chính quyền chưa hay! Theo Linh Thuỷ |
Trả lời: Cực đơn giản, trong thời gian đó thì các cấp Lãnh đạo còn bận chẩn bị công văn giấy tờ tài liệu báo cáo phát biểu ý kiến chỉ đạo cho hội nghị tổng kết công tác tôn giáo còn các cấp nhỏ hơn thì chẩn bị bàn ghế xe cộ xăng dầu nước uống hoa tưoi micro quay phim chụp ảnh máy ghi âm điều hòa nhiệt độ... cho cuộc họp tổng kết đó. Họp xong các cấp đều lên ô-tô đi chỉ đạo cả, chỉ đạo hăng hái tới mức yêu cầu phải QUYẾT TỬ cho tổ bơm hoạt động. May mà có chỉ đạo đó ko thì trạm bơm Yên Sở có khi bỏ của chạy lấy người mất rồi. Ngoài ra Lãnh đạo còn đi xuống tận cơ sở để phát hiện ra những kẻ khốn nạn cứ ỷ lại vào Nhà nước nữa - công này là to lắm. Rồi sau đó lại chỉ đạo là cho học sinh nghỉ học tiếp đến tận khi hết nguy hiểm mới phải đi học lại - may mà được chỉ đạo kịp thời nên số học sinh chết đuối giữa Thủ đô mới dừng lại ở con số hiện thời. Xem báo từ chiều 2/11 đi, chỉ sau có 3 ngày mà có hàng loạt chỉ đạo được ban ra rồi!!!
====
http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/11/811682/
"Trận mưa lụt là cuộc tổng diễn tập lớn cho tương lai" | |||||
20:39' 03/11/2008 (GMT+7) | |||||
- Nhận định mang tính tổng kết này được Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đưa ra tại cuộc họp thường trực Thành ủy Hà Nội bàn biện pháp khắc phục hậu quả mưa lụt chiều 3/11... >> Toàn cảnh Hà Nội trong trận "đại hồng thuỷ"
Thực tế lụt nảy sinh... "tiêu chuẩn mới" ngành xây dựng! Đánh giá về hậu quả trận mưa lụt, Bí thư Phạm Quang Nghị nhận định: "Tính chất thiên tai lần này cần thấy là lớn chưa từng có tại Hà Nội". Chính vì vậy, vị lãnh đạo của Hà Nội cho rằng "thiệt hại có cái tính được, song có cái chưa thể tính hết được; có cái trực tiếp, cái gián tiếp; cái xảy ra ngay trước mắt, cái để lại hậu quả lâu dài... và nói chung vô cùng nghiêm trọng". Cũng vì tính chất bất chợt và nghiêm trọng của đợt mưa lụt, sự đối phó trong thời gian vừa qua của các cấp, ngành Hà Nội và sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương được Bí thư khẳng định trong mấy từ: "tích cực, chủ động, cố gắng cao độ". Do đó, theo Bí thư "đã giảm đến mức tối đa các thiệt hại". Ông Phạm Quang Nghị nói: "Đương nhiên, xã hội luôn mong muốn hạn chế thiệt hại nhiều hơn nữa mà chưa thể đạt ngay được: ngập lụt, tắc đường, hướng dẫn giao thông, bơm tưới tiêu sao cho tốc độ thoát nhanh hơn nữa... song tôi nhắc lại, những gì đã làm tới giờ phút này đã là cố gắng tối đa". Lúc này, vấn đề chủ yếu - theo Bí thư là: không để cho dân đói, rét, dịch bệnh; kịp thời phục hồi giao thông, điện nước, hoa màu, vật nuôi... sau mưa lụt. Cũng theo ông Nghị, những cái khó ngày hôm nay chính là cuộc "tổng diễn tập" lớn cho những cái lâu dài trong tương lai. Ví dụ, nhờ trận lụt này mà rút ra bài học cho ngành xây