Friday 5 June 2009

Thiên An Môn trên màn ảnh Trung Quốc!

Tiêu đề này có vẻ hơi phi lý vì ở Trung Quốc, Thiên An Môn là chủ đề tuyệt đối cấm kỵ - không ai được nhắc tới, bất kể trong phạm vi nào, bất kể bằng phương tiện nào, bất kể với mục đích gì. Tôi từng nói chuyện với một vài người Trung Quốc và họ đều không biết, hoặc biết rất ít, hoặc biết nhưng không muốn nói về chủ đề này. Trong bối cảnh đó, cách đây 3 năm, ừ năm 2006, có một bộ phim của một đạo diễn Trung Quốc, làm tại Trung Quốc đã đưa vào một số hình ảnh mà cá nhân tôi nhận thấy là một cách tái hiện rất rõ ràng một phần sự kiện Thiên An Môn. Hơi lạ lùng là trong 3 năm qua chưa từng thấy ai đặt vấn đề về sự liên hệ này.

Bộ phim đặt trong bối cảnh một cuộc xung đột cung đình và kết thúc với một cuộc chiến vợ-chồng, cha-con, huynh-đệ tương tàn. Theo phim, ông vua ghét vợ nên cho thuốc độc tác động chậm cho vợ chết dần, hoàng hâu tranh thủ lúc vua ko ở nhà để dan díu với thái tử (con vợ trước của vua), thái tử về sau muốn chấm dứt quan hệ để yêu một cung nữ con một viên quan (chính con cùng mẹ khác cha với thái tử), hoàng hậu cùng với hoàng tử thứ hai (con mình, một người có binh linh trong tay) để lật đổ nhà vua vào đúng lễ hội hoa cúc (chrysanthemum).

Trong buổi lễ, do vướng vào các âm mưu của hoàng tộc, cô cung nữ cùng hoàng hậu cũ bị giết, thái tử bị hoàng tử thứ ba đâm chết với tham vọng tranh ngôi cộng với hận thù do biết mối quan hệ đen tối giữa thái tử với mẹ mình. Hoàng tử thứ ba bố trí một nhóm quân nhằm giết vua cha để cướp ngôi nhưng bị nhóm cận vệ bí mật của vua tiêu diệt gọn, hoàng tử thứ ba bị chính tay vua hạ sát. Lúc này, hoàng hậu đứng lên và buộc chiến khăn thêu hình hoa cúc lên cổ để làm dấu hiệu cho hoàng tử thứ hai hành động. Hoàng tử thứ hai cùng đội quân cực mạnh của mình rầm rập tiến vào hoàng cung, tất cả đều mặc áo giáp màu vàng, đeo khăn vàng thêu hình hoa cúc trên cổ. Hoàng tử thứ hai vung đao chém đổ ngọn cờ lớn biểu trưng cho vương quyền hiện tại rồi cùng binh lính áp đảo và tận diệt nhóm cận vệ của nhà vua - nhóm sát thủ vừa mới tiêu diệt những người nằm trong âm mưu của hoàng tử thứ ba. Được cổ vũ bởi điều này, hoàng tử thứ hai mang quân vượt qua những cổng gác cuối cùng, chiếm khoảng quảng trường nằm sát nội điện, giày xéo lên những chậu nhỏ hoa cúc vàng đặt khắp quảng trường, và đây là nơi sự kiện Thiên An Môn được tái hiện.

Tưởng như nhà vua bó tay và chiến thắng đã gần kề cho nhóm hoàng tử hai thì nhà vua hành động. Từ phía cung điện, quân đội của vua được bố trí tự bao giờ dần dần tiến ra với hàng khiên thép rất cao làm rào chắn phía trước. Trên các hàng khiên là đội cung thủ. Phía sau là tầng tầng lớp lớp binh sĩ khác. Các cổng thành bị khép lại chặn đường lui của đội quân tấn công. Đội quân tấn công bị gói gọn trong khoảng không gian sân điện, chỉ có tiến (và chết) hoặc chết! Hàng khiên thép cứ thế tiến lên, ép đội quân của hoàng tử thứ hai như ép chả. Đội quân này tấn công trong sự cùng đường, cố gắng vượt lên những hàng khiên thép cao để tấn công nhưng vô hiệu. Từ phía sau lớp khiên, giáo mác xỉa ra qua các lỗ châu mai thiết kế sẵn, đâm gục những người đang liều lĩnh trèo lên. Một số rất nhỏ trèo lên bức tường thành làm bằng khiên được thì nhanh chóng bị số đông quân của vua thảm sát. Hàng khiên vẫn rùng rùng tiến tới, bức tường thép giờ chĩa ra tua tủa giáo gươm như lông nhím, ép những người lính hàng trước của đội tấn công như máy nghiền thịt. Khi đội khiên đã ép chặt tới mức quân đội của hoàng tử thứ hai không còn chút khoảng trống nào để di chuyển thì đội cung thủ từ trên tường thành chĩa cung nỏ xuống và bắn tên như châu chấu trong sự bất lực hoàn toàn của đội quân tấn công. Đội quân tấn công giờ chỉ là một đàn cừu, không có đường chạy, không có khả năng phản công, không có chỗ ẩn nấp nên đành đứng phơi mình chờ bị bắn chết. Kế bắt ba ba trong rọ của nhà vua tién hành hoàn hảo. Tên tua tủa bay xuống, lính giáp vàng gục xuống hàng loạt, trăm người, ngàn người, vạn người, không một ai sống sót trừ hoàng tử thứ hai, máu tràn khoảng sân, thấm đỏ những cành hoa cúc vàng, loang lổ những tấm khăn thêu hoa cúc vàng quấn trên cổ kẻ thiệt mạng. Một vụ đại thảm sát!!!

