Biết bao nhiêu trò chơi dân gian giờ đã biến mất theo nhịp độ phát triển của xã hội, chơi quay là một trò như thế.
Con quay và chơi quay.
Con quay được đẽo từ gỗ, hình trụ, có đường kính trung bình khoảng 4-5cm, cao khoảng 8-10cm. Tuy nhiên bọn nhóc ngày ấy còn đẽo các con quay đủ kích thước lớn nhỏ khác, từ khoảng 1.5-2cm cho đến 8-9cm đường kính - gọi là quay cụ hay gì đó tương tự. Tuy nhiên dù ở kích thước nào, mỗi con quay cũng đều có 4 phần: Mũ (thường là hình cái nón hoặc bán cầu - gọi là quay trứng gà), phần thân (ống trụ), chân (hình nón cụt) và phần đinh - có thể đẽo thẳng từ gỗ hoặc đóng bằng một đoạn đinh sắt/thép. Do nguyên nhân đấu đá nhau nên đinh sắt dần dần phổ biến hơn hẳn quay chân gỗ.
Vì chơi quay, một mục quan trọng là dùng con của mình bổ xuống con đối thủ (cũng như chịu các cú bổ từ quay của người khác) nên đứa nào cũng cố chọn gỗ cứng để đẽo chàng chiến binh của mình, thôi thì đinh, lim, sến, táu, gụ, bạch đàn, mít, vv đủ cả. Những con quay nhỏ, vốn ko để "chiến đấu" nhiều thì được gọt từ các cành duối, cành bưởi và các loại cây gỗ khác mềm hơn. Được cái ở miền núi nên có rất nhiều lựa chọn.
Phần lớn quay sẽ quay và di chuyển trên đinh của nó - tất nhiên thế. Nhưng lại có một loại quay khi bổ xuống sẽ quay trên... chóp nón. Ngày đó còn bé, mà bây giờ cũng thế, tôi vẫn ko hiểu tại sao con quay lại lộn ngược lên để quay trên chóp được? Tôi nhớ rằng nó vẫn được cuốn dây từ chân lên thân như thường, hay là do chiều cuốn dây chăng? Những con quay kỳ cục đó được gán cho một cái tên cũng kỳ cục - quay thuốn!!!
Khi chơi, cuốn một đoạn dây xung quanh con quay, bắt đầu phần chân trở lên và bao kín phần thân rồi bổ mạnh con quay xuống đất. Lực xoáy của dây khi tuột khỏi thân quay làm cho con quay quay tít và có thể di chuyển, liệng sang trái, sang phải trong thời gian có thể tới vài phút. Thông thường, con quay của ai quay được lâu thì được coi như là tốt, là thắng cuộc. Nhưng đó là một trò khá hiền lành. Trò chơi quay thứ 2, cả bọn chia làm 2 đội hoặc hơn, vẽ một vòng tròn rồi nhốt quay của một số vào vòng tròn đó (tôi ko nhớ kỹ nhưng dường như mỗi đội được chọn 1 ngưòi đội trưởng có quay ko bị nhót lúc bắt đầu) rồi những ngưòi có quay ko bị nhốt lần lượt bổ với mục đích là cứu quay đồng đội (đánh văng ra khỏi vòng) và giữ quay đối thủ trong vòng. Mỗi khi có một con quay được cứu ra là sức mạnh của đội tăng thêm một ít nên ai cũng muốn được ra, do vậy cả bọn đứng chờ thi nhau hô hét ầm ĩ. Có những trường hợp quay được đánh ra đến vạch ngăn cách rồi lại bị đội bạn đánh bật vào trong, rất là hồi hộp... Trò chơi trở nên gay cấn nhất khi có những con quay bị đinh sắt bổ trúng mạnh quá, thay vì văng ra lại bị vỡ toác - khi đó chủ nhân sẽ bị chê cười ra trò. Có những trường hợp đinh sắt bổ trúng thân quay gỗ rồi cắm sụt vào đó luôn, ko quay nổi nên bị giam luôn. Ngày ấy, buổi chiều nào trong cái xóm nhỏ, lũ trẻ chúng tôi cũng tụ tập trước mấy gian lớp học gần gốc cây sung mà hô hét, nhảy nhót.
Chơi quay nguy hiểm. Vì đinh sắt của con quay khi bổ xuống mà lỡ trúng người ai thì chỉ có hỏng bét. Lại nữa, trong khi chơi đứa nào cũng hăng hái đứng gần vòng nhốt quay, cũng có khi con quay bị đánh bật ra văng trúng chân, tay, đau ra trò. Nhưng trẻ con, nào có biết sợ là gì, cứ chơi vui là được rồi. Vả lại bố mẹ dù nhắc nhở nhưng còn bận tối mắt tối mũi với luống rau, nối cám lợn, chuồng gà,... đâu có theo từng bước mà bắt ăn, bắt học như bây giờ? Và thật tình mà nói, chơi quay nhiều nhưng tôi chưa từng bị/thấy một tai nạn nào nặng nề cả, cùng lắm quay văng trúng thì sứt sát chân tay đôi chút.
