Friday 7 May 2010

Đố ngài Bộ trưởng nào dám từ chức đấy!

Thứ nhất, việc từ chức chỉ thực sự có giá trị khi chính bản thân Bộ trưởng chủ động nhận ra bằng ý thức trách nhiệm và danh dự bản thân trước những sai phạm trong lĩnh vực quản lý của mình. Thứ hai, người dân nên quen với việc một vị lãnh đạo nào đó từ chức do sai phạm trong phạm vi điều hành của họ vì đây là một hành vi hết sức bình thường.



Trích từ bài viết "Đố Bộ trưởng nào dám từ chức và một kẻ lắm mưu..." của Trực Ngôn đăng trên Tuần Việt Nam ngày 7/5/2010. Ờ mà hôm nay là kỷ niệm chiến thắng Điện BiênPhủ mà không ai nói gì nhỉ, dù ko phải năm chẵn để kỷ niệm to thì cũng nhắc qua một cái thì phải.

Trong chương trình thời sự của VTV1 tối qua ( 6/5) có tin về vụ thu hoạch mía của Cuba thất thu. Lý do là thời tiết khắc nghiệt và một số lý do chủ quan khác nữa. Và với chỉ một vụ mía thất thu, Ngài Bộ trưởng Bộ mía đường Cuba đã xin từ chức.

Nghe vậy mà lòng đầy cảm xúc lẫn lộn. Từ bên này trái đất, lòng tôi hướng về Cuba và tỏ lòng ngưỡng mộ ngài Bộ trưởng. Và "trông người lại ngẫm đến ta". Biết bao giờ ở nước Việt Nam này có một ngài Bộ trưởng đứng lên xin từ chức nhỉ ? Tôi xúc động và đầy suy tư nói với mấy người bạn, thì một người trề môi nói : " Có mà đến mùa quýt. Ông đúng là thằng viển vông". Rồi ông bạn ngửa cổ ngâm một câu ca : " Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Sao đẻ dưới nước thì Bộ trưởng nước ta từ ...chức".

Nghe ông bạn tôi ngâm nga, lòng tôi cũng thấy tưng tức, bèn hỏi : Ông chỉ cho mọi người xem ở nước ta ngài Bộ trưởng nào đáng từ chức không ? Tôi cam đoan là nếu ngài Bộ trưởng nào đó ở nước ta mà mắc lỗi ở mức độ như ngài Bộ trưởng Bộ mía đường Cuba thì chắc họ  cũng xin từ chức. Còn nếu ông cứ khăng khăng ở nước ta cũng có vài ngài Bộ trưởng đáng từ chức và nên từ chức thì xin rà soát thử xem.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ư ? Làm gì đã đến mức ấy tuy ở Bộ này học sinh thì quay cóp, đánh thầy, chửi cô, thầy thì gạ tình lấy điểm, mua dâm học trò, cô thì bắt trò liếm ghế mà không liếm ghế thì tát cho vẹo hàm, kết quả thi tốt nghiệp một cách thực sự thì than ôi tệ hại vô cùng...

Bộ trưởng Bộ Y tế ư? Cũng làm gì đến nỗi ấy tuy rằng bác sỹ thì ăn tiền bệnh nhân, bác sỹ thì lĩnh lương trong bệnh viên nhưng mở phòng mạch ở ngoài bệnh viện, thuốc thì tăng giá vù vù mà không quản lý được, bệnh viện thì bẩn thỉu, ba bốn bệnh nhân nằm chung một giường...

Vậy thì Bộ trưởng Bộ xây dựng ư ? Càng không đến mức ấy tuy rằng Bộ này xây nhà thì sai quy định để đến khi cháy thì chẳng biết làm thế nào, cầu hàng ngàn tỷ xây xong thì nứt, đường hàng ngàn tỉ làm xong thì lún, công trình thì tô trát bên ngoài nhưng vòng tay rút ruột bên trong...

Có lẽ mấy ông Bộ trưởng của nước người như nước Cuba anh em kia chắc sai xót trầm trọng lắm mới đệ đơn từ chức. Mà có lẽ, làm Bộ trưởng ở nước ngoài nó khác làm Bộ trưởng nước mình.
Kể ra bài viết cũng đáng được suy nghĩ, cả đối với người dân lẫn các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên hình như tác giả nhầm lẫn ở việc chưa có bộ trưởng nào từ chức. Ở Việt Nam đã có hai trường hợp bộ trưởng xin từ chức: Một là Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ sau khi đã buông lỏng quản lý, để Công ty Tiếp thị đầu tư thương mại do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc vi phạm pháp luật, làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng; và hai là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình sau khi hàng loạt bê bối tại bộ này bị phanh phui từ vụ PMU18, cộng thêm một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong đó có vụ lật tàu E1 thảm khốc mà báo chí cho biết ông Bình vẫn đi tắm bùn sau khi đã biết thông tin về vụ tai nạn. Như vậy nói chính xác thì đã có 2 bộ trưởng xin từ chức và đều được Chính phủ chấp thuận.

Tuy nhiên (lại tuy nhiên),  người theo dõi thời sự sẽ thấy cả hai vị Bộ trưởng này đều không xin từ chức chỉ vì chủ động tự thấy trách nhiệm lớn của bản thân trong việc để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý của mình mà bởi các nguyên nhân khác. Trường hợp ông Lê Huy Ngọ, đã có người đặt câu hỏi "việc từ chức của ông Ngọ có thực sự đáng khâm phục" và đưa ra những phân tích đáng xem xét? Trường hợp ông Đào Đình Bình, mặc dù có nhiều tranh luận xung quanh việc miễn nhiệm hay cách chức ông, cuối cùng Thủ tướng đã ra quyết định miễn nhiệm nhưng lại đưa chung vào danh sách một số lãnh đạo khác được miễn nhiệm một cách bình thường. Vì lý do đó, chỉ có 58.6% đại biểu Quốc hội phê chuẩn quyết định của Thủ tướng và có tới 31.03% yêu cầu bãi nhiệm thay vì miễn  nhiệm ông Bình. 58.6% thông qua là một tỷ lệ thấp nhất từ xưa đến nay trong hoạt động Quốc hội đủ thấy sự bất bình đối với việc cho phép ông Bình "hạ cánh an toàn" như thế nào.

Ta có thể rút ra bài học gì từhai sự kiện xin từ chức này? Thứ nhất, việc từ chức chỉ thực sự có giá trị khi chính bản thân Bộ trưởng chủ động nhận ra bằng ý thức trách nhiệm và danh dự bản thân trước những sai phạm trong lĩnh vực quản lý của mình chứ không nên khăng khăng bám lấy vị trí cho tới khi bám không nổi mới đành xin từ chức như ông Đào Đình Bình. Thứ hai, người dân nên quen với việc một vị lãnh đạo nào đó từ chức do sai phạm trong phạm vi điều hành của họ vì đây là một hành vi hết sức bình thường, không nên vì thế mà quay lại ca ngợi họ. Tất nhiên việc người có trách nhiệm thành tâm hối tiếc và xin từ chức là đáng ghi nhận, nhưng nếu người dân lại thi nhau khen ngợi hành động này thì vô hình chung đã xử lý quá theo cảm tính và trong chừng mực nào đó làm giảm bớt giá trị của hành động từ chức kia.