Sunday 14 October 2007

Quyết định bất thường của hiệu trưởng ĐH Ngoại thương - Một bài báo tại sao bị xóa?

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=96088&ChannelID=71

Tuy nhiên bài viết tại link trên đã bị xóa sau 1/2 ngày gì đó, không có bất cứ giải thích tại sao.

May mà một số SV đọc và copy lại bài báo. Đọc phát cho vui, hiểu thêm về xxx.

Quyết định bất thường của hiệu trưởng ĐH Ngoại thương

TP - Lâu nay, trường ĐH Ngoại thương là một trong những trường có danh tiếng trong "làng đại học". Tuy nhiên, gần đây trong nội bộ nhà trường nảy sinh khiếu kiện phức tạp, bởi những quyết định bất thường của GS.TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng nhà trường.

Trung tâm LIC mang danh trường ĐH Ngoại thương nhưng thực chất như doanh nghiệp, kinh doanh theo kiểu "lời ăn, lỗ chịu"
Quyết định bất ngờ
Ngày 29/6/2007, trong khi nhà trường đang nghỉ hè thì Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu cùng lúc ban hành 3 quyết định về tổ chức:
Quyết định tách khoa tiếng Anh thành hai khoa tiếng Anh Thương mại và tiếng Anh chuyên ngành; quyết định cử PGS, TS Đỗ Thị Loan, Chủ nhiệm khoa Sau ĐH, kiêm giữ chức Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh Thương mại, kể từ ngày 1/7; quyết định cử ThS Phạm Gia Trí, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và phát triển hợp tác Quốc tế (LIC), kiêm giữ chức Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh chuyên ngành.
Nhận được thông tin về các quyết định trên, giáo viên Khoa tiếng Anh ngỡ ngàng, hoang mang. Trong đơn gửi báo Tiền phong họ cho biết, một quyết định quan trọng như vậy nhưng không hề "được biết, được bàn", ngay cả ban chủ nhiệm khoa cũng không được thông báo trước.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Hoạt, Chủ nhiệm khoa tiếng Anh (cũ) bất bình: "Quyết định giải thể khoa và ban chủ nhiệm khoa cũ cũng chỉ thông báo lạnh lùng rằng, Ban chủ nhiệm Khoa tiếng Anh (cũ) đã hoàn thành nhiệm vụ và phải bàn giao mọi công việc cho hai chủ nhiệm khoa mới từ ngày 1/7/2007. Trong khi đó, nhiệm kỳ của Ban chủ nhiệm khoa cũ phải đến 2010 mới kết thúc".
Trao đổi với Tiền phong, ông Châu cho biết: Việc tách khoa là cần thiết và hiệu trưởng có toàn quyền quyết định. Mặt khác, Khoa tiếng Anh hiện có đến 72 cán bộ, nên cần phải tách để dễ quản lý.
Bên cạnh đó, lâu nay Ban chủ nhiệm khoa này quản lý yếu, dẫn đến tình trạng giáo viên chậm giờ, vi phạm kỷ luật ngày càng tăng...". Trả lời câu hỏi "Vì sao khoa có nhiều giáo viên vi phạm kỷ luật nhưng vẫn được xếp loại thi đua tiên tiến?", ông Châu nói: "Phải xuất sắc chứ tiên tiến thì ăn thua gì!?".

Bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn
Theo quy định, chủ nhiệm khoa phải là tiến sĩ, tuy nhiên, ông Phạm Gia Trí, được bổ nhiệm Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh mới chỉ có bằng thạc sĩ. Còn bà Đỗ Thị Loan, đủ tiêu chuẩn về bằng cấp nhưng theo quy định, tháng 4/2007, bà Loan đã đủ tuổi nghỉ hưu (bà Loan sinh ngày 12/4/1952).
Như vậy, cả hai nhân sự được ông Châu cử làm lãnh đạo hai khoa mới đều không đủ tiêu chuẩn. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hoạt, là một trong số ít tiến sỹ ngôn ngữ (tiếng Anh), chuyên gia đầu ngành về tiếng Anh của Việt Nam, đương kim Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh cũ lại không được tin dùng?
Trả lời câu hỏi này, ông Châu nói: Trước khi chọn nhân sự cho hai khoa mới, trường lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt trong trường thì ông Hoạt chỉ được 17%, trong khi bà Loan được 79%, ông Trí được 72%.
Ở đây, trường ĐH Ngoại Thương đã lấy tín nhiệm nhầm đối tượng, bởi việc chọn cán bộ là để về lãnh đạo và quản lý hai khoa tiếng Anh, chứ không phải làm lãnh đạo trường (hiệu trưởng hoặc hiệu phó). Vì vậy, đối tượng để lấy tín nhiệm đáng ra phải là 72 cán bộ, giảng viên của Khoa tiếng Anh. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm đó để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cho hai khoa là không thỏa đáng.
Giải thích việc lấy tín nhiệm "bất thường" không đúng đối tượng trên, ông Châu nói: "Chúng tôi không bổ nhiệm cán bộ (dù quyết định có ghi rõ về việc bổ nhiệm cán bộ- PV), mà chỉ cử cán bộ quản lý khoa. Hiện chúng tôi đang làm thông báo để tuyển lãnh đạo cho hai khoa này".

Tạo điều kiện để cán bộ kinh doanh "trên đầu" sinh viên?
Theo phản ánh của nhiều cán bộ trường ĐH Ngoại thương, sở dĩ ông Châu "mạnh tay" bổ nhiệm ông Trí dù ông này không đủ tiêu chuẩn là vì ông Trí và ông Châu có mối quan hệ "trên mức bình thường"? Hiện ông Trí đang là Giám đốc Trung tâm LIC.
Theo ông Châu, đây là Trung tâm do trường thành lập. Trung tâm có tài khoản và con dấu riêng, hạch toán độc lập và nộp 10% doanh thu hàng năm cho trường. Như vậy, dù mang danh trung tâm của trường nhưng với cơ chế hoạt động đó, nó như là một doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh theo kiểu "lời ăn, lỗ chịu".
Chính vì lý do đó, nhiều cán bộ của trường khi biết ông Trí được bổ nhiệm kiêm Chủ nhiệm khoa tiếng Anh chuyên ngành đã phản ứng, vì cho rằng như vậy là "xung đột lợi ích". Bởi đồng thời với việc bổ nhiệm ông Trí, từ năm học 2007-2008, trường ĐH Ngoại thương còn áp dụng đào tạo tiếng Anh với chuẩn đánh giá là TOEIC.
Theo đó, mỗi sinh viên phải thi TOEIC đạt từ 600 điểm trở lên mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Mỗi sinh viên thi chứng chỉ TOEIC phải đóng 25 USD. Khoa tiếng Anh chuyên ngành do ông Trí làm chủ nhiệm được giao đào tạo tiếng Anh TOEIC, mà Trung tâm LIC của ông Trí lại luyện thi và tổ chức thi chứng chỉ TOEIC. Với việc bố trí cán bộ kiểu "khép kín" như vậy, khó tránh khỏi việc cán bộ lợi dụng chức vụ để kinh doanh trên chính sinh viên của trường.

Nhóm PV