dựng, thấy thực sự cần thiết phải có tiêu chuẩn mới về xây dựng, kiến trúc... sao cho hầm để xe của các chung cư mới tương lai sẽ không còn là "bể nước ngầm" đựng ôtô, xe máy như hiện nay nữa! "Tương lai, chúng ta còn xây dựng metro. Nếu tình hình cứ ngập lụt thế này thì toàn bộ hệ thống sẽ ra sao - đó là điều phải tính" - ông Nghị nhấn mạnh. Đồng thời với Yên Sở, huy động thêm trạm bơm Đông Mỹ Tại cuộc họp chiều 3/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết vừa thống nhất triển khai phương án bổ sung nhằm tiêu úng cho nội thành. Cụ thể, đồng thời với trạm bơm Yên Sở, huy động tối đa trạm bơm Đông Mỹ mặc dù trạm bơm này chỉ đảm bảo khu vực Thanh Trì. Ngay khi nước tại sông Nhuệ đạt đến mức độ an toàn, cho phép một số bơm cục bộ thuộc phía nội thành bơm lên sông Nhuệ. Hiện, 4 trạm bơm cục bộ này đã, đang đạt 1/3 công suất của Yên Sở. "Có như thế, nước nội thành mới rút nhanh như vậy! Còn nếu chỉ trông chờ vào Yên Sở thì phải ít nhất 4 ngày nữa nước mới rút hoàn toàn (trong điều kiện không mưa bổ sung)" - ông Thảo nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Thảo, một số hồ của Hà Nội hiện nay đang được sử dụng làm hồ chứa nước; một số trạm bơm cục bộ được phát huy tại nhiều "điểm huyệt" rải rác, nhằm tiêu thoát nhanh nhất... Dù lúc này mưa đã có dấu hiệu ngớt, ngừng - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định trọng tâm vẫn là: ngăn chặn nước; chống úng; tiêu thoát nước cả nội lẫn ngoại thành; không để vỡ đê. Về vấn đề cứu hộ, Chủ tịch cho biết, thành phố tính đến nay đã chuyển tổng cộng 8 tỉ đồng, 25 tấn mì tôm, 100 tấn gạo về các địa phương, khu vực cần khẩn cứu. Tiếp tục trong những ngày tới, nước sạch, lương thực vẫn sẽ được chuyển tới hoàn toàn miễn phí cho bà con. Sáng 4/11, ông Nguyễn Thế Thảo sẽ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các quận, huyện, trực tiếp giao, nhận nhiệm vụ tiếp theo... Tin từ Sở GTVT Hà Nội: Tính đến 14h chiều 3/11/2008, nước tại đường vòng Cầu Đuống (Đông Anh) đã giảm xuống còn 0,4m (lúc 6h sáng là 0,8m); khu vực viện 103, số 2 Phùng Hưng (Hà Đông) đã giảm xuống còn 0,4 - 0,5m; khu vực Láng Hạ, Tây Sơn, Tôn Thất Tùng đo được 0,4m... Điểm ngập nặng nhất vào chiều tối 3/11 là đập Phùng (1m), hiện đang cấm phương tiện qua lại. Quận, huyện đã thoát ngập hoàn toàn: Tây Hồ, Sóc Sơn.
|
Tớ xin một phiếu bình bầu phát ngôn và hành động ấn tượng nhất tần này cho đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội!!!
Sunday, 2 November 2008
Vài suy nghĩ quanh phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội
Dân ỷ lại vào nhà nước?? Hnay đọc bài phỏng vấn ông Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, trả lời câu hỏi về các kinh nghiệm rút ra qua đợt mưa lũ, ông trả lời: "Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm."
