Sunday 8 November 2009

Hoàng Tụy và Trịnh Công Sơn

Gần đây giáo sư Hoàng Tụy có môt bức thư ngỏ trong đó nói rằng từ nay ông sẽ im lặng trước các vấn đề xã hội. Giáo sư viết:


Thưa các bạn, tôi quá mệt mỏi rồi, tuổi đã vượt xa cái hạn "xưa nay hiếm", hơn nữa từ hơn năm nay sức khỏe suy sụp. Ngoài việc chuyên môn vốn đã bận tôi phải dành khá lớn thời gian và tâm trí lo nghĩ về giáo dục nước nhà mà xem ra chỉ làm cho nhiều người tốt bị liên luỵ. Vậy xin các bạn thông cảm và lượng thứ nếu thấy tôi “im lặng đáng sợ" trong thời gian tới. Xin nhường lại công việc cho các bạn tâm huyết với nước nhà và chia sẻ với tôi niềm tin: Trong nhiều vấn đề nội bộ hệ trọng của đất nước, trước mắt không có vấn đề nào hệ trọng hơn giáo dục.

Có lẽ cũng không cần nhắc lại nhiều rằng giáo sư Hoàng Tụy hết sức tâm huyết với nền giáo dục quốc gia nói riêng, và với sự phát triển của xã hội Việt Nam nói chung qua nhiều bài viết liên tục trong nhiều năm. Đã 83 tuổi, hẳn sự mệt mỏi đã đến từ lâu nhưng có lẽ QĐ 97 & sự giải thể IDS cùng với việc bài viết của giáo sư trên báo Tia Sáng làm trang web bị thu hồi tên miền là những giọt nước làm tràn ly. Lưu ý rằng mặc dù cương quyết thực thi QĐ 97, trong bức thư phản hồi IDS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn tới cá nhân giáo sư.

Xung quanh quyết định sẽ im lặng của giáo sư Hoàng Tụy có rất nhiều ý kiến mà nhìn chung có thể chia làm 2 luồng chính: Những người ủng hộ cho rằng do tuổi tác, cụ xứng đáng được nghỉ ngơi sau mấy chục năm trời đóng góp cho nước nhà, rằng cụ cũng như con tằm đã nhả hết tơ cho đời. Những người không ủng hộ cho rằng việc cụ im lặng sẽ không biện minh được cho lời kêu gọi sự lên tiếng của lớp trẻ. Có người dẫn ra ví dụ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người còn già hơn giáo sư Hoàng Tụy, và chỉ ra việc Đại tướng vẫn tâm huyết góp ý về các sự kiện quan trọng của đất nước. Cả những người ủng hộ lẫn không ủng hộ đều có những lập luận, trích dẫn, minh chứng nhằm thuyết phục người đọc và có lẽ giữa hai luồng ý kiến, người ta khó mà đi tới điểm chung. Nhưng không sao, vì quan trọng hơn là sau các bàn luận ấy, có thể thấy còn rất nhiều người quan tâm, lo lắng tới sự phát triển của giáo dục, của Tổ quốc Việt Nam.

Cá nhân mình, tôi nghĩ khác cả hai luồng ý kiến. Tôi nghĩ tới Trịnh Công Sơn với ca khúc "Một cõi đi về" và tin rằng, mặc dù lùi về để thúc đẩy (và giành chỗ cho) lớp trẻ tiến lên, giáo sư Hoàng Tuy sẽ lên tiếng trở lại ở một thời điểm phù hợp, hoặc khi diễn ra một sự kiện nào đó.



Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người

Đó là tâm hồn, là trái tim của những con người như Hoàng Tụy, như Trịnh Công Sơn.

Sẽ không bao giờ ngừng đập trong trái tim Việt Nam...