Những kỷ niệm đáng nhớ
Kỷ niệm đầu tiên liên quan đến một cậu bạn rất tinh quái. Ngày đó tôi vốn chân tay vụng về nên ko đẽo được, hay phải mượn quay người khác để chơi - cũng có đôi khi có anh nào đó cho lại một con quay cũ. Lần ấy, một cậu trong xóm, tên là Thủy, đang chơi thì phải về ăn cơm trưa nên tôi mượn quay cậu ấy để chơi. Chơi xong rồi, tôi đem qua nhà cậu ấy để trả, cu cậu vẫn chưa ăn xong nên bảo tôi cứ quẳng ngoài sân, tôi làm theo và ra về. Ai dè chiều hôm đó, anh chàng ma mãnh sang nhà tôi, nói là tôi chưa trả quay và nằng nặc đòi bắt đền, rồi mè nheo cả bố mẹ tôi nữa. Tôi còn bé, mồm miệng chậm chạp, chỉ biết phân trần với bố mẹ là đã trả rồi mà ko biết biện luận thêm ra sao còn anh bạn kia thì mồm năm miệng mười nói lên nói xuống ầm ĩ. Giờ nghĩ lại, chắc bố mẹ tin tôi, vì ko mắng mỏ tôi gì hết, nhưng cũng thương và bực mình nên ngay chiều hôm đó, bố vác con dao rựa trèo tít lên cây bạch đàn rõ to và cao chỗ đầu hội trường, chặt xuống một cành rồi ngồi kỳ cục đẽo một con quay để tôi mang qua đền cho Thủy. Sau đó bố đẽo luôn cho tôi một con nữa nhưng do ko để ý nên chặt béng nửa cái chóp nón, thành ra con quay có hình nón cụt :-D. Lúc mang sang trả, cậu kia còn ra vẻ kêu ca vì cái nón cụt đó nhưng rồi cũng nhận, và ngay hôm sau vác con quay nón cụt và con quay mà cậu ta giấu đi để kêu tôi chưa trả ra chơi. Con quay nón cụt của tôi bị lũ nhóc cười nhiều lắm, tôi có phàn nàn với bố và bố giải thích làm sao đó, tôi hài lòng và ko kêu ca gì nữa. Ờ, đến tận bây giờ tôi vẫn hình dung ra hình ảnh bố mang con dao rựa trèo lên cây bạch đàn chặt cành đẽo quay cho tôi đền anh bạn.
Kỷ niệm thứ hai vui hơn. Đó là khi bố mang từ cơ quan về cho tôi một con quay nhỏ, đen nhánh, có mũ và thân tạo thành một hình cầu chứ ko phải bán cầu và hình trụ như quay trứng gà. Con quay đó ko phải bằng gỗ mà làm từ một thứ nhựa cứng nào đó, rất trơn và bền, thành ra chiến đấu tốt vì hạn chế được lực bổ của các con quay khác. Mỗi tội con quay hơi nhỏ (đường kính tầm 3cm) nên ko thuận tiện để tấn công lắm. Hóa ra con quay đó là một chi tiết nào đó trong ô-tô, bố xin từ xưởng sưả chữa về cho tôi.
Kỷ niệm thứ ba ghi dấu một phát kiến của chính tôi!! Vốn bọn nhóc học sinh cấp 1 chúng tôi ham chơi quay lắm, giờ ra chơi tụ tập ngoài sân trường bổ nhau đã đành, ngồi trong lớp cũng móc quay ra nghịch. Nhưng vì ngồi trong lớp, chỉ có thể chơi quay trên bàn, trên ghế hoặc trong ngăn bàn nên con quay phải rất nhỏ. Đợt đó sinh ra phong trào đẽo quay nhỏ từ các cành cây chỉ to bằng ngón tay cáu, thường là từ cành duối, cành bưởi hoặc mít. Tôi có anh bạn rất khéo, tên là Tuân, học trên một lớp, là chuyên gia đẽo gọt, hay cho tôi những con quay tí hon gọt từ cành duối. Tuy nhiên phong trào giảm kích thước cho con quay bị dừng lại ở những con quay đường kính cỡ 1.5-2cm vì khi quay nhỏ quá, phần chân và đinh ko sao thi công được. Ngoài ra dùng dây chơi quay, khi bổ, cánh tay phải vung lên nên dễ bị thầy cô phát hiện. Hồi đó, một cách tình cờ, tôi phát hiện ra quả bạch đàn có hình dáng giống y hệt một con quay!!! Có đầy đủ mũ, thân, chân, đinh - tất cả trong những quả bạch đàn khô chỉ nhỉnh hơn hạt đỗ đen một chút. Thế là phong trào chơi quay trong lớp có một vị thần đến giúp, túi áo ông nào cũng co một đống quả bạch đàn. Khi chơi lại ko cần dây, chỉ cần vê vê quả bạch đàn bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ rồi búng ra, thế là quay tít rồi...
Đã hơn 20 năm trôi qua, anh bạn Thủy tinh quái ngày đó cùng mẹ chuyển đi sau đó một hai năm, từ đó ko biết tin tức thế nào. A.Tuân đi lính, lần gần nhất cách đây vài năm biết tin, nghe nói đóng quân trong Ninh Bình, giờ cũng ko biết ra sao.... Thời gian trôi nhanh thật...
@Cập nhật: Google thử với từ khóa "chơi quay", không ngờ tìm được rất nhiều trang nói về trò chơi này. Thế mới biết cũng nhiều người mong muốn giữ ghìn quá khứ...
- Về con cù, diễn đàn vậy lý.
- Ảnh trẻ con chơi quay, diễn đàn photo.vn.
- Trò chơi những năm 60, blog Hà Nội moment.
- Thơ ấu trong tôi là kỷ niệm 1 - Chơi quay, blog của an_teka, bài viết ngày 4/6/07, mới coong.
- Trò chơi thuở ấu thơ - Diễn đàn Thanh niên Xa mẹ, chả biết là Thăng Long xưa hay Thăng Long xịn :-D.
- and more...