Đọc vào ngạc nhiên hết sức: Mấy ngày nay tin về mưa lũ tràn ngập mặt báo, thấy người dân đội mưa, dắt xe chết máy dầm nước đi bộ hàng km, lại chịu cảnh tắc đường tắc phố, rồi lội nước dầm mưa đi mua lương thực cho bữa ăn hàng ngày, sinh viên ở trọ phải tiết kiệm nước sạch từng tí một, cắt cử nhau đi mua thức ăn, hình ảnh cha đội con trên vai, tay kéo cái chậu đồ ăn, dân mang thuyền, làm mảng, vác xe trâu, xe ngựa chở đồ, chở đồ thuê, mang gửi đồ đạc ở các nhà người quen ko bị ngập, tranh thủ làm các loại dịch vụ mùa lũ lụt như lau bugi xe, khiêng vác qua đoạn ngập, lội nước đến tận bẹn để đem bán mớ rau, con cá, người ngoại tỉnh về theo ô-tô phải cù bất cù bơ dưới mưa ở các bến xe, các ngõ phố, vỉa hè... Thế mà ko hiểu ông Bí thư nói dân ỷ lại vào Nhà nước là ỷ lại vào đâu, như thế nào? Trong khi đó về phía Nhà nước thì hệ thống bus phải ngừng họat động (2/11 họat động lại với 1/3 công suất), hệ thống xe khách liên tỉnh bị đình trệ, xe cứu hộ cũng bị chết vì ngập, ko có thấy cơ quan nhà nước nào tổ chức mang lương thực trực tiếp bán cho nhân dân bị đói (mãi tới ngày 2/11 mới có tin sẽ cung cấp), ko thấy tin nào về hoạt động hỗ trợ quần áo ấm, áo mưa, giày ủng, ko có tin nào về chỗ ở cho những người dân bị các chuyến xe liên tỉnh đổ xuống và mắc kẹt, ko thấy tin nào về việc chuyển gấp thuốc men chẩn bị đối phó với dịch bệnh sau ngập lụt, rồi đang râm ran chuyện bên giáo dục đợi có học sinh chết khi đi học mới ra thông báo ko bắt đến trường, dân lại phàn nàn việc đài, TV ko buồn cập nhật thông tin về tình hình các tuyến đường nập lụt nặng cho dân biết để tránh (cũng mãi tới 2/11 mới có), cũng chả thấy triển khai việc dừng các chuyến xe liên tỉnh về Hà Nội để hạn chế người mắc kẹt,... Thật ko thể hiểu nổi người dân bị ngập lụt đang ỷ lại gì vào Nhà nước và Nhà nước đã làm gì cấp thiết để lên tiếng trách người dân ỷ lại đây??? Thật là nhục cho những ai "cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm" như ông Bí thư phát hiện ra qua chuến đi chỉ đạo tại cơ sở, nhưng thực sự qua báo chí mấy ngày vừa rồi thì chưa thấy ai vậy cả, nếu có trì trệ nhất thì vẫn chỉ là cơ quan Nhà nước như phân tích ở trên mà thôi. Lại thắc mắc ko hiểu cái "ngày xưa" được nhắc tới để so sánh là ngày xưa nào???
"Nếu tại người thì còn phê bình kỷ luật người này người nọ, chứ còn do thiên tai thì chịu....". Vẫn là phát biểu của ông Bí thư thành ủy. Đúng là mưa là do thiên tai thật, nhưng nếu hệ thống thoát nước của thành phố hoạt động hiệu quả hơn thì chưa chắc cái thiên tai ấy đã có dịp hòanh hành ghê gớm đến thế. Đã có các bài viết chỉ ra rằng hệ thống thoát nứoc ko hơn gì cách đây 24 năm nhân trận lụt năm 1984. Mà cũng chả cần bài viết nào, ai ở Hà Nội chả thấy hễ cứ có mưa to một chút là ngập lụt chứ có cần gì tới mức thiên tai. Chẳng lẽ cũng tại thiên tai mà cả thành phố giờ phụ thuộc vào có mỗi 1 trạm bơm Yên Sở, chẳng lẽ cũng tại thiên tai mà các hồ điều hòa bị lấp để lấy đất xây biệt thự, chả lẽ cũng tại thiên tai mà các tảng bê-tông mới mọc ra ngăn khả năng thấm nước của mặt đất? Có bài viết phân tích mối quan hệ giữa "thiên tai" và "nhân tai" tích tụ ra cái hậu quả ngập lụt khủng khiếp như vừa rồi, địa chỉ tại đây. Hết thằng "khách quan" tới thằng "thiên tai", hai thằng chúng mày có tội với nhân dân lắm đấy!!!