Cuối cùng chỉ có hoàng tử thứ hai bất lực chui ra từ dưới thi thể những người lính của mình để chiến đấu tuyệt vọng trước khi bị bắt. Cuộc chiến kết thúc, cung điện hoang tàn, thi thể giáp vàng ngổn ngang khắp nơi, cờ đổ, máu loang, hoa tan nát, khăn nhàu nát... Một lệnh vua ban ra, hàng loạt binh lính, thái giám, thị nữ ra tay, kẻ kéo các thi thể người chết mang đi chôn, người đổ nước lau dọn, chùi rửa bề mặt quảng trường, người dọn dẹp các chậu hoa đổ vỡ, người mang tới các chậu hoa mới để thay thế, người trải lại thảm, kéo lại cờ,.... Và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục, quảng trường được dọp dẹp sạch tinh tươm, người tươi hoa nở, thảm đỏ cờ bay, không có bất cứ chút nào dấu vế của một cuộc thảm sát đẫm máu vừa mới xảy ra. Lễ hội hoa cúc diễn ra bình thường, đúng giờ, như thể hoàn toàn không có gì xảy ra!!!

Hoàng tử thứ hai được tha chết. Nhà vua có nói một câu đại ý ngậm ngùi cho người con thứ hai do ông thực tâm muốn truyền ngôi cho hoang tử này vì thấy thái tử không có nhiều khả năng như thế. Nhà vua tỏ ra rất tiếc vì hoàng tử thứ hai đã chọn con đường mà theo ông là hoàn toàn không cần thiết, con đường khiến ông buộc phải xuống tay.

Tôi không nhớ kỹ nội dung kết thúc phim nhưng những ai biết về sự kiện Thiên An Môn đọc đến đây hẳn nhận ra mối liên hệ - ít nhất là trên mặt hình thức thể hiện - giữa bộ phim này và sự kiện. Tôi cho rằng đạo diễn phim chủ tâm dựng nội dung phim này như một cách ghi lại và phổ biến công khai nhất có thể về sự kiện này trong bối cảnh cấm đoán của Trung Quốc. Đây là một điều không mới vì việc mượn phim ảnh để truyền tải một thông điệp nào đó là một điều khá phổ biến trong điện ảnh Trung Quốc cũng như các nước khác. Chỉ ngạc nhiên là cả nhà cầm quyền Trung Quốc lẫn người xem và các nhà phê bình dường như không ai đặt ra sự liên hệ này.

Một chi tiết khác có lẽ cũng có thể lưu tâm: Đội quân âm mưu lật đổ nhà vua mặc trang phục vàng, vốn là màu của hoàng gia, biểu hiện cả mặt trời, của ánh sáng, sự minh bạch. Trong khi đó quân đội của nhà vua, từ đội sát thủ lẫn đội chiến đấu đều mặc trang phuc đen, hoặc bịt khăn đen, hoặc mặc áo giáp đen, đều mang khiên đen,... tạo nên hình ảnh một sự đen tối, bất chính.

Cuối cùng, tên phim, đạo diễn, diễn viên chính và links: "Curse of the Golden Flower" hoặc "Autumn Remembrance" hoặc "The City of Golden Armor" hoặc "Man cheng jin dai huang jin jia" hoặc "Hoàng Kim Giáp", Trương Nghệ Mưu, Châu Nhuận Phát - Củng Lợi.


Tấn công và thảm sát


Dọn dẹp


Kết thúc