Thursday 3 September 2009

Bộ trưởng Nhân trả lời phỏng vấn - một góc nhìn nữa.

Ngày 31/8/2009, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân tham gia đối thoại trực tuyến trước thềm năm học mới. Buổi đối thoại thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận với khá nhiều câu hỏi, câu trả lời trả lời + bình luận sau phỏng vấn. Các nội dung này có thể xem trên VietnamNet.

Không theo dõi buổi đối thoại nhưng một cái poll trên VietnamNet khiến tôi lưu ý và nhận thấy một số điều thú vị. Các hình ảnh và số liệu dưới đây được chụp màn hình VietnamNet vào lúc 8h45' tối 3/9/2009.

Thứ nhất, về chất lượng trả lời trực tuyến:


Có tới trên 80% người bầu cho rằng câu trả lời chưa đi thẳng vào vấn đề, dưới 10% cho rằng nội dung trả lời là thẳng thắn và trên 10% cho rằng trả lời được. Về tổng thể mà nói thì chất lượng trả lời như thế là rất kém!

Về thời lượng đối thoại:


Vừa trên 50% ý kiến thấy 4 giờ đồng hồ là chấp nhận được nhưng cũng có tới trên 35% còn nhiều điều muốn được trao đổi nên cho rằng thời gian thế là quá ngắn, chỉ trên 10% cho là quá dài. Công bằng mà nói thì 4 giờ làm việc liên tục trong một buổi là đủ rồi vì mọi người còn phải nghỉ ngơi, ăn uống và làm các công việc khác. Tuy nhiên con số trên 35% còn muốn trao đổi nhiều nữa có thể coi như một chỉ dấu đáng mừng là người Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề giáo dục.

Bàn về tần suất tổ chức trả lời trực tuyến kiểu này:


Không có ý kiến nào chiếm quá bán nhưng đa số (45.59%) muốn tổ chức mỗi tháng một lần. Nhóm ý kiến này hỗ trợ nhận định nêu trên về mức độ quan tâm của người dân đối với giáo dục. Nhưng my ghosh (!!!), mỗi tháng đối thoại 1 lần thì lấy đâu thời gian cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trường BGD làm các việc khác nữa!! Để có một buổi thế này cũng mất ít nhất 1-2 tuần chuẩn bị thông tin, số liệu, dự trù câu hỏi và câu trả lời, lại còn phải sắp xếp cơ sở kỹ thuật, bố trí các cán bộ trợ giúp, vv và vv. Ngoài ra còn hội phụ huynh, ban giám hiệu các trường, các Vụ, khoa, phòng ban chuyên trách ở Bộ, các Sở, phòng, trung tâm giáo dục ở địa phương,... cũng nên được tiếp cận chứ. Cái gì cũng lôi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng vào làm sao được? Trong phần còn lại, xấp xỉ 35% mong muốn tổ chức trao đổi khi có sự kiện hay vấn đề mà công chúng quan tâm đột xuất xảy ra và gần 20% hy vọng mỗi năm được một lần đối thoại với người đứng đầu ngành giáo dục. Kể ra hai luồng ý kiến này đều có lý nhất định nhưng thiết nghĩ tầm của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng có lẽ cần phải làm việc ở mức vĩ mô như Quốc hội. Các dư luận, ý kiến xã hội thế này cũng hết sức quan trọng nhưng có lẽ phải biết cách tận dụng các cơ chế trong bộ máy nhà nước để đưa lên Lãnh đạo cấp cao thì hợp lý hơn. Cũng đáng lưu ý rằng việc người dân muốn trực tiếp đối thoại với lãnh đạo cấp cao như thế này có thể là một chỉ dấu cho thấy sự thiếu hiệu quả của các thiết chế cấp dưới dẫn tới thiếu lòng tin ở mức độ nào đó của nhân dân.

Về phương tiện đối thoại:


Tuyệt đại đa số người bỏ phiếu (82.38%) muốn rằng cuộc đối thoại được tổ chức cùng lúc trên nhiều phương tiện. Chưa tới 10% thấy Cổng thông tin Chính phủ (đơn vị tổ chức buổi đối thoại này) là đủ và hợp. Chỉ trên 5% tin rằng Báo Giáo dục Thời đại và các phương tiện truyền thông khác của ngành giáo dục là môi trường tốt cho đối thoại kiểu này và gần 3% muốn tổ chức trên các tờ báo khác. Mấy con số này cho thấy trước hết dường như Báo GD & TĐ và các phương tiện truyền thông của ngành giáo dục ít được công chúng rộng rãi biết tới. Số ít ỏi bầu cho "Các tờ báo khác" có lẽ giải thích được bằng cách nghĩ: Đã làm trên các tờ báo khác thì làm một lúc trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng cho xong. Luận điểm này giải thích sự chênh lệch quá cao giữa hai lựa chọn về nội dung không khác nhau nhiều đến thế.

Kết luận: Sự quan tâm đối với giáo dục có vẻ đã đến mức hết sức bức thiết thể hiện qua điểm mặc dù nhận thấy chất lượng trả lời rất thấp, người trả lời né tránh đi thẳng vào câu hỏi nhưng người dân vẫm mong muốn tiếp tục được đối thoại, đối thoại lâu hơn, với nhiều loại hình hơn nữa. Việc muốn đối thoại trực tiếp với Lãnh đạo cấp cao như thế một phần thể hiện sự thiếu hụt trong giao lưu giữa dân và các cấp Lãnh đạo thấp hơn - đây cũng là một điều đáng lưu ý để khắc phục.

Cuối cùng, thế mới thấy công khai, minh bạch được người dân như thế nào.