Sáng hôm qua (1/11), thành phố họp tổng kết vấn đề tôn giáo... Vẫn bài trả lời phỏng vấn cho người đọc biết việc các cấp lãnh đạo Hà Nội họp tổng kết vấn đề tôn giáo trong sáng 1/11, đọc mấy câu này mà sững sờ!!! Bài báo lúc 12h34' trên VNN cho biết đã có 10 người thiệt mạng do mưa và ngập lụt!!! Có câu "Cứu người như cứu hỏa", tình hình mưa to lụt nặng từ sáng sớm ngày 31/10 đã như thế mà trong sáng 1/11 - tức là thời gian xảuy ra pần lớn những cái chết thương tâm ấy - các cấp Lãnh đạo vẫn tập trung tổng kết vấn đề tôn giáo. Giá như các bác ấy tạm lùi ngày tổng kết vài hôm để tập trung thi nhau chỉ đạo thì có thể một số người dân đã ko phải chết oan giữa Thủ đô văn hiến, lại nằm trong top thủ đô rộng lớn nhất thế giới. Ôi chao là vấn đề tôn giáo!!!
Nhân bài viết về "thiên tai" và "nhân tai" nêu trên, nhắn với tác giả là tìm ra chứng cứ cho các luận điểm ông nêu ra là khó lắm, hy vọng mọi người đều bỏ qua, ko ai để ý đến bài của ông. Nhưng cũng hy vọng bài viết ko bị xóa.
Định viết thêm chút nữa nhưng buồn quá nên thôi. Làm lãnh đạo khó thật, càng lãnh đạo to càng khó làm!!
Thursday, 23 October 2008
Chặn cuộc gọi không mong muốn trên điện thoại Nokia
Anfy Mobile CallFilter (ko biết có lquan gì đến nhóm Anfy Java có một series hiệu ứng Java tuyệt đẹp mà hồi ĐH mình mê mẩn ko nhỉ):
http://www.anfymobile.com/callfilter/download_page.php
Stop Call:
http://www.mobi11.com/2008/08/17/stop-call-freeware-call-filter/
Đổi điện thoại đi em ơi.
Wednesday, 15 October 2008
Thursday, 9 October 2008
Ảnh macro
Macro
Ultra Macro
Đối tượng thật, chụp bên cạnh điện thoại Nokia 2310 (lợn cưới) để dễ đối chiếu
Set up để chụp ảnh: Carl Zeiss Jena 135mm f3.5 Zebra Sonnar + 3 x Helios macro extension tubes (10, 20, 30mm).
Ơ, mà hình như cái Ultra Macro chụp bằng ống Flektogon 35mm f2.4 + extension tubes thì phải, ko phải ống Sonnar.
Wednesday, 8 October 2008
An toàn cá nhân?
Tự nhiên nhớ lại hồi về Việt Nam, trên chuyến xe khách từ Hà Nội về quê, tài xế và hành khách bàn chuyện tình hình kinh tế, đời sống, và cùng thống nhất rằng đời sống còn nhiều khó khăn. Rồi bác tài kết luận 1 câu đại ý: “Khó khăn mà như ta hãy còn sướng, như ở nước ngoài sống ko an toàn, suốt ngày lo khủng bố!!” – và bà con nhiệt liệt tán đồng. Ko hiểu vì lý do gì nhưng có vẻ bà con ở nhà rất dễ dàng đồng ý với luận điểm cho rằng sống ở nước ngoài ko an toàn, hơi tí là bị khủng bố, bom đạn. Ngày xưa tớ cũng tin vậy!
