Monday 2 August 2010

"Từ ngữ địa phương" của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng

Ở cuối bài viết "Đường sắt cao tốc: Chính phủ - Quốc hội không 'lệch pha'" đăng trên VietnamNet ngày 20/7/2010, trước phản ứng chưa hài lòng của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Lê Quang Bình về cách nói, phong thái, ngôn ngữ của PTT Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải thích: "Tôi không muốn bênh vực Phó Thủ tướng nhưng đó cũng là cách dùng các từ ngữ địa phương".

Nội dung khiến ông Bình chưa hài lòng với PTT được link tới là bài "Phó Thủ tướng: Không thể không làm đường sắt cao tốc" cũng đăng trên VietnamNet, ngày 12/6. Tôi đọc lại bài viết đó và không thấy có chỗ nào phong thái, ngôn ngữ của PTT thuộc về phạm trù "từ ngữ địa phương" cả. Bù lại, tôi phát hiện ra một điểm khá thú vị trong phát biểu ông. Trích bài viết:
Theo Phó Thủ tướng, GDP năm nay chỉ có 106 tỷ USD. Nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD. Năm 2030 700 tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 - 1,4 nghìn tỷ. Đến 2050, khi hoàn thành toàn tuyến, GDP sẽ tăng gấp đôi.

Phó Thủ tướng phấn khởi: "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng 6.000, lên 12.000 và sẽ đạt 20.000 năm 2050".
Vậy là PTT đưa ra các dự báo kinh tế vĩ mô theo khoảng 10 năm một cho 40 năm tới và căn cứ vào đó để thuyết phục QH thông qua đại dự án ĐSCT trị giá 56 tỷ USD. Tôi chia GDP tại mỗi điểm mốc cho thu nhập bình quân đầu người tương ứng để ra dân số quốc gia mà PTT dự kiến, theo đó ta có bảng sau:

Năm
GDP
(tỷ USD)
Thu nhập
bình quân (USD)
Dân số
(triệu người)
2010
106
1200
88,33
2020
300
3000
100,00
2030
700
6000
116,67
2040
1,300
12,000
108,33
2050
2,600
20,000
130,00

Về GDP năm 2040, PTT ước đoán cỡ 1,2-1,4 tỷ USD, tôi lấy con số trung bình là 1,3 tỷ. Tôi giả sử trong mỗi khoảng 10 năm, tốc độ tăng GDP, tăng thu nhập bình quân đầu người và tăng dân số là cố định. Ví dụ tốc độ tăng GDP mỗi năm cho giai đoạn 2010 - 2020 là x, ta có:

106*(1+x)^10 = 300

Từ đó suy ra x xấp xỉ 0.1096 tức 10.96%. Một cách tương tự có thể dễ dàng tính ra các con số khác. Tôi tổng kết các con số đó vào bảng thứ hai dưới đây:

Giai đoạn
Tốc độ tăng GDP (%)
Tốc độ tăng thu nhập bình quân (%)
Tốc độ tăng dân số (%)
2010 – 2020
10,96
9,60
1,29
2020 – 2030
8,84
7,18
1,58
2030 – 2040
6,39
7,18
-0,80
2040 – 2050
7,18
5,24
1,87

Như vậy PTT dự doán trong vòng 10 năm tới, mỗi năm GDP sẽ tăng gần 11%/năm, tức là ở mức cao hàng đầu thế giới, trong các khoảng 10 năm tiếp theo sẽ là 9.84%/năm, 6.39%/năm và 7.18%/năm - đều là các con số rất cao so với thế giới và cao so với chính Việt Nam.

Lưu ý rằng trong nhiều năm trở lại đây chỉ trung quốc là  nước duy trì được tỷ lệ tăng trưởng GDP ở mức trên dưới 10%/năm trong nhiều năm liền với thực tế họ là "công xưởng của thế giới" với mức thu hút đầu tư nước ngoài khổng lồ trên đủ mọi lĩnh vực, từ sản xuất hàng tiêu dùng tới đồ xa xỉ và công nghệ cao. Thêm vào đó, đã có nhiều lo ngại cả từ nước ngoài lẫn trong nội tại trung quốc về hậu quả của việc tăng trưởng quá nóng, ví dụ áp lực về làm phát, bong bóng BĐS, hay chênh lệch giàu nghèo,...

