Monday 14 July 2008

Nước Việt Nam ta nghèo hay không nghèo - Tức cảnh cơm bụi

333 magnify

Hàng cơm bụi cuối tuần, giờ ấy cũng vãn khách, 2 đứa chắc là khách cuối. Đối diện có gốc cây dâu da xoan, một bà già ôm cái bọc vải, tựa lưng ngủ gật. Nói chuyện lăng nhăng, ăn lưng bát cơm chan canh chua, thì mình dừng đũa. Vừa lúc ấy thì có một chị gánh dưa hấu đến ngồi cạnh. Chị hàng cơm vừa nhìn thấy đã bảo: “Hôm nay hết nước sấu rồi nhá, còn ít canh cải thôi”. Chị hàng dưa hấu: “Từ sáng đến giờ em chỉ dám loanh quanh mấy cái ngõ, chưa bán được quả nào. Hôm trước thì bị bắt cả mẹt dưa lẫn cái xe đạp, chạy được mỗi cái cân. Cả ngày hôm qua chỉ có 2 người khách. Thôi, chị cho em ít nước trà vậy”. Chị hàng cơm: “trà đá không cho không được đâu. Nghìn rưởi”. Chị hàng dưa hấu ngần ngừ: “Vâng”. Lưng bát ôtô cơm được dọn ra với một cốc trà đá.


Mình và bạn nhìn nhau, muốn mời chị hàng dưa hấu mà ngại chị tự ái, nên chọn mua 2 quả dưa, bảo, chị cứ ăn cơm xong rồi cân cũng được. Rồi mình lân la gạ gẫm: “Bọn em gọi nhiều thức ăn quá, chị ăn cùng bọn em cho vui”. Nói thế thôi, chứ lúc đó mình ăn xong rồi. Chị hàng dưa hấu chả khách khí gì: “Không ăn nữa còn cái gì cứ cho tôi, tôi ăn tất”. Mình chuyển mấy đĩa thức ăn gần như còn nguyên cho chị bán dưa hấu, tán phét với bạn một lúc rồi trả tiền cơm, tiền dưa. Vừa dợm chân đứng dậy thì bà cụ ngồi gà gật dưới gốc cây xoan chạy ra, trút ngay bát cơm còn thừa ở trên mặt bàn mình vào cái bát nhựa cầm tay, đổ nốt bát nước mắm vào, rồi hớt hải chạy lại gốc cây, ngồi bốc ăn. Mắt mình cay xè. Mình ra, bảo: “Bà ơi, bà ăn gì vào hàng cơm, con gọi biếu bà”. Bà cụ giương đôi mắt kèm nhèm lên nhìn mình: “Cảm ơn cô, con không dám đâu”. Mình ra bảo chị hàng cơm: “Chị mang cho cụ ít thức ăn, em trả tiền”. Chị hàng cơm: “Kệ bà ấy đi, tôi không tiếc của đâu nhưng cứ quen thói chầu chực ở đây khách ăn mất cả ngon, rồi tôi mất khách”.


Mình đứng đần một lúc, ra giúi vào bà cụ tờ tiền, rồi cúi mặt chuồn mất.

Những chuyện này không hiếm đâu. Cảnh đời buồn nhiều quá, mình thì không đủ giàu và cũng không đủ sức cưu mang giúp đỡ tất cả. Một bữa cơm trưa, một tờ tiền nhỏ, chẳng giúp đời một ai sáng lên, chứ đừng nói làm ít đi cảnh khổ.


Điều đáng sợ là chẳng cần đi đâu xa, chả cần đọc báo giật gân mới thấy gân giật. Cuộc sống bình thường đã đầy rẫy những cảnh sống khổ quá mức bình thường. Và ngày càng nhiều hơn.


Đã lâu mình chẳng làm gì về mảng văn hoá nghệ thuật nữa. Trong một hoàn cảnh như thế này, mình đâm nghi ngờ về sự hưũ ích của văn hoá nghệ thuật, nhất là cái kiểu đàn ca hát xướng mũ ni che tai chớp mắt giả nai của đời sống văn hoá nghệ thuật bây giờ.


Sếp giao làm 2 trang chuyên đề, mình toàn làm về kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông, môi trường… là những thứ mình thấy ít nhiều thiết thực hơn cho số đông bạn đọc. Phóng viên càng có kinh nghiệm càng ngại mất thời gian, ngại khó, ngại va chạm. Muốn khó tính hơn, nhưng có nhiều cái kẹt lắm, ví dụ bài bỏ nhiều công sức nhuận bút không bằng bài lười, mình thì không phải người gỡ được, nên thôi, cứ cố gắng làm tốt nhất ở mức hoàn cảnh cho phép.


Mình cùng nhiều người xung quanh mình vẫn cố gắng làm một số thứ để cuộc sống từng chút từng chút bớt tệ đi, nhưng đôi khi cảm thấy thật mỏi mệt và tuyệt vọng, công việc của chúng ta có gì giống như dùng giẻ bịt từng lỗ rò rỉ trên con tàu đang chìm, vừa bịt chỗ này chỗ khác lại bật ra, nước tràn vào nhiều và mạnh hơn.


Thật tình, mình là đứa may mắn, là đứa đang mang nợ xã hội. Mình không xuất sắc hơn nhiều người phải sống thiếu thốn hơn mình, cũng không làm việc vất vả nguy hiểm như nhiều người vẫn đang sống khổ hơn mình. Mình đang thuộc số người may mắn bay là là bên trên những nghèo khổ, cùng cực (trong khi rất đông bạn hơn cũng đang bay là là trên mình và nhiều bạn khác lại bay là là phía trên các bạn ý).


Nhưng còn những người nông dân mất đất, công nhân lương chỉ đủ ăn rau, người bán hàng rong nuôi mấy miệng ăn giờ đã bị đuổi ra khỏi thành phố, những nhà báo sạch ngồi bóc lịch trong tù, và…, và…, và…? Chẳng lẽ sức chịu khổ, chịu nhục, chịu bất công của con người ta là vô biên?


Hôm nay, trên đường đạp xe về nhà, qua những con phố lớn rợp cửa hàng cửa hiệu, những con phố nhỏ nằm bình yên dưới bóng cây một chiều hè không nắng không mưa, mình có cảm giác mình và những người may mắn như hoặc hơn mình đang đi trên băng mỏng.


Bức ảnh trên là của anh Na Sơn, chụp ông Hai, 83 tuổi, ở chân cầu Bình Thủy (Cần Thơ). Ông vừa bị kẻ gian lấy cắp mất chiếc ghe là phương tiện kiếm sống và chỗ ở.