Mặc dù bà con ko nói rõ “nước ngoài” là nước nào nhưng theo cảm nhận thì đó là mấy nước lớn và láo như Anh và Mỹ - những kẻ xâm lược và gây thù chuốc oán khắp nơi trên thế giới. Tớ chưa ở Mỹ nên ko dám nói bừa, nói sơ qua kinh nghiệm cá nhân ở Anh thôi vậy.
Nhìn chung, tớ thấy cuộc sống ở Anh cực kỳ yên bình và an toàn!!! Dẫn chứng 1: Tớ thường xuyên ở lab về vào tầm nửa đêm, 11h, 12h, có hôm muộn hơn, 1, 2, 3h sáng đều có cả; khi đi xe bus (rồi đi bộ 1 đoạn), khi đi xe đạp, có cả đi bộ nhưng chưa từng gặp bất cứ vấn đề gì. Dẫn chứng 2: Năm ngoái 1 em bé người Anh bị bắt cóc khi cùng bố mẹ đi du lịch Tây Ban Nha (hay Bồ Đào Nha gì đó), thế là báo đài thi nhau đưa tin cả tháng trời, rồi các website, mạng xã hội, đều lên tiếng tìm kiếm và kêu gọi tìm kiếm, rồi tổ chức quỹ để phục vụ tìm kiếm, cảnh sát Anh và TBN (BĐN) liên tục trao đổi thông tin điều tra. Nghĩa là tính mạng công dân của họ rất được quan tâm. Dẫn chứng 3: Cũng năm ngoái (hay năm kia nhỉ), có 1 vụ ở vùng Norfolk, một loạt 5,6 gái điếm bị sát hại liên tục khiến cả vùng rúng động cả tháng trời. Cơ quan cảnh sát tập trung điều tra cấp tập để tìm ra thủ phạm. Dẫn chứng 4: Có hai chồng người Việt ở đây đi chơi về muộn đứng chờ bus, bị một nhóm thanh niên xin đểu. Trong khi anh chồng đứng đối lời với đám đó, chị vợ chạy vào nhà bên đường gọi điện cho cảnh sát, chỉ vài phút sau xe cảnh sát réo còi ầm ĩ phóng tới làm nhóm kia sợ mất vía lảng vội đi. Ở đây ít khi nghe tin dân bắt cướp vì họ coi đó là nhiệm vụ của cảnh sát – những ngừoi được trả tiền để làm việc bắt cướp - chứ ko làm “xã hội hóa”. Những vụ việc chỉ liên quan tới tính mạng của 1 hoặc một số nhỏ người mà được quan tâm như vậy thì những vụ lớn ắt phải được nhắc đi nhắc lại cả năm - chưa thấy vụ nào suốt 3 năm qua.
Tóm lại là ở Anh cũng như bất cứ đâu, cũng có các vấn đề xã hội có thể ảnh hưởng đến an ninh cá nhân của công dân. Tớ ở Norwich là chính, có đi qua (và ở trong thời gian ngắn) London, Birmingham, Cambridge, Glasgow, Keswick,… và thấy nhìn chung, xã hội của họ ổn định và an toàn hơn xã hội mình rất nhiều. Có lẽ vụ việc ghê gớm nhất tại Anh là vụ đánh bom xe điện ngầm ở London năm 2004 hay 2003 gì đó (hồi mới sang đi xe điện ngầm cứ sợ bị đánh bom) nhưng những vụ như thế bao nhiêu năm mới bị xảy ra 1 lần, và mỗi lần số thiệt hại cũng ko đến mức như số người chết vì tai nạn giao thông ở ta trong 1 tháng. Mọi người cũng nói rằng ở London tình hình an ninh phức tạp hơn nhiều nhưng đây tớ nói theo kinh nghiệm riêng. Tớ nghĩ rằng tổng số người chết ở Anh hàng năm do tai nạn giao thông + tự sát + tội phạm + mọi thể loại khác chỉ bằng số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam trong vòng độ 2, 3 tháng là cùng. 845 người/tháng – nếu trung bình như vậy thì hơn 10,000 người/năm chết chỉ vì tai nạn giao thông – bằng mấy làng ở quê tớ!! Đó là chưa tính đến các vụ đâm chém thanh toán xã hội đen, cướp giật, sập cầu, lật thuyền, bão biển, lũ núi, ngộ độc thức ăn,… Ko biết mỗi năm ở mình có biết bao nhiêu người bị chết ko bởi lý do tuổi già.
