Monday 26 April 2010

Tớ ghét tất cả những ai không thích Trung Quốc!

Mấy hôm trước xảy ra sự kiện BBC & Đỗ Ngọc Bích, thấy bà ta bị phê phán tơi bời vì các luận điểm phi khoa học, phi lịch sử, phi dân tộc của bà ấy, A lại nhớ tới B. Những luận điểm bênh Tàu và câu nói "ghét tất cả những ai không thích Trung Quốc!" của B mà đưa lên BBC thì B còn bị chửi quá bà Bích. Nhưng xét ra, có lẽ B cũng như bà Bích, chỉ vì quá thiếu hiểu biết về lịch sử và chính trị, hay nói phô thì là ngu dốt về chính trị, mà thôi, chứ chắc chẳng tới mức vong bản để gọi là xỉ nhục dân tộc, phản bội tổ quốc, hay là người Tàu... như một số bà con kết tội.



Hôm đó (khoảng tháng 3-4/2009) có hai bạn, A là một du học sinh lâu năm và B là một SV mới sang, ngồi nói chuyện về cuộc sống và kinh nghiệm du học. Con cà con kê một hồi rồi nói tới chuyện quan hệ với bạn bè Trung Quốc thì có mâu thuẫn: A mặc dù có một số bạn bè Trung Quốc và cư xử chân thành với họ (họ cũng tử tế lại) nhưng nhìn chung không thích người Hoa vì đã có kinh nghiệm về những hành vi rất Tàu (bẩn tính và ngạo mạn - nhất là khi nhắc tới Việt Nam, Đài Loan,...) của một số bạn khác, và quan trọng hơn là vì bức xúc với những hành xử trên tầm quốc gia của TQ đối với Việt Nam; còn B, khi ở Việt Nam đã có kinh nghiệm cá nhân và gia đình (trong chuyện làm ăn kinh tế) tốt với người Trung Quốc, và khi sang UK lại có quan hệ rất tốt với một số SV TQ nên thích và tìm cách bênh họ chằm chặp. Hai bên đưa ra các luận điểm của mình được một lúc thì B dõng dạc tuyên bố:

- Tớ ghét tất cả những ai không thích Trung Quốc!

A choáng! Vì chưa từng bao giờ nghe người Việt Nam hay bất cứ nước nào phán một câu như vậy. Kể ra nếu B đã yêu TQ quá thì cũng có thể ghét những ai ghét TQ thật, nhưng ghét cả những ai không thích nước này thì e rằng hơi quá. Thậm chí nếu có người nói ghét Việt Nam và đưa ra các lý do cá nhân thích đáng (ví dụ ghét vì sự hỗn loạn trong giao thông), mình còn chưa thể ghét họ ngay được nữa là... Mặc dù rất bực mình nhưng A vẫn cố gắng bình tĩnh hỏi lại:

- Chắc bạn nói nhầm, phải những ai ghét Trung Quốc bạn mới ghét chứ?

Hỏi vậy để gỡ bớt cho B, mặc dù ngay cả việc ghét người ghét TQ đã là quá đáng cho một người Việt Nam rồi. Tuy nhiên B khẳng định lại rành mạch:

- Không, chỉ cần không thích TQ là tớ đã ghét rồi!

A không nói nên lời mất một lát nhưng rồi nghĩ chỉ là vì B quá thiếu hiểu biết về chính trị, cộng thêm những kinh nghiệm cá nhân tốt với người nước lạ mới ra nông nỗi đó. Còn một điều khác là ông nội B thuộc về lớp người mà A rất kính trọng: Cụ thuộc lớp trí thức đầu tiên của đất nước đã đi qua các chặng đường lịch sử mấy chục năm từ thời cách mạng và có những dấu ấn cá nhân khá lớn trong đó, hiện tại cụ còn có ảnh tại một bảo tàng lớn ở Hà Nội; A từng bảo B rằng việc B có người ông như vậy là rất đáng tự hào. Vì lý do đó, A vẫn từ tốn và tự chủ để tiếp tục đối thoại. Phần cuối cuộc nói chuyện diễn ra theo kiểu:

- A: Không ai phủ nhận giá trị của việc các bạn người TQ tốt với bạn cả. Nhưng bạn ko nên để điều đó che lấp mất cái nhìn tổng thể về đất nước TQ, nhất là trong quan hệ với Việt Nam, hãy nhìn họ bắt bớ ngư dân...

- B: Không, nhìn tổng thể thì TQ là một đất nước yêu hòa bình và rất ổn định.

