Tuesday 28 July 2009

Hồi ức về một người điên

Khoảng năm 92-93 gì đó, có lẽ một số người sống ở cái thị trấn miền núi nhỏ bé ấy còn nhớ người này. Đó là một người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi, dáng cao cao và khắc khổ, nước da vượt quá mức đỏ do rám nắng để chuyển dần sang pha giữa đỏ nâu và nâu đất, và ấn tượng cá nhân là ông ấy có cái đầu to hơi mất cân đối. Người đàn ông này thường xuất hiện trên một chiếc xe đạp cà tàng, mặc áo vải ngắn tay màu nâu sậm (sáng hơn chút ít so với màu da), buông 2-3 chiếc cúc trên cùng, quần vải thô và đeo dép tông. Lần nào xuất hiện cũng như lần nào, ông đạp xe dọc con đường chính của thị trấn, khuôn mặt khắc khổ đầy vết nhăn hết hướng sang bên này tới bên kia đường để... chửi, chửi chính quyền. Ngày ấy còn quá nhỏ trong sự chăm lo mọi mặt của cha mẹ, suốt ngày quanh quẩn chuyện ăn học nên không hiểu và cũng không nhớ cụ thể những câu chửi. Chỉ ấn tượng rằng người đàn ông ấy ôm một nỗi phẫn hận ghê gớm trong lòng, rằng gương mặt đỏ căng lên vì chửi, đôi mắt căng lên đầy giận giữ kia vẫn chỉ diễn tả phần rất nhỏ mối hờn căm chất chứa bên trong. Hỏi bố mẹ. Bố mẹ bảo: "Ông ấy bị điên con ạ". Người dân sống dọc con đường cũng như những người qua lại, đã quá quen với hình ảnh ấy, cũng chỉ ngước nhìn, chỉ cho đôi chút, rồi cười cười buông nhẹ "Người điên".

Mà đợt ấy chả thiếu gì người bị gọi là điên, không hiểu sao. Đó là những người ăn mặc rách rưới, lê la trên đường, nằm lăn quèo dưới những gốc nhãn gần cổng bệnh viện, khi cười khi khóc, nghênh nghênh ngô ngô, và sằng sặc đuổi theo bọn trẻ con cứ vây quanh trêu chọc. Nhưng người đàn ông này không thế. Quần áo ông ta tồi tàn nhưng sạch sẽ. Khuôn mặt ông ta kể cả lúc nhăn nheo vì giận dữ cũng không có nét ngờ nghệch. Ông ta không bao giờ lê la, không bao giờ đuổi theo những người chỉ chỏ, không bao giờ phá phách hay dọa nạt bất cứ ai. Ông ta chỉ đạp xe dọc con phố, và chửi bới sự thối nát nào đó của chính quyền. Chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe nói về gia đình, vợ con ông ta cả.

Gần đây, đọc loạt bài về 4 nông dân chống tham nhũng ở Quảng Trị bị trù dập, trả thù tàn tệ: Bị thả tờ rơi nói xấu, bị hô hào đuổi ra khỏi làng, người thân bị lăng mạ, bêu rếu, bị truy bức tập thể, bị dọa nạt, bị cách chức, người bị cắt điện không lý do gần 2 năm trời, người bị cán bộ xốc nách lôi về trụ sở UBND xã đánh hội đồng (may mà có người quay lại được cảnh bị đánh chứ không thì không những ko có chứng cứ mà lại bị buộc thêm tội "chống đối người thi hành công vụ"), người bị công an xã chém, người bị kẻ nào đó tháo nước ao nuôi cá,..., tự nhiên nhớ tới "người điên" ngày ấy.

Ở những năm mà thông tin báo chí đã khác nhiều so với gần 20 năm trước, thời mà các cấp lãnh đạo từ cao xuống thấp đâu đâu cũng hô hào chống tham nhũng, thời mà hiệu quả chống tham nhũng là một tiêu chí để hội nhập và nhận sự trợ giúp của quốc tế mà sự kiện này vẫn xảy ra. Thì đặt giả thuyết, gần 20 năm trước, nếu người đàn ông kia bị đối xử như vậy thì ông ta sẽ ra sao? Thông tin rộng rãi mà cán bộ còn lộng hành như vậy, thì gần 20 năm trước, người ta có thể làm những điều tương tự không?

Năm 1994, tôi rời khu thị trấn nhỏ ấy lên đường đi trọ học, rồi từ đó con đường học hành và công việc ngày càng dẫn đi xa. Hồi đầu mỗi lần quay lại cũng ở được 1-2 tháng trời, giờ chỉ ở được vài ngày đến 1 tuần là hết cở. Từ đó không nhìn thấy người đàn ông đó, cũng không thấy ai nhắc tới ông ta cả, không hiểu ông ta còn hay mất. Lại loáng thoáng trong đầu câu chuyện với một người bạn cũ, "Cả đời say việc gì ta tỉnh" vs "Đời say tiên sinh tỉnh, đời tối tiên sinh sáng". Xét cho cùng, đời say tiên sinh tỉnh, hay đời tỉnh tiên sinh say có gì khác nhau đâu? Quan trọng là thái độ và sự lựa chọn của tiên sinh mà thôi.

Nhưng với một người dân bình thường, không cần thái độ, không cần lựa chọn, mà chỉ cần một cuộc sống lương thiện bình thường, nếu không được thì sẽ làm sao?

Viết bài này như một lời chia sẻ với người đàn ông gần 20 năm trước, cho dù ông đã mất hay còn. Tôi biết rằng ông không điên...