Nếu bạn cho rằng chết vì cái xe ô-tô nó nghiền nát ngực nhẹ nhàng hơn bị bom nó nổ tan xác thì bạn có cơ sở nghĩ rằng Việt Nam an toàn hơn Anh quốc. Còn tớ cho rằng hai cách chết đó đều như nhau cả, nên căn cứ vào số liệu và dữ kiện về số người chết ngoài tuổi già tớ nắm được thì tớ thấy ở đây an toàn hơn ở nhà rất rất nhiều.
Bài này ko nhằm bàn về nguyên nhân, giải pháp gì cả, chỉ để nhắn với bà con trên chuyến xe ấy 1 câu: Bà con đã sai lầm nếu nghĩ rằng ở Việt Nam an toàn hơn ở Vương quốc Anh.
Friday, 3 October 2008
Thờ ơ tiếp
Thursday, 2 October 2008
Thờ ơ...
Sinh vi nam tử yếu hi kỳ
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di
Ư bách niên trung tư hữu ngã
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
Cụ cũng nói "Lập thân tối hạ thị văn chương"...
Ảnh chụp sau Post Room, UEA, test ống kính SeriesE 105mm f2.5
Wednesday, 24 September 2008
Ai dám bảo cơ quan nhà nước làm ăn chậm chạp??!!!
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200839/20080925002552.aspx
|
Bộ Xây dựng nhận định, một số quyết định giao đất của UBND tỉnh Hòa Bình là vội vàng, bất hợp lý và thiếu dân chủ ở cơ sở.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 31.7.2008 (trước thời điểm 4 xã hợp nhất vào Hà Nội ngày 1.8.2008), trên địa bàn 4 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân và Đông Xuân có 54 đồ án quy hoạch chi tiết. Riêng 7 tháng đầu năm 2008, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt 24 đồ án, trong đó có 19 đồ án được phê duyệt trong các ngày cuối tháng 2.2008 và 5 đồ án được phê duyệt cuối tháng 6 và 7.2008.
Bộ Xây dựng nhận xét: "Khi có thông tin mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, trên địa bàn 4 xã đã xảy ra tình trạng các chủ đầu tư tranh thủ lập đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, đăng ký đầu tư ồ ạt tại tỉnh Hòa Bình.
Tính đến trước ngày 4.3.2008 (ngày Chỉ thị 260/CT-TTg dừng xem xét các dự án quy hoạch có hiệu lực) đã có 54 dự án triển khai, trong đó có 29 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc có văn bản chấp thuận cho phép đầu tư nhưng lại chỉ có 20 dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết; và có 25 dự án mới đang đề xuất đầu tư hoặc đang nghiên cứu, đây là khối lượng dự án rất lớn, bất hợp lý trên địa bàn không rộng và có điều kiện địa hình, hiện trạng hạ tầng cơ sở còn khó khăn như 4 xã phía Bắc huyện Lương Sơn".
Trong các dự án này, đáng chú ý nhất là dự án Khu biệt thự nhà vườn xã Yên Bình của Công ty cổ phần thương mại quốc tế Thành Như. Toàn bộ các thủ tục phê duyệt nhiệm vụ thiết kế và phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị, khu chức năng, cấp giấy chứng nhận đầu tư... cho dự án này đều được thực hiện trong một ngày (ngày 29.2.2008).