- A: Sự ổn định của họ chỉ là bề ngoài thôi bởi họ có mâu thuẫn rất lớn nội tại mà ví dụ là chênh lệch phát triển giữa phía Đông và phía Tây... Mà ngay cả bề ngoài cũng chẳng được như vậy, chớ quên họ đánh mình năm 1979 và còn sự kiện Thiên An Môn năm 1986 nữa...

- B: Ưm... nhưng những chuyện đó xa rồi, bây giờ Trung Quốc...

- A: Ừ thì cứ cho là xa đi, thế còn vụ xung đột ở Tây Tạng năm ngoái (2008) thì sao?

- B: Ưm... ưm... cái đó thì... thì...

Cuộc tranh biện chấm dứt tại đó, bởi biết rằng có nhiều chuyện không thể tranh luận đến cùng. A cố nhiên bực mình và B hẳn cũng chả thoải mái gì, cả hai đều biết thế. Tuy nhiên A cũng hy vọng buổi nói chuyện giúp ích cho B. Quả vậy, sau đó một hai ngày, B gửi một message nói đại ý xin lỗi vì "có vẻ như tớ hiểu sai một số điều nào đó". A rất mừng và tình bạn vẫn tiếp tục bình thường.

Tuy nhiên cái bình thường này chỉ kéo dài được vài tháng khi B khăng khăng đòi A không được làm một việc mà B cho rằng có thể làm một người bạn TQ của B phiền lòng! Trong khi đó việc của A vốn rất bình thường, cấp thiết đối với A, và không liên quan tới ai cả - kể cả bạn của B. Ban đầu A ngỡ B nói đùa nên cũng trêu lại, nhưng hóa ra B nghiêm trọng với chuyện đó thật, khiến A dần phát cáu. A tất nhiên không chịu theo đòi hỏi của B, và B quyết định không chơi với A nữa. Từ đó B cũng chẳng còn người bạn Việt Nam nào tại trường cả - vì trước đó A là người duy nhất quan hệ bạn bè thân thiện với B. Cũng từ đó vòng bạn bè của B cũng chỉ còn người TQ vì B vốn cũng không chơi được mấy với người các nước khác.

A rất cáu và thất vọng vì tư duy "vị Tàu, Tàu là nhất" của B tưởng đã vơi bớt sau cái message trước đó, ai dè vẫn còn sống mạnh mẽ đến thế.

Sau này xảy ra vụ xung đột ở Tân Cương (2010), không biết B nghĩ gì về một TQ ổn định?

Gần đây các vụ xua đuổi - bắt bớ - đâm chìm tàu - bắn - đòi tiền chuộc (như cướp biển) của TQ đối với ngư dân Việt Nam xảy ra như cơm bữa, không hiểu B nghĩ gì về một TQ yêu hòa bình?

Tết Âm lịch 2010, B gửi mail và mail group nói rằng tiếc vì không còn ở đó ăn Tết cùng mọi người. Có lẽ B cố tình quên rằng cái Tết trước đó, B đi ăn Tết với SV TQ chứ không hề tham gia cùng SV VN (chuyện ăn Tết này xảy ra trước toàn bộ những nội dung bên trên).

Mấy hôm trước xảy ra sự kiện BBC & Đỗ Ngọc Bích, thấy bà ta bị phê phán tơi bời vì các luận điểm phi khoa học, phi lịch sử, phi dân tộc của bà ấy, A lại nhớ tới B. Những luận điểm bênh Tàu và câu nói "ghét tất cả những ai không thích Trung Quốc!" của B mà đưa lên BBC thì B còn bị chửi quá bà Bích. Nhưng xét ra, có lẽ B cũng như bà Bích, chỉ vì quá thiếu hiểu biết về lịch sử và chính trị, hay nói phô thì là ngu dốt về chính trị, mà thôi, chứ chắc chẳng tới mức vong bản để gọi là xỉ nhục dân tộc, phản bội tổ quốc, hay là người Tàu... như một số bà con kết tội.

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng những người non nớt chính trị tới mức như B và bà Bích rất dễ bị lợi dụng để gây ra các hành động thực sự gây hại cho Tổ quốc, họ có thể bị lợi dụng mà không biết. Và đáng lo hơn rằng phá dễ hơn xây, chỉ một tên Việt gian có thể gây hại cho rất nhiều người Việt bình thường. Hy vọng rằng bà Bích, B và những người có suy nghĩ tương tự có lúc nào đó nghiêm túc nhìn nhận lại các quan điểm của mình để không bị rơi vào cái bẫy chỉ vì ngây thơ và kém hiểu biết.

Cuối cùng, cách BBC xử lý sự kiện Đỗ Ngọc Bích đang làm giảm uy tính của chính họ, điều đó có hại cho cả BBC lẫn bạn đọc. Có lẽ BBC phải tìm một phương án xử lý khác, trước tiên vì chính quyền lợi của mình.