Tuesday 18 May 2010

Ngụy biện 21 - Đảo ngược điều kiện

Ngụy biện 21 thường được biểu hiện qua hình thức “Nếu A xảy ra thì B sẽ xảy ra, do đó, nếu B xảy ra thì A sẽ xảy ra”. Hình thức này được Thứ trưởng biến tấu thành “Nếu A xảy ra thì B sẽ xảy ra nên nếu A không xảy ra thì B sẽ không xảy ra” với A là "QH phê duyệt dự án" hoặc "bố mẹ đồng ý cho cưới" và B là "sẽ bàn cụ thể về hiệu quả kinh tế" hoặc "bàn những việc cụ thể cho đám cưới".

Recommend người đọc bài này thêm bài viết rất hay của blogger NVP: Việt Nam có cần đưa người lên Mặt Trăng không?


Đọc bài viết về các thủ thuật ngụy biện cảm thấy được soi sáng thêm nhiều do có thể  "chỉ mặt gọi tên" các tình huống ngụy biện trong cuộc sống. Tình huống dưới đây tham khảo từ VnEconomy để phân tích.
Trong phiên họp báo trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa 11, trước các câu hỏi về dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc - Nam, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng kiêm người phát ngôn của QH cho biết: QH sẽ có nghị quyết về việc có làm hay không, còn hiệu quả đầu tư sẽ được xem xét sau khi có báo cáo khả thi.

Ủng hộ ý này, ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ GTVT nói dự án xin QH đồng ý về chủ trương đầu tư lần này mới chỉ là báo cáo đầu tư nên không cần phải có những nội dung chi tiết. Ông ví von: "Bố mẹ chưa đồng ý cho con cái cưới vợ thì chưa thể bàn những việc cụ thể hơn".
Ở đây Thứ trưởng Đức đã áp dụng một biến thể của thủ thuật ngụy biện số 21 - Đảo ngược điều kiện. Ngụy biện 21 thường được biểu hiện qua hình thức “Nếu A xảy ra thì B sẽ xảy ra, do đó, nếu B xảy ra thì A sẽ xảy ra”. Hình thức này được Thứ trưởng biến tấu thành “Nếu A xảy ra thì B sẽ xảy ra nên nếu A không xảy ra thì B sẽ không xảy ra” với A là "QH phê duyệt dự án" hoặc "bố mẹ đồng ý cho cưới" và B là "sẽ bàn cụ thể về hiệu quả kinh tế" hoặc "bàn những việc cụ thể cho đám cưới".

Một cách đơn giản và hoàn toàn thực tế là trong cuộc sống, ngay khi xin phép bố mẹ cho cưới là chàng trai và cô gái phải trình bày với các cụ một cách tương đối về kế hoạch tương lai (nhà cửa, công việc,...) để các cụ nhận thấy sự nghiêm túc, chín chắn của hai người mà còn phê duyệt. Hơn nữa, sự nghiêm túc, chín chắn đó đã phải được thể hiện trong quá trình hai người yêu nhau rồi. Tất nhiên khi cha mẹ đã được thuyết phục và đồng ý rồi thì sẽ cùng bàn thêm một số vấn đề cụ thể hơn, nhưng chủ yếu mang tính hình thức, cho đám cưới và bố trí cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ. Còn nếu khi xin cưới, nhạc phụ đại nhân tương lai ân cần hỏi "thế các con dự định cuộc sống tương lai thế nào?" mà anh chàng lại thủng thẳng "thì bố mẹ cứ đồng ý đi, đồng ý rồi bố con mình tính sau" thì cứ gọi là... :))

Xét về logic hình thức thì Thứ trưởng khẳng định mệnh đề sau là chân lý: (A → B) → (¬A → ¬B) . Nhớ rằng ¬(¬A) ≡ A, (A → B) ≡ (¬A ∪ B) và ¬(A ∪ B) ≡  ¬A ∩ ¬B, ta có biến đổi tương đương:

(A → B) → (¬A → ¬B) ≡
¬(¬A ∪ B) ∪ ¬(¬A) ∪ ¬B ≡
(A ∩ ¬B) ∪ (A ∪ ¬B)

Dễ thấy nếu cho A = False, B = True thì mệnh đề sai nên nó không phải chân lý, Thứ trưởng đã lý luận nhầm lẫn. Cặp giá trị A, B này cũng có nghĩa tương đương là "con cái trình bày để xin cưới" mà "bố mẹ không đồng ý", hay áp dụng vào tình huống ĐSCT là "Chính phủ trình bày kỹ hiệu quả kinh tế" nhưng "Quốc hội vẫn không duyệt", vì thấy kế hoạch không đủ độ tin cậy chẳng hạn.

Qua đây cũng thấy được luận điểm của Chủ tịch VPQH cũng mang tính ngụy biện. Một siêu siêu dự án trải dài 1570km, mỗi km ước tính sẽ tốn 680 tỷ VNĐ để xây dựng, tổng chi phí tới gần 56 tỷ USD mà lại muốn được thông qua trong khi chưa tính đến những rủi ro về kinh tế là điều không thể. Để dễ hình dung mức độ tốn kém của dự án thì tổng dự trữ ngoại hối quốc gia tính tới tháng 6 năm 2009 chỉ vào khoảng 16 tỷ USD, chỉ bằng 1/3 số tiền trên. Lại nên nhớ thêm rằng đầu tư ở Việt Nam mình, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản, số tiền thực chi cuối cùng bao giờ cũng đội lên rất nhiều so với dự kiến ban đầu. Cách đây 3 năm, việc xây dựng ĐSCT Bắc - Nam đã có những bước khởi động nhưng chi phí dự kiến lúc đó chỉ là 32,6 tỷ USD với chiều dài lớn hơn, lên tới 1630km.

Lý lẽ của Chủ tịch Đàn và Thứ trưởng Đức còn mang tính ngụy biện xét ở một số góc độ khác, ví dụ thủ thuật 16 - Đơn giản hóa và kèm theo nó là thủ thuật 18 - Khái quát không đúng chỗ: Một dự án khổng lồ về quy mô địa lý & tài chính, phức tạp về kinh tế, lâu dài (và do đó mang tính bất ổn cao) về thời gian như vậy thì không thể mang cái tình huống đơn giản là chuyện cưới xin của một người ra để minh họa và khái quát lên được.

Lúc nãy có cô em gái làm test trên Facebook được khuyên là nên chống đẩy 50 cái, tớ vào hỏi "Thế em làm rồi thấy kết quả thế nào?". Ấy là tớ cũng ngụy biện theo kiểu "nhét chữ vào miệng người khác", giả định rằng em ấy đã tiến hành chống đẩy. Nhưng một cái ngụy biện kiểu vui đùa, trêu nhau như vậy thì vô hại, còn ngụy biện như hai bác Đàn và Đức thì nguy hiểm...

Viết thế này nhưng bạn nào bảo tớ phản đối dự án ĐSCT là bạn ấy lại ngụy biện! B-) Tớ chỉ ra để những vị chủ trương xây dựng tuyến đường này chuẩn bị các lý lẽ, luận điểm xác đáng mà thuyết phục QH, thuyết phục  nhân dân thôi. Điều đó ko hề ngụ ý là tớ phản đối dự án. Nhưng nói thế này mà bạn nào lại bảo tớ ủng hộ dự án thì lại ngụy biện nữa, cuộc sống đâu chỉ có đúng và sai? :-)