Việt Nam ta trong những năm vừa qua cũng thuộc nhóm những nước có tốc độ tăng GDP vào hàng cao của thế giới nhưng trung bình ra cũng mới chỉ đạt 6-8%/năm. Tốc độ tăng trưởng cao vừa qua một phần lớn là nhờ xuất khẩu tài nguyên, xuất khẩu nông thủy sản và hàng may mặc, viện trợ lãi suất thấp giành cho nước kém phát triển và một phần rất quan trọng là xuất phát điểm của ta quá thấp. Hiện nay đã bắt đầu có lo lắng về sự cạn kiệt tài nguyên, ví dụ than đá - vốn là nguồn tài nguyên ta rất giàu, giờ đã phải tính đến chuyện nhập khẩu! Về xuất khẩu nông thủy sản và đồ may mặc, trong mấy năm vừa qua ta liên tục gặp khó khăn do bị kiện bán phá giá ở rất nhiều nơi, ví dụ cá, tôm ở thị trường Mỹ, giày da ở Italia,... Một thực tế khác là do thu nhập bình quân đầu người đã vượt mức 1000USD/năm nên ta không còn được xếp vào hạng nước nghèo, không còn được hưởng viện trợ với lãi suất ưu đãi như trước nữa. Đó là chưa kể tới một phần lớn viện trợ và nguồn lực tài chính quốc gia đổ vào các dự án kiểu Đại lộ Đông - Tây, các công ty kiểu PMU 18 hay Vinasin thì hậu quả của nó đang khiến cả xã hội lo lắng. Ngoài ra, xuất phát điểm thấp nên những bước đầu tăng trưởng nhanh được, còn khi đã khá lên thì khó mà duy trì tốc độ cao như vậy. Nó cũng như chuyện "vượt bậc" trong sách tập đọc lớp 1, 2 gì đó: Một cậu bé xếp thứ 20, trong 1 học kỳ vượt tới 10 bậc để xếp thứ 10 trong lớp, trong khi 2 người anh em họ của cậu chỉ vượt 1 bậc và 0 bậc bởi họ vốn sếp thứ 2 và thứ 1 mất rồi. Dễ thấy ở các nước phát triển, tỷ lệ tăng GDP trung bình rất thấp, ví dụ kinh tế UK từ tháng 4 đến tháng 6 tăng trung bình 1.1% mà đã được đánh giá là bước nhảy cao hơn mong muốn! Cuối cùng, phát triển kinh tế trong bối cảnh hòa nhập quốc tế bây giờ việc đưa ra dự đoán dài hạn là rất khó do chỉ cần một khủng hoảng ở nước nào đó là ta có thể lãnh hậu quả ngay lập tức!

Xem xét các yếu tố trên và hết sức băn khoăn không hiểu PTT căn cứ vào đâu để đưa ra con số tới gần 11%/năm cho cả 10 năm tới, rồi những con số rất cao cho 30 năm tiếp sau đó như vậy?

Tiếp theo, nếu quan sát cột tốc độ tăng dân số, ta sẽ thấy PTT dự báo dân số tăng 1.29%/năm trong 10 năm tới, 1.58% trong 10 năm tiếp theo, để đột ngột GIẢM 0,8%/năm trong giai đoạn 2030 - 2040, sau đó chuyển sang tăng tới 1.87%/năm cho 10 năm sau đó!!!

Thế này thì bó tay: Giảm dân số liên tục trong vòng 10 năm, trong khi 10 năm trước và 10 năm sau đó dân số tăng ở mức khá cao! Đây là điều không thể nào tin được, không hiểu PTT dựa vào cái gì để đưa ra dự báo không có chút logic nào như thế này?

Quay lại với sự không hài lòng của ĐB Lê Quang Bình, thiết nghĩ nếu PTT đơn thuần gây bức xúc chỉ vì cách dùng từ địa phương thì cũng chẳng có gì to tát lắm, miễn sao các luận điểm ông đưa ra xác đáng, hợp logic, có tính thuyết phục cao, để ĐBQH và người dân tin phục. Nhưng việc đưa ra các con số mơ hồ, phi thực tế, phi logic, thiếu căn cứ như phân tích ở trên thì e rằng dù PTT có dùng lời lẽ êm ái, thân thiện đến mấy cũng khó có thể coi là tôn trọng ĐB cho được.

Trong bối cảnh đó thì phong thái kiểu:
Ngồi trên, Phó Thủ tướng bật cười: "Thủ tướng đã phê bình EVN, chả nuông chiều tý nào đâu".
khi mấy lượt đại biểu truyền đạt bức xúc và nỗi khổ của người dân khi mất điện thì việc không được lòng đại biểu cũng chẳng có gì quá đáng. Nụ cười thường tạo thiện cảm, nhưng cái "bật cười" này dễ tạo cho người nghe cảm giác bị coi thường.

Lang thang đọc thêm về PTT Nguyễn Sinh Hùng, hóa ra ông chính là người khuyên dân mua cổ phiếu khoảng đầu năm 2008 mà sau đó TTCK liên tục thủng hết đáy nọ tới đáy kia và tới giờ vẫn chưa quay lại nổi cái thời PTT khuyên mua.

Biết là TTCK rất khó dự báo, không thể chắc thắng (vì nếu chắc thế thì ai cũng giàu rồi còn đâu) nên dẫn lại chuyện này ở đây không phải để chê PTT mà để minh họa cho cái ý dự báo kinh tế quốc gia (mà TTCK mới là 1 thành tố) là vô cùng khó khăn, không thể tính quá dài, nhất là khi cứ tính theo hướng lạc quan. Là một người đứng đầu, lãnh đạo nền kinh tế cả nước, mong rằng từ nay về sau PTT sẽ cẩn trọng hơn, đừng đưa ra dự báo vô tội vạ và vô lý đùng đùng nữa. Làm được như vậy PTT sẽ được dân tin, dân yêu, dễ thôi!!!