Lời bình: Đây là minh chứng hùng hồn nhất phản bác lại mọi luận điểm nói rằng cơ quan nhà nước làm việc chậm chạp. Tốc độ thế này thì nước Mỹ phải vài trăm năm nữa mới bắt kịp!!!
"Việc triển khai quá gấp các thủ tục hành chính trong cùng một ngày, lại có nhiều đồ án quy hoạch, dự án đầu tư được phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, phê duyệt hồ sơ quy hoạch, giấy chứng nhận đầu tư sẽ không tránh khỏi những sai sót trong việc kiểm tra, thẩm định tính khả thi của dự án, sự hợp lý và hiệu quả sử dụng đất trên cùng một địa bàn là 4 xã phía bắc huyện Lương Sơn", Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng.
Mặc dù cho rằng việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án cũng như việc thu hồi và giao đất của tỉnh Hòa Bình tại 4 xã ở huyện Lương Sơn là phù hợp với quy định hiện hành (Lời bình: Tức về mặt pháp luật hoàn toàn hợp lệ, mà luật pháp là trên hết rồi ) nhưng Bộ Xây dựng đánh giá: "Ngay sau khi phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chỉ trong thời gian ngắn (khoảng 5-15 ngày), UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định thu hồi đất giao cho một số dự án (trong đó có dự án Khu biệt thự nhà vườn xã Yên Bình của Công ty cổ phần thương mại quốc tế Thành Như) trong khi còn thiếu một số cơ sở pháp lý như: thẩm định dự án đầu tư, thiếu thiết kế cơ sở hoặc chưa thẩm định, không có biên bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất... thể hiện sự vội vàng trong giải quyết thủ tục hành chính và thiếu dân chủ ở cơ sở khi người dân trong khu vực dự án không được biết hoặc không có đủ thời gian để tìm hiểu cũng như đồng thuận trong vấn đề thu hồi đất". (Lời bình: Nhưng kể ra cũng có vài vấn đề nho nhỏ )
Bộ Xây dựng lo ngại, các đồ án, dự án đã và đang triển khai tại 4 xã này chỉ mới được nghiên cứu trong phạm vi giới hạn khu đất của dự án; có dự án còn vi phạm vào vùng cấm xây dựng của tuyến hạ tầng kỹ thuật quốc gia... sẽ gây khó khăn trong việc kết nối vào hạ tầng của khu vực Hà Nội sau mở rộng. (Lời bình: Ko nhỏ lắm )
Tuy nhiên, kiến nghị của Bộ Xây dựng cũng hết sức nhẹ nhàng: UBND tỉnh Hòa Bình cần rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục kiểm tra, rà soát các đồ án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn 4 xã huyện Lương Sơn nay đã thuộc địa giới thủ đô Hà Nội mở rộng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
(Lời bình: Ai dám bảo cơ quan nhà nước hay gây khó dễ nào, có gì người vi phạm sẵn sàng được tạo điều kiện để rút kinh nghiệm nhé, ai chẳng có va vấp trong đời, còn nhiều dự án để phê duyệt lắm mà! Hoan nghênh một kiến nghị quá nhân bản)
An Nguyên
Thế này thì chả mấy chốc mà giàu!!
Tuesday, 23 September 2008
Trí tưởng tượng của họa sỹ
Do vậy, chớ nên quá lo lắng về mọi điều xung quanh
Hãy trân trọng từng khoảnh khắc, làm điều mà bạn muốn
Hãy mở rộng tầm nhìn, mở rộng tâm hồn
Hãy trân trọng tình yêu, sống yên ổn và thanh bình
Hãy đón chào ánh sáng của mỗi ngày mới
Và nhìn vào phía tích cực của cuộc sống